Yeah1: Xoá lỗ, tăng vốn và chuẩn bị cho cuộc chơi mới
Với 11 tờ trình, Đại hội đồng cổ đông thường niên của Yeah1 dự kiến thông qua nhiều nội dung quan trọng cho năm nay.
- 16-03-2020Sếp Tân Hiệp Phát tăng nâng sở hữu tại Yeah1 lên trên 22%
- 12-03-2020Bắt tay với Tân Hiệp Phát, Yeah1 kỳ vọng mảng "media commerce" sẽ đi sớm hơn 2 năm, LNST tăng mạnh 134% lên 5,2 triệu USD
- 21-02-2020Yeah1 (YEG): Chủ tịch và Tổng Giám đốc đã hoàn tất bán ra hơn 6 triệu cổ phiếu quanh mức giá 50.000 đồng/cp
CTCP Tập đoàn Yeah1 (YEG) vừa công bố tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, dự kiến diễn ra vào ngày 09/4 tới đây.
Sau năm 2019 đầy biến động, Yeah1 dường như đang đặt nhiều kỳ vọng và rất quyết tâm trong năm 2020, thể hiện qua 11 tờ trình với các nội dung quan trọng.
Trong đó, có tờ trình chuyển trụ sở từ 3C Tôn Đức Thắng về 191 Nam Kỳ Khởi Nghĩa; phê duyệt giao dịch giữa bên có liên quan của cổ đông lớn; uỷ quyền cho HĐQT thực hiện một số công việc; phân phối một phần hoặc toàn bộ 1,77 triệu cổ phiếu quỹ với giá trị 141,7 tỷ đồng đã mua vào tháng 7/2019.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2020, HĐQT Yeah1 dự kiến đạt doanh thu 1.800 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2019, lãi trước thuế ở mức 155 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức là 10%.
Ngoài ra, đáng chú ý có tờ trình về việc tăng vốn gấp đôi, thông qua việc phát hành cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1 từ nguồn thặng dư vốn cổ phần. Cùng với đó là tờ trình dùng thặng dư vốn cổ phần để xoá 307,7 tỷ đồng lỗ luỹ kế điều chỉnh.
Nếu hai nội dung này được tiến hành, thặng dư vốn vẫn còn 512 tỷ đồng. Phần thặng dư vốn cổ phần rất lớn này bắt nguồn từ đợt phát hành riêng lẻ 3,91 triệu cổ phiếu cho Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống với mức giá 300.000 đồng/cp vào tháng 8/2018.
Về bản chất, các nghiệp vụ trên không làm tổng nguồn vốn của Yeah1 thay đổi, tuy nhiên việc xoá bỏ các chỉ số tiêu cực sẽ lành mạnh hoá bảng cân đối kế toán và làm bàn tựa giúp Chủ tịch Nhượng Tống cùng các cộng sự khởi động một cuộc chơi mới trong năm 2020.
Vậy thì, cuộc chơi đó là gì?
Trong năm 2019, sau sự cố YouTube, nhằm tìm kiếm hướng đi mới, giảm phụ thuộc vào các đối tác lớn, Yeah1 tăng cường đầu tư vào các nền tảng mới để trực tiếp khai thác users thông qua việc mua Media One, Kolorlife, Giải trí 100D, và hợp tác với đối tác Hàn Quốc như The E&M để xây dựng nền tảng cho người nổi tiếng hay People & Story để ra mắt ứng dụng truyện tranh online trong thời gian tới.
Sang đầu năm nay, Yeah1 tiếp tục góp vốn với YAK Capital PLC tại Campuchia, đầu tư vào nền tảng quản lý người dùng ở mảng làm đẹp, triển khai dự án xây dựng nền tảng dành cho người nổi tiếng. Được biết, các dự án này đều sẽ tận dụng hệ sinh thái hiện hữu của Yeah1 để góp vốn và tối ưu hiệu quả truyền thông.
Chuỗi sự kiện này cho thấy Yeah1 đang trung thành với chiến lược của mình, đó là tập trung vào mảng truyền thông kỹ thuật số.
Chiến lược này không phải mới, song đặc biệt được đẩy mạnh sau sự cố với YouTube vào đầu năm ngoái, khi Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cùng các cộng sự nhận ra rằng không thể "chạy trên đôi chân của người khác".
Tuy nhiên, những startup này, nếu phát huy hiệu quả vẫn còn phải mất một thời gian nữa, chưa thể sớm tác động vào kết quả kinh doanh của Yeah1. Tập đoàn cần một cuộc chơi lớn hơn, nhằm khẳng định bản thân, lấy lại niềm tin nơi nhà đầu tư.
Cuộc chơi đó được hé lộ vừa qua, khi Yeah1 và Tập đoàn Tân Hiệp Phát ký kết hợp tác chiến lược. Yeah1 đang phát triển ứng dụng Mega1 cùng khái niệm mới - thương mại truyền thông (media commerce) để ưu tiên thúc đẩy doanh số của ông lớn nước giải khát Tân Hiệp Phát, với mục tiêu tăng trưởng doanh số 50% cho Tân Hiệp Phát và đạt 150 triệu tương tác trong thời gian diễn ra chương trình.
Chiến dịch này sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho cả đôi bên, song đích đến của Yeah1 không chỉ dừng lại ở đó. Trong sự kiện hôm 12/3, Chủ tịch Nhượng Tống chia sẻ sẽ "convert" hàng chục triệu users từ hệ sinh thái hiện hữu của Yeah1 như YouTube, Facebook...sang Mega1. Thành công với Tân Hiệp Phát sẽ là bệ phóng để Mega1 cùng Yeah1 "bùng nổ" với các nhãn hàng khác.
Tất nhiên đây mới chỉ là mong muốn của Yeah1, tính khả thi hãy còn phải chờ vào năng lực triển khai của doanh nghiệp này, và nhiều khi, là cả độ may rủi của thị trường.
Dù vậy, nhìn vào bước đường phát triển trong quá khứ với những ý tưởng mang tính dẫn đầu (làm truyền hình, kinh doanh mạng xã hội...), không ít người vẫn đặt niềm tin lớn vào Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cùng các cộng sự, mà cái tên đáng chú ý nhất - chắc hẳn là doanh nhân lão làng Trần Quí Thanh cùng đế chế kinh doanh tỷ đô Tân Hiệp Phát.
Tân Hiệp Phát sẽ là trợ lực quan trọng, song về phần mình, Yeah1 cũng cần cải thiện chất lượng bảng cân đối kế toán để đủ sức triển khai các kế hoạch mới, đồng thời khẳng định năng lực với đối tác, phần nào giải thích cho kế hoạch xoá lỗ và tăng vốn lên gấp đôi.
Ở diễn biến khác đáng chú ý, Tổng giám đốc Đào Phúc Trí cách đây ít ngày đã giảm tỷ lệ sở hữu trong Yeah1 từ 5,1% về 4,78% để góp vốn bằng cổ phần vào Unicorn Venture và không còn là cổ đông lớn.
Ông Trí cùng với Chủ tịch Nhượng Tống là những "founder", gây dựng Yeah1 từ những ngày đầu. Cuối tháng 2/2020, bộ đôi sáng lập Yeah1 đã bán hơn 6 triệu cổ phần cho bà Trần Uyên Phương, Phó TGĐ Tân Hiệp Phát, đồng nghĩa với việc giảm mạnh tỷ lệ sở hữu từ ngót 50% về còn hơn 30%.
Hiện nay, cơ cấu sở hữu của Yeah1 khá đa dạng, gồm 30,3% của Chủ tịch và TGĐ, bà Trần Uyên Phương sở hữu 22,04%, 5,7% cổ phiếu quỹ, 10,42% nhà đầu tư trong nước và 31,54% vốn ngoại.
Các cổ đông lớn bao gồm cả nhà đầu tư tài chính lẫn sản xuất sẽ giúp Yeah1 tối ưu nguồn lực theo định hướng phát triển của mình. Bên cạnh đó, với gần gần 1/3 vốn ngoại, không có cổ đông chi phối cũng là một bảo chứng cho tính minh bạch trong công tác quản trị của tập đoàn này.
Biến động giá cổ phiếu YEG trong 1 năm
Trí Thức Trẻ