Đến Việt Nam lần đầu năm 19 tuổi, nhưng Michael Piro, COO – Giám đốc Điều hành Indochina Capital đã "phải lòng" đất nước này từ 5 năm trước đó. Michael yêu người Việt, văn hóa Việt và lịch sử Việt, và thậm chí còn có nickname là… Việt Michael khi còn ở Canada.
Trong buổi phỏng vấn với báo Trí thức trẻ, Michael Piro nói: "Tôi yêu khám phá và cơ hội, và tìm thấy cả hai điều đó ở Việt Nam. Tôi không tới đây để làm việc, tôi đến vì Việt Nam".
COO của Indochina Capital nhấn mạnh: "Tôi làm việc ở đâu cũng được mà, nhưng vẫn tới đây vì yêu Việt Nam. Bạn có thể thấy một số người ngoại quốc ở Việt Nam nhưng vẫn sống chung với cộng đồng của họ, trong thế giới của riêng họ, ăn nhà hàng nước họ và không thực sự muốn ở đây. Họ phải tới vì công việc hoặc lý do nào đó. Còn tôi đam mê đất nước này, con người, văn hóa,… và vẫn luôn 'phát điên' vì tình yêu mãnh liệt và dài lâu với Việt Nam".
Mối lương duyên của anh với Việt Nam bắt đầu từ khi nào và kể từ thời điểm nào thì anh cảm thấy đây là mảnh đất thực sự gắn bó với mình?
Cái duyên của tôi với Việt Nam đã bắt đầu từ rất lâu, khi tôi còn ở Canada. Lúc đang học trung học phổ thông thì bạn thân nhất của tôi đã là một người Việt Nam rồi.
Đó là một câu chuyện khá thú vị. Khi tôi còn nhỏ, gia đình tôi không có nhiều tiền đâu, vì bố mẹ tôi phải nuôi tới 6 cậu con trai. Chúng tôi rất giàu tình cảm, nhưng nghèo tiền (cười). Mẹ tôi là một người nhập cư từ nước cộng hoà Trinidad và Tobago, còn bố tôi là một người Canada thế hệ đầu tiên nhưng gốc Ý. Trong gia đình, cho dù chuyện gì xảy ra, chúng tôi sẽ luôn chia sẻ những thứ chúng tôi có, cho dù cũng không có gì nhiều.
Hồi còn nhỏ, hầu hết các bạn tôi là người Canada. Một hôm chúng tôi ra ngoài ăn, tôi thì không có tiền, còn các bạn khác cứ ăn trước mặt tôi và tôi chỉ biết nhìn thôi. Không ai hỏi tôi có muốn cùng ăn không. Với tôi như thế thật kỳ cục vì chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra trong gia đình. Chúng tôi không bao giờ ăn trước mặt người khác, tận hưởng đồ ăn mà không chia sẻ với người xung quanh.
Vài tháng sau, một tình huống tương tự xảy ra. Chỉ khác là lần này tôi đi với một bạn người Việt, chúng tôi ra ngoài ăn và tôi lại không có tiền. Cậu ấy mua một chiếc hamburger và khi thấy tôi không có gì để ăn, cậu ấy đã bẻ đôi chiếc bánh của mình để chia cho tôi. Đối với tôi đó là một khoảnh khắc rất quan trọng. Năm đó tôi 14 tuổi.
Sau đó, tôi đến nhà cậu ấy, làm quen với bạn bè cậu ấy và nhận ra rằng giá trị cốt lõi của người Việt Nam cũng rất giống với giá trị mà tôi được bố mẹ nuôi dạy. Đó là gia đình, là sự sẻ chia, là cộng đồng. Ngay khi đó tôi đã cảm nhận được một động lực mạnh mẽ rằng tôi muốn đến Việt Nam.
Người bạn thân nhất của tôi là người Việt Nam, mối tình đầu của tôi cũng là một cô gái Việt Nam sống tại Canada. Trước khi tới Việt Nam, ở Canada tôi đã có nickname là Việt Michael rồi.
Nhiều người vẫn nói Hà Nội ô nhiễm quá nặng, TP Hồ Chí Minh cũng vậy nhưng anh đã lựa chọn sống và làm việc ở Việt Nam 15 năm rồi và không quay lại Canada. Điều gì khiến anh gắn bó với nơi này?
Đây là một câu hỏi rất khó đấy. Có rất nhiều lý do khiến tôi quyết định ở lại Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội. Đó chính là lịch sử, là sự chân thật của con người.
