Trong kí ức của những lớp người thế hệ 20, 30 tuổi, Trung Thu là một trò chơi của tuổi thơ đúng nghĩa. Ánh trăng tròn, tiếng trống xập xình, đoàn múa lân diễu hành, rồi cả vài múi bưởi, đôi ba chiếc bánh dẻo. Với nhiều người, Trung Thu của ngày xưa ấy, đẹp và chẳng bao giờ bị thay thế.
Gần Trung Thu, tiếng trống "Tùng tùng tùng tùng cắc tùng tùng tùng tùng…" lại len lỏi khắp ngõ xóm. Đấy là thứ âm thanh sâu đậm nhất của tuổi thơ, báo hiệu rộn rã khiến bất kỳ đứa trẻ nào cũng háo hức. Ngày xưa, bố mẹ chẳng dám cho con cái hùa theo đám bạn đi rước đèn. Nhưng cứ hễ tiếng trống từ xa tiến tới gần, chẳng bố mẹ nào kìm hãm nổi đứa trẻ lúc ấy cả.
Chúng dìu dắt nhau từng đàn từng lũ, đám thì nhảy ô, đám thì kéo co, đám thì rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la đánh vang cả đường, tiếng reo hò, tiếng đùa rầm rĩ. Trời nhá nhem tối nhưng có ánh trắng chẳng đứa nào sợ, cũng chẳng đứa nào muốn về nhà. Chúng sợ mất vui, mất kỷ niệm và sợ mất cả tuổi thơ. Trung thu ngày đó giản đơn nhưng đủ đầy. Đứa nào sang thì được cái đèn ông sao, đèn cù; còn không thì chỉ có chiếc hộp xà phòng thắp nến bên trong. Có đứa ước ao chứ, giá như được một lần lên tới cung trăng thăm chị Hằng, chú Cuội. Cả đám nghe thế lại cười hì hì.
Nghe tiếng trống lân là lại thổn thức, cả bầu trời tuổi thơ bỗng chốc như ùa về. Trung Thu nay khác xưa nhiều lắm. Những thứ đồ chơi phát nhạc, đèn sáng đủ màu sắc. Có điều mới mẻ, lạ lẫm. Cuộc sống vốn hối hả khiến chúng ta đôi lúc quên đi hình ảnh của ngày xưa. Cái thời mà, cảm giác hồi hộp đợi mẹ mua một chiếc đèn ông sao, chiếc mặt nạ giấy bồi, hay một món đồ chơi nhỏ... vẫn còn là những kí ức không thể quên.
Cách Hà Nội chưa đầy 100km, có ngôi làng mang tên Ông Hảo thuộc xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Đây là nơi có nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống hàng trăm năm tuổi, tập hợp những tay thợ hàng ngày cần mẫn sản xuất ra những chiếc trống, mặt nạ, đầu sư tử,... với rất nhiều công đoạn thủ công tỉ mỉ. Nghề làm đồ chơi Trung Thu truyền thống của làng có từ rất lâu, vào khoảng những năm cuối 80, đầu 90 của thế kỉ trước. Trước kia làng tập trung chủ yếu làm trống, nay còn phát triển làm các loại đồ chơi như đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ,...
Đến thôn Ông Hảo, khung cảnh về những con ngõ nhỏ xíu, những nếp nhà nhuốm màu thời gian mang đậm nét đặc trưng của ngày xưa. Nơi đây có những người thợ lành nghề, tiếp quản truyền thống từ bậc cha chú. Họ - vẫn ngày đêm tô vẽ cho những chiếc mặt nạ, căng mặt chiếc trống tiêu, đóng từng đầu lân sư tử. Chúng tôi gọi họ là những người giữ hồn Trung Thu xưa.
Bác Vũ Huy Đông ngồi trước hiên nhà tô vẽ cẩn trọng cho từng khuôn hình mặt nạ. Nhà bác đã có 4 đời làm đồ chơi Trung Thu. Sau cánh cổng sắt cũ kỹ, hiện lên không gian của ngày xưa rõ rệt, từng chiếc mặt nạ giấy bồi thay nhau "mỉm cười" trong sân. Nếu bây giờ có ai hỏi bác Đông "tiếp quản" nghề gia truyền từ năm nào, bác cũng chẳng nhớ rõ. Chỉ biết là làm từ rất xưa, làm bằng đam mê. Và cho dù gần hết cuộc đời, bác vẫn yêu nghề.
"Mấy chụp năm trước, đồ chơi truyền thống "thất sủng". Người làng Ông Hảo ai cũng buồn. Nhưng vài năm trở lại đây, những chiếc mặt nạ, đèn ông sao "hồi sinh" mãnh liệt. Chúng tôi vui lắm. Từ đầu tháng 8 Âm lịch, ngày nào bác cũng luôn tay, làm mải miết để kịp hàng xuất xưởng lên Hà Nội".
