Năm 1991, trong một cuộc họp bàn về các biện pháp tạo vốn cho nền kinh tế, ông Lê Văn Châu (khi đó là Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) đề xuất với đồng chí Đỗ Mười (lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) về việc Việt Nam cần sớm xây dựng thị trường chứng khoán, vì đó là cách duy nhất để đưa Đất nước vươn lên phát triển. Ý tưởng này rất được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ủng hộ.
Tại buổi họp đầu tiên để Chính phủ báo cáo với Bộ Chính trị về thị trường chứng khoán, khi đó, nguyên cố vấn BCH Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng đặt câu hỏi cho ông Lê Văn Châu: "Bây giờ đồng chí hãy nói cho Bộ Chính trị nghe, tại sao chúng ta là nước XHCN lại phải xây dựng TTCK?"
Ông Châu khi đó trả lời ngắn gọn: "Bất kỳ chế độ xã hội nào nếu biết vận dụng TTCK để tạo ra nguồn huy động vốn trung và dài hạn nhằm mục đích phát triển kinh tế thì TTCK sẽ đưa lại lợi ích phục vụ theo đúng mục tiêu và yêu cầu của chế độ xã hội đó. Việt Nam là nước XHCN, chúng ta hoàn toàn có đủ kiến thức và kinh nghiệm để xây dựng TTCK theo mô hình kinh tế thị trường, có định hướng XHCN để phục vụ cho nền kinh tế Đất nước".
Câu trả lời của ông Châu đã thuyết phục được Bộ Chính trị. Năm 1993, Ban Nghiên cứu xây dựng và phát triển thị trường vốn thuộc Ngân hàng Nhà nước được thành lập và 3 năm sau, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước ra đời (năm 1996).
Ngày 20/7/2000, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức khai trương hoạt động và ngày 28/7/2000, lần đầu tiên giao dịch hai cổ phiếu là REE và GMD, mở đầu cho một kỉ nguyên phát triển không ngừng trên thị trường vốn.
Năm nay, nhân dịp kỉ niệm 20 năm ngày thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động, Chủ tịch UBCK Nhà nước ông Trần Văn Dũng đã dành thời gian chia sẻ về quá trình phát triển của thị trường, cũng như những kỳ vọng tăng trưởng của TTCK Việt Nam trong thời gian tới.
TTCK là phần tất yếu của bất kỳ một quốc gia nào phát triển trong thời kỳ hiện đại. Chặng đường của TTCK Việt Nam đã đi 20 năm, nhưng để có ngày mở cửa thị trường câu chuyện được chuẩn bị trước đó nữa.
Manh nha TTCK bắt nguồn từ câu chuyện đổi mới. Chúng ta bắt đầu đổi mới từ năm 1986 nhưng thực sự đi vào các nội dung đổi mới vào khoảng năm 1989. Khi đó chúng ta bắt đầu có Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nước ngoài, câu chuyện TTCK lần đầu tiên được đưa ra tại Đại hội Đảng 8 trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 1996-2000, trong đó phát triển đồng bộ các loại thị trường và từng bước phát triển TTCK.
Năm 1996 chúng ta thành lập UBCK, đến năm 2000 chúng ta mở cửa thị trường. Trong quá trình đấy có rất nhiều câu chuyện vui buồn. Giai đoạn đầu là giai đoạn thực sự khó khăn và vất vả, khi định hướng tốt, chuẩn bị tốt và vượt qua giai đoạn đầu thì các giai đoạn sau phát triển thuận lợi hơn.
