“Yoga khiến cuộc đời mình sang trang mới, chỉ cần thở thôi cũng thấy vui rồi'
“Thở thôi cũng thấy vui”, liệu điều này có quá kỳ diệu đến mức bất khả thi hay không?
- 29-05-2023Bậc thầy Yoga Ấn Độ: Một điều cần hiểu ra để an vui, hạnh phúc cả đời
- 23-03-2023Bình luận viên Nam Giang: Golf chính là bộ môn “yoga não”, khi chơi luyện giữ tâm trí trống rỗng và thoải mái
- 16-02-2023Xây dựng không gian yoga và thiền định tại nhà
Thật khó để tìm ra một định nghĩa chung, đúng với tất cả khi nói về niềm vui hoặc hạnh phúc. Chúng ta đều có những ý niệm khác nhau về thứ cảm xúc này. Nếu có tồn tại một điểm giao nhau giữa những ý niệm về hạnh phúc, phải chăng đó chính là suy nghĩ: "Phải có thứ gì đó trong tay, mình mới vui và hạnh phúc được chứ?".
Khi còn trẻ, "thứ gì đó" có thể là những thành công trên con đường học vấn, sự nghiệp.
Lớn hơn một chút, "thứ gì đó" có thể là một gia đình với anh chồng ngoan, cô vợ đảm và những đứa con khỏe mạnh, kháu khỉnh.
Ở tuổi xế chiều, "thứ gì đó" là sự thảnh thơi an hưởng tuổi già, vui vầy bên con cháu.
Chung quy lại, ở mỗi giai đoạn khác nhau của cuộc đời, chúng ta đều cần những thứ khác nhau để có thể hạnh phúc. Không phụ thuộc vào bất cứ ai hay bất cứ điều gì mà vẫn thấy niềm vui chảy trong mình, nghe sao xa vời, viển vông quá?
Nhưng với Ngọc Diệp - 9x mà chúng tôi có cơ hội trò chuyện, đó là lại là chuyện có thật.
Yêu thích việc tư vấn, giúp đỡ người khác giải quyết vấn đề, Diệp tin rằng mình đã tìm được sự nghiệp "chân ái" khi bén duyên với lĩnh vực Tư vấn tuyển dụng Nhân sự cấp cao. Vốn là người cầu tiến, cộng thêm khao khát được công nhận luôn sục sôi trong lòng, Diệp say sưa tận hưởng guồng quay của một công việc đòi hỏi cao về cả kỹ năng lẫn cảm xúc.
Như một điều tất yếu, Diệp bỏ quên nhịp điệu sinh hoạt thường: Làm việc không phân biệt ngày thường - ngày nghỉ, ăn ngủ không có giờ giấc, coi chiếc cột sống bất ổn cùng những cơn đau nửa đầu là người bạn thân quen. Suốt những năm tháng ấy, Diệp cháy hết mình theo đúng nghĩa đen để hỗ trợ khách hàng, làm việc vượt KPI để khẳng định năng lực bản thân.
Diệp nghĩ rằng sự công nhận từ mọi người xung quanh sẽ mang lại cho cô niềm hạnh phúc và sự thỏa mãn trong cuộc sống. Đây cũng là thói quen đã bén rễ trong Diệp từ rất lâu: Khi còn đi học, phải cố gắng để đạt thành tích cao; lúc đi làm, cũng vậy.
Đến một khoảng thời gian, sức khỏe của Diệp rơi vào trạng thái báo động đến mức không thể làm ngơ: Cân giảm không phanh, chứng đau nửa đầu ghé thăm với tần suất dồn dập hơn. Diệp còn có thêm những người bạn mới" mang tên trào ngược dạ dày, da mụn, khó ngủ và cảm giác lo âu không khi nào biến mất.
Diệp cảm thấy mình "khô héo" và bỗng dưng mọi hoạt động dần trở nên vô nghĩa. Trong lúc khó khăn nhất, Diệp tự hỏi "Mình muốn sống như thế này đến bao giờ?" và cô hiểu rằng chính mình phải tự chịu trách nhiệm với tình trạng sức khỏe này. Rất may mắn, thời điểm này Diệp gặp được người bạn trai và hiện là chồng. Đồng hành cùng với anh, Diệp bắt đầu điều chỉnh lại chế độ ăn- ngủ, kỷ luật hơn với thời gian tập thể dục, đọc sách, làm việc, nghỉ ngơi, và chủ động tìm hiểu, thử nghiệm nhiều phương pháp giữ sức khỏe, cân bằng cuộc sống khác nhau.