Tôi lấy vợ người Việt Nam và có con trai đầu lòng khi khi mới 22 tuổi. Hôm đó, tôi đưa con vào một nhà hàng và vừa ăn tối vừa bế con trông có vẻ rất vụng về. Bỗng nhiên có một phụ nữ bước tới, tôi không hề biết bà ấy đâu nhé. Bà ấy bế con tôi lên, dỗ nó và nói với tôi: "Anh cứ ăn đi! (Eat your dinner)".
Lúc đó, tôi không hề cảm thấy bất an chút nào và đó cũng là một cảm giác rất quan trọng. Ở Canada thì không có chuyện đó đâu, tự dưng anh động vào con ai đó thì người ta sẽ hét lên và báo cảnh sát ngay.
Ở Việt Nam, tôi chưa bao giờ cảm thấy không thoải mái. Đó là lối sống cộng đồng – thứ thể hiện ngay trong cách xưng hô: anh, em, chú, dì. Tự nhiên như thế, tôi luôn cảm thấy đây là nhà, không bao giờ lạc lõng, luôn được chào đón. Với tôi giờ Việt Nam còn gần gũi hơn cả Canada. Khi tôi trưởng thành, tôi chỉ làm việc ở Vancouver duy nhất 1 năm còn sau đó hoàn toàn là ở Việt Nam.
Nếu giờ có trở lại Canada thì tôi cũng cảm thấy mình như du khách ấy, về Việt Nam mới là nhà. Tôi thấy thật tuyệt khi được chứng kiến sự phát triển, những thay đổi của Việt Nam và tôi cũng là một phần của sự thay đổi đó.
Tôi đến Việt Nam với 800 USD trong túi và giờ may mắn có được sự nghiệp tương đối ổn. Tôi rất hạnh phúc khi ở đây.
Tôi hiểu việc mọi người cảm thấy không thích Hà Nội vì ô nhiễm. Nhiều người cũng hỏi tôi tại sao Vancouver là một trong những nơi trong lành nhất, đường xá tốt nhất, ít người, công viên đẹp,… tại sao lại chọn ở lại Việt Nam. Tôi đoán là tôi đã "nghiện" những cơ hội ở Việt Nam, mỗi ngày đều đổi khác, mỗi cơ hội, mỗi thách thức mà tôi gặp đều giúp tôi cảm thấy thực sự được sống mỗi ngày. Việt Nam là nơi mà khi đi đâu tôi cũng luôn muốn quay về.
Theo đánh giá của InterNations thì Việt Nam nằm trong Top 4 điểm đến làm việc của các chuyên gia nước ngoài. Là một người nước ngoài làm việc ở Việt Nam đã 15 năm, anh có nhận xét gì về đánh giá của InterNations?
Tôi nghĩ điều đó khá đúng đấy. Thật tuyệt vời khi thấy mọi thứ đã thay đổi trong vài năm trở lại đây. Việt Nam từng không phải là một quốc gia dễ sống. Ví dụ ngày trước ở Canada, người ta phải trả bạn gấp rưỡi hay gấp đôi thì bạn mới đồng ý sang đây làm việc. Nhưng giờ thậm chí có người còn đề nghị được làm việc ở Việt Nam, mọi người đều muốn làm việc ở Việt Nam – một nơi có quá nhiều cơ hội và chi phí sinh hoạt rẻ.
Tôi nghĩ giờ đây cả thế giới đều hiểu tại sao Việt Nam lại đáng sống. Ban đầu những lý do đó là bí mật của riêng tôi, giờ thì cả thế giới đều biết rồi (cười).
Tại Indochina Capital, anh và sếp của mình đều là những người sống và làm việc tại Việt Nam rất nhiều năm. Ngoài những thuận lợi do hiểu biết về thị trường hơn, ở lâu tại Việt Nam có đem đến những bất lợi hoặc bất tiện gì cho cuộc sống hay phát triển sự nghiệp của anh hay không?
Tôi nghĩ là sống ở đâu thì cũng có cái hay và cái dở thôi, chẳng có nơi nào là hoàn hảo cả. Tôi và Peter (Peter Ryder, Tổng Giám đốc Indochina Capital) luôn nghĩ đến việc thích nghi và luôn luôn nhớ rằng chúng tôi không tới đây để thay đổi Việt Nam.
