img

Khi chuyển tới Vietcombank giữ chức Tổng giám đốc và sau đó là Chủ tịch HĐQT, ông Nghiêm Xuân Thành vốn là "người ngoài". Thế nhưng, "người ngoài" nhanh chóng giành được sự ủng hộ ở nơi mới và trở thành "người được Vietcombank chọn".

Chủ tịch HĐQT Vietcombank: Tôi thấy mình may mắn’ được chọn ở Vietcombank - Ảnh 1.

Tháng 7/2013, trong tuần đầu tiên nhận chức Tổng giám đốc Vietcombank, nhiều người tại ngân hàng này rất ngạc nhiên khi ông Nghiêm Xuân Thành không xuất hiện thăm hỏi "xã giao" như thường thấy ở những người lãnh đạo mới nhậm chức mà chỉ đọc tài liệu trong phòng làm việc. Thực tế, vào thời điểm đó, Vietcombank vẫn được đánh giá cao bởi sự ổn định, chắc chắn và chất lượng cán bộ tốt hàng đầu trong toàn hệ thống.

Thế nhưng, có một thực tế khác về sau này mới được người trong cuộc chia sẻ: trong tuần đầu đó ông đã tìm hiểu và biết rằng đã có một thời gian dài Vietcombank là ngân hàng vượt trội không có đối thủ (có thời điểm lợi nhuận của Vietcombank bằng 10 ngân hàng liền sau đó cộng lại). "Đó là một quá khứ quá hào hùng", ông Thành nói.

Thời điểm đó, có người còn nói vui là: "Nếu có ngân hàng nào tuyên bố cạnh tranh về lợi nhuận với Vietcombank có thể bị coi là hơi khùng". Tuy nhiên, vị trí quán quân đó đã không còn là của Vietcombank.

Chủ tịch HĐQT Vietcombank: Tôi thấy mình may mắn’ được chọn ở Vietcombank - Ảnh 2.

Tại cuộc trao đổi với các lãnh đạo của Vietcombank, CEO mới của Vietcombank đưa ra thông điệp: "Chúng ta nếu cứ bằng lòng với hiện tại tức là sẽ thụt lùi trong tương lai" và thay đổi thứ hạng của Vietcombank là một minh chứng. Khi đó nhiều người đã cảm nhận được những thay đổi lớn sẽ đến tại nhà băng giàu truyền thống này trong một thời gian không xa.

Năm 2014, tại hội nghị triển khai kế hoạch đầu năm của Vietcombank, trong thông điệp chỉ đạo của những người đứng đầu ngành ngân hàng Việt Nam đối với Vietcombank, một nhiệm vụ quan trọng giao cho Vietcombank: "phấn đấu trở thành ngân hàng số 1 Việt Nam!".

Tại sao lãnh đạo Ngân hàng nhà nước lại đặt ra mục tiêu "ngân hàng số 1 Việt Nam" cho Vietcombank vào thời điểm đó khi nhà băng này có quy mô kinh doanh và hệ thống mạng lưới nhỏ nhất trong nhóm "Big 4"? Có lẽ, vị lãnh đạo đã nhìn thấy tiềm năng lớn của một ngân hàng giàu truyền thống lịch sử với uy tín trong nước và quốc tế cao, bộ khung nhân sự giỏi và có đạo đức tốt; nếu được kích hoạt với luồng gió mới, kiến tạo hướng đi đột phá thì có thể tạo nên những cú nhảy vọt.

Chủ tịch HĐQT Vietcombank: Tôi thấy mình may mắn’ được chọn ở Vietcombank - Ảnh 3.

Cũng kể từ thời điểm đó, Ban lãnh đạo Vietcombank đặt mục tiêu "ngân hàng số 1 Việt Nam" làm kim chỉ nam cho định hướng chiến lược, cũng như các chương trình hành động. Thực tế, ngay sau khi những thay đổi mạnh mẽ bên trong nhà băng này được triển khai, một số thành viên trong ban lãnh đạo nhận được nhiều chia sẻ, băn khoăn có, lo lắng có, nhưng rất chân tình cả từ những người nguyên là lãnh đạo tiền nhiệm của Vietcombank.

Trên thực tế, trước khi nhận nhiệm vụ từ lãnh đạo ngành ngân hàng, ông Thành đã có những buổi trao đổi nội bộ trong ban lãnh đạo nhà băng này với thông điệp "Vietcombank phải sớm giành lại vị trí vốn có". Thông điệp này đã khơi dậy khát vọng của những người Vietcombank cho dù cũng tăng thêm nhiều áp lực mới.

Sau này, ông Nghiêm Xuân Thành cho biết: "Thực sự thì tôi không thấy việc lãnh đạo NHNN giao nhiệm vụ đó là áp lực lớn, mà giống như tạo thuận lợi cho những điều Ban lãnh đạo và mình muốn làm hơn".

Chủ tịch HĐQT Vietcombank: Tôi thấy mình may mắn’ được chọn ở Vietcombank - Ảnh 4.

