Dấu ấn mà ông Obama để lại trong lòng công chúng không chỉ là hình ảnh của một người Tổng thống quyền lực bậc nhất thế giới, mà còn là sự gần gũi, dung dị và tươi tắn của một người đàn ông lịch thiệp. Nhưng mấy ai biết rằng, người đàn ông ấy đã từng có một tuổi trẻ nổi loạn và trải qua không ít khó khăn.
Kể từ khi chào đời đến năm 6 tuổi, Barack Obama liên tục phải thay đổi chỗ ở xuất phát từ những sóng gió trong gia đình. Ngày 4/8/1961, Barack Hussein Obama II chào đời. Cậu bé là kết quả của một mối tình chóng vánh kéo dài vài tháng giữa chàng sinh viên kinh tế Barack Hussein Obama Sr. đến từ ngôi làng nghèo khó ở Kenya và cô nữ sinh toán người Mỹ. Họ chính thức sống với nhau chưa được một năm thì bà Dunham phát hiện ra sự gian dối của chồng về người vợ cũ và những đứa con của ông ở Kenya. Bà mang cậu bé Obama khi đó chưa tròn 1 tuổi đến thành phố Seattle để tiếp tục con đường học hành còn dang dở và sau đó trở về Hawaii.
Tháng 3/1965, bà Dunham tái giá với ông Lolo Soetoro, lúc đó là nghiên cứu sinh người Indonesia đang theo học thạc sĩ ở Đại học Hawaii. Năm 1966, bố dượng của Obama trở về Indonesia để giúp chính phủ vẽ bản đồ vùng Tây Papua. Hai mẹ con bà Dunham dọn về sống với ông bà ngoại của Obama tại Hawaii. Năm 1967, sau khi bà Dunham tốt nghiệp cử nhân ngành nhân học ở Đại học Hawaii, Barack Obama cùng mẹ dọn đến Jakarta, Indonesia để sống cùng với bố dượng và chính thức bắt đầu một tuổi thơ tại đất nước thuộc "thế giới thứ 3".
Khi mới chào đời
Giai đoạn 1962-1967
Quãng thời gian ở Indonesia cùng cha dượng
Trong cuốn hồi ký Dreams of My Father (Giấc mơ cha tôi), Barack Obama chia sẻ những năm tháng tuổi thơ ở Indonesia đã góp phần không nhỏ giúp định hình tính cách bản thân ông khi trưởng thành. Tại đây, mỗi ngày, cậu bé Obama lại phải dậy từ 4 giờ sáng để học tiếng Anh trước khi bắt đầu buổi học chính khóa ở trường. Cậu học được những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống từ người cha dượng của mình. Cuộc sống của cậu bé Obama tưởng chừng cứ trôi qua êm ả như thế thì đến năm 1971, bà Dunham đưa Obama về ở với ông bà ngoại ở Hawaii và khoảng 1 năm sau thì chính thức ly dị chồng.
Trở lại nơi chôn rau cắt rốn
Barack Obama chụp cùng ông bà ngoại và em gái cùng mẹ khác cha (Hình trái). Lúc mới trở về Hawaii lần 2,Barack Obama thường xuyên đi lại giữa Hawaii và Indonesia. Bức hình bên phải là lần Barack Obama cưỡi ngựa cùng mẹ, cha dượng và em gái Maya năm 1971.
Thời gian đầu mới đi học tại trường Punahou, Barack Obama thường bị bạn bè trêu là "vật thể lạ" vì màu da đen bóng và mái tóc xoăn. Bức ảnh được chụp năm 1972 khi Obama đang học tại trường Punahou.
Barack Obama tham dự "Hội nghị những người cắn bút chì" năm học lớp 6 (HÌnh trái). Vào những năm 1970, nạn phân biệt chủng tộc diễn ra trên toàn nước Mỹ. Bức hình bên phải được tìm thấy trong cuốn kỷ yếu lớp 7, trường Punahou với dòng chữ: "Dù bạn là Tamura, Ching hay Obama, chúng ta cùng chia sẻ một thế giới".
Tại trường trung học Punahou ở Hawaii, Barack Obama không phải là học sinh xuất sắc và thường xuyên phải mượn vở của bạn để chép bài. Obama chưa từng nằm trong nhóm học sinh giỏi đi thi quốc gia cũng chưa từng chạy đua làm lãnh đạo sinh viên. Bạn bè thường nhận xét, Barack Obama là người sống khá biệt lập và cứng rắn. Ông thường thích bơi một mình dưới suối, lướt sóng ở bãi biển hoặc tìm một nơi biệt lập ở sườn núi để uống bia.
Không chỉ sống trong sự thiếu thốn tình cảm của bố mẹ, cậu nam sinh trung học Barack Obama còn phải chịu áp lực đến từ nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ thời đó. Trong cuốn hồi ký của mình, ông kể lại quãng thời gian khi mới theo học tại Hawaii từng bị bạn bè xem như "vật thể lạ". Chúng thậm chí còn đòi chạm vào tóc của ông và hỏi bố của ông có ăn thịt đồng loại không. "Khi còn trẻ, tôi không biết nhiều về cha. Ông bà ngoại và mẹ tôi đã nuôi nấng tôi. Tôi từng nổi loạn vì thiếu bóng cha. Khi trưởng thành hơn, tôi chấp nhận điều đó và chuyển sang học nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn về các vấn đề xã hội", Tổng thống Obama chia sẻ với các thủ lĩnh trẻ trong hội nghị YSEALI.
Trí Thức Trẻ