Con đường ngắn nhất dẫn đến thành công là công nghệ. Khát vọng hóa rồng của Việt Nam cũng được Chính phủ định hướng phải bắt đầu bằng con đường số hóa. Unicloud ở đâu trên hành trình ấy, thưa ông?
Trong bức tranh kinh tế tổng thể của kỷ nguyên cách mạng 4.0, đã tới lúc Việt Nam cần nhìn nhận một thực tế rằng, chúng ta không thể tiếp tục dựa vào tài nguyên "rừng vàng, biển bạc" hay lao động giá rẻ. Con đường phát triển kinh tế hiệu quả, nhanh và bền vững nhất phải dựa vào công nghệ.
Làm chủ công nghệ lõi chúng ta mới có thể sản xuất được những sản phẩm xuất sắc vươn ra thị trường toàn cầu. Doanh nghiệp công nghệ chính là bệ phóng để giúp Việt Nam vươn xa hơn. Gia nhập nhóm doanh nghiệp dẫn đường trong cuộc đua cách mạng số vì một Việt Nam hùng cường chính là mục tiêu Unicloud hướng đến.
Muốn thành công phải tạo sự khác biệt, trước Unicloud đã có rất nhiều công ty công nghệ, vậy ông xác định hướng đi cho Unicloud thế nào?
Trong cuộc chơi công nghệ, các công ty Việt Nam luôn có cơ hội để cạnh tranh công bằng với các Tập đoàn lớn toàn cầu. Nếu chúng ta đầu tư bài bản từ gốc, làm chủ công nghệ lõi, tạo ra những sản phẩm xuất sắc đáp ứng linh hoạt nhu cầu với giá thành cạnh tranh thì chắc chắn chúng ta sẽ thành công trên thị trường quốc tế.
Thế giới đang phát triển rất nhanh, công nghệ được đẩy mạnh nhưng công nghệ ứng dụng vào cuộc sống của người Việt, nền kinh tế Việt Nam dường như vẫn chưa đủ. Tôi cho rằng những vấn đề cốt lõi, bài toán về kinh tế số, định hướng của Chính phủ liên quan đến chuyển đổi số, chỉ có người Việt Nam mới hiểu rõ được bản chất và giải quyết từ gốc rễ, tận dụng linh hoạt các công nghệ sẵn có trên thế giới mà không bị lệ thuộc.
Chính vì thế, Unicloud đi theo hướng đầu tư nghiêm túc, bài bản vào công nghệ. Chúng tôi không nghiên cứu công nghệ sâu hay phát minh ra những sản phẩm phi thường. Unicloud sử dụng thành quả của thế giới để phát triển hạ tầng công nghệ lõi, ứng dụng vào cuộc sống, tạo thành một hệ sinh thái kết nối đa dịch vụ mang lại lợi ích cho người dân, cho đất nước. Đặc biệt, Unicloud đặt mục tiêu góp sức mình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam.
Ông vừa nhắc đến Chính phủ điện tử, ông có thể cụ thể hóa hướng đi của Unicloud?
Xây dựng Chính quyền điện tử tiến tới hướng đến Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đang là xu thế trong thời đại công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc, 2 năm qua, chúng ta tăng 1 bậc, đang xếp thứ 88 trong tổng số 193 quốc gia và lãnh thổ được đánh giá. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ được xếp hạng khiêm tốn ở vị trí thứ 6. Kết quả triển khai nhiều nhiệm vụ về Chính phủ điện tử còn rất chậm và nhiều nơi thực hiện mang tính hình thức.
Là doanh nghiệp công nghệ, Unicloud muốn đóng góp sức mình vào sự phát triển của đất nước. Chúng tôi kết hợp các giải pháp phần mềm chuyển đổi số, nền tảng ứng dụng đa kết nối, các sản phẩm, hệ sinh thái IoT (Internet Of Things) với các ứng dụng từ trí tuệ nhân tạo giúp giải các bài toán về số hóa cho xã hội, chuyển đổi số trong du lịch và tài chính. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung vào các giải pháp tài chính cho ngân hàng (bao gồm cả phần cứng và phần mềm), sử dụng kiến trúc mở (Open Banking Api) cung cấp kết nối cho đối tác để góp phần đẩy nhanh lộ trình thanh toán không dùng tiền mặt, hoàn thiện Chính phủ điện tử, hoàn thiện dịch vụ công cho thành phố thông minh.
Để thực hiện mục tiêu lớn cần phải có một nền tảng vững mạnh, Unicloud hiện tại đã có những gì, thưa ông?