Rất nhiều người nước ngoài đến Việt Nam và cố gắng thay đổi nơi này, nghĩ thế thì thất bại ngay. Bí quyết của chúng tôi là cố gắng thích nghi và gần gũi với văn hóa địa phương nhất có thể, chứ không nói "Tôi tới từ Canada, tôi sẽ làm theo kiểu Canada và đánh giá theo tiêu chuẩn Canada". Tôi thấy nhiều người làm thế và thất bại rồi.
Có nhiều người nói là "tôi biết nhiều thứ hay hơn, nhiều cách tốt hơn". Ừ có thể bạn biết thật. Nhưng nếu bạn không học cách làm việc với người Việt Nam thì bạn có biết nhiều đến mấy thì cũng không thể đi xa được. Sự gắn kết giữa người nước ngoài, người Việt Nam và cộng đồng kinh doanh nơi đây là rất quan trọng.
Tôi biết về các tiêu chuẩn quốc tế, nhưng đồng thời cũng hiểu về các "tiêu chuẩn Việt Nam". Điều đó giúp bản thân tôi, Peter và Indochina Capital thành công. Chúng tôi luôn thích nghi, chúng tôi tới với tâm thế là khách và muốn học hỏi từ các bạn, hỗ trợ hết mức có thể, và không bao giờ muốn áp đặt ai. Đó là điểm khác biệt của chúng tôi với các tổ chức khác.
Cần phải kiên nhẫn vì quá trình phát triển của Việt Nam sẽ rất khác với các quốc gia khác, vì nhiều yếu tố lịch sử. Tôi luôn thích nghi, thấu hiểu và kiên nhẫn, đi từng bước một. Khi đối mặt với thách thức, chúng tôi sẽ chấp nhận và xử lý vấn đề, không giận dữ, không cáu gắt mà chỉ chấp nhận và tìm phương án giải quyết, rồi làm hết sức thôi.
Khi gặp một bức tường chắn trước mặt, đôi lúc bạn phải trèo tường, đôi khi thì đào hầm đi xuống dưới, hay đi vòng qua; nhưng sẽ luôn có đường nếu bạn muốn đi về phía trước.
Tuyệt vọng, không thấu hiểu, không sáng tạo, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã rời Việt Nam như thế.
Khi đến Việt Nam vì sao anh lại bắt đầu với lĩnh vực bất động sản?
Từ khi còn trẻ tôi đã muốn làm bất động sản rồi. Tôi đọc một cuốn sách nói rằng có tới 90% triệu phú trên thế giới đều đến từ lĩnh vực bất động sản và từ khi mới 5 tuổi tôi đã muốn trở thành triệu phú rồi.
Ngày học cấp 3 tôi đi thực tập ở một công ty bất động sản. Ai nhận là tôi sẵn sàng làm không công vào mùa hè để có thể học, học và học về lĩnh vực bất động sản. Sau đó tôi vào học một trường về bất động sản, rồi làm trong ngành bất động sản 1 năm ở Canada thì tôi sang Việt Nam
Gắn bó với ngành bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng nhiều năm, anh thấy điều gì khiến mình yêu thích nhất ở Việt Nam trong lĩnh vực này?
Điều ý nghĩa với tôi trong những năm qua là chúng tôi có thể xây rất nhiều công trình, rất nhiều tòa nhà và thay đổi cuộc sống của nhiều người. Thay đổi nền tảng bất động sản sẽ thay đổi cách mọi người sống, cách mọi người suy nghĩ và thay đổi tiêu chuẩn sống của mỗi người. Đó là thay đổi lớn nhất mà tôi mong muốn thực hiện trong 15 năm qua.
Tư duy của mọi người, kỳ vọng của mỗi người – thứ họ muốn trong cuộc sống, cách họ hưởng thụ cuộc sống, cách họ nghỉ dưỡng, thư giãn – đang thay đổi cùng với bất động sản. Đó là một phần thưởng đối với chúng tôi. Chúng tôi không chỉ tạo ra sản phẩm, là các tòa nhà, khách sạn hay căn hộ,… mà tạo ra phong cách sống.
Thay đổi cách sống của mọi người mới là mục tiêu của chúng tôi. Ai cũng xây nhà được, ai cũng mở trung tâm thương mại được, nhưng chúng tôi còn muốn làm nhiều hơn thế: sáng tạo, bứt phá để thay đổi cách mọi người sống, lao động, du lịch,… không chỉ bây giờ mà là cho nhiều năm tới.