Những nỗ lực gieo mầm của Diệp sau vài năm cũng đến ngày thu được trái ngọt. Sức khỏe ổn định hơn, bản thân cô cũng trưởng thành hơn, quản lý thời gian tốt hơn, làm việc hiệu quả hơn. Diệp có vài thăng tiến liên tiếp trong sự nghiệp tới chức vụ trước đây cô từng mơ ước, đồng nghĩa với thu nhập cũng ở mức tốt hơn nhiều. Song chính lúc đạt được những điều này cô lại nhận ra chức danh và tiền bạc không mang thêm nhiều hạnh phúc như cô tưởng tượng.
Đó chính là lúc Diệp bắt đầu biết tự vấn về điều thực sự có thể khiến mình cảm thấy đủ đầy, viên mãn.
Bén duyên với Yoga từ những năm 2010s, nhưng cho tới khi biết tới Isha Hatha Yoga (Một trường Yoga cổ điển), trải nghiệm cuộc sống của Diệp mới được nâng tầm một cách rõ rệt.
"Khóa học Isha Hatha Yoga đầu tiên của mình là bài Surya Kriya - Chuỗi Chào Mặt Trời Cổ Điển. Mình đi học khóa này trong 3 buổi, kể từ sau đó có thể tự duy trì thực hành tại nhà. Chỉ sau 2 tuần tập đều đặn mỗi ngày hơn 30 phút vào buổi sáng, chính mình cũng thấy bất ngờ về những thay đổi của bản thân. Mình cảm nhận được những phần rung động của cơ thể mà trước đây mình chưa từng biết tới. Mình dần dà ngủ ít đi nhưng đầu óc lại tỉnh táo hơn.
Trước đó đi làm, cứ đến tầm 4-5h chiều là thấy đuối lắm, cảm giác phải ăn cái gì đó thật ngọt, thật nhiều đường mới có tinh thần làm việc tiếp. Khi tập Surya Kriya, tình trạng đó cũng tự nhiên biến mất, chiều đến mình vẫn còn đầy năng lượng, vẫn có thể làm việc tập trung và năng suất hơn nhiều."
Càng kiên trì tập luyện theo các bài tập của Isha Hatha Yoga, Diệp càng cảm nhận được rõ những thay đổi "kỳ lạ" đang diễn ra trong mình. Theo lời Diệp kể, chỉ cần đảm bảo dành chút thời gian tập vào buổi sáng, thì trong ngày chẳng cần có chuyện gì đặc biệt, cô vẫn sẽ có một cảm giác vui vui, thoải mái, thênh thang bên trong. Ngay cả khi những việc không như ý xảy ra, cô không còn thấy bực bội, lo lắng hay căng thẳng nữa.
"Cảm giác như mình được tiếp thêm sức sống từ bên trong, mình không giải thích được. Tự nhiên mình thấy rất rõ quyền lựa chọn của bản thân khi các tình huống trong cuộc sống xảy ra. Và đương nhiên, mình chọn hướng tích cực để sống cho vui rồi."
Dường như không có bất cứ ai, hay điều gì có thể làm Diệp cảm thấy chán nản được nữa. Tâm trạng cải thiện, sức khỏe thể chất cũng dần tốt lên, Diệp không còn bị trào ngược dạ dày, và căn bệnh đau nửa đầu đã gắn bó với cô rất lâu giờ cũng ít khi ghé thăm. Chất lượng cuộc sống của Diệp thay đổi hoàn toàn.
Nghĩ lại, điều duy nhất thay đổi trong lịch trình sinh hoạt của Diệp chỉ là các bài tập Isha Hatha Yoga. Điều đặc biệt chính là thay vì phải tham gia các lớp học Yoga đều đặn hàng tuần với giáo viên khác trong thời gian dài, Diệp chỉ học 1 vài buổi Isha Hatha Yoga để hiểu và nhớ được cách tập một bài, sau đó là đã có thể cứ thế tự duy trì thực hành theo đúng bài đó. Điều này giúp Diệp có thể linh hoạt sắp xếp thời gian tập mà không phụ thuộc vào ai hay điều gì, và dần dần tự cải thiện cuộc sống của chính mình.
