Yahoo: Từ công ty suýt mua Google đến cái tên bị quên lãng
Việc quá tự tin vào bản thân cũng như chậm chạp trong việc đổi mới công nghệ đã khiến cho Yahoo đánh mất thị phần trong những mảng kinh doanh thế mạnh, để rồi giờ đây Google và Facebook mới là những doanh nghiệp công nghệ mà người ta nhắc đến.
Đầu những năm 2000 của thế kỷ 21, thời kỳ mà Internet bắt đầu phát triển, những người trẻ trên toàn thế giới liên lạc với nhau qua một phần mềm có biểu tượng hình mặt cười độc đáo. Phần mềm ấy giúp họ có thể chia sẻ những câu chuyện, hình ảnh và cảm xúc tại bất kỳ đâu mà không cần phải ở gần với đối tượng; nó đã trở thành biểu tượng của của giới trẻ thời kỳ này. Là chủ sở hữu của chương trình “chat” nổi tiếng ấy và cả công cụ tìm kiếm phổ biến nhất lúc bấy giờ, Yahoo đã xây dựng một thành trì vững chắc tưởng như không gì có thể phá bỏ. Thế nhưng việc quá tự tin vào bản thân cũng như chậm chạp trong việc đổi mới công nghệ đã khiến cho công ty này đánh mất thị phần trong những mảng kinh doanh thế mạnh, để rồi giờ đây thay vì cái tên Yahoo, Google và Facebook mới là những doanh nghiệp công nghệ mà người ta nhắc đến.
Những ngày đầu năm 1994, hai sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật điện tại Đại học Stanford, Jerry Yang và David Filo đã tạo ra một trang web với tên gọi "Hướng dẫn của Jerry và David về World Wide Web". Khác với những công cụ tìm kiếm mà chúng ta thường thấy ngày nay, trang web này như một thư mục lớn chứa đường dẫn tới cái website khác và được tổ chức theo một hệ thống phân cấp với các chủ đề khác nhau. Nó cho phép người dùng truy cập các website khác nhau theo chủ đề mong muốn dựa trên những thư mục có sẵn, đem lại sự tiện lợi trong việc tìm kiếm.
Tới năm 1995, trang web chính thức đổi tên thành Yahoo - viết tắt của từ "Yet Another Hierarchically Organized Oracle", thể hiện cấu trúc phân cấp và sự sáng tạo của hai nhà sáng lập. Cũng trong năm này, công cụ Yahoo Search! được ra đời giúp cho người dùng dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm các trang web tại thư mục thuộc website của công ty. Yahoo nhanh chóng trở thành công cụ tìm kiếm phổ biến hàng đầu trên thế giới, góp phần vào sự phát triển và độ phổ biến của Internet.
Đến đầu năm 1998, Yahoo đã thêm các tính năng về email, mua sắm, rao vặt, cá nhân, trò chơi, du lịch, thời tiết, bản đồ, tìm kiếm người, trò chuyện với người nổi tiếng và một tạp chí trực tuyến vào trang tìm kiếm của mình. Trước thời điểm năm này, công ty cạnh tranh gay gắt với các cổng tìm kiếm khác như Excite, InfoSeek và Lycos để chiếm lĩnh thị phần tìm kiếm và quảng cáo trên internet vào thời điểm này. Bằng những phương pháp hợp lý và tích hợp nhiều ứng dụng thú vị vào trang web của mình, công ty nhanh chóng chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường khi có 95 triệu lượt truy cập mỗi ngày, cao gấp ba lần đối thủ Excite.
Yahoo đã thêm rất nhiều tính năng vào trang tìm kiếm của mình (Ảnh: Yahoo)
Trong các ứng dụng được phát triển bởi Yahoo, Messenger có lẽ là phần mềm để lại nhiều ấn tượng nhất. Phần mềm có biểu tượng là hình mặt cười này cung cấp các dịch vụ nhắn tin, webcam, truyền tệp dữ liệu… Đây là tất cả những gì người sử dụng cần để có thể tới gần với nhau hơn chỉ thông qua màn hình máy tính. Tới tháng 8 năm 2000, Yahoo Messenger có 10.6 triệu người dùng tại Mỹ; 6 năm sau, con số này lên tới 22 triệu. Tại Việt Nam, đây chính là phần mềm nhắn tin nổi tiếng nhất trong những năm đầu thế kỷ 21, khi Internet bắt đầu trở nên phổ biến ở nước ta.
Phần mềm "chat" nổi tiếng một thời Yahoo Messenger (Ảnh: Yahoo)
Với sự thành công nhanh chóng, Yahoo thực hiện thương vụ IPO của mình vào tháng 6/ 1998 và giá trị cổ phần của công ty đã tăng tới 600% trong vòng 2 năm. Giá cổ phiếu của công ty tăng vọt trong thời kỳ bong bóng dot-com, đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại là 118,75 USD / cổ phiếu vào ngày 3 tháng 1 năm 2000.
Mặc dù thành công như vậy, song thực tế hướng đi của Yahoo lúc này lại tương đối mờ mịt. Công cụ tìm kiếm của họ thực chất chỉ hoạt động trong giới hạn của các chỉ mục thuộc trang web của mình; Yahoo đã không tập trung phát triển công cụ tìm kiếm của riêng công ty để mở rộng hướng đi mà phụ thuộc vào Google. Kể từ năm 2000, Yahoo đã sử dụng các công cụ tìm kiếm được phát triển bởi Google cho những dịch vụ của mình. Mặc dù vậy, công ty đã bỏ lỡ cơ hội mua lại Google đến hai lần: lần đầu tiên vào năm 1998 khi những người đứng đầu của Yahoo tỏ ra không mấy hứng thú với các công nghệ được phát triển bởi Larry Page và Sergey Brin. Dù mức giá mua lại thuật toán được phát triển bởi hai nhà sáng lập của Google chỉ đáng giá 1 triệu USD, nhưng Yahoo đã thẳng thừng từ chối. Lần thứ hai là vào năm 2002, khi Yahoo từ chối mua lại Google với giá 3 tỷ USD vì cho rằng đây là mức giá quá cao, mặc dù họ đã mua lại Geocities và Broadcast.com vào năm 1999 với giá lần lượt là 3,6 tỷ USD và 5,7 tỷ USD!
Mặc dù không tập trung phát triển công cụ tìm kiếm riêng của mình, nhưng Yahoo lại 2 lần bỏ qua cơ hội mua Google với giá rẻ (Ảnh: Google)
Các thương vụ mua lại của Yahoo hầu hết đều thất bại. Đáng chú ý nhất là việc mua trang web Geocities từ ông chủ câu lạc bộ bóng rổ Dallas Mavericks, Mark Cuban tiêu tốn hàng tỷ USD nhưng hầu như không đem lại lợi ích cho công ty. Tới năm 2009, tức 10 năm sau khi mua website này, Yahoo đã cho khai tử nó một cách tương đối thầm lặng.
Năm 2001, bong bóng dot - com đã vỡ tan tại Mỹ, kéo theo giá cổ phiếu của hàng loạt công ty công nghệ sụt giảm không phanh. Tới tháng 9 cùng năm, cổ phiếu Yahoo rơi từ mức gần 119 USD chỉ còn 8,11 USD, tức giảm tới 15 lần; việc kinh doanh của công ty bắt đầu gặp khó khăn trước sự cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp cùng ngành.
Trong khi các đối thủ như Google liên tục đổi mới với những công nghệ và thuật toán, thì Yahoo vẫn dậm chân tại chỗ. Google Search dần trở nên phổ biến hơn và chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường tìm kiếm trên Internet; Gmail cũng thay thế Yahoo Mail để trở thành ứng dụng email có nhiều người sử dụng nhất. Bên cạnh đó, Yahoo cũng chậm chạp trong việc cập nhật ứng dụng Yahoo Messenger và mất gần như toàn bộ thị phần của mảng tin nhắn vào tay Facebook. Thêm nữa, công ty cũng khai tử Blog 360, một trang mạng xã hội rất được ưa thích thời bấy giờ càng làm người dùng xa cách Yahoo hơn; lần lượt Facebook và Twitter nổi lên, đánh bật hoàn toàn thương hiệu Yahoo ra khỏi mạng xã hội.
Yahoo bắt đầu rơi vào một cuộc khủng hoảng lớn kể từ năm 2008, sau khi họ từ chối lời đề nghị bán mình trị giá 44,6 tỷ USD của Microsoft. Đến năm 2011, Yahoo có giá trị vốn hóa thị trường là 22,24 tỷ USD (tức chỉ bằng một nửa so với lời đề nghị của Microsoft ba năm trước đó). Trong giai đoạn khó khăn này, công ty đã bổ nhiệm bà Marissa Meyer và mua lại Tumblr với giá 1,1 tỷ USD nhằm vực dậy công ty. Thời gian đầu, việc cải cách tỏ ra có phần hiệu quả khi giá cổ phiếu Yahoo đạt mức khoảng 35 đô la vào tháng 11 năm 2013, mức giá cao nhất kể từ năm 2008 của họ.
Giá cổ phiếu Yahoo đã tăng trong giai đoạn đầu bà Meyer trở thành CEO của công ty (Ảnh: Atlas)
Tuy nhiên việc kinh doanh của công ty ngày một đi xuống: Tới quý 1 năm 2013, lần đầu tiên doanh thu của hãng rơi xuống dưới 1.200 triệu USD sau nhiều năm. Vào ngày 25 tháng 7 năm 2016, Verizon Communications thông báo rằng họ đã đồng ý mua lại mảng kinh doanh cốt lõi của Yahoo với giá 4,83 tỷ USD, chỉ bằng 1/10 so với lời đề nghị 8 năm trước đó từ Microsoft cho thấy thương hiệu của Yahoo đã suy yếu thảm hại đến mức như thế nào. Phần còn lại không được Verizon mua đổi tên thành Altaba và hoạt động riêng lẻ. Cổ phiếu Yahoo bị hủy niêm yết vào tháng 6/ 2017, chấm dứt chuỗi ngày dài chìm trong thất vọng; bà Marissa Meyer cũng không còn là CEO của hãng sau thương vụ sáp nhập vào Verizon.
Doanh thu Yahoo sụt giảm mạnh kể từ năm 2007 (Ảnh: Global Economic Intersection)
Hiện nay, Yahoo vẫn được nhiều người biết đến khi là trang web được truy cập nhiều thứ 10 trên toàn cầu. Trang web về tài chính của công ty là Yahoo Finance vẫn là địa chỉ tin cậy cho nhiều nhà đầu tư trên toàn thế giới. Yahoo hiện vẫn đang tạo ra được doanh thu 1,33 tỷ USD vào năm 2019 nhờ vào các dịch vụ cung cấp qua Yahoo Finance và các quảng cáo trên website của công ty. Dù vậy, nhìn vào quá khứ hào hùng của mình với giá trị từng được Microsoft cho là vượt qua 40 tỷ USD, vẫn có chút gì tiếc nuối đối với Yahoo - thần tượng một thời của giới trẻ trên thế giới và Việt Nam.