Yêu cầu tăng án cựu nhân viên Agribank tham ô
Hai cựu nhân viên Agribank Phòng giao dịch Hòa Hưng Agribank - Chi nhánh Mạc Thị Bưởi đã bị kháng nghị tăng án do làm thất thoát tiền tỉ.
- 17-03-2017Chiếm đoạt 47 tỉ, cựu giám đốc Agribank mua nhà mặt tiền
- 17-03-2017Cán bộ Agribank lĩnh lương bình quân hơn 17 triệu đồng/tháng
- 17-01-2017Agribank: 15.000 tỷ đồng nợ xấu ‘dính án” tại khu vực TP.HCM
VKSND cấp cao tại TP HCM vừa có quyết định kháng nghị một phần bản án TAND TP HCM xét xử đối với hai bị cáo Phú Minh Hòa (SN 1983, nguyên nhân viên tín dụng Phòng giao dịch Hòa Hưng Agribank - Chi nhánh Mạc Thị Bưởi) và Đặng Thị Thu Hương (SN 1974, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Hòa Hưng) về áp dụng pháp luật, tội danh và hình phạt.
Theo đó, quyết định kháng nghị đề nghị TAND cấp cao xử lại theo hướng không áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự và tăng hình phạt đối với bị cáo Phú Minh Hoà; không áp dụng hình phạt cảnh cáo với Đặng Thị Thu Hương mà áp dụng khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự để xét xử bị cáo này về tội "Cố ý làm trái các quy định về nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" và áp dụng hình phạt tương xứng.
Bị can Phú Minh Hòa và Đặng Thị Thu Hương tại tòa
Theo nội dung vụ án, ngày 30-1-2015, Phú Minh Hòa đến Chi nhánh Mạc Thị Bưởi nhận 17 tỉ đồng để đi giao dịch khách hàng theo chỉ đạo của cấp trên. Sau khi nhận tiền, quá trình áp giải tiền đi từ chi nhánh Mạc Thị Bưởi qua Ngân hàng Shinhanbank, Hòa đã không thực hiện đúng quy trình, tạo điều kiện cho Nguyễn Lê Kiều Quang (giám đốc Phòng giao dịch Hoà Hưng; đã bỏ trốn) chiếm đoạt số tiền trên.
Ngoài hành vi trên, quá trình điều tra còn thể hiện từ năm 2011 đến khi xảy ra vụ án, Hòa đã lập khống 9 hồ sơ tín dụng cho vay, trong đó 1 bộ hồ sơ đã tất toán, giúp Quang chiếm đoạt 8,35 tỉ đồng.
Đối với Đặng Thị Thu Hương, quá trình điều tra xác định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, khi Nguyễn Lê Kiều Quang yêu cầu ký tên phần cán bộ tín dụng tại 4 hồ sơ tín dụng, Hương thấy có đầy đủ chữ ký, chứng từ nên đã ký tên mà không thực hiện trách nhiệm của cán bộ tín dụng, không tiến hành thẩm định hồ sơ người vay, nội dung vay... dẫn đến Quang đã sử dụng các hợp đồng này giải ngân, chiếm đoạt 3,7 tỉ đồng của ngân hàng.
Với hành vi phạm tội nêu trên, phiên xử sơ thẩm TAND TP HCM đã tuyên phạt Phú Minh Hòa 22 năm tù về các tội "Tham ô tài sản" và "Cố ý làm trái các quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng". Riêng Đặng Thị Thu Hương chỉ bị phạt cảnh cáo về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo nhận định của VKS cấp cao, trong vụ án này, hành vi phạm tội của bị cáo Hòa là đặc biệt nguy hiểm. Ngoài giúp sức tích cực cho đối tượng Quang chiếm đoạt số tiền trên 8,3 tỉ đồng, bị cáo còn phạm thêm một tội độc lập khác làm thiệt hại cho Agribank 17 tỉ đồng, đến nay chưa khắc phục được. Bị cáo chỉ có một tình tiết giảm nhẹ là "thành khẩn khai báo" nhưng toà án cấp sơ thẩm lại áp dụng điều 47 Bộ luật Hình sự (chỉ áp dụng khi có 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên -PV) để xét xử bị cáo mức án của khung hình phạt liền kề nhẹ hơn là không đúng quy định của pháp luật.
Đối với bị cáo Hương, với chức danh Phó giám đốc nhưng quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, bị cáo đã không thẩm định 4 bộ hồ sơ tín dụng xin vay 3,7 tỉ đồng do Quang lập mà còn cố ý ký tên vào phần cán bộ tín dụng rồi nhập dữ liệu lên hệ thống thanh toán nội bộ, tạo điều kiện cho Quang chiếm đoạt số tiền trên. Hành vi của Hương là cố ý không làm đúng chức trách nhiệm vụ của mình, phạm vào tội "Cố ý làm trái..." nhưng bản án sơ thẩm tuyên "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" là không đúng. Về phần hình phạt, bản án sơ thẩm áp dụng khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự có mức án từ 3-12 năm tù để xét xử bị cáo nhưng khi tuyên lại là hình phạt cảnh cáo. Hành vi phạm tội của bị cáo là nghiêm trọng.
Bản án sơ thẩm nhận định bị cáo chỉ có một tình tiết giảm nhẹ nhưng cũng áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự để quyết định hình phạt của bị cáo ở khung hình phạt liền kề. Tuy nhiên, ở khung hình phạt này cũng không có hình thức phạt cảnh cáo như bản án sơ thẩm đã áp dụng. Ngoài ra, theo Điều 29 Bộ luật Hình sự, hình phạt cảnh cáo chỉ áp dụng cho những trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.
Với những những nhận định như trên, VKS đã ra quyết định kháng nghị một phần bản án như đã nêu.