Đó là những món đồ chơi môc mạc nhưng tinh tế. Những đầu lân, đèn lồng nan tre, rồi cả chiếc trống tiêu bé xinh. Tất cả đều là nét đặc trưng vốn có của Tết Trung Thu người Việt, mà người làng Ông Hảo vẫn đang cố gắng gìn giữ mỗi ngày. Họ bảo, chẳng có cái giá trị nào tốt đẹp hơn, là khi nhìn lũ trẻ con trong xóm rồng rắn rước đèn dưới ánh trăng rằm.
Nhà Vũ Thị Thuần nằm ngay cuối ngõ của thôn Ông Hảo. Cũng như bác Đông, cô Thuần thuộc lớp thế hệ "cha truyền con nối", được học nghề làm đồ chơi từ chính cha mẹ mình. Có một thời điểm, dân làng rủ nhau bỏ nghề trước sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng Trung Quốc. Cô Thuần đi ngược lại xu thế, vẫn cố giữ và bám lấy nghề. Đến nay đã hơn 30 năm, cũng chính là bấy nhiêu thời gian cô khát khao không để nghề truyền thống bị mai một.
- "30 năm qua, đã bao giờ cô nghĩ mình sẽ làm nghề khác chưa?" - chúng tôi hỏi.
- "Từ khi cô làm nghề này, hằng năm được bán những món đồ chơi cho các cháu trên khắp cả nước, cô vui và phấn khởi lắm. Cô chỉ nghĩ làm sao bản thân có thể sáng tạo ra nhiều mặt hàng khác nữa. Chưa bao giờ cô nghĩ, rằng mình sẽ chuyển sang làm một nghề khác, không phải là làm đồ chơi Trung Thu truyền thống. Năm nay có thể thua lỗ, sang năm mình sẽ phấn đấu", cô Thuần đáp. Nhớ lại thời kỳ khó khăn, cô bật khóc.
Ngày bé, đêm rằm phá cổ của cô Thuần và lũ bạn trong xóm chỉ là những chiếc mặt nạ ông Tễu, Chí Phèo, Thị Nở, nhưng mà vui phải biết. "Cô không sợ sư tử đâu nhé!", cô Thuần cười, kể lại cái cảnh ngày xưa cùng tụi bạn rước đèn qua các ngóc ngách của thôn Ông Hảo.
"Mọi người cùng nhau đổ ra sân đình chơi những trò chơi dân gian. Khi đấy có ánh trăng tròn, sáng rực cả một vùng. Mỗi năm đến Trung Thu, cô lại mong ước các em bé được chơi đồ chơi do chính tay cô làm ra".
Anh Vũ Huy Tự năm nay 42 tuổi. Anh bắt đầu làm trống gỗ từ năm lên 16. Khi lớn lên, anh đã thấy bố mẹ mình làm công việc này. Như ngày xưa, trong thôn Ông Hảo chỉ dăm ba hộ làm, không nhiều như bây giờ, để đưa thôn trở thành nơi nổi tiếng về trống gỗ.
Theo anh Tự, nguyên liệu quan trọng nhất để làm trống chính là gỗ đề và da trâu. Gỗ đề sau khi mua về được cắt ra thành từng đoạn một, sau đó cho vào máy tiện để tiện thành những hình tròn (chính là thân trống). Da trâu được cạo lớp phôi thật mỏng rồi đem phơi khô. Công đoạn để làm ra những chiếc trống cũng khá cầu kỳ, đòi hỏi không chỉ sự khéo tay, cần cù mà còn tỉ mẩn của mỗi thợ làm nghề.
Bước cuối cùng là bưng trống. Đây cũng là một công đoạn đòi hỏi những đôi bàn tay cực khéo léo, vừa có sức mạnh, lại vừa uyển chuyển. Nếu bưng da quá căng, trống kêu không tròn tiếng. Còn nếu da quá chùng thì sản phẩm sẽ nhanh hỏng. Bởi thế, cứ mỗi tí, người thợ lại phải dùng khuỷu tay để thử độ đàn hồi.
Ở thôn Ông Hảo không có sự rực rỡ màu mè như trên phố Hàng Mã, không có những món đồ chơi, súng nhựa, mặt nạ siêu nhân, những bộ cánh hóa trang cầu kỳ… mà chỉ có tiếng trống nhẹ nhàng nhưng vui tươi, những chiếc mặt nạ bồi giấy hình trâu, ngựa, chú tễu của ngày xưa. Như lời nói chắc nịch của các bậc lão niên trong thôn, cái gì đã là truyền thống, là bản sắc văn hóa thì nơi này sẽ không bao giờ bị mai một.
Mọi đứa trẻ thôn quê đều thuộc bài hát Đèn cù (Đèn kéo quân). Vào mỗi đêm trăng rằm tháng 8, chúng nô đùa chạy nhảy quanh đèn mà ca vang những lời hát của người xưa. Người ta hay đồn đoán, chính cái đất Cao Viên (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) là nơi sinh ra thứ đèn kéo quân diệu kỳ ấy.
Đèn kéo quân có 6 mặt, mỗi khi đèn quay tượng trưng cho 6 mặt cá tính của con người: thương - ghét - giận - hờn - buồn - vui. Trục đèn ở giữa hiện thân cho trục khôn. Tất cả giản đơn, tinh chế nhưng nhờ ánh sáng mờ ảo từ ngọn nến để kể những câu chuyện lịch sử gắn liền với những bức tranh dân gian. Đèn kéo quân bởi thế còn được gọi là đèn kể chuyện bằng ánh sáng.
Từ năm lên 8, nghệ nhân Vũ Văn Sinh đã biết tự làm đèn ông sao, đèn lồng cho bản thân và lũ nhỏ trong xóm cùng chơi. Ông Sinh năm nay 58 tuổi, và đã nửa cuộc đời ông gắn bó với từng cái nan tre, giấy bóng. Ở làng Đan Viên thuộc xã Cao Viên này, mỗi gia đình ông Sinh theo nghề làm đèn kéo quân truyền thống. Người nghệ nhân khẳng định, làng này không phải là làng nghề truyền thống, chỉ mỗi nhà ông từ bao đời này gìn giữ nghiệp chục năm qua cha ông để lại.
Trước đây, gia đình ông Sinh sản xuất quanh năm. Cứ hễ có đơn đặt hàng đều vót tre, hoà sơn làm cấp tốc những chiếc đèn kéo quân thật đẹp. Nhưng thời nay, cái nghiệp này trở thành thứ nghề tay trái. Mỗi khi vào dịp Tết Trung Thu, cả nhà ông Sinh bỏ nghề tay phải để tập trung làm đèn. Con trai ông là anh Vũ Văn Thắng cũng tạm thời dừng chạy xe ôm để ở nhà phụ giúp cha mình.
Trong tất cả các công đoạn làm đèn kéo quân, khâu làm trục và tán quay cho đèn là khó nhất. Trục làm từ tre vót mảnh, vừa đủ nhẹ để có thể quay, vừa đủ cứng để treo hình không bị đổ. Khung bằng tre sẽ được cuốn quanh bằng giấy poluya. Người làm phải dùng keo cố định giấy xung quanh khung, chỉ đề chừa ra một ô để chỗ cho nến, tản đèn.
Tản đèn giúp cho hình tròn bằng nan tre có dính các hình thù bắt mắt có thể quay. Khi nến được thắp lên, lửa sẽ làm nóng không khí bên trong và gây chênh lệch nhiệt độ với bên ngoài để tạo ra luồng gió len lỏi qua khe của tản đèn và làm các hình ảnh quay vòng. Bóng của chúng được chiếu lên mặt giấy bên ngoài sống động như xem phim. Hình ảnh dân gian về chú trâu, tướng sĩ, tứ linh,... thay nhau "nhảy múa" xung quanh tản.
Bước cuối cùng chiếc đèn sẽ được trang trí thật sặc sỡ. Những dóng trụ đèn được quấn bằng các loại giấy màu. Giấy kim vàng óng ánh trổ họa tiết để dán vào đầu và chân các trụ đèn.
Thời nay, những chiếc đèn kéo quân truyền thống không còn được ưa chuộng như ngày xưa. Để bắt kịp xu thế, nghệ nhân Sinh nảy ra ý tưởng làm những chiếc đèn chạy hình 3D. Thay vì giấy màu như xưa, những hình thù nhân vật được vẽ lên tờ giấy bóng thông qua từng lớp sơn.
Sau khi phác hoạ hình thù từng linh vật, ông Sinh dùng sơn "quét" một vòng để sơn in hằn lên giấy bóng. Từng tờ giấy được đem phơi khô trong vòng 3 tiếng. Người nghệ nhân sẽ khéo léo lồng giấy vào khung một cách cẩn thận nhất để không bị rách hay hỏng hóc. Nếu xưa trong đèn kéo quân được thắp sáng bằng nến thì nay, ánh sáng bằng điện được ông Sinh phát minh cho sự thay thế vừa tiện vừa sáng tạo.
Một chiếc đèn như vậy tổng thể sẽ thú vị hơn và câu chuyện của ngày xưa được hiện đại hoá một cách đầy trân trọng.
Vợ chồng ông Sinh đều nặng lòng với đèn kéo quân. Trong nhà họ chẳng có thứ gì quý giá hơn cái nghề cổ xưa mà nay bỗng trở thành "của hiếm". Đối với ông bà, làm đèn kéo quân không chỉ là "cần câu cơm" mùa vụ, mà hơn hết thảy, đó còn là niềm vui, niềm tự hào.
Chúng ta chắc hẳn từng soi chiếu bản thân với ngày xưa thơ bé. Nhớ về khoảng thời gian chỉ mải ngóng trông rằm tháng 8, khi trăng tròn vành vạnh, khi lũ trẻ í ới gọi nhau, khi đầu lân phe phẩy đầu làng.
Bà Hạnh - vợ nghệ nhân Sinh chợt nhớ lại tuổi thơ. Cái thời mà mỗi lần nghe trẻ con làng Đàn Viên vu vơ câu hát "Đêm nay rằm tháng Tám. Mẹ thắp đèn kéo quân. Khi đèn vừa cháy sáng. Bao bóng người chạy theo...", là bà cũng chạy theo mà hát vang lời đồng dao cùng lũ nhỏ.
35 năm nay, căn nhà nhỏ ở xã Tiền Phong (huyện Thường Tín, Hà Nội) vẫn đều đặn tiếng đẽo, khoan, đục gỗ bất kể ngày đêm. Ở trong xóm làng nghề này, cơ chế thị trường đã thay đổi khá nhiều duy chỉ còn vài nhà còn theo nghiệp thợ mộc. Gia đình bác Trần Văn Bản (53 tuổi) bao năm qua vẫn gắn bó với nghề làm khuôn bánh trung thu bằng gỗ. Nghề mộc thì làm quanh năm, nhưng mùa Trung thu tại nhà bác Bản chính thức bắt đầu từ tháng 4 Dương lịch.
Mỗi khuôn bánh trung thu bác Bản làm ra có một hình thù khác nhau và phải trải qua nhiều công đoạn, từ xẻ gỗ, xử lý độ ẩm, cắt phôi, bào nhẵn, kẻ mực rồi ngâm mỡ. Có như vậy bánh làm ra sẽ không bị dính. Người nghệ nhân cho hay, ngày xưa cả làng đều làm khuôn bánh, mỗi mùa xuất hàng cả vạn cái. Bây giờ thì kém hơn vì khuôn bánh công nghiệp bằng nhựa đang ngày một phát triển. Thành thử công việc này chỉ đủ cho một người làm, nếu 2 người thì sẽ bị dôi dư lao động.
Được biết, gia đình bác Bản sử dụng gỗ xà cừ - một trong những loại an toàn nhất dùng trong ngành thực phẩm để sản xuất ra khung bánh trung thu. "Gỗ này tự nhà bác trồng lâu năm rồi xẻ ra tấm, cắt ra miếng khô mới làm. Trong nhà còn những cái khuôn trăm năm từ thời ông bà".
Theo như cách làm truyền thống, hầu hết các công đoạn để tạo ra một chiếc khuôn bánh đều được làm bằng tay. Bất kì hình thù gì, chỉ cần khách yêu cầu, gia đình bác Bản đều có thể hoàn thành. Trung bình mỗi chiếc khuôn truyền thống giản dị bề ngoài nhưng cầu kì đến từng chi tiết bên trong mất khoảng 2 tiếng. Cái lâu nhất gia đình bác Bản từng làm phải mất khoảng nửa tháng với giá 5 triệu được tỷ mẩn long ly quy phượng.
Phế phẩm sau khi sản xuất khuôn bánh được dùng làm củi, tránh trường hợp đổ ra môi trường gây ô nhiễm. Mặc dù tất cả các con của bác Bản đã theo nghề khác nhưng họ đều biết làm khuôn bánh Trung Thu.
Mỗi chiếc trống, mặt nạ giấy bồi, đèn ông sao được làm ra là sự kết tinh mồ hôi, công sức, tinh thần hăng say lao động, lòng nhiệt huyết của những người nghệ nhân. Những món đồ chơi dân gian từ khắp làng nghề vẫn luôn có vị thế nhất định trong các hoạt động văn hóa dân gian của dân tộc.
Thời thế có thể đổi thay và du nhập những điều mới lạ, nhưng họ - những người nghệ nhân mải miết giữ hồn Trung Thu xưa vẫn vẹn nguyên một tấm lòng. Nhờ họ, chúng ta luôn có bên mình không chỉ một, mà nhiều ánh trăng của tuổi thơ suốt năm tháng cuộc đời. Dẫu rằng mọi thứ vẫn tiếp tục biến chuyển, mong sao những ánh trăng ấy vẫn luôn sáng và lấp lánh.
Trí thức trẻ