Trong những năm trở lại đây, Vietcombank trở thành một tổ chức tín dụng có quy mô top đầu của ngành ngân hàng, với các con số về tăng trưởng và tính hiệu quả vượt trội. Lý do đến từ đâu?

Tính thị trường là thay đổi quan trọng nhất, đồng thời cũng là nhân tố then chốt ảnh hưởng tới nhiều quyết định của Vietcombank sau này.

Theo người đứng đầu nhà băng này, định hướng thị trường sẽ kéo theo những thay đổi về định hướng chiến lược, quan hệ khách hàng, thậm chí là khẩu vị rủi ro và cả câu chuyện về "cái tôi" của người Vietcombank…

Thay đổi đầu tiên là chiến lược lấy "Khách hàng làm Trung tâm phục vụ": Chuyển từ thụ động sang chủ động tiếp cận, phát triển khách hàng; Liên tiếp đổi mới nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đem lại trải nghiệm hài lòng nhất cho khách hàng. Thước đo thành công chính là số lượng khách hàng có quan hệ và giao dịch với Vietcombank gia tăng vượt trội với hơn 14 ngàn doanh nghiệp trong nước, 14 ngàn khách hàng FDIs, 330 ngàn khách hàng vừa và nhỏ và gần 15 triệu khách hàng cá nhân.

Chủ tịch HĐQT Vietcombank: Tôi thấy mình may mắn’ được chọn ở Vietcombank - Ảnh 5.

Tiếp theo là thay đổi về phương thức quản trị, điều hành, giao kế hoạch kinh doanh. Thay cho phương pháp "ghi nhận, cảm thông", Vietcombank chuyển sang áp dụng bộ kế hoạch chỉ tiêu gắn với bộ nguyên tắc trên cơ sở quy mô, thị phần, số liệu lịch sử và cả tiềm năng phát triển của từng địa bàn.

Vietcombank triển khai công cụ chỉ số đánh giá kết quả công việc của cán bộ (KPIs - Key performance Indicators) và thẻ điểm cân bằng (score card). Kết quả đánh giá KPIs là cơ cở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, phân phối thu nhập, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ. Bên cạnh đó, nhà băng này cũng ban hành cơ chế tiền lương kinh doanh mới, tạo giãn cách tiền lương kinh doanh theo năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc.

Tiếp đó là thay đổi trong công tác tuyển chọn và bổ nhiệm lãnh đạo. Giám đốc chi nhánh không còn dựa vào thâm niên mà trên cơ sở các tiêu chí khung năng lực, trình độ và năng lực lãnh đạo kinh doanh. Quy định thời gian giữ chức vụ một nhiệm kỳ là 4 năm và thời hạn tối đa cán bộ lãnh đạo không giữ một chức vụ, phụ trách một lĩnh vực quá hai nhiệm kỳ. Và còn nhiều đổi mới khác...

Chủ tịch HĐQT Vietcombank: Tôi thấy mình may mắn’ được chọn ở Vietcombank - Ảnh 7.

Kết thúc năm 2018, thời điểm có thể coi là "3 năm lần thứ 2", nhà băng này bắt đầu có những bước đại nhảy vọt. Lợi nhuận của ngân hàng vượt lên hơn 18.000 tỷ đồng – tăng hơn 60% so với năm liền trước và vượt rất xa các dự báo trước đó. Con số này cũng gần gấp 3 lần lợi nhuận bình quân của 3 năm trước đó và gần bằng 2 ngân hàng lớn đứng liền phía sau cộng lại. Vietcombank trở thành "người khổng lồ" về lợi nhuận của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Đặc biệt, năm 2018, Vietcombank là ngân hàng thương mại đầu tiên ở Việt Nam đưa tỷ lệ nợ xấu được phân loại theo chuẩn quốc tế xuống dưới 1% (còn 0,97%). Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu vượt xa mức 100%.

Chưa dừng ở đó, năm 2019 tiếp tục là một năm thăng hoa của ngân hàng này với việc trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam có lợi nhuận đạt ngưỡng 1 tỷ USD (với hơn 23.000 tỷ đồng). Trong khi đó, nợ xấu tiếp tục giảm xuống còn 0,78%.

Chủ tịch HĐQT Vietcombank: Tôi thấy mình may mắn’ được chọn ở Vietcombank - Ảnh 8.

Thậm chí trong năm 2020 – năm Covid, Vietcombank còn lần đầu tiên trở thành ngân hàng có quy mô tăng trưởng tín dụng lớn nhất toàn ngành và tiếp tục giảm tỷ lệ nợ xấu xuống 0,61% - mức rất thấp so với mặt bằng chung. Tỷ lệ an toàn dự phòng bao nợ xấu lên đến 360% - con số kỷ lục của ngành ngân hàng.

Vietcombank liên tiếp thăng hạng theo bình chọn của các tổ chức quốc tế. Nhà băng này là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất lọt top 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu năm 2020 do Forbes bình chọn.