Trực giác mách bảo rằng mỗi bài tập giống như một công cụ tự chăm sóc sức khỏe này quá kỳ diệu và ý nghĩa, mà lại có quá ít giáo viên Isha Hatha Yoga trong khu vực châu Á, Diệp quyết định gác lại công việc đang trên đà thăng tiến ở Nhật Bản, tới Ấn Độ để tìm hiểu kỹ hơn về Isha Hatha Yoga, để có thể tự gỡ được khúc mắc "Isha Hatha Yoga có thực sự kỳ diệu đến thế?".
Một vài hình ảnh của Diệp trong 6 tháng tại Ấn Độ
Thật may, câu trả lời Diệp tìm được sau quyết định này hoàn toàn không nằm ngoài kỳ vọng.
Sau khi hoàn thành khóa đào tạo Giáo viên Isha Hatha Yoga kéo dài 21 tuần tại Isha Yoga Center, thành phố Coimbatore (miền nam Ấn Độ), Diệp cảm thấy cơ thể, tinh thần và cảm nhận cuộc sống được nâng cấp hoàn toàn. Cô thấy rõ sức sống mới dồi dào chảy bên trong, giống như là phép màu có thật. Một trong những thay đổi lớn nhất mà Diệp tự tin chia sẻ chính là một góc nhìn đúng đắn, chính xác hơn về Yoga từ những trải nghiệm của mình.
Chúng ta vẫn thường nghĩ về Yoga với các tư thế (asana) uốn dẻo thể hiện sự linh hoạt của cơ thể. Nhưng Yoga không đơn thuần chỉ là những bài tập rèn luyện sức khỏe thể chất. Vậy thực chất, Yoga là gì?
"Có nhiều cách để đạt được trạng thái hợp nhất đó. Việc thực hành các asana là một cách giúp chúng ta chuẩn bị cơ thể, tâm trí và năng lượng để sẵn sàng đi vào trạng thái hợp nhất.
Một asana là một tư thế. Có vô số các tư thế (vô số asana) mà cơ thể bạn có thể thực hiện. Trong số những tư thế ấy, có một vài tư thế có thể giúp bạn đạt tới trạng thái nhận thức cao hơn về cuộc sống. Chúng được gọi là "yogasana". Yogasana không phải là bài tập thể dục, mà là quá trình bạn điều khiển năng lượng của mình theo một hướng nhất định.
Có nhiều cấp độ tập các yogasana khác nhau. Bạn có thể thực hành asana đơn thuần về mặt thể chất, hoặc sâu hơn là nhận thức được hơi thở, cảm nhận được sự chuyển động của giác quan và tần số rung động của cơ thể. Bạn thậm chí còn có thể có thể thực hiện asana mà không cần cử động chân tay.
Nhiều người vẫn thường hỏi mình Yoga giúp cải thiện sức khỏe thể chất, hay sức khỏe tinh thần tốt hơn. Câu trả lời của mình luôn là cả hai. Trong Yoga, người ta nói tình trạng thể chất và tinh thần chỉ là biểu hiện bên ngoài của năng lượng sống bên trong bạn. Các quá trình tập Yoga nhằm nâng cao chất lượng của năng lượng sống bên trong, vậy nên khi thực hành, bạn sẽ nhận thấy cơ thể, tâm trí, cảm xúc của mình dần ổn định và khỏe mạnh hơn"- Diệp chia sẻ.
Xin được trích lời của Sadhguru - người thầy mà Diệp vô cùng tôn kính, đã nói về tác dụng cải thiện sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của Yoga:
Sadhguru
Từng thực hành Yoga và hiện tại đã trở thành một Giảng viên Yoga cổ điển, nhưng khi được hỏi về giá trị cốt lõi mà Yoga mang tới, ngoài việc cải thiện sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần, Diệp có phần chần chừ.
"Mình không nghĩ bản thân có thể đưa ra một câu trả lời rạch ròi cho tất cả mọi người về giá trị mà trạng thái Yoga nói riêng hay Yoga nói chung mang lại. Nó quá lý thuyết, mà Yoga lại đề cao tính trải nghiệm, thực hành và cảm nhận của mỗi cá nhân. Nó phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tập trung, sự sẵn sàng và cởi mở để đón nhận của mỗi người.
Yoga là thứ có thể đưa mỗi chúng ta đến gần với sự thực hơn. Mình chỉ có thể nói rằng nếu một người kiên trì thực hành các Sadhana (các bài tập yoga/công cụ chuyển hóa bản thân), cách nhìn cuộc sống của họ sẽ được mở rộng, họ sẽ khám phá, nhìn nhận được những tiềm năng cũng như hạnh phúc đích thực của riêng họ."
Mình từng dạy kèm 1-1 cho một bạn học viên đã chung sống với bệnh trầm cảm hơn 11 năm. Sau khóa học, bạn có nói với mình rằng trước đây, cuộc sống của bạn luôn chỉ có 1 trong 2 trạng thái: Hoặc quá vui, hoặc quá buồn. Chưa bao giờ bạn cảm thấy bình thường như lúc này" - Diệp cười.
Có thể, bạn học viên đó của Diệp đã có một khoảnh khắc ở trong trạng thái Yoga, khi mà bạn thấy mọi thứ thật cân bằng. Bạn có thể đi trên một sợi dây thừng, nếu bạn có thể cân bằng trọng lượng cơ thể, phân tán bớt lực ra khỏi điểm trụ.
Cuộc sống cũng vậy, như một sợi dây thừng đầy chông chênh mỏng manh. Nếu bản thân bạn không thể cân bằng năng lượng sống hay cảm xúc, việc đi trên dây trở nên khó hơn bao giờ hết, nếu không muốn nói, có những người chẳng bao giờ chạm được tới đích.
Tâm bệnh không phải là một trò đùa. Nó thực tế là chứng bệnh đau đớn nhất. Giả sử bạn đau ốm thể chất, bạn sẽ nhận được sự đồng cảm của người xung quanh, nhưng khi đó là chứng bệnh tâm lý, thứ bạn nhận lại là những tiếng cười, không may là thế. Rất khó để phân biệt đâu là người mắc bệnh thật sự và đâu là người đang làm trò ngớ ngẩn. Đây thật sự là vấn đề lớn nhất của những gia đình có người mắc bệnh tâm lý. Bạn không thể biết rõ khi nào họ đang giả vờ và khi nào họ đang thật sự gồng mình chịu đựng. Bạn không biết khi nào nên đồng cảm và khi nào nên cứng rắn.
Sadghuru, người thầy Diệp tôn trọng từng nói.
Sự thật là chỉ bản thân những người mắc bệnh tâm lý mới có thể cứu chính họ. Những người bên cạnh, dù cố gắng đến mấy cũng chỉ có thể động viên và đồng hành, tiếp thêm hy vọng cũng như năng lượng sống cho họ.
Diệp hiểu điều đó, và cô lại càng tâm huyết với con đường bản thân theo đuổi. Cô từng rơi vào hoàn cảnh tương tự, tuy chưa đến mức quá kinh khủng nhưng cũng đủ làm Diệp giật mình về những dấu vết mà quãng thời gian bỏ bê chính mình để lại.
Tôi đặt ra câu hỏi với Diệp về thiền - điều mà nhiều người tìm đến nhất khi bản thân họ đánh mất trạng thái cân bằng năng lượng. Trái với mong đợi của tôi, Diệp không chia sẻ quá nhiều về cái mà chúng ta trông đợi về "trạng thái thiền". Bởi theo cô, thiền là cái tĩnh tâm, mỗi con người sẽ có một trải nghiệm tĩnh tâm khác nhau. Người xếp bằng, người nằm, người ngồi, người đang ăn, hay đang làm việc gì đó rất chú tâm. Miễn là nội tâm hoàn toàn tĩnh lặng, tỉnh táo, không thấy cần đi đâu, chỉ ngay ở đây và bây giờ là đủ, đấy là thiền.
Đừng quá trông mong vào những hình ảnh huyễn hoặc mà người đi trước chia sẻ khi họ thiền, bởi chỉ bản thân bạn mới là người hiểu thế nào là sự tĩnh lặng, tỉnh táo với hệ quy chiếu của chính mình. Với Yoga cũng thế, quá nhiều điều mong đợi khiến Yoga vô hình trung trở thành bài thuốc hữu hiệu mà bất cứ ai cũng muốn tìm đến - nhưng họ lại chẳng hiểu thế nào là Yoga, thế là họ chỉ biết Yoga dưới hình hài một chuỗi các bài tập thể chất.
Nhưng phải nhắc lại, Yoga là một trạng thái.
May mắn lớn của Diệp là có duyên biết tới Isha Hatha Yoga như một phương pháp tập luyện khoa học, toàn diện, có tính hệ thống để đi tới trạng thái Yoga. Và có một điều mà Diệp cảm thấy vô cùng biết ơn, chính là hành trình của cô luôn nhận được sự ủng hộ từ gia đình.
Diệp lập gia đình với chồng mình ở độ tuổi đã 30, cuộc sống ở Nhật Bản chưa thể gọi là ổn định hoàn toàn. Bất chấp các trở ngại về đề mục cuộc đời mà xã hội và nhiều người xung quanh đề ra, rằng đã kết hôn muộn thì phải "đua thành tích" sớm, Diệp quyết tâm theo đuổi mục tiêu tìm hiểu và trải nghiệm sâu hơn, để hiểu Yoga thực sự là gì.
Diệp gác lại sự nghiệp đang trên đà thăng tiến, "bỏ mặc" chồng một thân một mình tại Nhật Bản để tới Ấn Độ hơn nửa năm. Nhưng anh chồng mẫu mực của cô không những chưa một lần phản đối nước đi táo bạo của vợ, mà còn hết lòng động viên và hỗ trợ cô trong suốt hành trình này.
Diệp chia sẻ: "Nhờ chồng mà mình hiểu sâu hơn giá trị của sự tập trung, quan sát, và yêu thương vô điều kiện - những thứ mà mình được "học lại" ở Isha. Chính anh đã truyền cảm hứng cho mình đi theo con đường này".
Chồng là người đã đồng hành cùng Diệp trong quãng thời gian cô gặp khủng hoảng về cả sức khỏe thể chất, lẫn sức khỏe tinh thần trước đây. Hơn ai hết, anh hiểu điều gì đã giúp Diệp lấy lại được sự tích cực, vui tươi và nguồn năng lượng dồi dào trong cô.
Thời gian đầu, trước quyết định chóng vánh Diệp đưa ra, bố mẹ và hai người chị lớn của cô không tránh khỏi cơn sốc. Đứa con gái, đứa em khi không quay ngoắt 180 độ theo con đường mà vốn dĩ họ chỉ coi là thú vui bên lề của Diệp. "Một quyết định thật vớ vẩn" - ấn tượng đầu tiên của họ là như vậy. Tuy nhiên, gia đình cũng không cấm cản, họ chỉ lo cho Diệp như mọi gia đình lo lắng cho con em mình khi cuộc đời chúng vẫn còn chông chênh.
Thế là sau khi tốt nghiệp chương trình Đào tạo Giáo Viên Isha Hatha Yoga, Diệp thu xếp hẳn một chuyến đi, mời bố mẹ, chồng, cùng chị cả, anh rể, chị hai và các cháu sang Ấn Độ, vừa để chơi, để thăm Diệp, vừa để giới thiệu cho cả nhà cái nhìn thật tổng quát mà vô cùng trực quan về lý tưởng sống của cô.
Sau chuyến đi, bạn đoán xem chuyện gì đã xảy ra?
Giờ đây "học viên cứng" của cô giáo Diệp chính là bố mẹ cùng gia đình hai chị, cả các cháu của Diệp. Thật khó để tạo ra một hoạt động chung cho cả nhà, nhất là khi gia đình bạn rất đông thành viên, thế mà Diệp lại làm được. Cả nhà nay cùng nhau tập luyện, cùng phấn đấu duy trì sức khỏe kể cả khi đó là một lớp tập chung trên Zoom.