Trước đây, Indochina Capital là một quỹ đầu tư với việc tìm kiếm các dự án để thu lợi nhuận ngắn hạn, giờ khi kết hợp cổ đông mới là đối tác Nhật Bản, mọi việc thay đổi ra sao?
Tất nhiên là có nhiều thay đổi rồi. Điều này cho phép chúng tôi có một tầm nhìn dài hạn hơn trong chiến lược đầu tư của mình. Đối tác mới thay đổi cách chúng tôi ra quyết định, cách chúng tôi thỏa thuận, cách điều hành việc kinh doanh cũng rất khác.
Trước đây, làm đầu tư ở một thị trường cận biên (frontier market) đang tiến tới mới nổi (emerging market) như ở Việt Nam thì chúng tôi luôn bị cuốn vào một guồng quay lợi nhuận và rủi ro. Đôi khi bạn sẽ thành công to nhờ khớp đúng chu kỳ kinh doanh nhưng không phải lúc nào cũng được như vậy. Với đối tác Nhật – tập đoàn Kajima, chúng tôi có tầm nhìn dài hơn và không bị cuốn vào các mục tiêu như trước. Nhờ đó, việc lựa chọn và ra quyết định của chúng tôi cũng sẽ tốt hơn.
Indochina Capital bị ảnh hưởng ra sao trước "cơn bão" có tên condotel?
May mắn là chúng tôi không bị ảnh hưởng gì hết. Thứ duy nhất có thể tác động đến chúng tôi trong biến động này là xu hướng của thị trường second home – mô hình ngôi nhà thứ 2. Chúng tôi là người đi tiên phong trong lĩnh vực nhà ven biển, đầu tiên là với Four Seasons The Nam Hải Hội An. Hyatt Regency Đà Nẵng là dự án đầu tiên được chúng tôi đẩy mạnh cho thị trường địa phương. Thực tế, chúng tôi là người tiên phong trong lĩnh vực second home ở Việt Nam, nên tôi chưa bao giờ có dự cảm quá tốt về sản phẩm condotel. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến nó nên cũng không đầu tư.
Ở vị trí giám đốc điều hành, công việc của anh thay đổi ra sao với người Nhật?
Làm việc với người Nhật rất khác. Trước đây, hầu hết các đối tác của chúng tôi là các quỹ quốc tế hoặc quỹ của Mỹ, họ rất quan tâm đến chuyện phải tạo ra lợi nhuận nhanh chóng hơn. Làm việc với người Nhật thì họ giữ cổ phần đầu tư lâu hơn, luôn duy trì cách tiếp cận hướng tới các khoản đầu tư bền vững và phát triển lâu dài hơn.
Làm mọi thứ đúng cách và một cách trân trọng cũng rất quan trọng với họ. Những giá trị sâu sắc mà họ có tạo ra niềm tin cho Indochina Capital. Đối tác Nhật Bản quan tâm tới từng chi tiết nhỏ. Mọi thứ họ đều làm theo một phong cách rất Nhật, rất cẩn thận, hoàn hảo và tôi học được rất nhiều từ họ.
Điều gì khiến anh không thích khi làm trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản và du lịch ở Việt Nam?
Một số nhà phát triển bất động sản không dành thời gian cho việc tìm hiểu xem tòa nhà họ xây sẽ ảnh hưởng thế nào đến cộng đồng hay thế hệ tương lai. Nhìn quanh Việt Nam sẽ thấy không ít trường hợp các nhà phát triển thiếu trách nhiệm, tòa nhà xây dang dở không hoàn tiện, rất mất mỹ quan.
Bất động sản là một lĩnh vực mà bạn phải cẩn trọng, đó là tài sản dài hạn, 30-40 đến thậm chí hàng trăm năm, nên cần phải cân nhắc kỹ thiết kế này có phù hợp với bối cảnh ngày nay không, ngày mai thì sao, liệu có đủ nguồn lực để làm nó hay không.
Ví dụ như nhà ven biển thì rất đẹp, chúng ta có một đất nước thật đẹp, nhưng nếu không cân nhắc những thiết kế đẹp, cân nhắc việc phát triển bền vững mà chỉ xây dựng vì lý do kinh tế thì chúng ta sẽ bỏ lại phía sau rất nhiều thiết kế mất mỹ quan và những vấn đề môi trường.
