img
Ký ức ngọt ngào về Triều Tiên của ngôi trường mẫu giáo đặc biệt ở Hà Nội - Ảnh 1.
Ký ức ngọt ngào về Triều Tiên của ngôi trường mẫu giáo đặc biệt ở Hà Nội - Ảnh 2.

Nằm trong con ngõ cách mặt đường Phạm Ngọc Thạch hơn 5m, Trường Mẫu giáo Việt Triều có sự yên tĩnh hiếm thấy ở Thủ đô. Trường được bao bọc bởi những "lá chắn" – là các khu tập thể đậm dấu thời bao cấp. Dù vậy, ngôi trường được thành lập từ năm 1978 này đang trở nên "bận rộn" khi liên tục được săn đón bởi giới truyền thông trong nước và quốc tế, trước thềm Hội nghị Mỹ - Triều, sẽ diễn ra tại Hà Nội. Bởi đây được xem là dấu ấn cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Triều Tiên.

"Một phóng viên đài Hàn Quốc khi đến đây làm việc đã bỏ quên cả passport", bà Ngô Thị Minh Hà, Hiệu trưởng của trường xoay người chỉ vào tủ kính phía sau.

Bà Hà tỏ ra tất bật khi vừa giải quyết các công việc thường nhật tại trường, vừa phải chuẩn bị tiếp đón các phóng viên từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây. "Hôm trước có phóng viên của Nhật, Hàn, Mỹ... Tuần sau chúng tôi có buổi gặp với báo của Đức", bà nói và cho biết họ rất quan tâm đến câu chuyện của trường.

Ký ức ngọt ngào về Triều Tiên của ngôi trường mẫu giáo đặc biệt ở Hà Nội - Ảnh 3.

Mẫu giáo Việt – Triều toạ lạc trên khu đất rộng gần 4.000 m2, có nguồn kinh phí xây dựng và cơ sở vật chất hầu như do Bình Nhưỡng viện trợ. Trường được thành lập ngày 8/3/1978. Trong thời kỳ đầu, trường có 4 lớp, nuôi dạy 120 trẻ ở độ tuổi từ 3 đến 5.

Chia sẻ lý do phía Triều Tiên tặng cả ngôi trường, bà Hoàng Thị Thanh, nguyên Hiệu trưởng, nói rằng đều nhờ vào quan hệ tốt đẹp giữa giữa hai nước. Thời điểm đó, kinh tế Triều Tiên cũng khá hơn Việt Nam, vốn đang trong giai đoạn tái thiết hậu chiến.

Ký ức ngọt ngào về Triều Tiên của ngôi trường mẫu giáo đặc biệt ở Hà Nội - Ảnh 4.
Ký ức ngọt ngào về Triều Tiên của ngôi trường mẫu giáo đặc biệt ở Hà Nội - Ảnh 5.

"Năm 1977, trường bắt đầu xây, một năm sau thì chính thức khánh thành. Tôi thuộc lứa giáo viên đầu tiên về trường, hồi đó mới 20 – 21 tuổi, háo hức lắm", bà kể.

Thời điểm đó ở Hà Nội, theo bà Thanh, chưa có ngôi trường mẫu giáo nào đẹp đến như vậy. "Chúng tôi thích mê khi nhà trẻ có phòng ăn, phòng học, phòng ngủ riêng. Mỗi cháu có một cái giường, với chăn, gối rất đẹp. Tất cả đều là đồ của Triều Tiên gửi sang", bà nói.

Đến nay, bà vẫn nhớ được những chiếc gối đó có in nổi hoa, màu hồng, rất bắt mắt. Những bộ đồ ăn làm bằng inox, giống với đồ của Liên Xô nhưng nhỏ nhắn hơn.

Ký ức ngọt ngào về Triều Tiên của ngôi trường mẫu giáo đặc biệt ở Hà Nội - Ảnh 6.

"Họ gửi sang mỗi thứ số lượng đúng 120 chiếc, không hơn, không kém", bà nói và cho biết thêm khẩu phần ăn của 120 cháu ngày đó còn được viện trợ cả trứng. "Được 4 – 5 quả một tháng cho mỗi cháu".

Ngoài những đồ dùng cho thường nhật, phía Triều Tiên còn tặng thêm cả đàn piano, đàn accordion, đàn violin và rất nhiều thiết bị đồ chơi. "Những đồ chơi này Hà Nội ngày đó không có đâu", bà Thanh nhấn mạnh.

"Khi tôi về trường năm 1985, những đồ dùng đó vẫn còn", bà Hà tiếp lời.

Ký ức ngọt ngào về Triều Tiên của ngôi trường mẫu giáo đặc biệt ở Hà Nội - Ảnh 7.

Đến năm 2012, trường Việt Triều đã được xây dựng lại. Tuy nhiên, bà Hà cho biết dáng dấp của Triều Tiên vẫn tồn tại ở mặt ngoài, khi giữ lại kiến trúc 2 tầng. Những món đồ chơi ngoài trời bằng sắt, dù đã bong tróc màu, cũng được giữ lại, nằm khiêm tốn phía sau những món đồ chơi nhựa, phù hợp hơn với sinh hoạt của các cháu học sinh.

"Chúng tôi vẫn giữ lại đu quay Thiên lý mã của Triều Tiên và gia cố lại. Những món đồ này là kỷ niệm", bà Hà nói. Dù những món đồ chơi của Triều Tiên nay đã cũ, không còn màu sắc bắt mắt, nhưng các khớp quay, nối vẫn vận hành khá trơn tru và cuốn hút được bọn trẻ con đùa nghịch.

Ký ức ngọt ngào về Triều Tiên của ngôi trường mẫu giáo đặc biệt ở Hà Nội - Ảnh 8.

Một điều đặc biệt ở trường Việt Triều là hai lớp học được đặt theo tên hai nhà lãnh tụ Triều Tiên, gồm lớp Kim Nhật Thành, thành lập ngày 5/12/2010 và lớp Kim Chang IL (Kim Chính Nhật – cha của Kim Jong Un), thành lập đúng ngày này 2 năm sau đó. Lớp học dành cho học sinh 5 tuổi.

Trong hai lớp học đặc biệt này, ảnh của lãnh đạo Việt – Triều được treo trang trọng. Ngoài ra, ảnh tư liệu về các cuộc gặp, bản đồ, cờ của hai nước cũng được treo xung quanh.

Ký ức ngọt ngào về Triều Tiên của ngôi trường mẫu giáo đặc biệt ở Hà Nội - Ảnh 9.

Học sinh, như bà Thanh cho biết, trong các bài học chính khoá được lồng ghép để tìm hiểu thêm về văn hoá Triều Tiên. Ví dụ như giờ học về lá cờ của các nước, các bé sẽ được đi sâu tìm hiểu về cờ Việt Nam và cờ Triều Tiên. Hay trong buổi học về dinh dưỡng, bé sẽ được dạy là các bạn nhỏ ở nước bạn sẽ ăn những gì. Ngoài ra, trong những buổi lễ lớn, ngoài áo dài truyền thống của người Việt, trong sân trường sẽ "nhộn nhịp" những sắc màu của bộ hanbok màu hồng, tím...

Ở Bình Nhưỡng, trường mầm non Gyong Sang, đơn vị kết nghĩa với trường ở phía Triều Tiên cũng thành lập một lớp học mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tương tự học sinh ở Việt Nam, các bé cũng được dạy về văn hoá, truyền thống Việt Nam và quan hệ giữa hai nước.

Ký ức ngọt ngào về Triều Tiên của ngôi trường mẫu giáo đặc biệt ở Hà Nội - Ảnh 10.

Năm 2011, thầy trò của trường Gyong Sang đã sang Việt Nam thăm Mầm non Việt Triều nhân kỷ niệm sinh nhật 100 năm của lãnh đạo Kim Nhật Thành. Ngược lại, trường Việt Nam cũng có nhiều dịp sang thăm và học tập kinh nghiệm của phía Triều Tiên.

Nhớ lại những chuyến đi đến Bình Nhưỡng, bà Thanh kể rằng giáo dục ở Triều Tiên rất tốt. Điều khiến bà ấn tượng mãi là "bắp chân người Triều Tiên thon gọn, thẳng đuột, từ bé đến lớn, chứng tỏ những đứa trẻ đã được hướng dẫn vận động, rèn luyện tốt".

Trường mẫu giáo Việt Triều - Các cháu chơi trò chơi

Ký ức ngọt ngào về Triều Tiên của ngôi trường mẫu giáo đặc biệt ở Hà Nội - Ảnh 12.
Ký ức ngọt ngào về Triều Tiên của ngôi trường mẫu giáo đặc biệt ở Hà Nội - Ảnh 13.

Hiệu trưởng Ngô Thị Minh Hà bày tỏ hi vọng rằng trường sẽ được chào đón Chủ tịch Kim Jong Un khi ông đến thăm Việt Nam. Bà cho biết đã đề xuất mong muốn đến phía Đại sứ quán. Những em nhỏ từ 3 – 5 tuổi đã được tập hát và nhảy để nếu được chấp thuận, sẽ có thể được trình diễn trước ông Kim.

"An-nyong-ha-sim-ni-kka", câu chào bằng tiếng Triều Tiên được các em nhỏ đồng thanh kéo dài, dù chưa tròn âm nhưng khá thuần thục. Những bài hát cho trẻ con và màn múa quạt của các cô giáo cũng đã được chuẩn bị kỹ lường...

"Tôi cũng rất háo hức", nguyên Hiệu trưởng Hoàng Thị Thanh nói. Bà Thanh có hai cháu nội, ngoại đang theo học ở trường mẫu giáo Việt Triều và những đứa trẻ đã mang không khí này về nhà. Bên cạnh đó, những cuộc điện thoại của người kế nhiệm cũng thường xuyên mời bà về trường.

Ký ức ngọt ngào về Triều Tiên của ngôi trường mẫu giáo đặc biệt ở Hà Nội - Ảnh 14.
Ký ức ngọt ngào về Triều Tiên của ngôi trường mẫu giáo đặc biệt ở Hà Nội - Ảnh 15.

"Về đây, tôi thường vào thẳng các lớp. Nhìn các cháu trong bộ hanbok, ngồi tô quốc kỳ Việt Nam, Triều Tiên tôi không khỏi xúc động. Nó gợi nhớ cho tôi những kỷ niệm cũ", bà nói và cho biết bản thân cũng có tham gia vào một bài hát chào mừng.

Bà cũng kể rằng một trong những bài học mà bọn trẻ mong muốn được nghe là các câu chuyện về hoà bình. Theo bà, trẻ con sẽ chưa thể nào hiểu được câu chuyện này, nhưng chúng rất vui vẻ đòi giáo viên.

Nói về Hội nghị Mỹ - Triều diễn ra vào ngày 27 – 28/2 này, bà Thanh không giấu giếm hy vọng về một thoả thuận hoà bình và ổn định tại bán đảo Triều Tiên.

"Cái gì tốt nhất thì phải để dành cho các cháu bé", bà Thanh bỗng nhớ lại câu chuyện kể khi ông Kim Jong Un yêu cầu tu sửa lại từng phòng một tại trường Gyong Sang, khi ông đến thăm và phát hiện ra một phần gạch lát bên ngoài bị hư hỏng.

Phương Ánh
Team KingPro
7pm
Theo Trí Thức Trẻ22/02/2019


Phương Ánh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên