Yếu tố quan trọng này giúp Chính phủ “mạnh tay” đầu tư 94.000 tỷ đồng vào Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội
Dự án Vành đai 4 - vùng Thủ đô sau khi hoàn thành sẽ tăng cường khả năng kết nối liên vùng, tạo không gian phát triển mới cho Hà Nội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
- 15-02-2022Đường Vành đai 4: Giảm 5.000 tỷ đồng tiền GPMB so với ban đầu
- 15-02-2022Hà Nội dự kiến dành hơn 51.000 tỷ đồng cho đầu tư công năm 2022, còn TP. Hồ Chí Minh thì sao?
- 15-02-2022Có bao nhiêu tiền thì lọt top 10% và top 1% giàu nhất Việt Nam?
Theo báo cáo tóm tắt dự án, đường vành đai 4 có chiều dài 112,8 km, điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố, gồm Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh, trong đó, Hà Nội là dẫn đầu với 58,2 km đường Vành đai. Thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn 2021-2028.
Với kế hoạch dự án như vậy, Hà Nội hiện rất quyết tâm hoàn thành dự án này khi chi tới hơn 94.000 tỷ đồng. Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, tuyến đường khi hoàn thành góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường, tăng cường khả năng kết nối liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Hơn nữa, dự án sau khi hoàn thành sẽ giúp hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng. Theo quy hoạch giao thông vận tải TP. Hà Nội tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, đến năm 2030 cần đạt từ 20-26% tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông; 4,0-6,5 km/km2 mật độ mạng đường.
Tuy nhiên, tính đến hết năm 2020, 2 con số này mới đạt được vỏn vẹn lần lượt 10,07% và 1,7 km/km2; tương đương chưa đến 50% kế hoạch. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng ô tô đạt 10,2%/năm, xe máy đạt 6,7%/năm, trong khi diện tích đất dành cho giao thông chỉ tăng khoảng 0,35% năm.
Vì thế, áp lực về mặt giao thông là rất lớn. Theo UBND TP. Hà Nội, giao thông trên các tuyến chủ yếu hiện nay như đường vành đai 3 ở Hà Nội đã có dấu hiệu tắc nghẽn, vì thế, việc xây dựng vành đai 4 là đòi hỏi rất thúc bách và phù hợp với quy hoạch. Dự án sẽ góp phần kết nối các tuyến đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm mà hiện nay đường vành đai 3 đang đảm nhiệm và đã quá tải trầm trọng.
Khi các vấn đề về giao thông được giải tỏa, không gian được mở rộng, các tuyến đường hướng tâm sẽ được kết nối và phát huy hiệu quả hơn nữa, quỹ đất lớn được tận dụng để phát triển, giảm chi phí logistics và thu hút các nhà đầu tư, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho cho người dân trong vùng...
Trong buổi hội thảo “Tham gia ý kiến với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng thủ đô” ngày 14/2/2022, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã chia sẻ 60% tuyến đường vành đai là đi trên cao sau khi nhận được sự đồng tình từ các địa phương.