Khi bạn có nhiều quyền lực thì bạn cũng phải gánh nhiều trách nhiệm.
Các nhà phát triển thực sự có quyền lực lớn vì họ sẽ tác động đến môi trường, hệ sinh thái, tính bền vững, và cuộc sống con người. Khi tôi thấy các nhà phát triển không tính toán nghiêm túc về những điều đó, họ chỉ muốn sinh lời nhanh, nhảy vào thị trường và kiếm lợi, thì tôi không tránh được sự khó chịu.
Đôi khi họ đã rời khỏi ngành kinh doanh này, nhưng tòa nhà thì vẫn ở đó mà? Chúng ta sẽ nhìn thấy nó, vẫn sẽ có những người sống ở đó và điều đó làm tôi thấy phiền lòng lắm.
Sau một thời gian tăng trưởng mạnh thị trường bất động sản Việt Nam có dấu hiệu chững lại và nhiều dự báo về một năm 2020 khó khăn cho bất động sản. Còn đánh giá của anh về cơ hội đầu tư cũng như kinh doanh bất động sản trong năm 2020 ra sao?
Tôi đã trải qua rất nhiều thăng trầm với bất động sản ở Việt Nam, kể cả lúc khó khăn nhất. Giờ đây, tôi không còn cảm thấy phiền nếu như thị trường đi lên hay đi xuống. Nếu thì trường đi lên? Tuyệt, ta có thể kiếm được nhiều lợi nhuận hơn. Nếu thị trường đi xuống? Không sao, như thế có nghĩa là ta sẽ mua được giá rẻ. Đó là cơ hội mà.
Ở đâu hay ở đất nước nào cũng vậy thôi, thị trường sẽ lên xuống. Chỉ là vấn đề thời gian thôi, phải không?
Tôi tin là dòng sản phẩm mà chúng tôi tạo ra sẽ chỉ mất giá 10% khi thị trường rớt những 20%. Những người bị ảnh hưởng tệ nhất sẽ là những người tạo ra sản phẩm tầm trung, gần giống với những người khác. Nếu bạn phát triển sản phẩm có thiết kế tốt, vị trí tốt, hình dung trước về nó trong đầu từ ngày đầu tiên, thì bạn sẽ có kế hoạch tốt cho nó.
Tôi luôn chuẩn bị tinh thần cho việc thị trường đi xuống vì sẽ luôn là thế mà. Bạn chỉ cần chuẩn bị cho nó thôi thì mọi chuyện sẽ ổn. Ngay cả thời điểm đại khủng hoảng năm 2009-2010, lãi suất lên tới hơn 20%/năm, lạm phát cũng khoảng đó, tiền mất giá khủng khiếp, chúng tôi vẫn vượt qua.
Khi gặp chuyện không vừa ý với những tình huống kinh doanh ở Việt Nam mà anh cho là không đúng đắn, nguyên tắc xử lý của anh là như thế nào?
Đôi khi tôi không vui, đặc biệt là khi việc kinh doanh không thuận lợi, rơi vào những tình huống khó khăn với đối đối tác hay khách hàng. Nhưng tôi luôn tin rằng điều cần làm là nhìn thẳng vào vấn đề. Tôi là một người cực kỳ tập trung vào trọng tâm và cách tiếp cận đó của tôi cực kỳ hiệu quả ở Việt Nam.
Tôi không lòng vòng, không chơi chiêu. Nếu tôi thấy không hài lòng với ai đó tôi sẽ nói thẳng: Tôi không hài lòng với anh, sao anh làm thế, làm sao để chúng ta giải quyết vấn đề này?
Tôi không bảo: Ôi tôi không muốn làm thế này đâu, không muốn làm thế kia đâu. Tôi luôn nói thẳng và mọi người tôn trọng điều đó. Nếu chúng tôi có vấn đề, đặt vấn đề đó lên bàn họp và không rời đi cho tới khi vấn đề được giải quyết. Tôi cố gắng đặt mình vào vị trí người khác nhưng tôi không ngại chỉ ra vấn đề cho họ một cách trực tiếp. Tôi nghĩ rằng điều đó đã có tác dụng.
Có những vấn đề bạn có thể vượt qua, vài vấn đề khác thì không. Và kể cả khi thất bại, ta cũng học được điều gì đó. Có thứ sẽ thành công, số khác thì không, bạn phải chấp nhận điều đó.
