img
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: “Ai cũng có một giấc mơ… Tôi mơ về một thành phố công nghệ” - Ảnh 1.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: “Ai cũng có một giấc mơ… Tôi mơ về một thành phố công nghệ” - Ảnh 2.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: “Ai cũng có một giấc mơ… Tôi mơ về một thành phố công nghệ” - Ảnh 3.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: “Ai cũng có một giấc mơ… Tôi mơ về một thành phố công nghệ” - Ảnh 4.

Ông từng đưa ra ý tưởng về các thành phố công nghệ. Vậy ý tưởng này xuất phát từ đâu?

Xuất phát từ hai ý tưởng.

Người ta thường nói FPT là công ty công nghệ nhưng thực tiễn yếu tố quan trọng nhất là con người. Ngày trước, người ta nói về kỹ sư mạng, kỹ sư về hệ điều hành, kỹ sư về di động nhưng bây giờ là Internet vạn vật - IoT (Internet of Things), IoT trong chăm sóc sức khỏe, IoT trong nông nghiệp…

Công nghệ có thể học được, có điều kiện sẽ học rất nhanh, có đặt hàng là chúng ta làm được. Nhưng cái khó là phải có con người, hơn nữa họ phải được sống trong môi trường làm việc tốt nhất, hay còn gọi là "sống tốt".

Và để "sống tốt" thì cộng đồng cư dân không cần rời khỏi bán kính 5-10 phút đi bộ, cũng có đầy đủ nhà hàng, trường học, nơi làm việc… Mô hình về một thành phố công nghệ xuất phát từ tư duy đó: Mỗi người chỉ cần không gian bán kính 500m, trong đó họ có tất cả những thứ thiết yếu.

Ý tưởng của chúng tôi là thiết kế một khu đô thị có thể phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, có không gian gần gũi, an toàn cho trẻ con tự do đi chơi, cùng đá bóng, bơi lội…

Có vẻ như hiện nay, FPT City tại Đà Nẵng đang gần giống nhất với các mô hình mà ông hướng tới. Tại sao lại là Đà Nẵng?

Thực ra là tiện lợi thôi! Anh Bá Thanh (cố Bí thư Đà Nẵng – PV) có lần nói với tôi rằng, nếu không đầu tư vào Đà Nẵng là cấm cửa tôi "về quê". Hướng duy nhất để FPT đầu tư là trường đại học FPT, trung tâm phần mềm FPT… Lúc đó, anh Bá Thanh nói luôn như vậy. Tôi cho rằng, mảng giáo dục của FPT phải đi trước một bước. Do vậy, tại Đà Nẵng, FPT mở Aptech trước, rồi mới đến các hoạt động kinh doanh. Hiện, tại Đà Nẵng, chúng tôi đã mở hệ thống giáo dục từ THPT tới cao đẳng, đại học và cả Trung tâm trao đổi sinh viên quốc tế FISEC.

Bước đi là như vậy. Bây giờ là thời điểm của FPT City. Thời gian vừa qua, chúng tôi tập trung hoàn thiện hạ tầng ngầm cho khu đô thị và vào tháng 4 vừa rồi, đã khánh thành Tòa nhà văn phòng FPT Complex cho hơn 3,000 anh em tại Đà Nẵng. Các đơn vị kinh doanh tại FPT Đà Nẵng luôn nằm trong nhóm tăng trưởng nhanh và mạnh nhất nhì tập đoàn, nên trong tương lai gần, quy mô số kỹ sư CNTT làm việc tại FPT Complex sẽ sớm lên đến 10,000.

Cần những điều kiện gì để Đà Nẵng có thể trở thành "Silicon Valley" của Việt Nam?

Nếu về nói lý tưởng, đầu tiên thì nguồn nhân lực là quan trọng nhất và nguồn nhân lực đấy phải có ngoại ngữ tiếng Nhật, tiếng Anh, CNTT, và IoT. Thứ hai là hạ tầng. Khi mình xây dựng ở đâu khách hàng quốc tế của mình đến đó. Khi họ thấy không bất tiện cho họ thì họ đến, cho nên hạ tầng cực kỳ quan trọng. Ở Ấn Độ, họ phải làm các thành phố công nghệ như Bangalore, Hyderabad, đảm bảo hạ tầng rất tốt, rất chuẩn.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: “Ai cũng có một giấc mơ… Tôi mơ về một thành phố công nghệ” - Ảnh 6.

Khái niệm về thành phố xanh, thông minh cũng được một số chủ đầu tư nói tới nhưng thực hiện một cách triệt để và nghiêm túc để những người đến đó có thể cảm nhận điều này một cách thực sự thì chưa thấy. Với FPT City Đà Nẵng, ông có thể mô tả ngắn gọn khái niệm thành phố xanh, thông minh sẽ được hiện thực hóa ra sao? Cảm nhận thực có thể so sánh với một mô hình nào trên thế giới?

Thứ nhất là thông minh, tức là tất cả mọi người được kết nối. Thứ hai là trở về với thiên nhiên. Sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, gạch không nung, hệ thống xử lý nước thải vi sinh cho từng nhà… tức là những công nghệ cao tạo ra thành phố có chuẩn mực về xanh và thành phố của tri thức.