Ví dụ, để phát triển được thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP), khi đó ngành chứng khoán kiến nghị Bộ Tài chính tập trung đấu thầu và tập trung niêm yết để hình thành thị trường TPCP riêng biệt. Nhưng bối cảnh bấy giờ hầu hết TPCP được phát hành bán lẻ qua hệ thống của Kho bạc nhà nước. Nghĩa là 63 tỉnh thành của cả nước đều có người của Kho bạc đứng ra bán lẻ, nếu tập trung đấu thầu sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm của rất nhiều người trong hệ thống KBNN. Nhưng ngành chứng khoán xây dựng đề án để thuyết phục, nếu tập trung đấu thầu thì hiệu quả tốt hơn cho ngân sách, cho quốc gia. Phải mất một thời gian rất dài chúng ta mới chuyển tập trung đấu thầu, kết quả chủ động hơn về ngân sách, lãi suất liên tục giảm từ 8%/năm kỳ hạn 5 năm hiện còn dưới 2%/năm.
Câu chuyện này để lấy ví dụ cho việc mỗi sản phẩm là một câu chuyện, giai đoạn đầu khó khăn nhưng sau đó thuận lợi hơn rất nhiều.
Vậy câu chuyện của 10 năm sau và 20 năm sau là câu chuyện gì.
Bây giờ về cơ bản các thị trường chính đã hình thành bao gồm thị trường cổ phiếu, TPCP, thị trường phái sinh và tới đây thêm một thị trường để hoàn thiện nốt là một thị trường riêng để giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.
Với các thị trường đã có, các sản phẩm và các dịch vụ đi kèm chắc chắn chúng ta phải hoàn thiện. Tôi cho rằng nếu 20 năm trước là giai đoạn từ nhận thức đến hành động thông suốt về mặt tư tưởng và khẳng định vai trò của TTCK thì 20 năm sau chính là thời kỳ chúng ta tập trung hoàn thiện thị trường, thứ hai là phát huy một cách đầy đủ vai trò vị trí của TTCK cho phát triển kinh tế.
Chúng ta hoàn thiện về cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm và chất lượng thị trường thông qua các chuẩn mực kế toán được áp dụng. Trước mắt trong thời gian tới, IFRS sẽ phải được áp dụng, thí điểm trước cho các DN niêm yết. Chuẩn mực quản trị công ty chắc chắn phải được tăng cường để TTCK được công khai minh bạch hơn, độ sâu thị trường chắc chắn phải được cải thiện. Nếu chúng ta hoàn thiện cái đấy mới đưa TTCK phát huy đầy đủ vai trò của nó, làm cho thị trường và nền kinh tế minh bạch hơn, thực sự đóng trò kênh huy động vốn.
Từ trước đến nay, chúng ta phát triển kinh tế dựa vào kênh ngân hàng, TTCK, nguồn vốn nước ngoài là FDI và ODA. ODA chắc chắn sẽ giảm, vai trò của hệ thống ngân hàng mấy năm nay tăng trưởng tín dụng bắt đầu giảm và dần dần tập trung vào vốn ngắn hạn, còn vốn trung dài hạn dần dần sẽ dựa vào TTCK. Để vai trò của TTCK phát huy được hết chính là hỗ trợ sự phát triển của kinh tế tư nhân.
Chúng ta nhìn thấy những tấm gương, những doanh nghiệp sau cổ phần hoá phát triển rất tốt. Như VNM trước cổ phần hoá, giá trị của Nhà nước khoảng 100 triệu USD, bây giờ tính phần cổ tức đã lĩnh hàng tỷ USD rồi, giá trị của nhà nước còn lại một phần nhưng vẫn là mấy tỷ USD nữa. Phải nói sự đóng góp của một doanh nghiệp như VNM cho xã hội lớn hơn rất nhiều.
Hay chúng ta nhìn thấy những doanh nghiệp tư nhân như tập đoàn Vingroup, thông qua TTCK 3 năm gần đây Vingroup huy động được hàng tỷ USD và vai trò của doanh nghiệp với nền kinh tế lớn lên rất nhiều.
Cách đây chục năm chúng ta chỉ có 1 doanh nghiệp tỷ USD thì bây giờ có hai mấy doanh nghiệp tỷ USD, mỗi doanh nghiệp đều phát huy tốt. Đấy là lí do chúng ta nhìn thấy đóng góp của kinh tế tư nhân vào tăng trưởng GDP đất nước lớn nhất. Sắp tới kinh tế tư nhân là động lực chính trong đó khối doanh nghiệp niêm yết sẽ giữ vai trò đầu tầu.
20 năm rồi chúng tôi nhìn thấy nhận thức của xã hội đối với TTCK tiến bộ rất nhiều. Thời kỳ đầu, chúng tôi viết văn bản đầu tiên rất ngại dùng từ "môi giới", "đầu cơ chứng khoán", phải dùng từ đầu tư, còn giờ đầu tư ngắn hạn là bình thường. Những người chơi chứng khoán trước đây đầu tư theo phong trào nhiều, bây giờ tính toán đâu ra đấy, có người vẽ đồ thị, người phân tích cơ bản, tìm hiểu các thông tin liên quan về kinh tế vĩ mô, kinh thế thế giới, giá dầu…Phải nói rằng lực lượng tham gia TTCK tốt lên nhiều.
Doanh nghiệp tham gia TTCK chúng tôi thấy có sự tiến bộ vượt bậc, trước đây, nhiều doanh nghiệp có hiện tượng đẩy giá lên để phát hành với giá rẻ. Dần dần chúng ta thấy rằng những doanh nghiệp tham gia với kỳ vọng chỉ để phát hành giá rẻ thì không bền vững và chúng ta chứng kiến rất nhiều doanh nghiệp rời sàn bên cạnh rất nhiều doanh nghiệp thành công. Và chúng tôi cho rằng nhận thức của doanh nghiệp bây giờ thay đổi rất nhiều.
Thời kỳ đầu, UBCK phải tổ chức các đợt tuyên truyền về công ty cổ phần và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước để huy động doanh nghiệp lên sàn. Kết quả, giai đoạn 2005 -2006, các doanh nghiệp cổ phần hoá xếp hàng tại 2 sở GDCK và lên sàn rất nhiều. Năm 2006 Sở GDCK Hà Nội đón nhận 60 doanh nghiệm niêm yết hầu hết là doanh nghiệp cổ phần hoá và chúng ta chứng kiến các "dòng họ" lên sàn như như Sông Đà, Vinaconex…
Tôi nhớ có thời kỳ ngành dầu khí bán dưới 5 chấm là lãnh đạo ngành dầu khí không vui. Lúc bấy giờ nhiều doanh nghiệp lên sàn rồi họ dễ dàng phát hành và huy động được vốn giá rẻ nên phong trào rất mạnh.
Nhưng mạnh mà không có gốc thì không vững, nhiều doanh nghiệp khi tham gia TTCK một thời gian sau bị đuối và giá cổ phiếu giảm, họ cho rằng giá trên sàn không phản ánh đầy đủ giá trị công ty và quyết định rời sàn để phát hành với giá cao hơn. Tuy nhiên các doanh nghiệp đó sau khi rời sàn cũng không thực hiện được, điều đó khẳng định một lần nữa rằng TTCK phản ánh một cách tương đối chính xác nhất giá trị một doanh nghiệp và tình hình sản xuất kinh doanh cũng như tiềm năng của doanh nghiệp đó.
Từ đó đến nay, thị trường đã có sự phân hoá rõ rệt, doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, quản trị tốt, tiềm năng tăng trưởng tốt thì độ chống chọi của họ với thị trường tốt, nhiều doanh nghiệp không chỉ phát huy trọng nội địa mà vươn tầm ra quốc tế.
Giai đoạn hiện nay, với nhận thức của xã hội như bây giờ những kiến thức cơ bản để vận động doanh nghiệp lên sàn không cần thiết nữa, mà chúng ta tập trung vào cái lớn hơn là chất lượng quản trị và trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội, tức là không chỉ phát triển cho riêng mình mà phát triển cho cả lợi ích của cộng đồng, bao gồm cả yếu tố bảo vệ môi trường…
Với các thành viên thị trường, có thời kỳ đua nhau thành lập CTCK, chúng ta chứng kiến nhiều CTCK nhiều công ty quản lý quỹ không thể hoạt động nổi. Bây giờ, chất lượng dịch vụ của các CTCK hàng đầu tốt hơn rất nhiều.
Cơ sở pháp lý hiện nay đã hoàn chỉnh hơn. Giai đoạn đầu, Nghị định 48/1998 chỉ là nghị định rất ngắn, rất đơn giản. Luật chứng khoán 2006 đã là bước tiến, 2010 sửa đổi một số điều, đến nay Luật chứng khoán sửa đổi đã được Quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2021. Nền tảng cơ sở đã phát triển hơn phù hợp với sự phát triển theo từng thời kỳ.
Chúng tôi thấy rằng mối quan tâm của các cấp lãnh đạo đặc biệt là từ Đảng, Chính phủ đối với TTCK và sự phối hợp các bộ ngành tốt hơn. Sự phát triển của TTCK là hoà chung sự phát triển của tất cả các bộ ngành, thể hiện ở Luật chứng khoán vừa rồi chúng ta thống nhất để sửa cùng lúc 3 luật là Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, làm sao để đồng bộ. Rất tiếc còn luật liên quan đến các tổ chức tín dụng chưa sửa được, nhưng đã rà soát để không xung đột với luật ngân hàng. Nghĩa là từ nay chứng khoán không đi một mình nữa, Chính phủ không chỉ đạo đơn tuyến nữa, mà là đồng bộ trong chính sách phát triển của quốc gia.
Chúng tôi nghĩ rằng những yếu tố trên là cơ sở cho sự kỳ vọng 20 năm tới.
Chúng ta thấy rằng Covid và những ảnh hưởng của nó tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh và từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng của kinhtế Việt Nam. Chúng ta đang rất hạnh phúc vì hơn 90 ngày không có lây nhiễm cộng đồng, đây là một thành tích so với thế giới nhưng rõ ràng sự bùng phát của Covid là chưa đoán định được và sự phong toả bế quan toả cảng của Việt Nam với thế giới sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp rất lớn.
Các ngành sản xuất của chúng ta phụ thuộc vào nguyên liệu nước ngoài không nhập được, có sản xuất được hàng thì xuất khẩu gặp vấn đề. Các doanh nghiệp mà sự vận hành phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài, mặc dù Chính phủ cũng cố gắng mở các chuyến bay đặc biệt đưa họ vào nhưng nhu cầu chưa đủ. Rồi đầu tư, ai cũng lo chống dịch, lo giữ tiền ở nước họ chứ tạm thời chưa nghĩ đến đầu tư sang Việt Nam.
Chúng tôi nghĩ rằng trong cái khó như thế chúng ta vẫn đang ở trong tư thế có những ưu thế và thuận lợi riêng và có nhiều cơ sở để chúng ta lạc quan.
Câu chuyện nâng hạng thị trường là quan trọng để khẳng định vị trí của chúng ta trên thị trường quốc tế. Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cho ngành chứng khoán phải nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trước năm 2023. Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta có đầy đủ cơ sở để được nâng hạng trước năm 2023 khi uy tín của Việt Nam trên thế giới và tiềm năng phát triển kinh tế Việt Nam ngày càng lớn. Chúng ta có nền tảng pháp lý mới trong đó sự đồng bộ Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, năm nay các văn bản hướng dẫn Luật sẽ được ban hành.
Với nền tảng mới, những chính sách cũng như rào cản với sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được gỡ bỏ một cách cơ bản, rõ ràng hơn.
Sang năm 2021 với việc đưa vào hệ thống công nghệ mới, chúng ta có đầy đủ cơ sở để triển khai các dịch vụ mới như giao dịch chứng khoán chờ về, giao dịch trong ngày, đối tác bù trừ trung tâm CCP đó là điểm quốc tế quan tâm và các trở ngại sẽ được dỡ bỏ trong năm 2021.
Tôi tin rằng TTCK Việt Nam sẽ được nâng hạng trước thời điểm Chính phủ đặt ra là tương đối chắc chắn.
Trí Thức Trẻ