Với chồng cũng thế, anh trở thành học viên 1-1 với "giảng viên trực tiếp" là vợ mình. Hàng ngày, hai vợ chồng cùng tập với nhau, tập cùng giờ nhưng mỗi người một phòng và tự tập bài thực hành riêng. Không chỉ có thế, anh cũng tích cực giúp Diệp chuẩn bị các thiết bị kỹ thuật và mua sắm các đồ dùng cần thiết để cô có thể mở các lớp học online/offline thuận tiện hơn. Chắc chắn phải có sự đồng điệu và thấu hiểu ước mơ của vợ, anh mới có thể ủng hộ hết mình đến vậy.
Truyền cảm hứng cho những người xung quanh và ghi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực, Diệp biết con đường cô đi đang đúng. Sau khi tốt nghiệp khóa Đào Tạo Giáo Viên Isha Hatha Yoga 21 giờ tại Ấn Độ, Diệp quyết định cùng một số đồng học thành lập Amla Yoga - thương hiệu riêng về Yoga và về nước chia sẻ lối sống, các bài tập và công cụ từ Isha Hatha Yoga, để chỉ dẫn mọi người cách với tay đến "chìa khóa của sự cân bằng mở ra cánh cửa hạnh phúc".
Diệp và các học viên trong các khóa học của Amla Yoga
Học viên đến với Diệp rất đa dạng, từ những người có vấn đề về sức khỏe và cột sống, mang trong mình các căn bệnh mãn tính, những thanh niên bấp bênh với cảm xúc, những người thực sự mang bệnh tâm lý, những bà cô - ông bác bước vào tuổi lục, tuổi thất, những bà mẹ không thể kiềm chế bản thân với con, cho tới cả những bé trai, bé gái còn đang lớn. Cũng có cả những người tò mò hoặc muốn tìm hiểu phương pháp tập để có trải nghiệm sống sâu sắc hơn hoặc tâm linh hơn.
Điểm chung của các học viên đơn giản chỉ là họ muốn tìm đến và đạt được sự cân bằng trong cuộc sống.
Với riêng cá nhân Diệp, trạng thái yoga giúp cô buông bỏ được cái tôi.
"Nhiều người vẫn nghĩ buông bỏ cái tôi là mất đi sự cầu tiến trong cuộc sống. Nhưng thực chất, đó chỉ là việc bạn gạt đi ranh giới yêu - ghét, thích - không thích, và tập trung vào làm những việc mình cần phải làm. Khi thực hành Yoga hay Sự Hợp Nhất, bạn sẽ bớt đi tính cá nhân, vì khi ấy mọi người khác, mọi vật khác đều chính là một phần của bạn, và những hành động của bạn tự nhiên sẽ được điều chỉnh dựa trên tình yêu thương. Ngoài ra, khi cơ thể, tâm trí, cảm xúc, năng lượng của mình hòa hợp, đồng nhất, tự nhiên mình nhìn nhận mọi chuyện rõ ràng và ít phán xét hơn. Đương nhiên, cũng sống vui và ít phiền muộn hơn"
Diệp gác lại cuộc sống cũ cùng cuộc đua khốc liệt về tiêu chuẩn thành công một đời người. Không ngại sự phán xét, buông bỏ những mong cầu mà chưa chắc bản thân có thể làm được. Mục đích mà cô hướng đến lúc này là tận hưởng mọi phút giây cuộc sống, ở đây và bây giờ, là lan tỏa lối sống đẹp tới những người xung quanh, là nhịp sống hài hòa, là khi bản thân biết đủ, biết "bình thường", và trên cả là biết bình yên.
Quay trở lại câu hỏi ban đầu, "thở thôi cũng thấy vui", liệu điều này có quá kỳ diệu đến mức bất khả thi hay không? Diệp khẳng định một câu chắc nịch: "Không!" cùng một nụ cười rạng rỡ.
Hy vọng rằng chúng ta dù là ai, đang làm công việc gì đều sẽ có đủ sự nhẫn nại với chính mình, để hiểu rằng hạnh phúc hay sự bình yên không khó tìm đến thế. Và "thở thôi cũng thấy vui" hoàn toàn là điều có thật.
Cảm ơn Diệp vì những chia sẻ chân thành và ý nghĩa. Chúc Diệp và tất cả những độc giả đang đọc bài viết này sẽ tìm được sự cân bằng trong cuộc sống và cảm giác tĩnh tại trong tâm hồn!
Phụ nữ Việt Nam