Trong những năm qua, chúng tôi đã xây dựng được hệ thống phòng Lab nghiên cứu sản phẩm mới, nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ cao trên cả 2 miền Nam Bắc. Với hàng trăm kỹ sư, nhà nghiên cứu có trình độ cao đa lĩnh vực, từ thiết kế, chế tạo phần cứng điện tử, cơ khí, đến kiến trúc hệ thống giải pháp phần mềm và các lĩnh vực mới như IoT (Internet Of Things), nhà thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (Virtual Reality)..., Unicloud đã đạt được những thành tựu đáng kể trong giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong định danh trực tuyến (eKYC), số hoá hồ sơ giấy (OCR), phát hiện gian lận giao dịch điện tử (Fraud detection).
Ngoài ra, còn phải kể đến nhiều nhiều giải pháp phần mềm liên quan tới tài chính số, điển hình nhất là phần mềm điều khiển mọi hoạt động trên máy ATM/STM UniCAT (thay thế hoàn toàn phần mềm do nước ngoài cung cấp) đã vượt qua toàn bộ các bài đo kiểm và đạt được chứng chỉ EMV Level 2 (chứng chỉ xác thực bảo mật thẻ chip toàn cầu) do EMVCo cấp và EMV Level 3 do NAPAS công nhận. Việc làm chủ hoàn toàn phần mềm cho các dòng máy ATM/STM cũng như chế tạo thành công máy STM tại nhà máy Unicloud, đã mở ra khả năng ứng dụng to lớn của dòng máy này vào nhiều lĩnh vực không chỉ trong ngân hàng, mà còn phi ngân hàng như dịch vụ công và Chính phủ điện tử. Các sản phẩm này cũng đã sẵn sàng cho việc cung cấp ra các thị trường ngoài Việt Nam.
Cùng với đó là các giải pháp Sliving (Smart Living) cho khu đô thị thông minh với Smart Home, hệ thống chiếu sáng thông minh, hệ thống an ninh và giám sát an toàn, kiểm soát thang máy, kiểm soát năng lượng tòa nhà, giải pháp phần mềm ứng dụng thực tế ảo (VR - Virtual Reality) - công nghệ nền tảng chuyển đổi số phục vụ cho du lịch thông minh, thương mại điện tử, đào tạo từ xa, y tế thông minh, giải quyết các bài toán tương tác trải nghiệm không gian ảo 3 chiều.
Làm chủ công nghệ luôn là một con đường đầy thách thức, trở ngại lớn nhất đối với Unicloud và các công ty công nghệ hiện nay là gì, thưa ông?
Công nghệ là lĩnh vực đặc biệt, ít tốn kém về vật chất nhưng một khi thành công giá trị có thể lên đến cả nhiều tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt được điều đó đòi hỏi nỗ lực lớn của đội ngũ kỹ sư tài năng, cam kết đầu tư dài hạn và đặc biệt là quyết tâm, khát vọng làm chủ công nghệ của người đứng đầu.
Việt Nam là một trong những nước có dân số trẻ và khả năng tư duy toán học tốt. Con người Việt Nam có năng lực đặc biệt trong công nghệ nhưng chưa được phát triển đúng mức. Startup về công nghệ thành công đều có trị giá lên đến nhiều tỷ USD nhưng ở Việt Nam chúng ta vẫn chưa tạo ra được môi trường thực sự cho người trẻ phát triển công nghệ. Chúng ta đang thiếu những Trung tâm đào tạo và nghiên cứu R&D trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và đặc biệt chúng ta thiếu những thành phố thông minh thực sự.
Điều gì thiếu sẽ cần phải làm ngay, Unicloud có nghĩ đến việc xây dựng những thung lũng Silicon ở Việt Nam không, thưa ông?
Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin. Trong giai đoạn 2025-2030, chúng ta cần 2-2,5 triệu lao động trong lĩnh vực này. Trong khi nguồn nhân lực về công nghệ đang thiếu thì hàng năm, chúng ta vẫn đang chứng kiến tình trạng chảy máu chất xám. Nhiều người trẻ đi du học và họ chọn cách ở lại nước ngoài bởi chúng ta chưa tạo được môi trường tốt để kéo họ về phát triển đất nước.
Vậy tại sao chúng ta không xây dựng môi trường đạt tiêu chuẩn quốc tế? Ở đó, những người giỏi yên tâm học tập, làm việc, đóng góp cho đất nước. Đây cũng là nơi hội tụ của các tổ chức, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế. Đó là định hướng của Đảng và Chính phủ, cũng là cách chúng ta phát triển nhanh nhất khi muốn đi ra thế giới.
Trong năm 2022, Unicloud sẽ bắt đầu khởi công xây dựng Trường đại học và Trung tâm nghiên cứu R&D. Chúng tôi đã đàm phán thành công với một số tổ chức đào tạo công nghệ lớn trên thế giới để ký kết hợp tác đào tạo chất lượng cao tại Việt Nam. Trường đại học công nghệ Unicloud kỳ vọng sẽ là nơi giữ chân những sinh viên tài năng. Cùng với đó, Trung tâm nghiên cứu R&D sẽ là nơi làm việc của các chuyên gia, nhà khoa học xuất sắc.