Điều tệ nhất với một doanh nhân hay một nhà khởi nghiệp chính là không biết lúc nào thì nên từ bỏ. Bạn có thể bỏ qua một thỏa thuận, có thể hai thỏa thuận khác sẽ tới và đừng lo lắng về điều đó. Đừng giữ cảm xúc tiêu cực, đừng căng thẳng, cố gắng mang lại sự tích cực cho người khác và đã có những trường hợp sau đó đối tác đó quay lại và lại hợp tác với chúng tôi.
Hãy kiên nhẫn, đừng chủ quan. Hãy học cách ăn mừng những mất mát như cách bạn ăn mừng thành công vì nếu không thì bạn sẽ bị đánh bại rất nhanh.
Nếu bạn thức dậy và mọi thứ chẳng đi vào quỹ đạo thì cũng không sao, tìm cách mà giải quyết thôi. Luôn giữ nụ cười trên môi và tiến về phía trước. Đó là bí quyết của tôi.
Có bao giờ sự thẳng thắn khiến anh gặp bất lợi chưa?
Tôi nghĩ là khi bạn định thẳng thắn bạn đã phải chuẩn bị tinh thần cho việc ra đi rồi. Tôi sẽ không bao giờ thẳng thắn nếu tôi không sẵn sàng cho việc đó, và tôi luôn chuẩn bị tâm thế cho việc ra đi.
Nếu có điều gì đó không có ý nghĩa với tôi, thì cho dù tôi có cố gắng thúc đẩy thế nào thì nó cũng không thành công. Thế nên tôi luôn thẳng thắn.
Gia đình anh thường ăn Tết Việt Nam ra sao?
Thường thì gặp gỡ rất nhiều, ăn nhậu cũng nhiều (cười). Chúng tôi đi thăm họ hàng, bạn bè, và thu xếp một kỳ nghỉ. Mặc dù tôi đã có chuyến đi vào mùa hè rồi nhưng văn phòng thì vẫn còn đó, vẫn phải hoạt động nên vẫn cứ phải sẵn sàng cho công việc, túc trực bên cái điện thoại. Với tôi, Tết là dịp tuyệt vời để gặp gỡ bạn bè và dành thời gian cho bản thân dưới ánh mặt trời bên bờ biển, nơi nào đó thật thư giãn.
Anh thấy Tết Việt Nam thú vị nhất ở điểm nào?
Điều thú vị nhất à? Có lẽ là mỗi khi đến Tết, cho dù bạn đang ở xa Việt Nam đến đâu, cho dù chuyện gì xảy ra, Tết vẫn là thời điểm an lành nhất, cũng như Giáng sinh và Năm mới của phương Tây ấy. Cho dù cuộc đời bạn có thế nào, bạn vẫn phải chuẩn bị cho ngày lễ đó, bỏ qua mọi thứ không vui, tái khởi động bản thân với những điều mới.
Tết Tây, tôi đi ngủ từ 9 giờ 30 tối, còn chẳng đợi tới nửa đêm. Nhưng Tết Ta thì tôi nhất định phải ăn mừng.
Anh lấy vợ người Việt và sống ở Việt Nam, con của anh có nói tiếng Việt sõi không?
Các con nói và hiểu tiếng Việt nhưng không tốt như tôi muốn, cần cải thiện nhiều hơn. Chúng học ở trường quốc tế nên học bằng tiếng Anh, khá giỏi tiếng Anh nhưng với tôi và vợ mình hiểu rằng việc các con thành thạo tiếng Việt là rất quan trọng. Do vậy, sau khi ở trường về thì phải học tiếng Việt.
Chúng tôi thống nhất là dịp nghỉ hè thì gửi các con về quê vài tuần để chúng chỉ có thể nói tiếng Việt với họ hàng của mình mà thôi. Chúng tôi muốn các con mình gìn giữ giá trị và văn hóa Việt Nam cho dù có một ông bố "Tây" là tôi (cười).
Anh có dự kiến trở về Canada sống và làm việc không?
Không. Có lúc tôi nghĩ mình nên dành thời gian nhiều hơn mỗi năm ở Canada vì bố mẹ, anh chị, họ hàng của tôi đều ở đó, thay vì chỉ khoảng 2 tuần như hiện nay. Tôi cũng ước sẽ là một phần quan trọng hơn trong cuộc sống của họ. nhưng tôi có gia đình ở Việt Nam, và Việt Nam là nhà của tôi.
Trí Thức Trẻ