Trong khi triển khai, chúng tôi đã rất nỗ lực để đưa các nhân tố đó vào FPT City. Ví dụ như vấn đề nhà ở, ai cũng phải có nhà, ngay từ ngày đầu là phải có nhà. Người viết phần mềm vào làm việc ở thành phố là phải có nhà để ở.

Ý tưởng ban đầu của chúng tôi là thiết kế ra một ngôi nhà cho họ có thể chi trả được trong vòng 2 đến 3 năm. Căn nhà đó được đặt tên là nano (tức là rất nhỏ), nhưng giá trị sử dụng không tính theo mét vuông mà là trên từng centimet khối, tức là sử dụng được cả không gian 3 chiều - cao, dài, rộng với thiết kế thông minh tối ưu cho từng công năng. Tôi đã học tư duy này từ Nhật. Tuy là rất nhỏ nhưng công năng của nó như cái nhà 40m-45m2.

Sau đó, họ có thể lên chức, thu nhập cao hơn thì có thể lắp ghép 2 căn nhà vào với nhau thành căn rộng hơn, nhiều chức năng hơn, hoặc chuyển xuống nhà đất, từ 2 đến 3 tầng tùy nhu cầu cuộc sống và thu nhập. Những căn nhà phố này cũng có thể được lắp ghép với nhau để tạo thành biệt thự. Tôi coi thiết kế được căn nhà như thế mới gọi là thông minh, còn lắp các ứng dụng công nghệ để gọi là căn nhà thông minh thì đơn giản hơn nhiều.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: “Ai cũng có một giấc mơ… Tôi mơ về một thành phố công nghệ” - Ảnh 7.

Ông từng chia sẻ là "muốn công ty thọ hơn nhiều cuộc đời mình", vậy ông có những dự định nào để hiện thực mong muốn này?

Từ năm 1994, chúng tôi bắt đầu nghĩ đến câu hỏi FPT là gì. Câu trả lời là chúng tôi muốn xây dựng một công ty trường tồn. Từ đó, chúng tôi tiếp tục đặt câu hỏi làm gì để FPT có thể trường tồn. Chúng tôi nhận thấy FPT trường tồn cần thoả mãn ba yêu cầu sau:

Thứ nhất là mật mã di truyền. Theo đó, cách hành xử của FPT trong mọi quan hệ trong hôm nay cũng phải giống cách FPT cư xử trong tương lai. Chúng tôi học được điều đó từ thiên nhiên.

Thứ hai là văn hoá. Sức mạnh nội tại của một tổ chức chính là văn hoá như tình yêu với công ty, tình thân ái giữa đồng nghiệp, văn hoá liên tục học hành, liên tục đổi mới, hướng tới khách hàng hay có trách nhiệm với xã hội. Đây là những điều chúng tôi dày công xây dựng.

Cuối cùng, chúng tôi cũng cần kế thừa một cách thành công lãnh đạo của nhiều thế hệ. FPT đang kiên định đi theo 3 mục tiêu này và có nhiều thành công.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: “Ai cũng có một giấc mơ… Tôi mơ về một thành phố công nghệ” - Ảnh 8.

Triết lý kinh doanh trong suốt hơn 28 năm hoạt động của FPT là gì?

Khi bắt đầu, chúng tôi luôn nghĩ tại sao một quốc gia nhỏ bé, tiềm lực kinh tế và quân sự thua kém rất nhiều có thể đánh thắng những đế quốc hùng mạnh nhất thế giới. Đó là dựa trên sức mạnh của chiến tranh nhân dân, đây chính là kết tinh của nghệ thuật chiến tranh đến từ lòng yêu nước của toàn dân, từ đó biến thành sức mạnh chiến đấu để bảo vệ bản sắc dân tộc Việt Nam. Nếu vận dụng tốt các chiến thuật, mô hình cũng như cách phân phối nguồn lực cho từng mục tiêu, từng giai đoạn phát triển... thì sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong kinh doanh. Từ đó, chúng tôi rút ra cho mình bài học từ những tướng lĩnh lừng danh của Việt Nam. Chúng tôi học hỏi, ứng dụng những cách thức giúp Việt Nam chiến thắng những đế quốc lớn để áp dụng vào kinh doanh. Kiến thức này cũng được chúng tôi chia sẻ với các doanh nghiệp khác và được hưởng ứng rất nhiệt liệt.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đưa ra luận điểm Việt Nam có lợi thế rất lớn trong hành trình chinh phục công nghệ số. Khi không có Internet, công việc chỉ có thể nằm gọn trong một địa phương. Tuy nhiên, trong thời đại của Internet, sản phẩm có thể được tạo ra ở những nơi có chất lượng tốt nhất, chi phí rẻ nhất. Việt Nam chính là nơi như thế. Thực tiễn 15 năm qua cho thấy Việt Nam đã tạo dựng được vị thế xứng đáng trong hàng ngũ các quốc gia phát triển phần mềm.

Thành phố công nghệ FPT City với cộng đồng hơn 10,000 kỹ sư CNTT đã thành hiện thực tại Đà Nẵng.

PV

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên