"Khi đi phát biểu khai giảng, tôi vẫn nói với bọn trẻ là hãy sống tử tế. Tôi hỏi học trò, học để làm gì. Chúng nói học để cho đỡ khổ, để thi đại học, để bố mẹ vui lòng… Không sai nhưng chưa đủ. Tôi đi một số nước tôi cũng hỏi câu đó thì nhiều học sinh bảo học để trở thành con người tự do. Không có kiến thức thì làm sao tự do được về tư tưởng, tự do lựa chọn con đường đi của mình, tự do kiến tạo cuộc đời mình", nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.
- Một ngày ở tuổi 83 của giáo sư diễn ra như thế nào?
- Tôi đang viết cuốn từ điển Công nghệ sinh học Anh – Việt với rất nhiều tâm huyết. Ngày nào tôi cũng gắn liền với máy tính và rất nhiều sách vở.
Các bạn trẻ theo chuyên ngành đang rất cần cuốn từ điển này mà đợi mãi không có ai làm. Tôi biết mấy ngoại ngữ, lại sưu tầm được nhiều từ điển có liên quan nên chắc là có điều kiện hơn nhiều đồng nghiệp khác.
Bố tôi viết một mình cuốn Từ và ngữ tiếng Việt trong 5 năm, bắt đầu từ năm 90 tuổi đến 95 tuổi mới xong. Tôi chắc cũng phải cố viết xong trong 3 năm. Mỗi một vần chữ cái là từ vài chục đến cả trăm trang sách. Tôi làm việc miệt mài mà mới đến được vần F (!).
Hy vọng, có thể hoàn thành cuốn Từ điển này khi còn đang khỏe mạnh.
- Làm việc liên tục có phải là bí quyết giúp ông duy trì sự minh mẫn và sức khỏe dẻo dai không?
- Thú thật, khỏe thì cũng không khỏe đâu. Tôi giữ được sức dù đã bị ung thư trong thời gian vừa qua. May mà đã được điều trị có kết quả. Tôi bắt chước bố tôi không hút thuốc, không rượu bia. Tất cả những việc có hại cho sức khỏe tôi đều không làm.
- Làm thế nào để có thể sống khỏe thưa giáo sư?
- Sống khỏe cần lưu tâm cả về thể chất và tinh thần. Nghĩa là mình cần đưa vào cơ thể những thứ sạch và tốt. Đó là thức ăn, đồ uống, tri thức, tin tức. Nên nhớ câu "Họa từ miệng ra, bệnh từ miệng vào".
Đừng làm những điều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe như là không để thiếu hoặc thừa dinh dưỡng, không hút thuốc, không bia rượu, không thức khuya, không quên tập thể dục hàng ngày… Và hãy đọc các sách có nội dung lành mạnh, bổ ích, không đọc và tin vào các tin tức xấu trên mạng xã hội.
Nhà cũ của tôi, dù nhỏ thôi nhưng nhiều bức tường hầu như phủ kín sách. Tôi đọc nhiều. Phải đọc mới dạy học được, mới viết sách được. Hiện tại, tôi đã viết được khoảng 70 cuốn sách.
Tới tuổi này rồi, tôi vẫn không ngừng làm việc, không ngừng viết sách, viết báo, nói chuyện. Sách in ra tôi mua lại khá nhiều nên tiền nhuận bút chẳng được là bao. Tuy nhiên, lúc nào tôi cũng có sách để tặng bạn bè, học trò và cảm thấy rất vui.
Sách về kỹ năng sống có bán rất nhiều nhưng các bạn trẻ không mua và không đọc. Tôi đã mua cả trăm cuốn, về đọc và tóm tắt mỗi cuốn trong 3-4 trang in. Tôi đưa in thành 3 tập sách: Đọc giùm bạn các sách về Kỹ năng sống. Đã in tập I, đang in tập II và đang viết tập III. Tôi rất muốn truyền tải tới các bạn trẻ những điều tâm huyết mà các tác giả trong và ngoài nước đã đúc kết trong các cuốn sách này.
Mục tiêu sống của tôi là "sống khỏe, chất nhanh, ít của đề dành, nhiều người thương tiếc". Sống thì như vậy, nhưng không tránh khỏi "trời gọi ai, người nấy dạ". Nếu chẳng may bị bệnh thì phải chữa, không chữa được thì chấp nhận. Chứ phải chuyển sang đời sống thực vật, ăn bằng xông, thở bằng máy móc thì chỉ khổ gia đình, vợ con.
- Làm việc và cống hiến cả đời, vì sao mục tiêu của giáo sư lại là "ít của để dành"?
- Đa phần những người có nhiều tiền, con cái đều dễ hư hỏng. Bọn trẻ nghĩ tiền không cho chúng thì cho ai nên nó ăn tiêu tàn bạo. Đứa con trai của ông phó chủ tịch trong phim Tình yêu và tham vọng là một hình ảnh rất điển hình. Những đứa trẻ ăn tiêu phung phí có bao giờ trở thành người giỏi, người tử tế.
Hai con tôi mỗi đứa có hai cháu nhỏ. Vợ chồng đều có công việc tốt nên các cháu không cần chúng tôi hỗ trợ. Vợ chồng tôi đều là cán bộ về hưu, kinh tế tuy không dư dả gì nhưng hàng tháng vẫn cố để dành một ít và gửi vào ngân hàng. Đó là số tiền để phòng ốm đau khi cả hai đều quá tuổi xưa nay hiếm.
Ai cũng nên có một tài khoản gửi tiết kiệm, không cần nhiều, chỉ vừa theo khả năng của mình. Ít của để dành là với ý nghĩa đó. Còn người làm cha mẹ không cần để cho con cái nhiều tiền bạc mà chỉ nên để lại cho con bài học làm người tử tế và có ích.
- Giáo sư đọc nhiều, đi nhiều, có câu chuyện hay sự kiện nào để lại sức ảnh hưởng cho những mục tiêu sống của ông không?
- Tôi là người khi bắt gặp những thông tin hay thì đều ghi chép lại để sau này chia sẻ với mọi người. Ví như câu chuyện về Alexaner Đại đế.
Khi qua đời, ông đã yêu cầu 3 điều. Điều thứ nhất là phải để thò hai tay của ông ra ngoài quan tài, để nhân dân thấy ông dù làm vua nhưng khi về cõi vình hằng, cũng chỉ có 2 bàn tay trắng. Điều thứ hai là yêu cầu tất cả các ngự ý giỏi nhất đi khiêng quan tài, để cho thấy rằng không ai chống lại được cái chết. Điều thứ ba là hãy rải tiền bạc, châu báu suốt dọc đường đi. Ý muốn nói là những thứ quý đến mấy khi chết đi cũng chẳng có ai mang theo đi được.
Tôi nghĩ đơn giản thôi, phải sống làm sao để khi mình chết đi, người ta còn nhớ mình đã từng sống. Bố tôi khi mất đi có biết bao nhiêu người thương nhớ. Người đến viếng đông tới mức không giới thiệu hết được, cứ thế lần lượt đi vào. Về quê lại một đám tang nữa, cũng rất cảm động. Xuất thân nghèo khổ như bố tôi, lại suốt đời chỉ là một ông giáo, nhưng sống tử tế và có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nên được rất nhiều người yêu quý.
Tôi nghĩ 4 điều trong mục tiêu của mình thật ra đơn giản thôi, ai cũng thực hiện được. Quan trọng là luôn sống tử tế, có cống hiến. Nhiều người thương tiếc mới là mục tiêu cuối cùng. Vì thế, lúc nào tôi cũng làm việc, kể cả khi vừa ốm dậy.
- Người trẻ bây giờ cho rằng, có tiền chưa chắc đã hạnh phúc nhưng không có tiền thì nhất định là đau khổ. Họ vẫn lao vào làm vì đồng tiền, chẳng thiết đam mê cống hiến. Giáo sư nghĩ sao?
- Đã giỏi thì không sợ không có tiền. Đã có tài thì làm gì cũng có tiền cả, chỉ là không giàu có mà thôi. Tôi đã gặp không ít nông dân vượt lên hoàn cảnh và trở nên triệu phú, trong khi số đông nông dân vẫn còn chưa thoát khỏi cảnh chỉ đủ ăn, tiền khám chữa bệnh và lo học hành cho con cái thường gặp không ít khó khăn.
Tôi là chủ nhiệm chương trình "Tự nguyện đưa tiến bộ khoa học vào hộ nông dân" nên hay về vùng nông thôn. Có những gia đình có tới mấy liệt sĩ, tôi đi thăm và thấy cảm động quá. Cứ về vùng nông thôn, trên bàn thờ nhiều gia đình thường có ảnh một hai liệt sĩ trẻ tuổi. Thương xót vô cùng.
Có dịp Tết tôi tới thăm một gia đình liệt sĩ thấy trên bàn thờ chỉ có 2 hộp mứt nhỏ. Vậy nên nhớ rằng: Trông lên thì chẳng bằng ai nhưng trông xuống thì nhiều người còn khổ hơn mình rất nhiều. Ở quê hiện nay, nhiều nơi bà con còn sống khổ lắm. Quần áo nhiều nhà còn vắt lên cái sào ở một góc buồng ngủ tối tăm. Vậy nên, tôi và bè bạn cố gắng giúp đỡ nông dân nhiều để họ có thể có đời sống khá hơn.
Tôi thường viết về những người biết làm giàu ở nông thôn với mong muốn nhiều người học tập được khả năng làm ăn của họ. Tôi đã tập hợp lại thành một danh sách những người làm ăn giỏi. Nếu ai hỏi, tôi sẽ mách cho số điện thoại của họ để biết nên học điều gì và học ở ai. Phải nghĩ làm sao để cho mọi người cùng khá lên.
Có nhiều người tuy có số năm sống rất ngắn, nhưng đã có những cống hiến quá lớn. Tôi kể cho các bạn trẻ về đời sống của Trần Phú, Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu, Đặng Thùy Trâm, Lê Anh Xuân, Nam Cao, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Lưu Quang Vũ... Ở nước ngoài là Van Gogh, Jack London, Mozart, Mayakovsky, Schubert, Chopin, Schuman… Sống như vậy mới thực sự là đáng sống.
- Điều gì khiến giáo sư cảm thấy tâm đắc nhất sau nhiều năm làm việc và cống hiến?
- Tôi nghĩ thành công lớn nhất là bản thân sống tử tế nên có cuộc sống vui vẻ và được nhiều người yêu mến. Tôi từng đi giao lưu về kỹ năng sống cho học sinh khá nhiều trường THPT và THCS. Các bạn học sinh thích nghe tôi lắm. Nắng hay mưa nhỏ các bạn ấy vẫn vừa che ô vừa im lặng nghe tôi suốt một buổi. Kinh nghiệm là đừng giao giảng đạo lý mà hãy truyền đạt thông qua các câu chuyện kể về người thật việc thật.
Về thành tựu khoa học, điều quan trọng nhất của tôi là để lại được sự nghiệp qua sự hợp tác với các đồng nghiệp. Tôi đã phấn đấu tạo được một viện nghiên cứu khá hoàn chỉnh. Tôi thuyết được Chính phủ đầu tư đủ để trang bị cho những phòng thí nghiệm đủ sức tiếp cận với sinh học phân tử khi nghiên cứu về vi sinh vật và công nghệ sinh học.
Thế hệ tôi không được đào tạo về sinh học phân tử. Đến thế hệ các bạn trẻ, phải tạo điều kiện để họ được đào tạo tại nước ngoài và được làm về sinh học phân tử. Hầu hết các cán bộ trẻ ở viện tôi đều được học tập hay thực tập ở các nước có nền sinh học phân tử phát triển. Nhờ đó chúng tôi có thể định tên vi sinh vật nhờ vào cấu trúc của ADN và sử dụng được các thiết bị lên men, các thiết bị phân tích hiện đại.
Về lĩnh vực vi sinh vật học, thật ra chủ yếu tôi tự học, được đi thực tập tại nước ngoài và dần dần trở thành chuyên gia. Tôi rất vui mừng khi thấy hầu hết các đơn vị nghiên cứu hoặc hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến vi sinh vật đều có mặt các sinh viên của tôi. Học sinh của tôi có hàng chục bạn đã trở thành giáo sư, có cả vị làm Bộ trưởng, Bí thư tỉnh ủy...
Tôi đã công bố được nhiều công trình nghiên cứu và có không ít đề tài đã đưa được vào sản xuất. Tôi đã đưa được nông dân Trịnh Xuân Mười sang Australia và lấy được giống bơ đủ khả năng xuất khẩu về trồng lớn ở Tây Nguyên. Tôi đã giúp nông dân Nguyễn Trường Giang sản xuất được loại nấm Vân Chi có khả năng góp phần điều trị ung thư
Gần đây tôi rất mừng khi thấy một tập đoàn trong nước đã đưa được tảo xoắn Spirulina ra sản xuất lớn và có khả năng cung cấp cho đông đảo nhân dân khắp các miền đất nước. Những thành công tương tự như vậy làm tôi thấy cuộc sống thật có ý nghĩa. Rõ ràng trong nghiên cứu, cần phải có những người tiếp sức đưa vào sản xuất thì công trình nghiên cứu mới thực sự có ý nghĩa.
- Vậy còn điều tiếc nuối thì sao, thưa giáo sư?
- Tôi tiếc là xã hội chúng ta bên cạnh những điều tốt đẹp thì vẫn còn nhiều điều chưa thể hài lòng. Chúng ta lúc nào cũng nhắc tới lời Bác Hồ dạy. Tôi sưu tầm nhiều sách về Bác Hồ, cũng hay đi nói chuyện về Người. Mong muốn của tôi là làm sao để mọi người nhớ tới những lời Bác dạy. Chỉ cần thật sự nhớ, thật sự nhập tâm mấy chữ: Cần Kiệm Liêm Chính, Chí công vô tư. Vậy thôi là đủ lắm rồi nhưng tại sao Bác dạy mãi mà nhiều người vẫn không làm được?
Nếu tất cả mọi người đều làm theo lời Bác Hồ dạy thì đất nước sẽ tốt hơn nhiều. Bây giờ ngày nào cũng có chuyện không hay, nào là tham nhũng, nào là buôn bán chất cấm, rồi còn xảy ra tai nạn giao thông, cướp của giết người… Lời Bác dạy dầy đủ về mọi mặt, mọi thứ nhưng nhiều người và làm những chuyện phi đạo đức.
- Điều mong mỏi lớn nhất của ông lúc này là gì?
- Đã ở tuổi này rồi, tôi cũng chỉ mong có đủ sức khỏe để làm tiếp những điều mình mong muốn. Sống thêm lâu hơn nữa để có thể nhìn thấy thế hệ các cháu nội ngoại của mình học giỏi, ngoan ngoãn, mong còn có thể trông thấy được quá trình trưởng thành của chúng. Như vậy là quá mãn nguyện rồi.
Cảm ơn chia sẻ của Giáo sư.
Trí Thức Trẻ