Hiện thực việc số hóa 90% nghiệp vụ lõi trong năm 2019 là cách hoàn hảo để Tổng Công ty cổ phần Công trình Viettel chứng minh lao động thủ công không phải là rào cản với chuyển đổi số.
Với gần 10.000 người phân bổ trên 63 tỉnh thành và 5 quốc gia trên thế giới, những công việc đơn giản nhất cũng từng gây ra nhiều khó khăn cho bộ máy quản lý của Công trình Viettel. Lấy ví dụ về ngày nghỉ của cán bộ, công nhân viên, anh Vũ Thế Huy, Giám đốc CNTT Tổng Công ty CP Công trình Viettel, cho biết do đặc thù nghề nghiệp, các công nhân của CTR thường phải làm cả cuối tuần. Bù lại, họ sẽ được nghỉ vào một ngày khác trong tuần. Việc xắp sếp cho tất cả mọi người đều được nghỉ nhưng vẫn phải đảm bảo quân số từng làm đau đầu nhiều trưởng bộ phận.
Lời giải cho vấn đề này là công nghệ. Việc số hóa toàn bộ dữ liệu kết hợp với ứng dụng quản lý giúp cho cán bộ phụ trách dễ dàng bố trí cho lao động nghỉ theo đúng chế độ để tái tạo sức lao động. Tín hiệu cảnh báo sẽ được kích hoạt khi một nhân sự nào đó chưa được nghỉ.
Với khoảng 6.000 trong tổng số nhân sự làm việc bên ngoài, theo anh Huy, số hóa quy trình là giải pháp duy nhất để giải những bài toán hóc búa của CTR. Với sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh cá nhân, công việc sẽ được phân công tới từng người thông qua ứng dụng. Việc theo dõi, giám sát diễn ra tự động thay vì dùng tới sức người như trong quá khứ.
"Chúng tôi có KPI kiểm soát công việc. Trong việc xử lý sự cố, chẳng hạn như một khách hàng sử dụng mạng Internet của Viettel mất kết nối, chúng tôi có 3 giờ để xử lý. Ngay khi phát hiện ra lỗi trên hệ thống hoặc nhận thông báo của khách hàng, phân công công việc sẽ được gửi tới ứng dụng trên thiết bị của người phụ trách khu vực. KPI được tính từ khi nhân sự bắt đầu nhận tin báo", anh Huy chia sẻ.
Việc một người làm, một người giám sát giúp tăng tốc độ xử lý sự cố. Chẳng hạn như trong 2 giờ đầu tiên, sự cố chưa được khắc phục, một bộ phận khác ở trên sẽ nhảy vào hỗ trợ xử lý. Toàn bộ thông tin nằm trên hệ thống giúp các công đoạn diễn ra kịp thời và hoàn toàn tự động dựa theo những quy trình chuẩn được thiết lập trước.
"Ngoài ra, cơ chế đưa KPI vào lương giúp mọi việc được tiến triển nhanh hơn. Người xử lý sự cố trực tiếp nhìn nhận được công việc của mình. Các lớp giám sát, hỗ trợ có thể theo dõi và can thiệp khi sự cố phức tạp hoặc mất nhiều thời gian hơn so với kế hoạch. Không đạt KPI cũng có thể bị trừ một vài triệu cho một sự cố nên tất cả các khâu đều rất nỗ lực xử lý", Giám đốc CNTT Công ty công trình Viettel chia sẻ.
Nói về rào cản trong việc tiếp nhận công nghệ mới của các lao động thủ công, anh Huy cho biết công nghệ được tạo ra để giải quyết những vấn đề mà chính người lao động gặp phải chứ không mang đến những thay đổi phi thực tế. Việc số hóa mọi hoạt động, tường minh quy trình và áp dụng phần mềm hỗ trợ mang lại lợi ích cho người lao động. Đây là điều khiến công nghệ được chào đón.
"Chúng tôi xây dựng công cụ để mọi người làm được, làm tốt việc của mình chứ không phải tạo ra một thứ khiến mọi người khó thích nghi. Bản thân những người làm việc trực tiếp cũng thấy thoải mái với công cụ ấy. Bây giờ, nếu không có công cụ, anh em không thể hoàn thành được công việc", anh Huy chia sẻ.
Công nghệ mới không chỉ giúp xóa sổ những việc không tên như ghi chép sổ sách, đăng ký hay giảm thời gian chờ đợi mà còn giúp người lao động có cái nhìn tổng quan về công việc cũng như mức lương, thưởng họ được nhận. Chính điều này tạo động lực cố gắng cho người làm và đẩy nhanh quá trình thích nghi với công nghệ mới.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, tăng trưởng viễn thông, về cơ bản, là cạnh tranh khốc liệt và đến vùng bắt đầu bão hòa. Bây giờ, doanh nghiệp nào sở hữu bộ máy tốt, công cụ tốt thì sẽ tối ưu được chi phí vận hành. Đó cũng là bàn đạp không thể tốt hơn để thúc đẩy chuyển đổi số và CTR không ngoại lệ.
"Chuyển đổi số không chỉ cứ hô hào thành phong trào là được. Phải xem cam kết, tầm nhìn của người chỉ huy như thế nào. Họ có sẵn sàng dành nguồn lực hỗ trợ công tác chuyển đổi số hay không. Việc chuyển đổi số thành công phải bắt nguồn từ người lãnh đạo đầu tiên", Giám đốc CNTT Công trình Viettel nhận định.
Theo đó, chuyển đổi số không phải tiến trình chỉ cần có quyết tâm. Người lãnh đạo cần cam kết đi cùng chuyển đổi số. Thậm chí phải là một cam kết mạnh mẽ vì nó đòi hỏi những khoản chi phí không nhỏ. Chi phí chuyển đổi số có thể chiếm tới từ 3 đến 5% doanh thu hàng năm của doanh nghiệp.
"Ở khía cạnh này, chúng tôi thấy mình khá thuận lợi vì được lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo Tổng công ty ủng hộ rất mạnh mẽ. Ngoài ra, dù chúng tôi đông người nhưng đã có ý thức, hình thành thói quen chuyển đổi số từ 3 đến 5 năm về trước, khi chúng tôi bắt đầu áp dụng phần mềm vào quản lý hoạt động. Văn hóa số mà chúng tôi xây dựng được chính là lợi thế", anh Huy chia sẻ.
Dù là doanh nghiệp với phần lớn lao động thủ công, Công trình Viettel vẫn hiện thực hóa được quyết tâm số hóa 90% tất cả các hoạt động. Để đạt được con số này, CTR đã lượng hóa chi tiết số mục tiêu cần đạt được. Với 4 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, khoảng 250 nghiệp vụ lõi đã được vạch ra và trở thành nền tảng đánh giá cho quá trình chuyển đổi số.
"Chúng tôi đã đạt mục tiêu chuyển đổi số 90% nghiệp vụ lõi trong năm 2019. Với một mô hình kinh doanh mới, chỉ trong vòng 3 tuần tới 1 tháng, chúng tôi sẽ có ứng dụng công nghệ thông tin đi theo. Xin nhấn mạnh, đây là những dự án phát sinh", anh Huy chia sẻ.
Ngoài ra, sự đồng lòng, gắn kết luôn được coi là tiêu chí quan trọng nhất trong hành trình xây dựng văn hóa số của CTR. Đồng lòng cũng là hướng đi duy nhất giúp gần 10.000 con người, ở khắp mọi vùng tổ quốc và 5 quốc gia nước ngoài, cùng nhìn về một hướng.
"Trong các cuộc họp giao ban, anh Phạm Đình Trường, Tổng giám đốc công ty, thường nói rằng bất cứ ai không đi theo guồng quay này có thể đứng ra một bên để những người còn lại, những người cùng chung chí hướng, cùng bắt tay vào làm", anh Huy kể lại.
Giống nhiều doanh nghiệp khác, chuyển đổi số của Công trình Viettel cũng phải đạt được các mục tiêu nâng cao trải nghiệm khách hàng, tối ưu lợi nhuận, chi phí rồi góp phần tạo ra một mô hình kinh doanh mới. Đây được xem là chìa khóa để nâng cao năng lực cạnh tranh trong kỷ nguyên số.
"Vì bắt đầu từ 2019, chúng tôi cung cấp dịch vụ đến khách hàng cuối, hộ gia đình, doanh nghiệp nên mục tiêu bắt buộc trong năm nay và sang năm là tăng trải nghiệm khách hàng bằng cách cá thể hóa, tôn trọng những nhu cầu riêng tư của họ. Chúng tôi sẽ cung cấp những dịch vụ để tư vấn đến từng khách hàng riêng biệt căn cứ trên những nhu cầu của họ", anh Huy cho biết.
Lấy ví dụ cụ thể, Giám đốc CNTT của Tổng công ty Công trình Viettel cho biết trong thời gian tới, công ty sẽ cung cấp dịch vụ xây dựng dân dụng, cụ thể là xây dựng nhà dân. Việc mô hình hóa thiết kế trên 3D giúp khách hàng có thể trải nghiệm trước về căn nhà của họ. Chính trải nghiệm này sẽ tạo tiền đề cho những sửa đổi, bổ sung khi công trình còn trên giấy. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho khách hàng mà còn đem đến nguồn thu lớn cho công ty từ tập khách hàng lớn.
"Do tập khách hàng lớn, một dịch vụ có thể hợp với nhóm này nhưng không hợp với nhóm kia. Mục tiêu của Viettel là cá thể hóa khách nhằm xác định nhu cầu và mang đến những gói dịch vụ phù hợp nhất để đáp ứng tốt nhất cùng với sự chăm sóc tận tình nhất. Đó chính là dịch vụ gia tăng. Đấy chính là tư tưởng 4.0", anh Huy cho biết.
Bên cạnh phục vụ "người ngoài", khách hàng lớn nhất của CTR chính là Tập đoàn Viettel. Tuy nhiên, dù với "người ngoài" hay "người nhà", nguyên tắc cá thể hóa để phục vụ không thay đổi. Giải pháp được đưa ra phải giải đúng bài toán, đúng người, đúng việc và đáp ứng được mong muốn của khách hàng.
"Chúng tôi luôn chuẩn bị nguồn nhân lực về công nghệ thông tin để tiếp nhận yêu cầu mới rồi cụ thể thành ứng dụng CNTT. Riêng về nguồn lực hỗ trợ CNTT, nếu tính cả tập đoàn, chúng tôi có khoảng 200 người tinh nhuệ, luôn sẵn sàng giải quyết bài toán khó, biến yêu cầu trở thành công cụ để thực hiện", anh Huy chia sẻ về việc sẵn sàng nguồn nhân lực trong CMCN 4.0.
Bên cạnh đó, là một phần của Tập đoàn Viettel, CTR cũng được thừa hưởng những lợi thế mà hiếm doanh nghiệp nào cùng ngành có được trong quá trình chuyển đổi số. "Những công cụ tối ưu được kế thừa từ Tập đoàn giúp chúng tôi đi nhanh hơn. Bên cạnh đó, Tập đoàn còn cử chuyên gia hỗ trợ, phối hợp với chúng tôi giải quyết những bài toán khó trong quá trình chuyển đổi số", anh Huy chia sẻ.
Không chỉ ở Việt Nam, chuyển đổi số cũng được tiến hành đồng thời ở các hoạt động của Công trình Viettel tại nước ngoài. Bên cạnh những công cụ chung như quản trị, tài chính hay nhân sự, CTR đang từng bước chuyển tinh hoa trong nước sang nước ngoài ở các khâu then chốt. Tuy nhiên, rào cản về văn hóa, ngôn ngữ khiến tiến trình này diễn ra chậm hơn.
Với hoạt động của CTR phục vụ các đối tác ngoài như CMC, MobiFne, yêu cầu khắt khe từ đối tác chính là lực đẩy để chuyển mức độ sẵn sàng công nghệ thông tin lớn hơn.
"Quan điểm của chúng tôi là Tập đoàn khó tính 1 thì các đối tác bên ngoài khó tính 10. Chính vì vậy, sự sẵn sàng về công nghệ thông tin cũng phải tối ưu hơn. Chúng tôi cũng phải cá thể hóa từng khách hàng vì mỗi một doanh nghiệp lại có một yêu cầu khác nhau. Đó là thách thức cần vượt qua. Tuy nhiên, thử thách luôn là điều hấp dẫn, giúp mình tiến bộ nhanh hơn", anh Huy chia sẻ.
Trí Thức Trẻ