Minh hoạ: Brian Stauffer|Wall Street Journal
“Trung Quốc là kẻ thù lớn nhất của Mỹ trong lĩnh vực kinh tế”, “Chúng ta sẽ mang việc làm trở lại nước Mỹ”. Donald Trump luôn dùng những lời lẽ cay nghiệt để nói về Trung Quốc. Nhưng có lẽ điều này là không xứng đáng khi mà ở một góc nhìn nào đó chính Trung Quốc đã tạo ra sự trỗi dậy của Donald Trump.
Thời kỳ cuối những năm 1990, Hickory - thành phố nhỏ thuộc bang North Carolina, “thủ phủ” đồ nội thất nổi tiếng của nước Mỹ - đã tránh được những tác động của toàn cầu hóa, của cơn lũ hàng hóa nhập khẩu giá rẻ. Công nhân ngành thép từ Tây Virginia, Tennessee và xa hơn nữa vẫn đổ xô tới đây tìm việc trong các xưởng đóng giường tủ, bàn ghế cung cấp cho các hộ gia đình trên khắp cả nước. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 2%.
Hickory đã trải qua nhiều cú sốc kinh tế, tuy nhiên chẳng có cú sốc nào mạnh bằng cú sốc “Made in China”. Vì hàng Trung Quốc, nhiều nhà máy ở đây phải đóng cửa, hàng nghìn việc làm mất đi và năm 2010 tỷ lệ thất nghiệp lên tới hơn 15%.
Năm nay 59 tuổi, Stuart Shoun đã bị sa thải tới 3 lần trong 7 năm qua. Sau khi mất việc, người thợ của Hickory theo học ngành kiến trúc ở trường đại học nhưng vẫn không thể tìm được việc và cuối cùng lại trở lại với nghề cũ. Hiện ông kiếm được 45.000 USD/năm, chẳng khác gì so với 20 năm trước và thậm chí còn giảm 14.000 USD sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát.
Hickory (thuộc bang North Carolina) đang phải chịu đựng nhiều tác động tiêu cực từ hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ứng viên đảng Cộng Hoà Donald Trump đang tận dụng tâm lý bức xúc của cử tri để giành được sự ủng hộ.
Video: Madeline Marshall|Wall Street Journal|Dịch bởi Cafef.vn
Con trai của Shoun, Steven, là một thợ bọc sofa lành nghề và đang quản lý một xưởng của gia đình. Tuy nhiên anh không muốn cậu con trai đang học đại học của mình theo nghề truyền thống. Steven cho rằng “những người lãnh đạo đất nước” đã khiến kinh tế Hickory rơi vào thảm cảnh. Hai cha con thích Donald Trump lên làm Tổng thống.
Khi hoạt động xuất khẩu đến thị trường Mỹ của Nhật Bản, Mexico và những “con hổ châu Á” như Đài Loan bùng nổ, nhiều thành phố và thị trấn của nước Mỹ vẫn có thể thích nghi. Tuy nhiên, Trung Quốc là một phạm trù hoàn toàn khác.
Sự nổi lên của Trung Quốc khiến kinh tế Mỹ rung lắc mạnh hơn nhiều so với dự đoán của các chuyên gia kinh tế và nhà hoạch định chính sách. Lực lượng lao động Mỹ không thích nghi nhanh như họ tưởng.
Những dư chấn ấy đang gieo mầm cho sự bất mãn về nền chính trị nước nhà đã được các cử tri Mỹ thể hiện hết sức rõ ràng trong cuộc bầu cử năm nay. Sự bất mãn với toàn cầu hóa nuôi dưỡng một trong những mùa bầu cử bất thường nhất trong lịch sử nước Mỹ. Đặc biệt là sự nổi lên của Donald Trump – người lớn tiếng phản đổi các hiệp định tự do thương mại.
Mùa bầu cử năm nay, không ít lần NAFTA (Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ đã mở tung cánh cửa để hàng hóa Mexico tràn vào Mỹ) bị đem ra chỉ trích. Tuy nhiên sau tất cả thì Trung Quốc mới là thủ phạm thực sự.
Century đã vượt qua được “cơn lũ” hàng nhập khẩu Trung Quốc bằng cách tập trung vào các sản phẩm đặt hàng theo yêu cầu.
Ảnh: Mike Belleme|Wall Street Journal.
Lâu nay các chuyên gia kinh tế vẫn nói rằng thương mại tự do tạo nên cả người thắng và kẻ thua nhưng kinh tế thế giới thì có lợi. Người Mỹ được mua hàng hóa nhập khẩu rẻ tiền, chất đầy ngôi nhà của mình với xe đạp, đồ trang sức và đồ làm bếp giá rẻ. Cùng lúc đó các công ty Mỹ được tiếp cận nhiều thị trường mới. Người lao động ở những ngành bị ảnh hưởng bởi xuất khẩu sẽ phải nâng cao tay nghề hoặc chuyển đến nơi nào đó có nhiều cơ hội hơn.
Tuy nhiên Trung Quốc “nhấn chìm” tất cả những lý thuyết này. Không quốc gia nào có đủ tất cả những lợi thế như Trung Quốc: có lượng lao động trẻ dồi dào, mức lương siêu thấp, được Chính phủ hỗ trợ, có đồng nội tệ giá rẻ và năng suất lao động liên tục tăng.
Chỉ 4 năm sau khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2011, tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc trong GDP Mỹ đã tăng gấp đôi. Mexico cần 12 năm để làm như vậy sau khi có NAFTA. Nhật Bản cũng tương tự. Đến năm ngoái, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 2,7% GDP Mỹ.
Những vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc
Màu sắc ở mỗi vùng thể hiện mức độ ảnh hưởng của hàng hoá Trung Quốc lên vùng đó, dựa trên mức tăng giá trị hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc trong giai đoạn 1990 - 2007 chia bình quân trên mỗi lao động. Di chuyển con trỏ đến từng vùng, bạn sẽ thấy cấu trúc dân số của vùng đó ở phía dưới và các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất ở bên phải
Ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất
tk
Dựa trên số vùng bị ảnh hưởng
Tác động đối với người dân trong vùng theo từng ngành
Tác động trên mỗi người lao động (*)
Cấu trúc dân số ở những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất
(*) Tác động trên mỗi người lao động là giá trị hàng hoá mà một công nhân Mỹ sẽ làm ra nếu hàng hoá đó được sản xuất ở Mỹ thay vì Trung Quốc
Đồ họa: Andrew Van Dam, Jessia Ma, John Hilsenrat, Bob Davis
Nguồn: David Autor, Brendan Price (Học viện công nghệ Massachusetts), Gordon Hanson (ĐH California), David Dorn (ĐH Zurich)
Hàng hóa Nhật Bản đe dọa một số ngành công nghiệp mà chủ yếu là ô tô, sắt thép và điện tử. Còn hàng Trung Quốc “càn quét” toàn bộ nền kinh tế, từ các nhà sản xuất điện tử ở San Jose (California), đồ thể thao ở quận Cam, ngành chế tác trang sức ở Providence, giày dép ở West Plains, đồ chơi ở Murray…
Kết quả nghiên cứu cho thấy Trung Quốc khiến 2,4 triệu việc làm ở Mỹ mất đi từ năm 1999 đến 2011.
Cũng trong những năm 2000, chính những bang bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hàng hóa Trung Quốc rơi vào tình trạng phân cực chính trị mạnh mẽ. Giai đoạn bầu cử sơ bộ, Trump giành chiến thắng ở 89 trên tổng số 100 địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đối thủ của bà Clinton ở đảng Dân chủ là ông Bernie Sanders cũng là người phản đối tự do thương mại và giành chiến thắng ở 64/100 địa phương.
Sau khi tăng lên trên 15%, tỷ lệ thất nghiệp ở Hickory đã giảm xuống còn 5% nhưng tổng số lao động đã sụt giảm mất 25.000 người kể từ năm 2001 tới nay.
Ảnh: Mike Belleme|Wall Street Journal.
Hickory, thành phố nhỏ bé yên tĩnh với khoảng 40.000 dân, từng có một mùi hương rất đặc trưng: mùi sơn gỗ. Cuối những năm 1990, thành phố này bùng nổ. Hàng ngoại đe dọa ngành dệt may nhưng không thể khiến ngành đồ gỗ lung lay.
Những người thợ mộc tự tin họ sẽ an toàn trước hàng hóa nhập khẩu bởi đồ gỗ có điểm đặc biệt: chúng quá cồng kềnh, chi phí vận chuyển rất đắt đỏ và đòi hỏi phải có bàn tay khéo léo của người thợ thủ công. Tuy nhiên, cuối cùng thì phí vận chuyển giảm mạnh và nhiều người Mỹ đặt yếu tố giá cả lên hàng đầu.
Năm ngoái, tổng giá trị đồ nội thất mà Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ lên tới 204 tỷ USD, so với con số 4,4 tỷ USD của năm 2000. Hiện hàng nhập khẩu chiếm tới 73,5% lượng tiêu thụ trên cả nước và một nửa trong số đó đến từ Trung Quốc.
Alex Bernhardt Jr., CEO của Bernhardt Furniture là một công ty gia đình nằm cách Hickory 17 dặm, chia sẻ anh cũng như các công ty Mỹ khác rất choáng váng trước tốc độ tăng trưởng quá nhanh của lượng hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Trước đây, một cách vô tình, họ đã giúp Trung Quốc khi cử kỹ sư thậm chí là máy móc thiết bị tới Trung Quốc để hỗ trợ sản xuất những sản phẩm tinh vi phức tạp. Giờ chính điều đó đã làm hại họ.
Alex Shuford (42 tuổi) - chủ sở hữu của Century Furniture có trụ sở ở Hickory – nói rằng sự giúp đỡ mà các nhà sản xuất Mỹ dành cho Trung Quốc “cũng giống như Ford giúp Toyota”. Số nhân công của Century đã giảm từ mức 1.323 của năm 2003 xuống hiện còn 845 người.
Các chính sách đối phó với hàng Trung Quốc mà Mỹ tung ra đã thất bại, trong đó có cả nỗ lực tăng thuế. Năm 2004, một nhóm các nhà sản xuất đồ nội thất đã thắng kiện chống lại Trung Quốc và thu về 309 triệu USD.
Stanley Furniture là công ty được chia phần nhiều nhất – 83,5 triệu USD. Tuy nhiên tính đến năm ngoái công ty chỉ còn lại 71 công nhân so với con số 2.600 của 10 năm trước. Stanley đầu tư vào đồ trẻ em với số tiền lên đến hàng triệu USD để cứu vãn tình hình nhưng đã thất bại thảm hại.
Stuart Shoun, một người thợ của Hickory, nhớ lại khi chuyển tới Hickory năm 1977, ông là một chàng trai 20 tuổi muốn có một công việc ổn định. Khi làn sóng sa thải ập đến, ông hết sức ngạc nhiên khi một số đồng nghiệp nói rằng họ còn chẳng biết đọc biết viết.
Stuart Shoun đã bị sa thải 3 lần kể từ năm 1999 trong khi thu nhập hiện tại không khác gì so với cách đây gần 20 năm. Ảnh: Mike Belleme|Wall Street Journal.
Shoun từng được mời điều hành một nhà máy ở Trung Quốc và được tăng lương gấp đôi, lên khoảng 100.000 USD. Tuy nhiên ông đã từ chối vì không muốn rời xa gia đình.
Trong quá khứ, các thành phố và bản thân người lao động luôn tìm ra con đường mới khi hoạt động sản xuất bị đe dọa. Detroit hồi sinh trong những năm 1980 sau khi bị ảnh hưởng bởi các công ty ô tô Nhật Bản. Chrysler và nhà lãnh đạo Lee Iacocca nổi lên như những biểu tượng cho sự hồi sinh của nước Mỹ.
Tuy nhiên lần này người lao động phản ứng rất chậm chạp. Các chuyên gia kinh tế nhận định các nguyên nhân bao gồm số gia đình có hai nguồn thu nhập tăng lên, dân số bị già hóa, bong bóng vỡ trên thị trường nhà đất và giá nhà ở những nơi như San Francisco và Austin, Texas tăng chóng mặt.
Ở Hickory, những công nhân thất nghiệp thường quay sang học đại học cộng đồng nhưng sau đó vẫn không tìm được việc. Sau khi mất việc năm 2006, Shoun nghĩ rằng tấm bằng chuyên ngành kiến trúc sẽ giúp ông có được việc làm tốt hơn. Nhưng thị trường nhà đất lại sụp đổ đúng lúc ông hoàn thành khóa học. Chẳng còn đường nào khác, Shoun quay về với ngành gỗ.
Vợ cũ của ông mới chỉ học hết lớp 8 và mất việc năm 2006. Bà cũng cố gắng kiếm bằng tốt nghiệp cấp 3 nhưng không vượt qua được bài thi toán và than phiền rằng mình “rất sợ các con số”. Hiện bà kiếm được gần 10 USD mỗi giờ, nhưng 15 năm trước bà còn kiếm được 11 USD.
Mấy năm trở lại đây, ở Hickory đã xuất hiện những dấu hiệu hồi phục. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 6 là 5%, cao hơn mức trung bình cả nước một chút. Tuy nhiên tỷ lệ này giảm chủ yếu là vì lực lượng lao động đã bị thu hẹp đáng kể, khoảng 13% so với năm 2001. Điều này có nghĩa là có ít người hơn được tính vào dạng thất nghiệp vì họ đã ra khỏi thị trường lao động.
Giáo sư kinh tế MIT Autor nhận định điều tồi tệ nhất có lẽ đã qua đi vì tiền lương ở Trung Quốc đang tăng lên và hoạt động sản xuất bắt đầu chuyển sang các nước có chi phí nhân công thấp hơn, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên những “nạn nhân” ở Hickory không cảm thấy nhiều khác biệt. Có rất ít công ty tự tin rằng những ngày hoàng kim sẽ quay trở lại.
“Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc. Đó là tất cả những gì chúng ta nghe thấy. Tôi lại cho rằng thủ phạm là các tập đoàn lớn với lòng tham vô đáy”, ông chủ cũ của Shoun là Lonnie Joiner nói. Ông cũng ủng hộ Donald Trump, bởi “ông ấy rất trung thực, không hoa mỹ và cứng rắn với hàng hóa nhập khẩu”.
Các công nhân ở Century Furniture, Hickory. Công ty này hiện có 845 công nhân, giảm mạnh so với con số 1.323 của năm 2003.
Ảnh: Mike Belleme|Wall Street Journal.