"Mẹ bảo, có hai thứ mà đời người không được bỏ lỡ. Một là chuyến tàu cuối cùng về nhà, hai là người thật lòng yêu thương ta".
Nhà cách ga tàu 20km, nên tôi thường đến ga một mình. Là ga bé, lại nằm giữa cánh đồng nên chỉ vài chuyến tàu đến rồi đi, càng ít người lên xuống. Đôi khi đợi chuyến tàu giữa đêm, xung quanh bóng tối ken đặc, ếch nhái kêu râm ran ngoài đường, tôi chợt nghĩ có khi nào mình là một trong 2 đứa trẻ trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Thạch Lam hay không.
Màn đêm bất tận, xa xa là ngọn núi quê hương đang khuất dần vào lớp sương mờ. Chạnh lòng, tôi nhớ mẹ, lại không muốn ra Hà Nội.
Tàu sắp đến, loa vang lên giữa không gian tĩnh mịch, tiếng bánh xe lăn xình xịch trong hư vô như càng vỗ về nỗi buồn tha hương. Khi đó, chỉ có nhân viên trực ga với mình và cũng chỉ những người phải đi xa mới hiểu được thứ cảm giác khó diễn tả này.
Tôi bước lên bậc thang bằng sắt nhỏ, nối mặt đất với những toa tàu. Một mình, không ai tiễn. Tàu kéo còi một hơi thật dài, tôi ngó ra cửa sổ nhìn ngọn núi cho đến khi nó biến mất hẳn. Những người thân của ai đó lác đác, nhỏ xíu rồi cũng biến mất khỏi tầm mắt. Tôi ra Hà Nội, cho hành trình 365 ngày tiếp theo.
Và không có sự lựa chọn nào khác.
Chiều 28 Tết năm Canh Tý. Trên vé tàu ghi rõ 14h25, tàu xuất bến khởi hành từ ga Hà Nội về ga Chợ Sy (Nghệ An).
13h, tôi vẫn đang loay hoay giữa mớ công việc của mình. "Báo cáo", "tài liệu", "deadline",... những cụm từ nhiều năm qua vẫn chưa thôi ám ảnh. Về nhà, tôi sửa soạn vài bộ quần áo, thêm cả khăn, áo khoác, vài đôi tất. Đài báo Nghệ An vẫn sẽ có một chút lạnh đặc trưng của mấy ngày Tết.
Chú xe ôm chậm rãi vừa nhìn đường vừa bắt chuyện. Thời gian vẫn còn dư dả.
- Cháu về đâu?
- Dạ Nghệ An. Thế còn chú?
- Chú ở Đà Nẵng.
- Hôm nay 28 rồi, thế khi nào chú về quê?
- Chắc năm nay chú không kịp về đón giao thừa với gia đình, chịu khó cày cuốc mấy ngày Tết mong có thêm chút tiền. Hoàn cảnh khó khăn, 2 đứa con trai vào Nam làm xí nghiệp cũng không về.
Cả 2 cùng im lặng.
- Chú dừng ven đường, cháu muốn mua một cành đào.
Khu chợ truyền thống tập trung những chị gái sáng sớm tinh mơ gà chưa gáy đã đạp xe xuống Nhật Tân lấy đào. Cành đẹp, nụ chưa nở hết, lác đác một chút hồng thẫm.
- "Cành này bao nhiêu, chị nói đúng giá, em lấy luôn còn kịp về quê!"
Tôi đưa chị 100 nghìn, đi xe thêm 10 phút trước khi có mặt tại ga Hà Nội. Trên màn hình điện thoại hiển thị tên "Nguyễn Văn Sơn", cùng bức ảnh chân dung người đàn ông kham khổ. Chú tạm biệt, không quên: "Ăn Tết vui vẻ nhé!".
14h, con tàu SE9 trong tư thế sẵn sàng đón chào những vị khách đầu tiên. Toa 2 đây rồi. Đặt vé muộn nên chỉ có những băng ghế gỗ dài, nhưng chính vì thế lại có cái hay của nó, bởi trên mỗi chuyến tàu như thế này, những chiếc ghế xoay vào nhau.
Vị khách đầu tiên xuất hiện.
Một cô gái trẻ, tầm 22 tuổi, đang khệ nệ vác chiếc va li to gần bằng người. Em khó khăn ngồi vào chỗ, mặt hơi nhăn nhó.
- "Thực ra chỗ của em ở góc bên kia, nhưng có người ngồi mất rồi. Liệu em có thể ngồi tạm đây được không?"
Tôi gật đầu.
Em tự giới thiệu mình tên Hiếu, sinh viên ĐH Ngoại thương, quê Hà Tĩnh. Em bảo không thích đi xe ô tô, vì thường sẽ bị nhồi nhét rất đông người trong dịp Tết.
"Đi tàu, bao giờ em cũng đặt ghế ngồi bên cửa sổ, để nhìn ngắm cảnh vật bên ngoài chuyển động cùng mình. Em đi học xa, nên mỗi lần đi tàu về quê đều có cảm giác giá trị hơn. 4 năm học ở Hà Nội, năm nào em cũng đi tàu, chỉ có khi nào vội, mới phải chạy ra bến xe".
- "Quê xa như thế, em có hay về nhà không?".
- "Nửa năm em mới về một lần, không biết lần này con chó ở nhà còn nhận em không nữa".
Em phì cười.
Anh Phúc (26 tuổi), cựu sinh viên Kinh tế Quốc dân, hiện đang làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, vừa bê thùng bia là quà tặng gia đình, vừa loay hoay dò đường, ngồi bịch xuống cạnh em Hiếu.
"Mình đặt vé muộn, chỉ được ngồi ghế phụ. Nếu chỗ này chưa có ai ngồi, mình có thể ngồi cùng được không?"
"Bọn em cũng phải ngồi ghế phụ như anh đó, nhưng anh cứ ngồi xuống đây với bọn em. Đến ga Hà Nam, nếu có người lên, thì mình lại tính cách khác", Hiếu đáp lời.
"Thế hoá ra đây là hội những người ngồi ghế phụ à?" - anh Phúc tếu táo. "Anh rất thích cảm giác được đi tàu, nó giống như một trải nghiệm của mỗi năm về quê, anh lại có thể trò chuyện với rất nhiều người xa lạ và chia sẻ hoàn cảnh với họ".
Mấy hôm giáp Tết, anh Phúc không chịu được cảnh buồn chán ở Hà Nội. Xung quanh anh, mọi người đều đã về quê. Không khí Tết chưa kịp len lỏi vào tâm hồn khiến anh chỉ biết sốt ruột mỗi khi nhìn từng đứa bạn xách ba lô ra bến xe, bến tàu.
"Chính là ăn Tết ở quê vui hơn ở thành phố. Nhà anh năm nào cũng gói bánh chưng, người lớn trẻ nhỏ lại được dịp quây quần, thức xuyên đêm trông nồi bánh.
Nhưng có một điều không liên quan, anh muốn nói với tụi em".
Tôi và Hiếu tò mò.
"Anh đi tàu 7 năm rồi nhưng chưa kiếm được người thương".
Câu "thả thính" ngô nghê của anh thanh niên quê Nghệ An làm tôi và Hiếu ôm mặt cười nức nẻ. "Cô em gái vừa quen" nhanh nhảu đáp: "Thế anh còn phải đi thêm nhiều năm nữa, biết đâu sẽ gặp được định mệnh của cuộc đời tại ga tàu nào đó".
"Ừ, chắc thế!".
SE9 là tàu chậm trên tuyến tàu khách Bắc - Nam, chạy trên quãng đường 1.726km với thời gian khoảng 34 tiếng. Tàu với 12 toa tàu, dừng đỗ trên 18 ga.
Trước đó, khi tàu chuẩn bị rời ga Hà Nội, tôi tình cờ gặp hạ sĩ công binh Nguyễn Phi Hậu. Anh rất trẻ, người Khánh Hoà, năm nay mới 21 tuổi, vừa hoàn thành khoá huấn luyện 6 tháng ở Hà Nội. Anh hỏi tôi mua cành đào ở đâu?, bày tỏ cũng muốn mang vào cho tiểu đoàn một cành đào nho nhỏ để chuẩn bị đón Tết. Mấy năm rồi, anh chưa được về nhà đón giao thừa cùng gia đình.
Nụ cười và nét mặt hiền hậu của anh dễ khiến người đối diện có cảm tình. Thật tình cờ, anh và tiểu đội cũng khởi hành trên chuyến tàu SE9. Nhìn thấy bóng dáng anh từ xa ở bên trong khu vực ra tàu, tôi vẫy tay, nhoẻn miệng cười. Khi tôi trao anh cành đào, xin anh một bức ảnh lưu niệm, các chiến sĩ xung quanh hò reo, như thể tôi là người thương của anh ấy. Tôi ngại ngùng.
Chụp xong, anh gửi lại tôi cành đào, gửi luôn cả một ánh mắt trong trẻo và ngây ngô.
Chưa bao giờ trên một chuyến tàu, tôi nói chuyện với nhiều người đến thế.
Tôi gặp vợ chồng anh Quốc, quê Bình Định. Anh sinh sống ở Hà Nội, trước khi lên tàu, đã kịp mua một cành đào tại chợ Long Biên. "Anh thích đi tàu vì cảm giác an toàn và thoải mái. Năm nào anh cũng đi tàu về Bình Định cùng vợ con, 2 cháu nhà anh không bị say, mọi việc thật nhẹ nhàng những ngày cuối năm".
Anh Bảy, chị Phương cùng cậu con trai đang ăn điểm tâm chiều trong toa giường nằm. Vợ chồng anh chị lập nghiệp ở Nha Trang, vừa bay ra Hà Nội trong buổi sáng để kịp chuyến tàu về Thanh Hoá.
"Anh đi tàu từ năm 1995. Cuối năm, khi mình đi tàu, không khí thư thả hơn, chậm lại một chút so với nhịp sống hối hả ngoài kia. Khi trên tàu, anh cảm nhận được nhiều hoàn cảnh, nhiều câu chuyện khác nhau. Tâm trạng Tết của mọi người, mọi nhà đang đến rất gần".
- "Thế Tết năm nay nhà anh có gì đặc biệt không?"- Tôi hỏi.
- "Tết năm nào cũng vậy thôi, nhưng mỗi lần về quê thấy ông bà mạnh khoẻ là vui rồi. Năm nay, vợ chồng anh kỷ niệm 10 năm ngày cưới" - anh Bảy đáp.
Tuệ Khang - cậu nhóc 6 tuổi, cùng bà nội, đi dạo ngoài hành lang toa tàu.
- "Khang có thích đi tàu hoả không?", bà Hà (59 tuổi) hỏi cháu nội.
- "Có ạ".
- "Tại sao con thích đi tàu hoả?"
- "Con thích đi tàu hoả vì con... cũng không biết nữa".
Tuệ Khang thích chạy nhảy dọc hành lang, thích được lì xì nhiều tiền mừng tuổi. Bố mẹ đã mua sẵn đồ mới cho cu cậu, chỉ chờ mấy ngày Tết cùng xúng xính xuống phố. Gia đình sắp đón thêm một thành viên mới, chính là em trai của Khang. Tết 2020 bởi thế ý nghĩa và đặc biệt biết nhường nào.
Một năm có 12 tháng thì có tới 8 tháng mùa vé tàu hoả thấp điểm. Khi đó, tàu chủ yếu chạy rỗng, không có khách, cho dù giảm giá tới 50%. Những khi ấy, nhân viên trên tàu buồn vui thế nào, ít người nhắc tới.
Những chuyến tàu đêm 30 Tết luôn có nhiều điều khác lạ, tổ tàu và cả hành khách đều bâng khuâng. Nhân viên nhà tàu luôn cố gắng hết mình, không để hành khách nào nhỡ tàu trong đêm 30 dù đã được chuẩn bị chu đáo, nhưng không thể không lo.
Đêm 30 trên tàu, tâm trạng ai cũng bồi hồi, thấp thỏm, mong ngóng tàu sớm về ga cuối cùng. Đêm cuối năm, thời gian, không gian dường như dài thêm.
Giây phút đón giao thừa trên tàu thật khó diễn tả thành lời. Người cười, người khóc trong cái lắc lư của con tàu xé tan màn đêm. Những lời chúc tụng vang lên nhưng cũng khó xua tan được nỗi buồn khi phải xa người thân. Hành khách sốt ruột chưa về được quê hương. Tổ tàu, quanh năm xa nhà, năm cùng tháng tận cũng vẫn xa nhà.
Chuyến tàu từ Nam về Bắc để được ở bên gia đình, người thân luôn mang một cảm giác hạnh phúc ngập tràn đến khó tả. Là những người con xa xứ, họ có một "đặc ân" rất lạ: đi xa để trở về, khi mà những cành đào đã bắt đầu chớm nụ, những cơn mưa xuân báo hiệu mùa về nhẹ nhàng trên từng tán lá. Xa xứ là cả một cuộc đánh cược, nếu đã hi sinh những tháng ngày thường trực vì miếng cơm manh áo, thì đổi lại bạn nhận về một khoảnh khắc sum họp bên gia đình. Và tất nhiên, nó vô giá!
Nếu được hỏi bất cứ ai một định nghĩa hoàn hảo nhất về Tết, thì vẫn luôn là sự đoàn viên, sum họp, là cuộc tề tựu nặng nghĩa nhất trong năm!
Anh Đặng Văn Duẩn - Phó tàu SE9, người có hơn 10 năm trong nghề, nói về "nhiệm vụ" cao cả của tổ tàu Bắc - Nam. Như một câu khẩu hiệu khắc cốt ghi tâm: Trước Tết lo đưa hành khách về quê, sau Tết thì đưa khách trở lại cơ quan, công sở.
"Bọn anh thường xuyên thay ca nhau đi xuyên Tết. Công việc tuy vất vả và trách nhiệm lớn lao, nhưng nhìn người dân được đoàn tụ bên gia đình, bọn anh cũng vui lây. Bọn anh hầu như không có ngày lễ. Nhưng rất may, năm nay anh được ở nhà cùng gia đình đêm giao thừa, rồi tranh thủ tiếp tục công việc" - anh Duẩn nói.
Em Thắng, 19 tuổi, quê Thanh Hoá, sinh viên Cao đẳng đường sắt, là nhân sự được tăng cường trên tàu SE9 thời điểm gần Tết.
"Chuyến này 28 Tết là em được về, rồi lại vào Sài Gòn đi học. 2 năm rồi, em đều đón Tết xa nhà", Thắng nói.
Công việc với Thắng nói chung nhàn, nhưng phải thức đêm nhiều. Riêng những chuyến tàu cuối năm bao giờ cũng vất vả nhất, vì khách đông đúc và... "nhiều trẻ nhỏ khóc ầm lên, em đau hết cả đầu".
"Mỗi khi giao thừa đến, anh em trong tổ lại quây quần bên nhau quanh mâm cơm có bánh chưng, kẹo, mứt... để vơi đi nỗi nhớ nhà. Làm nghề này ăn Tết trên tàu là chuyện bình thường, hi sinh chuyện cá nhân để đem đến những chuyến tàu an toàn, thoải mái cho hành khách", Thắng tâm sự.
20h tối 28 Tết Canh Tý, loa phát thanh tại ga phát đi thông báo: "Chuyến tàu SE9 đã đưa quý khách về ga chợ Sỹ, tỉnh Nghệ An. Chúc quý khách và gia đình một năm mới bình an".
Tôi bước xuống, ngọn núi xuất hiện giữa mênh mông bất tận. Còn 20km nữa, Tết gần như đã ghé xuống tận thềm cửa. Bên trong bếp, mẹ đang đợi cơm. Tôi chia tay em Hiếu, anh Phúc, hạ sĩ công binh Nguyễn Phi Hậu, vợ chồng anh Quốc, vợ chồng anh Bảy, cậu bé Tuệ Khang và bà nội. Em Thắng và anh Duẩn từ bên trong toa, vẫy tay chào tạm biệt.
Tiếng hú của con tàu lại vang lên mỗi khi rời ga trong đêm se lạnh, hai bên đường loang loáng bóng người và xe cộ lùi dần phía sau. Đoàn tàu vẫn lao đi trong màn đêm, tiếp tục sứ mệnh cao cả của mình.
Trí thức trẻ