img
Khát vọng “thành phố hạnh phúc” và 3 mong ước của Chủ tịch Thừa Thiên Huế - Ảnh 1.

Trong suy nghĩ của mọi người, Thừa Thiên Huế là một nơi trầm mặc, ít sôi động, nhưng có vẻ như điều này không còn đúng ở hiện tại, khi hàng loạt doanh nghiệp lớn như Sovico, Ecopark, Vietravel, Vingroup… đồng loạt nghiên cứu vào tỉnh. Đâu là lý do?  

Huế là thành phố có chiều dài văn hoá, văn hiến. Tuy nhiên, đúng như bạn nói, thành phố được đánh giá ít sôi động và có thể nói là "trầm tĩnh" kể cả trong đầu tư. Thu hút đầu tư vào tỉnh, thành phố trong những năm vừa qua ít về cả số lượng lẫn quy mô dự án. Đó là nỗi trăn trở của lãnh đạo tỉnh.

Câu hỏi ở đây là làm thế nào để khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là thay đổi nhận thức, hành động của chính quyền các cấp cũng như các nhà đầu tư khi đặt chân đến Huế. Tỉnh đã đặt mục tiêu: Làm sao có được môi trường đầu tư tốt nhất, có khả năng cạnh tranh, thu hút doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn.

Một trong những biện pháp mà chúng tôi tiến hành là thay đổi tư duy trong lãnh đạo, trong chiến lược đầu tư phát triển, hướng đến một chính quyền phục vụ.

Khát vọng “thành phố hạnh phúc” và 3 mong ước của Chủ tịch Thừa Thiên Huế - Ảnh 2.

Nghĩa là tất cả những gì nhà đầu tư cần thì chúng tôi phải tìm cách cung cấp, giới thiệu, thay vì đưa cho họ những thứ mà mình có. Đây là một thay đổi rất lớn. Vì cái mình có chưa chắc là cái họ cần. Tư duy của chính quyền phải gần gũi với nhà đầu tư, phải nâng cao tinh thần phục vụ.

Kết quả trong 1 năm qua rất khả quan. Nhiều nhà đầu tư đã đến với chúng tôi cùng tinh thần hết sức cởi mở để tìm hiểu, ký hợp tác chiến lược. Hiện nay tỉnh cũng đã công bố công khai, minh bạch hơn 20 dự án với đầy đủ tiêu chí để họ có thể dễ dàng tìm hiểu và biết được mình có thể làm được ở đâu. Các dự án đều được đấu thầu.

Chính quyền Huế đang có sự chuyển động lớn, khắc phục tình trạng hơi chậm rãi, thụ động trong thời gian vừa qua. Đây là điểm đột phá trong thu hút đầu tư thời gian rồi.

Khát vọng “thành phố hạnh phúc” và 3 mong ước của Chủ tịch Thừa Thiên Huế - Ảnh 3.

Nhìn từ bên ngoài, Huế tạo được thay đổi rõ nét với giải thưởng "Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á" tại Telecom Asia Awards 2019. Tại sao tỉnh lại chọn đô thị thông minh để ghi dấu ấn? 

Như tôi đã nói, mục tiêu của chúng tôi là trở thành chính quyền phục vụ cho người người dân, doanh nghiệp. Nghĩa là phải cải cách hành chính bằng được. Mà để cải cách hành chính tốt, không có một giải pháp nào hay hơn là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giải quyết vấn đề cho công dân, tổ chức.

Đó là phương châm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh. Với việc áp dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là khi áp dụng quy trình liên thông của các sở, ngành thành một hệ thống đồng bộ, 3 chỉ tiêu về thời gian giải quyết, giảm thiểu hồ sơ giấy tờ, chất lượng công việc sẽ được cải thiện đáng kể.

Những điều này sẽ giúp nhà đầu tư cắt giảm được chi phí cả chính thức lẫn không chính thức. Như vậy họ sẽ cảm nhận được một sự quan tâm công khai từ phía chính quyền. Đây là điều vô cùng quan trọng.

Khát vọng “thành phố hạnh phúc” và 3 mong ước của Chủ tịch Thừa Thiên Huế - Ảnh 4.

Mục tiêu trong vòng 2 – 5 năm nữa của chính quyền điện tử, thành phố thông minh ở Huế như thế nào? Định hướng của tỉnh là gì để các nhà đầu tư cảm thấy rõ ràng về lợi ích của họ? 

Bài toán của chúng tôi là tìm cách ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng nhiều hơn, cụ thể hơn trong quy trình thụ lý và giải quyết thủ tục hành chính của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh. Thừa Thiên Huế cũng đang tính đến việc chuyển đổi số.

Quá trình chuyển đổi số cho phép chúng ta có một hệ thống cơ sở dữ liệu chung. Với nền tảng này, quá trình cắt giảm hồ sơ giấy tờ của người dân, doanh nghiệp sẽ được đẩy nhanh tối đa.

Nguyên tắc ở đây là cái gì Nhà nước ban hành rồi thì nhà đầu tư không cần phải nộp. Chúng tôi sẽ tự đánh giá được tính pháp lý, chất lượng của hồ sơ.

Tôi nghĩ đây là việc rất lớn, mang tầm quốc gia. Tuy nhiên, nó cần sự đồng bộ vì nhiều loại hồ sơ, giấy tờ thuộc thẩm quyền của Trung ương mà chúng tôi phải sưu tập về. Quá trình số hoá hồ sơ sẽ giúp chúng tôi hình thành cơ sở dữ liệu cho doanh nghiệp.

Khát vọng “thành phố hạnh phúc” và 3 mong ước của Chủ tịch Thừa Thiên Huế - Ảnh 5.

Tôi cũng tin rằng số hoá hồ sơ cho doanh nghiệp là việc quan trọng của Chính phủ, chính quyền các cấp để có thể giám sát được tốt hơn. Mặt khác, điều này cũng sẽ giúp giảm thực sự lượng hồ sơ mà doanh nghiệp phải nộp. Nghĩa là với những thứ giấy tờ cần phải nộp nhưng có sẵn trong hệ thống dữ liệu rồi thì doanh nghiệp không phải thêm thao tác gì nữa, thay vào đó, chính quyền sẽ là người xác thực.

Chúng tôi không có quyền thay đổi danh mục hồ sơ nhưng doanh nghiệp có quyền không nộp nhiều giấy tờ nữa vì đã có trong hệ thống dữ liệu chính quyền. Đó là một việc rất lớn đòi hỏi tính đồng bộ pháp lý cao, chuyển đổi số ở mọi cấp ngành.

Vậy việc chuyển đổi số của Huế đang thực hiện như thế nào?

Tôi cho rằng chúng ta vẫn chưa sẵn sàng trong chuyển đổi số. Hôm vừa rồi ở Quốc hội, tôi cũng phát biểu rằng chuyển đổi số tuy nói nhiều nhưng thực thi còn chậm, còn nhiều vướng mắc trong cơ chế, đặc biệt là về kinh phí. Ở Huế, quan điểm của chúng tôi là chuyển đổi số từ phân tán đến phục vụ tập trung.

Tại sao có quan điểm này, đấy là vì chúng tôi không đủ tiền. Khi chúng tôi cập nhật hồ sơ cho doanh nghiệp, khi giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm thủ tục hành chính công, chúng tôi đang trong quá trình chuyển đổi số từ phân tán. Chúng tôi cũng tích hợp dữ liệu số, chuyển đổi từng bước rồi đưa vào cơ sở dữ liệu chung.

Đây là điểm sáng tạo của Huế. Chúng tôi không có hàng ngàn tỷ để làm chuyển đổi số một lần được.

Khát vọng “thành phố hạnh phúc” và 3 mong ước của Chủ tịch Thừa Thiên Huế - Ảnh 6.

Thông thường mỗi lãnh đạo thường có một sự lựa chọn riêng để thể hiện hình ảnh địa phương với bên ngoài. Huế chọn công nghệ thông tin, chuyển đổi số có phải vì nó liên quan đến lĩnh vực mà trước đây ông từng phụ trách? 

Chúng ta đang nói đến một chính quyền minh bạch, sáng tạo, đổi mới, phục vụ... thì chính quyền điện tử, đô thị thông minh, chuyển đổi số sẽ là mục tiêu mà Huế hướng đến trong thời gian tới.

Tôi cho rằng những điều này cuối cùng cũng quy về việc làm thế nào để phục vụ doanh nghiệp tốt hơn, điều hành minh bạch hơn nhằm thu hút đầu tư cho tỉnh. Hiện tại chỉ số PCI của chúng tôi chưa cao nhưng thực sự chúng tôi đang tiến hành rất nhiều bước để cải thiện.

Những nhũng nhiễu, khó khăn do quá trình tiếp xúc với cán bộ cần được cắt giảm thông qua việc xử lý hồ sơ, giấy tờ trên môi trường mạng. Tất nhiên quá trình này phải có sự đồng lòng của ba bên: doanh nghiệp, cán bộ và kỹ thuật, nếu thiếu hụt bất cứ yếu tố nào thì sẽ vô cùng khó khăn.

Tôi nghĩ đây là điểm đột phá tư duy của Huế trong quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi.

Khát vọng “thành phố hạnh phúc” và 3 mong ước của Chủ tịch Thừa Thiên Huế - Ảnh 7.

Tư duy nhiệm kỳ là một trong những vấn đề lớn của nhiều địa phương trên cả nước. Trả lời phỏng vấn trước đây, ông cho biết Huế không phải bây giờ mới làm thành phố thông minh, các lãnh đạo trước đó đã làm rồi, thành tích hiện nay chính là kết quả của một quá trình. Vậy Huế đã làm thế nào để có được sự xuyên suốt đó? 

Lãnh đạo qua các nhiệm kỳ của Huế đều nhận thức tính cần thiết trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao hiệu lực cải cách hành chính. Đây là quan điểm điều hành xuyên suốt của chúng tôi.

Huế vốn là tỉnh có quy mô kinh tế không lớn. Nếu không có quyết tâm cao, sự đồng lòng như vậy thì sẽ không có được sự đầu tư thường xuyên liên tục. Công nghệ thông tin không phải cứ có tiền nhiều là làm được. Nó là quá trình nghiên cứu tỉ mỉ, phù hợp với nhận thức của người dân, năng lực điều hành của chính quyền, đặc biệt phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Khát vọng “thành phố hạnh phúc” và 3 mong ước của Chủ tịch Thừa Thiên Huế - Ảnh 8.

Việc ở cạnh một thành phố năng động như Đà Nẵng tạo sức ép gì với Huế? 

Có hàng xóm là đô thị lớn, môi trường cạnh tranh tốt, thể hiện qua PCI cao đương nhiên là sức ép rồi! Nhà đầu tư dĩ nhiên phải cân đo đong đếm khi chọn ai, Huế hay thành phố bạn có môi trường đầu tư tốt hơn.

Tuy nhiên, tôi nghĩ đó là một trong những động lực khiến chúng tôi thúc đẩy hơn nữa quá trình cải cách, xây dựng môi trường đầu tư tốt hơn, cạnh tranh hơn về tất cả phương diện. Đặc biệt, như tôi đã nói từ đầu, là phương diện phục vụ.

Tư duy phục vụ sẽ là dấu ấn lớn của Huế trong thời gian tới.

Việc chúng tôi cần làm hiện nay là khiến nhà đầu tư thấy rằng chính quyền đã sẵn sàng giúp đỡ, phục vụ họ thông qua việc cung cấp đầy đủ, minh bạch, thông tin dự án. Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng của đội ngũ thực thi chính sách.

Chất lượng cán bộ chính là điểm mấu chốt trong cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư ở Huế. Đó là mục tiêu trước mắt và lâu dài để có thể cạnh tranh ngang ngửa với các đô thị lớn trên phạm vi quốc gia.

Khát vọng “thành phố hạnh phúc” và 3 mong ước của Chủ tịch Thừa Thiên Huế - Ảnh 9.

Nhắc đến chất lượng cán bộ, mỗi năm lượng học sinh của Huế từ các trường chuyên như Quốc Học chọn đi du học, hoặc học xa, tỷ lệ quay lại tỉnh không nhiều. Vậy làm thế nào để thu hút được người tài quay về? 

Phải nói là có rất nhiều câu hỏi đặt ra cho lãnh đạo chúng tôi là Huế có đang chảy máu chất xám không. Quan điểm của tôi Huế là trung tâm văn hoá thì phải đảm nhận hai vai trò: thu hút và lan toả.

Lan toả có nghĩa là phải đào tạo ra được những học sinh, sinh viên giỏi để họ có thể đi khắp nơi cống hiến, phục vụ. Ngược lại, bên cạnh việc đào tạo, Huế cũng sẵn lòng đón tiếp các nhân tài, bồi dưỡng để họ phát triển.

Chúng tôi rút kinh nghiệm rồi, rất nhiều địa phương chọn cách khuyến khích nhân tài bằng cách ưu đãi lương, thưởng, nhà đất... nhưng những thứ này một mặt không dễ dàng gì cho Thừa Thiên Huế, mặt khác, quan trọng hơn, tôi không nghĩ rằng đó là thứ mấu chốt.

Sinh viên Huế khi tốt nghiệp xong thứ họ mong muốn là môi trường làm việc tốt, thể hiện qua các thiết chế nghiên cứu, cơ sở làm việc tiện nghi để họ yên tâm công tác. Khát khao cống hiến của các em sinh viên khi ra trường rất lớn. Thật tình, tôi nghĩ các em lúc này chưa nghĩ nhiều đến thu nhập, thăng tiến đâu, môi trường mới là thứ quan trọng hơn.

Khát vọng “thành phố hạnh phúc” và 3 mong ước của Chủ tịch Thừa Thiên Huế - Ảnh 10.

Do vậy, Huế đặt trọng tâm vào vấn đề này. Chúng tôi đã và đang kêu gọi các viện nghiên cứu của Trung ương, của doanh nghiệp chọn Huế làm địa điểm đặt cơ sở. Còn ưu đãi, thăng tiến là câu chuyện sau.

Tôi cũng tin rằng người Huế rất yêu quê. Nhiều người có thể do điều kiện khách quan, chủ quan họ chưa thể về công tác nhưng khi biết rằng ở quê hương có ngành nghề phù hợp, họ sẵn sàng quay lại dù với mức lương thấp hơn. Như vậy, vai trò của những người lãnh đạo là phải suy nghĩ, tìm cách khơi dậy được tinh thần này, tạo điều kiện cho người tài cống hiến.

Một thực tế chung là chính quyền trong nhiều trường hợp khi đưa ra chủ trương, dự án với mục đích tốt nhưng không nhận được sự đồng thuận của người dân. Ví dụ như dự án cầu gỗ lim đi bộ trên sông Hương. Trong những trường hợp như vậy phải xử lý như thế nào để những dự án có tầm nhìn trở thành hiện thực? 

Tôi đồng ý với điều này. Ở Huế, không phải cái gì đưa ra cũng được người dân chấp nhận ngay. Trong quá trình xây dựng một chủ trương, dự án mà chúng tôi phỏng đoán sẽ có dư luận trái chiều thì một trong những vấn đề quan trọng là phải công khai, minh bạch quá trình triển khai.

Việc truyền thông cũng phải đi từng bước để chính quyền và người dân có cơ hội được đối thoại hai chiều.

Bên cạnh đó cần phân tích những dư luận trái chiều, xem chúng xuất phát từ đâu. Nó đại diện cho đa số hay thiểu số. Dĩ nhiên với công trình mới, mang tính chất quan trọng đối với Huế thì sẽ có nhiều tiếng nói hơn. Những góp ý này tôi nghĩ rằng xuất phát từ sự chân thành của những người quan tâm đến Huế. Trách nhiệm của chính quyền là phải lắng nghe để có sự điều chỉnh phù hợp.

Khát vọng “thành phố hạnh phúc” và 3 mong ước của Chủ tịch Thừa Thiên Huế - Ảnh 11.

Tuy nhiên, khi thấy phương hướng đúng rồi thì phải tăng cường công tác truyền thông để người dân ủng hộ thêm. Cầu Lim chính là ví dụ. Có những người trước đây phản đối gay gắt dự án này, nhưng khi cầu khánh thành, chính họ ra chụp ảnh và giới thiệu bạn bè đến thăm cầu Lim nhiều nhất.

Hoặc với chủ trương giải phóng mặt bằng kinh thành Huế, đây là chủ trương lớn, mang dấu ấn lịch sử nhưng nó rất khó. Chúng tôi phải đi từ người dân, tạo sự đồng thuận, rồi từ đó mới xin lãnh đạo Bộ, ngành, Chính phủ.

Rồi đến phong trào mang tính cộng đồng cao như Ngày Chủ Nhật xanh vừa được Thủ tướng tặng bằng khen cũng phải đi từ sự ủng hộ của người dân. Nhưng có được sự ủng hộ này là cả quá trình truyền thông. Đó là hình ảnh của lãnh đạo địa phương đồng hành cùng đi gom rác với bà con. Hình ảnh này là cần thiết để người dân thấy được quyết tâm cao độ của chính quyền.

Tôi nghĩ làm gương là phẩm chất mà người lãnh đạo phải làm. Làm gương không phải làm thay, người dân vẫn là chủ thể, nhưng nó sẽ giúp người dân thay đổi nhận thức.

Khát vọng “thành phố hạnh phúc” và 3 mong ước của Chủ tịch Thừa Thiên Huế - Ảnh 12.

Trong thư gửi người dân Cố đô, ông từng đề cập đến khát vọng Huế. Khát vọng đó cụ thể là gì? 

Dịp Tết năm ngoái, có người hỏi tôi là với cương vị Chủ tịch tỉnh, tôi muốn gì cho Huế. Tôi trả lời rằng có 3 ý. Thứ nhất tôi mong người dân được sống sung túc hơn. Thứ hai, xã hội bình yên hơn. Thứ ba, chính quyền thân thiện hơn để người dân hài lòng hơn. Đó là 3 mong ước cho xã hội, người dân, chính quyền mà tôi đang vận hành.

Huế phải trở lại vị thế của mình, là vùng đất thu hút nhân tài, hấp dẫn bạn bè trong nước, quốc tế. Khát vọng Huế tôi nghĩ rằng không phải thứ gì cao xa, nó nằm trong tay của chúng tôi và người dân, về một Huế cổ kính, xanh, sạch, yên bình, là vùng đất hạnh phúc.

Khát vọng “thành phố hạnh phúc” và 3 mong ước của Chủ tịch Thừa Thiên Huế - Ảnh 13.

Nhấn mạnh đến Huế phải là vùng đất xanh, sạch, yên bình, phải chăng đây là lý do khiến tỉnh 1 tháng trước đã kiên quyết với túi nilong, chai nhựa trong các đơn vị hành chính. Thậm chí ngân sách mua nước đóng chai cũng được cắt bỏ?

Trong một thời gian dài, Huế nổi tiếng là thành phố xanh sạch. Nhưng quá trình đô thị hoá, đặc biệt là sự bùng nổ của các sản phẩm nhựa đã tác động tiêu cực đến điều này. Tất nhiên Huế không phải là nơi duy nhất bị tác động này.

Nhưng để lấy lại được hình ảnh, xây dựng lại một Huế xanh trong quá khứ, chính quyền tỉnh đã đưa ra phong trào ngày Chủ Nhật xanh để nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường. Nếu bạn nhặt một cọng rác thì sẽ có thêm 1 người nhặt rác và sẽ bớt 1 người xả rác. Đây là quá trình thay đổi nhận thức lâu dài nhưng nó đã được khởi động.

Còn xử lý rác thải nhựa, chúng tôi phải đi từ cơ quan nhà nước. Chúng tôi thay thế những chai nước dưới 500ml bằng chai thuỷ tinh trong sinh hoạt hàng ngày. Trong Đại Nội cũng đang dần nói không với túi nilong. Việc thực hiện nên được khởi động từ những cơ sở có điều kiện thực hiện trước.

Khát vọng “thành phố hạnh phúc” và 3 mong ước của Chủ tịch Thừa Thiên Huế - Ảnh 14.

Trong tuần này Huế sẽ tổ chức Hue Innovation Day, ông có kỳ vọng gì vào cuộc chơi sáng tạo của Huế, đặc biệt đặt trong bối cảnh cả nước đang sôi sục với tinh thần khởi nghiệp? 

Phải nói rằng sáng tạo là một tài nguyên vô tận để phát triển và Huế cũng đang sở hữu điều này. Bài toán đặt ra là làm thế nào để khơi dậy tiềm năng đó. Trong Thứ Bảy tới, chúng tôi mời rất nhiều chuyên gia, doanh nghiệp... đến để cùng thảo thuận chủ đề sáng tạo để phát triển trong du lịch, công nghệ thông tin, thủ công mỹ nghệ, vốn là thế mạnh của tỉnh nhà. Chúng tôi mong muốn nhận được sự chia sẻ, hiến kế để nâng tầm phát triển.

Còn với khởi nghiệp, Huế đang hoà nhập chung với dòng chảy xã hội. Cùng với Đại học Huế, chúng tôi đã khởi động nhiều phong trào, xây dựng các mô hình về khởi nghiệp. Các cá nhân trên địa bàn cũng đã nhận nhiều giải thưởng về khởi nghiệp ở tầm tỉnh, tầm quốc gia.

Nhưng Huế cũng đang thực sự thiếu sân chơi, không gian để các bạn trẻ đổi mới, sáng tạo. Chúng tôi vẫn tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư và tìm cách tạo ra không gian này.

Cảm ơn ông!

Phương Ánh - Hoàng Ly
7pm
Phạm Quang Vinh; Shutterstock
Theo Trí Thức Trẻ15/6/2019

Phương Ánh - Hoàng Ly

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên