Năm 2018 được xem là một năm tồi tệ với thị trường chứng khoán toàn cầu, khi tất cả các chỉ số lớn đều giảm điểm không phanh. Những biến động của chứng khoán Mỹ còn diễn biến một cách tồi tệ hơn khi phá đỉnh lịch sử hồi tháng 9 nhưng lại ngấp nghé mức thị trường gấu trong những ngày cuối tháng 12, đánh dấu một tháng cuối năm tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái 1931.
Chỉ số MSCI World Index, theo dõi hoạt động trên thị trường chứng khoán của các thị trường mới nổi, cũng liên tiếp hứng chịu những cú trượt giảm nghiêm trọng so với đầu năm. Vào những tháng cuối năm, chỉ số này liên tục cắm đầu lao dốc theo cú trượt dài của chứng khoán toàn cầu.
Trong phiên giao dịch trước Giáng sinh, Nikkei 225 của Nhật Bản đã thủng 20.000 điểm, khiến nó chính thức rơi vào thị trường gấu. Các chỉ số khác của chứng khoán Nhật Bản nói riêng và châu Á nói chung cũng đều phải hứng chịu những mức sụt giảm tồi tệ trong năm 2018, đặc biệt là vào cuối năm.
Chiến tranh thương mại, quyết định nâng lãi suất của Fed hay những bất ổn chính trị ở châu Âu và Mỹ… được coi là nguyên nhân chính của làn sóng bán tháo hiện nay.
Một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là điều không ai muốn trở thành hiện thực. Tuy nhiên, điều cả thế giới lo sợ đã xảy ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đánh thuế 25% với một phần hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, kéo theo các biện pháp đáp trả từ Bắc Kinh.
Một cuộc chiến thương mại toàn diện cũng đã được cân nhắc. Đi cùng với từng động thái leo thang của chiến tranh thương mại, thị trường tài chính toàn cầu cũng phải trả những cái giá rất đắt. Tình trạng bán tháo xảy ra với chứng khoán Mỹ và nhanh chóng lan ra toàn cầu, kéo theo hàng nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa bị thổi bay.
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Argentina đã giúp một thỏa thuận đình chiến được thực thi. Tuy nhiên, những người lạc quan nhất cũng không thể tin những khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc có thể được giải quyết trong 90 ngày ngắn ngủi – thời hạn đình chiến có hiệu lực. Thêm vào đó, việc Mỹ yêu cầu Canada bắt bà Mạnh Vãn Chu, CFO tập đoàn Huawei của Trung Quốc, khiến vấn đề càng trở nên phức tạp.
Xem thêmNgày 21/3 đánh dấu lần đầu tiên FED tăng lãi suất trong năm 2018. Sự kiện này ngay lập tức khiến chứng khoán Mỹ phản ứng mạnh mẽ. Điều tương tự cũng được lặp đi lặp lại khi FED tăng lãi suất thêm 3 lần khác trong năm nay. Các nhà đầu tư dường như không tìm ra phương thức nào để bảo toàn tài sản mỗi lần tăng lãi suất ngoài việc bán tháo.
Tuy nhiên, lần tăng được dự báo trước của FED vào ngày 19/12 lại đang gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng với thị trường tài chính Mỹ và thế giới. Nó nối dài chuỗi ngày giảm điểm, khiến các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ tiệm cận mức thị trường gấu. Tháng 12 này cũng được coi là tháng cuối năm tồi tệ nhất lịch sử kể từ cuộc Đại Suy thoái năm 1931.
Sau mỗi lần tăng lãi suất, Tổng thống Mỹ Donald Trump đều tỏ ra không hài lòng, thậm chí chỉ trích Ngân hàng Trung ương nước này và cá nhân Chủ tịch Jerome Powell. Ông Trump còn khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn khi tìm cách sa thải ông Powell, người được cho là đã làm rất tốt trên cương vị của mình. Tuy nhiên, những điều đó không khiến ông Powell để ngỏ 2 lần tăng lãi suất khác vào năm 2019.
Xem thêmCùng kỳ năm ngoái, Bitcoin, đồng tiền số có giá trị vốn hóa lớn nhất, khiến cả thế giới xôn xao khi tăng phi mã lên tới gần 20.000 USD/coin. Hàng loạt đồng tiền số khác, cũng liên tiếp tạo đỉnh lịch sử, biến giá trị vốn hóa của tiền số có lúc chạm gần 1.000 tỷ USD. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang.
Ngay sau khi lập đỉnh lịch sử, Bitcoin liên tiếp trượt giá, kéo theo cuộc tắm máu trên thị trường tiền số. Cuối năm 2018, Bitcoin đang phải vật lộn trong khoảng 3.500 – 4.000 USD. Các đồng tiền số khác cũng trượt xa khỏi đỉnh mà nó xác lập hồi cuối năm ngoái, đầu năm nay.
Đà trượt giá kéo dài khiến nhiều nhà đầu tư lâm vào cảnh trắng tay. Việc cấp đòn bẩy siêu lớn cho các nhà đầu tư tiền số khiến cuộc tắm máu trở nên khốc liệt hơn. Những người lạc quan nhất cũng không còn tin vào một thị trường tiền số khởi sắc, ít nhất là trong tương lai gần.
Các công ty chuyên khai thác tiền số cũng lâm vào thảm cảnh, dẫn tới việc bán tháo hàng loạt trâu cày để thu hồi vốn. Nhiều công ty cũng đệ đơn xin phá sản với khoản lỗ hàng chục triệu USD. Tuy nhiên, sự việc có thể tồi tệ hơn nữa bởi nhiều chuyên gia cho rằng Bitcoin thực chất hoàn toàn vô giá trị.
Hai tháng trước, nhiều người cho rằng dầu mỏ có thể phá đỉnh 100 USD rồi 200 USD/thùng, điều quá xa vời so với giá 42 USD như hiện nay. Ngày 3/10, giá dầu lập kỷ lục ngắn hạn với 76,4 USD/thùng. Nhưng chỉ hơn 2 tháng sau, ngày 24/12, giá dầu chỉ còn 42,7 USD/thùng.
Hàng loạt biến động trên chính trường thế giới đã khiến giá dầu thăng trầm trong năm 2018. Giá dầu của Mỹ được duy trì ở mức 50 USD/thùng trong suốt mùa hè. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào xuất khẩu dầu thô Iran, nhu cầu về dầu tăng lên và tình hình trở nên xấu đi tại Venezuela là ba yếu tố khiến các nhà phân tích cho rằng giá dầu sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, biến động đã xảy ra. Nỗi sợ hãi và sự hoảng loạn bao trùm thị trường dầu mỏ với những diễn biến bất ngờ trên chính trường, dẫn tới việc giá dầu mất tới gần 50% giá trị chỉ trong vòng 2 tháng.
Xem thêm2018 thực sự là một năm đáng quên với Facebook và nhà đồng sáng lập, CEO Mark Zuckerberg. Chưa bao giờ, đại diện của Facebook lại phải xin lỗi nhiều đến thế. Chưa khi nào người dùng Facebook lại cảm thấy mình giống một công cụ kiếm tiền cho Zuckerberg đến vậy và chưa lúc nào thông tin cá nhân lại bị xâm hại nhiều như một năm qua.
Đáng buồn, dù năm 2018 đã sắp qua đi, nhưng những thách thức của Facebook vẫn tồn tại và còn có thể trở nên nguy hại hơn trong năm 2018. Facebook đã phát triển nhanh chóng nhưng cũng để lộ ra nhiều điểm yếu chết người. Nỗ lực che giấu rõ ràng không phát huy hiệu quả. Zuckerberg sẽ buộc phải sửa chữa mọi thứ hoặc bị đào thải.
Về phần mình, tài sản ròng của Mark Zuckerberg đã sụt 19,8 tỷ USD. Cú trượt giá thảm hại của mạng xã hội lớn nhất hành tinh biến Zuckerberg trở thành người mất nhất trên thị trường chứng khoán với số tiền có thể lên tới 20 tỷ USD, một con số khổng lồ tương đương tổng tài sản của nhiều tỷ phú khác.
Xem thêmNhà chức trách Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm hệ thống chấm điểm công dân thông qua mạng lưới máy quay giám sát dày đặc và phần mềm nhận diện khuôn mặt và dáng đi. Tiến bộ công nghệ cho phép Trung Quốc có thể giám sát công dân liên tục và đánh giá các hành vi của họ.
Những người ủng hộ cho rằng biện pháp này sẽ giúp kiểm soát tội phạm, nâng cao ý thức của con người trong bối cảnh Trung Quốc đang phải trả những cái giá khá đắt cho những thập niên tăng trưởng nóng. Tuy nhiên, những người phản đối lại tỏ ra nghi ngại về việc tự do cá nhân bị xâm phạm nghiêm trọng.
Do đang trong quá trình thử nghiệm nên chưa thể xác định được những tác động của kế hoạch này với tương lai nhân loại. Nó có thể mở ra những chương tươi sáng với một xã hội văn minh nhưng cũng có thể đi theo hướng hoàn toàn ngược lại. Chỉ thời gian mới có câu trả lời.
Xem thêmHai năm sau khi vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải trải qua một cuộc bầu cử giữa kỳ có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử chính trường Mỹ nhiều thập niên qua. Việc đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện mang lại cho ông Trump quyền lực rất lớn trong việc thực thi các quyết sách dù ông là người nổi tiếng khó đoán.
Tuy nhiên, đảng Dân chủ đã giành được Hạ viện, điều giúp kiểm soát rất nhiều các động thái của ông chủ Nhà Trắng. Với quyền lực trong tay, người Dân chủ có thể bác bỏ những sách lược của ông Trump và đảng Cộng hòa mà họ không cảm thấy hài lòng hoặc nghĩ nó không có lợi cho nước Mỹ.
Tin buồn với Tổng thống Trump lại là tin vui với thị trường chứng khoán. Kết quả bầu cử cho phép các nhà đầu tư thở phào nhẹ nhõm bởi họ tin rằng những dòng thông điệp trên mạng xã hội của ông Trump sẽ không còn khiến thị trường điên đảo như trước. Trong khi đó, lịch sử cho thấy sự phân chia trong quốc hội Mỹ luôn mang lại kết quả tốt với thị trường.
Xem thêmTrí Thức Trẻ