Điều gì đã giúp một ngân hàng với quy mô lớn như Vietcombank vẫn tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ, cùng rủi ro thấp ngay cả trong tác động từ đại dịch Covid-19?

Người đứng đầu nhà băng này cho biết, đó là nhờ thực thi chiến lược một cách nhất quán: chuyển dịch cơ cấu kinh doanh hiệu quả, bền vững phù hợp với diễn biến thị trường; định hướng danh mục tín dụng ngành theo mức độ rủi ro; cấu trúc danh mục khách hàng.

Ngoài thực hiện phân loại nợ 5 nhóm theo qui định, Vietcombank còn phân hạng khách hàng thành 4 hạng: A là khách hàng định hướng tăng trưởng, B là khách hàng duy trì, C là khách hàng rút giảm, D là khách hàng chấm dứt tín dụng. Ban đầu nhóm A chiếm dưới 50% trong cơ cấu của Vietcombank nhưng giờ đã tăng lên trên 70%. Đây chính là nhân tố quan trọng giúp nhà băng này tăng trưởng mạnh trong khủng hoảng mà vẫn giữ được rủi ro rất thấp bởi có tỷ lệ cao ở nhóm khách hàng có khả năng chống chịu khủng hoảng tốt.

Chủ tịch HĐQT Vietcombank: Tôi thấy mình may mắn’ được chọn ở Vietcombank - Ảnh 9.
Chủ tịch HĐQT Vietcombank: Tôi thấy mình may mắn’ được chọn ở Vietcombank - Ảnh 10.

Để tăng cường hiệu quả, Vietcombank thay đổi chiến lược chuyển từ ngân hàng bán buôn sang phát triển mạnh bán lẻ. Đến nay khi mảng bán lẻ của ngân hàng phát huy hiệu quả lớn thì ai cũng thấy đương nhiên. Nhưng nếu như cách đây gần 8 năm, việc nói Vietcombank cần chuyển hướng sang kinh doanh bán lẻ lại là điều lạ lẫm.

"Những nhà băng nước ngoài hay rất nhiều tập đoàn hàng tiêu dùng khao khát thị trường Việt Nam là bởi quy mô gần 100 triệu dân của mình. Nếu chúng ta bỏ qua thị trường đó sẽ là thiếu sót lớn", ông Thành có câu nhận xét then chốt khi trao đổi với ban lãnh đạo về định hướng chiến lược mới.

Chủ tịch HĐQT Vietcombank: Tôi thấy mình may mắn’ được chọn ở Vietcombank - Ảnh 11.

Đến cuối năm 2018, tỷ trọng tín dụng bán lẻ đã chiếm tới 46% là nguyên nhân quan trọng giúp Vietcombank có được mức lợi nhuận tăng vọt bởi NIM (biên lãi ròng) cao, bền vững với nhóm khách hàng đa dạng và rủi ro thấp. Thậm chí đến cuối năm 2020, tỷ lệ này đã lên mức 54%.

Chính nhờ việc chuyển hướng sang bán lẻ, Vietcombank tạo ra dòng lợi nhuận tăng nhanh, mạnh dù quy mô đầu tư và cho vay không tăng nhiều. "Quy mô chỉ tăng khoảng 2 lần nhưng lợi nhuận của chúng tôi tăng tới 4 lần", ông Thành tiết lộ.

Chủ tịch HĐQT Vietcombank: Tôi thấy mình may mắn’ được chọn ở Vietcombank - Ảnh 12.

Kết thúc "năm Covid" 2020, ngoài việc là ngân hàng số 1 về lợi nhuận, Vietcombank còn là ngân hàng có quy mô tín dụng tăng trưởng lớn nhất, nợ xấu ở mức thấp nhất, môi trường làm việc tốt nhất, giá cổ phiếu cao nhất… trong toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Do vậy, dù không có một cuộc bình chọn chính thức cho danh hiệu "ngân hàng số 1 Việt Nam" nhưng nếu không phải là Vietcombank thì cũng khó tìm được nhà băng nào đứng trên.

Chủ tịch HĐQT Vietcombank: Tôi thấy mình may mắn’ được chọn ở Vietcombank - Ảnh 13.

Ngày 19/6/2021, Vietcombank còn lập thêm một cột mốc mới khi trở thành công ty có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán với định giá trên 400.000 tỷ đồng (tương đương 18 tỷ USD).

Trò chuyện với chúng tôi vào những ngày cuối tháng 6 năm 2021 này, ông Thành tâm sự: "Tôi thấy mình là người may mắn khi được trao cơ hội làm việc tại Vietcombank với vị trí Tổng giám đốc và sau đó là Chủ tịch HĐQT. Điều tôi thấy vui mừng và tự hào nhất là chúng tôi là một tập thể đoàn kết, chung một mục tiêu, chung một con đường, chung một khát vọng và chinh phục thành công mục tiêu đã chọn. Đó mới là cái lớn chứ không phải thành công của riêng ai".

Tùng Lâm – Hoàng Ly
Nguyễn Nguyễn
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ02/07/2021


Tùng Lâm - Hoàng Ly

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên