YBM và tham vọng dẫn đầu
Tại Việt Nam, Công ty CP khoáng sản công nghiệp Yên Bái (YBM) hiện đang là thương hiệu hàng đầu của Việt Nam về bột đá trắng siêu mịn Canxi cacbonat. Nhưng với tham vọng vươn xa hơn, YBM đang từng bước khẳng định thương hiệu trên trường quốc tế.
Sinh ra từ “tro tàn”
Anh Nguyễn Tiến Dũng - Thành viên HĐQT, TGĐ Công ty CP Khoáng sản Công nghiệp Yên Bái.
CEO Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Nhìn vào tầm vóc và quy mô của YBM hiện nay, ít người biết rằng doanh nghiệp được xây dựng trong giai đoạn vô cùng khó khăn. Chúng tôi vẫn nói đùa với nhau là YBM được sinh ra từ “tro tàn”. Đó là lúc chúng tôi trên bờ vực phá sản.
Công ty đang trên bờ vực phá sản lúc đó là Công ty CP Khoáng sản Công nghiệp Miền Bắc - chuyên khai thác và chế biến bột Talc (chất phụ gia quan trọng trong ngành sản xuất mỹ phẩm, sơn, nhựa…). Năm 2008 – 2009, doanh nghiệp luôn đạt mức lợi nhuận “khủng”, doanh thu hàng năm lên tới 70 đến 80 tỷ đồng.
“Thời điểm kinh doanh thuận lợi, chúng tôi tập trung hoàn toàn vào sản xuất và chế biến Talc, còn phần khai thác, chúng tôi thuê thầu phụ. Năm 2010, khi thấy kết quả kinh doanh khả quan, HĐQT họp lại và quyết định đầu tư máy móc để tự khai thác. Đây là khởi đầu cho những thất bại liên tiếp xảy ra sau đó.”
Việc đầu tư xây dựng cơ bản mỏ đòi hỏi chi phí rất lớn. Phải làm đường, kho mìn, tái định cư những hộ dân xung quanh mỏ,… Vì vậy, Công ty phải vay thêm vốn ngân hàng. Tuy nhiên, khai thác mỏ đầu tiên tại Hoà Bình, trữ lượng không được như mong muốn, chất lượng Talc kém dần đi. Công ty chuyển khai thác mỏ thứ hai, thứ ba, nhưng kịch bản cũ lại lặp lại.
Lúc này, các cổ đông nản lòng, bán tháo cổ phần. 400 nhân viên hầu như ngồi chơi. Doanh nghiệp nợ chồng nợ, nợ lương nhân viên, nợ ngân hàng. Một mình anh Dũng phải chèo chống để duy trì hoạt động của doanh nghiệp.
Ngay khi thuyết phục được nhựa Châu Âu vào cuộc để hỗ trợ tài chính, anh Dũng đã cùng các anh em xuôi Nam, ngược Bắc tìm các mỏ tiềm năng để khai thác.
“Lúc đó, áp lực lớn nhất là phải trả lương cho anh em. Một lần dừng chân ở Yên Bái, mình nhận ra ở đây người ta khai thác đá trắng, nhưng chỉ lấy đá khối. Còn phần đá nhỏ, đá vụn được bán với giá rất rẻ. Lúc đó Nhựa Châu Âu đang phải nhập nguồn nguyên liệu bột đá trắng rất lớn để sản xuất hạt nhựa. Mình nhìn thấy cơ hội nên quyết định làm đề án để thuyết phục HĐQT xây nhà máy sản xuất và chế biến đá đầu tiên. Công ty YBM cũng ra đời từ đó, năm 2015.”
Anh Dũng đặt mục tiêu lợi nhuận của YBM trong năm đầu tiên đạt 7 tỷ đồng. Kế hoạch năm đầu tiên có một nhà máy, sau 3 năm sẽ phát triển thành 3 nhà máy.
Vươn mình lên Top
“Thời gian đầu, để tiết kiệm tối đa chi phí, mình phải xắn tay vào từng việc. Anh em vẫn nói vui với nhau khi nhớ về giai đoạn đó là: lúc nào cũng thấy ông CEO cởi trần, quần lửng đốc thúc anh em (cười). Nhưng thời điểm đó, mình mà trùng xuống thì cả tập thể sẽ rất dễ xuống tinh thần.
Có lẽ vì sinh ra từ “tro tàn” nên YBM được rút kinh nghiệm rất nhiều về quản trị, khai thác, chế biến cũng như đầu tư công nghệ, kỹ thuật. Không mất thời gian “chạy roda”, doanh nghiệp nhanh chóng phát triển vượt bậc, chỉ năm đầu tiên đã đầu tư 4 nhà máy, doanh số 90 tỷ đồng. Không dừng ở đó, năm thứ hai doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn, đạt doanh số 200 tỷ đồng, lợi nhuận 30 tỷ gấp đôi năm đầu tiên.
“Khi YBM đạt được những con số ấn tượng đó, nhiều người cho rằng doanh nghiệp đã thành công vượt bậc. Tuy nhiên, tập thể YBM kỳ vọng nhiều hơn. Chúng tôi tham vọng sẽ vào top dẫn đầu và từng bước vươn lên số 1. Ngày hôm nay, chúng tôi đã chạm mốc đầu tiên, là doanh nghiệp số 1 Việt Nam về sản xuất và tiêu thụ bột đá. Mốc tiếp theo của YBM sẽ là top thế giới.”
Mới đây, anh Dũng cũng chia sẻ câu chuyện của mình trên “Những câu chuyện thật” của CEO – Chìa khoá thành công trên VTV1 (Chương trình do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Hoàng gia Media Group và Thời trang Owen thực hiện). Câu chuyện của anh đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nhân và khán giả truyền hình.
CEO Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ câu chuyện của mình trong chương trình Những câu chuyện thật trên VTV1.