Hơn thế nữa, chúng tôi sẽ xây dựng một Smart City - Thành phố thông minh mang tầm quốc tế.
Smart City là một khái niệm khá trừu tượng. Nói đến Thành phố thông minh nhiều người sẽ hình dung đến một nơi rất giàu có, hiện đại. Vậy Unicloud sẽ xây dựng Thành phố thông minh mang hình hài thế nào, thưa ông?
Chúng ta từng tự hào Việt Nam có rừng vàng, biển bạc, thiên nhiên trù phú, vậy tại sao chúng ta không kết hợp tài nguyên vốn có và công nghệ để tạo thành những thành phố thông minh thực sự. Ở đó, đáp ứng được cả 4 nhu cầu Học Tập - Làm Việc - An Cư - Nghỉ dưỡng trong một hệ sinh thái khép kín.
Chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng những thành phố thông minh quy mô lên đến cả nghìn ha ven biển với vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD. Trong thành phố thông minh của Unicloud, chúng tôi sẽ xây dựng những trường đại học công nghệ hàng đầu khu vực, những phòng thí nghiệm, trung tâm Lab dành cho nghiên cứu, những tổ hợp tài chính số cho người trẻ làm việc và sinh sống. Đặc biệt, trong thành phố thông minh sẽ đáp ứng nhu cầu giải trí với các tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp.
Bên cạnh những công trình, thành phố thông minh của chúng tôi cũng bao gồm các hạ tầng công nghệ đa kết nối và kiến trúc mở để cho các công ty đối tác có thể cùng tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho người dân, lấy người dân làm trung tâm. Các hạ tầng này không chỉ về viễn thông, IoT mà còn là cả một nền tảng các sản phẩm phần mềm vận hành đa dịch vụ cho mọi mặt đời sống xã hội.
Nếu như trước đây, thế giới đến với Việt Nam chỉ để du lịch, nghỉ dưỡng đơn thuần, chỉ ở một số ngày rồi lại ra đi thì những thành phố thông minh ven biển với những trung tâm Tài chính - Du lịch - Nghỉ dưỡng tương tự như HongKong hay Singapore, khách nước ngoài không chỉ đến nghỉ dưỡng mà còn làm việc, thậm chí định cư. Đó mới là giá trị của thành phố thông minh khi hút được dòng tiền, nguồn nhân lực quốc tế về Việt Nam.
Ngay cả đến những Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới vẫn chưa nghĩ đến câu chuyện xây dựng thành phố thông minh tầm cỡ như vậy. Là người đi sau, phải chăng ông đang đặt cho mình mục tiêu quá lớn?
Chúng ta đừng nghĩ việc người khác chưa làm, mình cũng sẽ không làm được. Nhiều Tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Microsoft, IBM, Apple… cũng chỉ tập trung làm công nghệ, họ không có hệ sinh thái về Đầu tư - Xây dựng - Bất động sản…!
Với những dự định lớn như vậy, ông hình dung thế nào về sự thành công Unicloud sau 5 - 10 năm nữa?
Tôi cho rằng, thành công bền vững nhất là con người. Với Trường đại học và Trung tâm nghiên cứu R&D, chúng tôi đặt mục tiêu mỗi năm sẽ tốt nghiệp hàng nghìn kỹ sư công nghệ. Sau 10 năm nữa, con số này có thể tăng lên đến hàng chục nghìn người. Đây là nguồn nhân lực quý giá phát triển tương lai công nghệ cho đất nước.
Sau 20 năm làm công nghệ, nhân ngày đầu năm mới ông có lời khuyên gì cho lớp trẻ và các startup Việt Nam?
Như chúng ta đã biết, số lượng các tỷ phú giàu nhất thế giới đều thuộc về ngành công nghệ. Điều đáng kinh ngạc hơn là tốc độ tỷ phú công nghệ thế giới ngày càng trẻ hoá. Mark Zuckerberg - ông chủ Facebook trở thành tỷ phú khi mới 23 tuổi. Đồng sáng lập kiêm CEO Snapchat trở thành tỷ phú vào năm 25 tuổi. Larry Page là đồng sáng lập Google đã gia nhập câu lạc bộ tỷ phú năm 2004 ở tuổi 30. Bill Gates nhà sáng lập Microsoft chính thức trở thành tỷ phú vào năm 1987 khi ông 31 tuổi…
Nói như vậy để thấy rằng, nếu bạn có ước mơ trở nên giàu có, bạn có thể làm nhiều nghề nhưng nếu bạn muốn trở thành tỷ phú một cách nhanh và chân chính nhất, chỉ có đi con đường công nghệ. Công nghệ nếu không đưa bạn thành tỷ phú thì ít nhất cũng sẽ cho bạn có được một tư duy khác biệt để thành công.
Xin cảm ơn ông vì những chia sẻ thú vị ngày đầu năm mới!
Nhịp sống kinh tế