MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Xương sống" là bán lẻ điện thoại, tại sao Thế Giới Di Động tính đường mở bách hóa làm ngành chủ lực, còn FPT Shop bán thêm phụ kiện, dược phẩm?

02-05-2019 - 10:48 AM | Doanh nghiệp

Cùng đi lên từ bán lẻ điện thoại nhưng đến giờ, hướng đi tương lai của hai ông lớn đã có sự khác nhau rõ nét.

Tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức vào tháng 3 vừa qua, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc FPT Retail, đơn vị sở hữu FPT Shop, cho biết chuỗi nhà thuốc Long Châu của họ được dự đoán sẽ lỗ khoảng 20 tỷ đồng trong năm 2019. Sang đến 2020 chuỗi dược phẩm này sẽ hòa vốn và phải tới 2021 mới mang lại những đồng lợi nhuận đầu tiên.

Tuy nhiên, theo kế hoạch, FPT Retail vẫn mở thêm hàng trăm cửa hàng thuốc vào các năm tiếp theo trong khi chuỗi FPT Shop, mảng kinh doanh chủ lực hiện nay, sẽ dừng mở mới hoàn toàn sau năm 2019.

Vài ngày trước đó, tại Đại hội cổ đông của Thế Giới Di Động (TGDĐ), ông Nguyễn Đức Tài cũng có động thái tương tự khi công bố sẽ tập trung phát triển chuỗi Bách Hóa Xanh, hút khách trực tiếp từ chợ truyền thống dù mảng này đang chỉ chiếm 5% doanh thu toàn hệ thống.

Nguyên nhân của cả 2 sự chuyển hướng trên được lý giải là do thị trường điện thoại đã bước vào giai đoạn bão hoà, buộc các ông lớn trong ngành phải tìm hướng đi mới nếu muốn duy trì đà tăng trưởng.

Xương sống là bán lẻ điện thoại, tại sao Thế Giới Di Động tính đường mở bách hóa làm ngành chủ lực, còn FPT Shop bán thêm phụ kiện, dược phẩm? - Ảnh 1.

Khi người dùng không còn háo hức chờ đợi siêu phẩm

Theo dự đoán của GfK trong 2019, thị trường di động tại Việt Nam sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 1%, thấp nhất từ trước đến nay.

Chính ông Nguyễn Đức Tài cũng phải thừa nhận đã qua rồi thời mọi người xếp hàng háo hức mua một chiếc điện thoại "siêu phẩm". "Bản thân tôi đang xài một chiếc điện thoại cũ, chiếc điện thoại vẫn tốt và thấy không có lý do gì để đổi nó", ông Tài nói.

Ví dụ ông Tài đưa ra phần nào phản ánh tâm lý chung của người tiêu dùng Việt hiện nay: Mua điện thoại mới vì thực sự cần chứ không chỉ vì thích hay mua để trải nghiệm.

Từ năm 2018, ban lãnh đạo TGDĐ đã hạn chế việc mở rộng chuỗi cửa hàng điện thoại. Nếu như thời điểm 2015-2016, TGDĐ đạt tốc độ 2 ngày mở ra 3 cửa hàng mới, thì năm 2018 gần như không hướng đến mở mới. Thậm chí đến cuối năm, TGDĐ có 1.032 cửa hàng, giảm 40 cửa hàng so với năm trước do chuyển đổi sang mô hình Điện Máy Xanh mini.

Dù vẫn duy trì hoạt động mở mới cửa hàng điện thoại tới hết năm 2019,nhưng phía FPT Shop cũng sớm nhận ra những động thái bão hòa của thị trường. Bà Nguyễn Bạch Điệp thừa nhận, với mẫu điện thoại từng được ưa chuộng như iPhone, kết quả kinh doanh của 2018 khá ảm đạm.

Phía FPT Retails không mở thêm bất cứ F-Studio nào và cũng không nói nhiều đến mảng này trong bảng Báo cáo với đại hội cổ đông năm nay vì doanh thu không được như kỳ vọng.

"Tất nhiên, không thể có chuyện mô hình kinh doanh nào đó có thể giúp doanh nghiệp tăng trưởng mãi được, sau vài năm nữa, thị trường cũng sẽ bão hòa nếu như không có một công nghệ gì mới đột phá, giống như iPhone đã làm được cách đây nhiều năm, với cuộc cách mạng chuyển từ nút bấm cơ học sang công nghệ màn hình cảm ứng. Tức là, nếu ngành smartphone không tạo ra thêm bất cứ công nghệ gì quá khác biệt thì người tiêu dùng sẽ không có nhu cầu đổi máy nhiều nữa".

"Là một doanh nghiệp chuyên về bán lẻ, chúng tôi hiểu rằng, khi chiếm thị phần một ngành hàng đến một mức nào đó, sẽ không còn chỗ cho chúng ta tăng trưởng nữa và bắt buộc phải chuyển sang ngành nghề mới", bà Điệp nhấn mạnh.

Xương sống là bán lẻ điện thoại, tại sao Thế Giới Di Động tính đường mở bách hóa làm ngành chủ lực, còn FPT Shop bán thêm phụ kiện, dược phẩm? - Ảnh 2.

Mảng cũ bão hoà, mảng mới chưa "lớn", hai ông lớn tìm đủ mọi cách để giải bài toán doanh thu

Không mở thêm cửa hàng điện thoại mới, ông Nguyễn Đức Tài chủ trương tăng doanh thu bằng cách "bán các mặt hàng chưa từng bán", ví dụ các đồ gia dụng như bát đũa, cốc uống nước, nồi, chảo,… Từ tháng 3, chuỗi này cũng thử nghiệm mô hình "shop in shop" kinh doanh mặt hàng mới là đồng hồ (cửa hàng đồng hồ trong siêu thị TGDĐ và dự kiến có mặt ở Điện Máy Xanh).

Trong khi đó, FPT Shop nhắm vào ngành hàng phụ kiện để gia tăng lợi nhuận. Công ty sẽ nhập khẩu phụ kiện trực tiếp từ nhà sản xuất, không qua các khâu trung gian, để có được lợi nhuận cao nhất nhưng giá thành lại giảm so với trước.

"Khách hàng sẽ được mua phụ kiện với giá rẻ hơn nhưng FPT Shop lại lời hơn khoảng 10% so với trước đây", bà Điệp phân tích.

Trong năm nay, FPT Shop cũng đi theo những hướng trước đây của TGDĐ, đẩy mạnh các mảng bán thẻ cào, SIM số; đóng tiền điện, nước; đóng tiền trả góp,... Mặc dù mảng này không mang lại doanh thu cao nhưng sẽ thu hút khách đến với cửa hàng. Một khi khách bước chân vào, có khả năng họ sẽ mua thêm những sản phẩm khác.

"Nếu chỉ đến cửa hàng mua điện thoại thì một vài năm một khách hàng mới quay trở lại, nhưng để đóng tiền điện nước thì họ sẽ đến hàng tháng", bà Điệp cho biết.


Theo Nhật Anh (tổng hợp)

Trí thức trẻ

Trở lên trên