"Nghệ sĩ Văn Hà là đạo diễn nhạc kịch đầu tiên và cũng là duy nhất đã có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc bác học VN. Là người đặt nền móng cho nền nhạc kịch và kịch hát VN. Cho tới ngày hôm nay, qua suốt 56 năm vẫn bền bỉ hoạt động trong nhiều lĩnh vực: đạo diễn, tác giả, đào tạo cho nhiều thế hệ trong cả nước", trong lời nhận xét của Hội đồng xét duyệt khi trao huân chương Lao động cho Đạo diễn - NSND Văn Hà.
Năm 1999, Lê Ha My tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) chuyên ngành piano. Cuối năm 2000, anh được Bộ Văn hóa Thông tin và Nhạc viện Hà Nội cử đi tu nghiệp tại Nhạc viện mang tên P. I. Tchaikovsky – nơi đã đào tạo nên hàng loạt những nghệ sĩ tài năng của thế giới.
Ha My sang Nga học tiếp chuyên ngành chỉ huy tại Nhạc viện Tchaikovsky và giành được tấm bằng đỏ danh giá. Anh từng làm việc tại nhiều dàn nhạc lớn của Nga như: Dàn nhạc nhạc viện mang tên Glinka – thành phố Magnitogorsk – CHLB Nga (2004), Dàn nhạc nhạc viện quốc gia Moskva (2006)... Tại Việt Nam, anh được coi là trường hợp hiếm bởi là chỉ huy nhưng được đào tạo 15 năm Piano chuyên nghiệp…
Năm 2010, anh về nước đầu quân cho Dàn nhạc Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam vào năm 2010 và sau đó là đảm trách vai trò Phó Giám đốc Nhà hát Lớn TP HCM từ năm 2016. Hiện anh đảm nhận vị trí Giám đốc và nhạc trưởng của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM (HBSO).
Chào nhạc trưởng Lê Ha My, được biết anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, hẳn âm nhạc đến với anh như một lẽ rất đỗi tự nhiên?
Tôi là con trai của NSND Văn Hà. Người đầu tiên cũng là người hiếm hoi hoạt động trong lĩnh vực đạo diễn nhạc kịch của Việt Nam. Ông đi tu nghiệp ở Nga từ những năm 60-70 cùng với lớp nghệ sĩ đầu tiên "đóng đinh", "cây đa cây đề" của Việt Nam.
Ngày xưa, ba được nhà nước cử đi Liên Xô học và tất các vở nhạc kịch của Việt Nam trong kho tàng âm nhạc Việt Nam đều là do dàn dựng xuyên suốt những năm 80-90. Ngày đấy khó khăn lắm. Khi tôi bắt đầu học nhạc vào những năm 82-83, ở Hà Nội việc có được 1 cây đàn piano là điều gì đó rất ghê gớm, không phải dễ dàng. Định hướng đầu tiên là bố dẫn dắt tôi theo con đường âm nhạc và bên cạnh tôi luôn có một cây đàn piano.
Tôi vẫn nhớ thời ba đi học, không giống như thời sau này người ta khi về nước, sẽ mang về chậu nhôm, bàn là Liên Xô… Lúc ấy, ai cũng rất khó khăn. Nhưng thời của ba chưa có những chuyện đó mặc dù rất nghèo. Thế hệ của ông khi về nước chỉ mang về 2 thứ và rất trân quý, đó là đĩa than và sách. Ngày bé, xung quanh tôi là đàn piano, đĩa than và sách. Tôi được ba dẫn lối, nghe nhạc, chơi piano rất nhiều và âm nhạc cứ thế dần ngấm vào tôi.
Cũng như mọi đứa trẻ, có những lúc tôi không thích học đàn, thích chơi hơn. Ngày xưa, ngoài thời gian học văn hóa, đáng lẽ thời gian khác mình có thể đi chơi nhưng lại phải học đàn. Nhưng dần dà, như một thói quen, tôi cứ đi trên con đường đó và dần cảm thấy mình thật sự yêu âm nhạc. Đến một lúc, tôi nhận ra mình đã thuộc về "thế giới âm nhạc" mà mình đã bước chân vào lâu rồi.
Là con trai của NSND Văn Hà - đạo diễn nhạc kịch đầu tiên và cũng là duy nhất đã có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc bác học Việt Nam, đã tạo sức ảnh hưởng như thế nào trong sự nghiệp âm nhạc của anh?
Bố đã cho tôi rất nhiều động lực theo đuổi con đường âm nhạc. Thẳng thắn chia sẻ, với tên tuổi của bố, tôi có nhiều sự thuận lợi hơn. Thời điểm tôi mới về nước sau khi đi tu nghiệp, rất nhiều người trong nghề đã biết đến tôi.
Bố góp ý cho tôi rất nhiều về âm nhạc. Khi thấy con trai mình tiếp tục con đường âm nhạc mặc dù rất nhiều chông gai, bố cũng rất vui. Với một người hoạt động nghệ thuật gần 60 năm, sau đó đến khi nghỉ hưu, bố còn nhiều tâm tư muốn gửi gắm đến thế hệ sau về âm nhạc nói chung và nhạc kịch của Việt Nam nói riêng. Vậy nên hai bố con cũng nói chuyện rất nhiều về âm nhạc. Bố cũng theo dõi và đưa cho tôi lời khuyên, chia sẻ, đánh giá nhận xét rất đáng quý với kinh nghiệm 60 năm đi trên con đường này.
Anh từng học piano suốt 15 năm, thay vì lựa chọn trở thành một pianist, anh lại chọn một con đường gian nan hơn là trở thành nhạc trưởng, vì sao vậy?
Tôi vào nhạc viện Hà Nội học từ những năm 83. Lúc ấy bố tôi lại tiếp tục đi học tiếp lớp quản lý ở Nga khoảng 1-2 năm. Thời điểm đó, bố đã có suy nghĩ và nói với bác NSND Nguyễn Trọng Bằng (cựu Giám đốc Nhạc viện Hà Nội) rằng, nếu tôi có năng khiếu thì hãy để tôi đi con đường này, còn nếu không thì không nhất thiết phải ép. Tôi cũng học piano từ bé, người dạy piano đầu tiên cho tôi là nghệ sĩ Hoàng Minh. Sau 1,2 buổi học, chú có nói với bố tôi rằng: "Em thấy cháu rất có năng khiếu, anh hãy cho cháu đi theo con đường này".
Vào nhạc viện, tôi piano hết 7 năm sơ cấp, lên trung cấp ở Đại học tôi học 8 năm dưới sự giảng dạy của NSND – NGND Trần Thu Bạch Hà. Tất cả tôi có 15 năm học tại nhạc viện. Tôi thi vào Đại học là thủ khoa, khi tốt nghiệp xuất sắc, cô Hà nói với tôi rằng: "Bây giờ lớp người chỉ huy dàn nhạc trước kia thì cũng đã rất lớn tuổi rồi và hiện nay lớp kế cận thì chưa có, có muốn học con đường này không? Cô thấy cháu cũng có những thuận lợi để trở thành người chỉ huy dàn nhạc, cháu thấy như thế nào?" Thời điểm đó là những năm 95 cho đến 98, tôi bắt đầu học những năm đại học, chưa có internet nhiều nhưng đã mua được CD. Khi cô Hà nói như vậy, tôi bắt đầu nghe nhiều tác phẩm giao hưởng hơn. Nhạc giao hưởng cũng dần ngấm vào người tôi. Tôi thấy được sự hấp dẫn của dàn nhạc giao hưởng, đó là: Cả một dàn nhạc giao hưởng đồ sộ có thể lột tả hình tượng, cảm xúc của người nhạc sĩ muốn gửi gắm vào đó, từ những lúc sâu thẳm nhất trong con người cho đến những lúc bùng nổ, vỡ òa nhất.
Thời điểm đó, sau khi tốt nghiệp piano, trường có giữ lại làm giảng viên đệm piano nhưng song song tôi học thêm chỉ huy dàn nhạc với NSND Nguyễn Trọng Bằng. Học một thời gian với thầy Bằng, tôi được cử đi tu nghiệp tại Nhạc viện P. I. Tchaikovsky học về chỉ huy dàn nhạc giao hưởng.
Việc học 15 năm piano có tạo bước đệm lớn cho việc trở thành nhạc trưởng của anh?
Cái căn bản nhất của người chỉ huy dàn nhạc là phải được đào tạo chuyên sâu về một nhạc cụ nào đó, tốt nhất là piano. Bởi piano là nhạc cụ giống như một dàn nhạc thu nhỏ, gồm 88 phím đàn từ nốt thấp nhất đến nốt cao nhất. Và khi chơi piano, chúng ta có thể chơi được 10 ngón tay và đánh được 10 nốt nhạc cùng một lúc. Giống như dàn nhạc, tất cả hòa chung một nhịp.
Những năm tháng du học ở học viện danh giá Tchaikovsky của anh có gì đặc biệt?
Bây giờ, việc đi học ở nước ngoài là việc khá bình thường nhưng thời của tôi đặc biệt là thời trước đó nữa, thì việc bước chân đi nước ngoài là điều gì đó rất to tác. Khi tôi đi học ở Liên Xô, mọi thứ xa xôi lắm, vẫn chưa có video call tiện như bây giờ. Tôi viết 1 bức thư cho gia đình, 1 tháng sau mới về đến nhà, gia đình viết 1 bức thư hồi đáp 1 tháng sau cũng mới tới nơi. Nhưng cảm xúc để lại trong tôi rất lớn. Ngày xưa, lớp sinh viên như tôi được nước Nga rất yêu quý.
Trở thành một nhạc trưởng, anh gặp phải những khó khăn như thế nào?
Khó khăn rất nhiều. Khó khăn với một người nhạc trưởng thì không bao giờ là kết thúc. Ở Nga, có một chỉ huy rất nổi tiếng đã từng viết 1 cuốn sách và nói rằng nghề chỉ huy dàn nhạc là "nỗi đau khổ ". Tất cả những nhạc sĩ kiệt xuất của thế giới, từ các thế kỷ trước, khi họ viết ra những tác phẩm âm nhạc đồ sộ ẩn chứa bao thăng trầm của cả cuộc đời. Một tác phẩm âm nhạc không chỉ là những nốt nhạc, giai điệu, hòa thanh… mà còn là cảm xúc. Càng hiểu và cảm nhận được điều đó, người nhạc trưởng mới lột tả được nó đúng nhất và hay nhất.
Điều đầu tiên, tri thức của người chỉ huy dàn nhạc phải rất dày để có thể hiểu được, cảm nhận được và lột tả nó thông qua dàn nhạc – một cánh tay nối dài. Điều khó ở đây là gì? Có những số phận của nhạc sĩ kiệt xuất trước đây rất bi kịch, họ sẽ gửi gắm vào tác phẩm. Người chỉ huy không chỉ đánh nhịp 1-2-3, đánh to lên nhỏ xuống… đây chỉ về mặt kỹ thuật, tất nhiên không có kỹ thuật thì không làm được gì cả. Cái quan trọng nhất là mình có đẩy được cảm xúc ấy cho khán giả. Đồng thời phải lột tả được những ý tưởng, mong muốn của người nhạc sĩ cách đây 300 năm. Tôi cảm nhận được tất cả những điều đó.
Tôi không phải người hát lên nó mà đẩy cho 100 cánh tay nối dài đang ngồi trước mặt mình. 100 con người này phải nhận được năng lượng đó, bằng kỹ thuật và tâm hồn được phản chiếu qua ánh mắt, thần thái, cơ thể, nội tâm. Người chỉ huy âm nhạc phải có đủ kiến thức âm nhạc để hiểu được tác phẩm. 1 tác phẩm giao hưởng khoảng 400 trang tổng phổ, kéo dài trên dưới 50-60 phút với 100 con người. 1 nhạc công trong dàn nhạc sẽ có 1 nốt nhạc khác nhau, còn người chỉ huy phải thuộc nốt nhạc của 100 người đấy và thuộc một lúc đồng bộ. Mỗi người đánh 1 cách cảm nhận riêng thì sẽ hỗn loạn, thì người ta cần phải có người chỉ huy dàn nhạc.
Thêm một cái khó nữa là khi đã làm chỉ huy dàn nhạc, mình phải mặc định là giỏi hơn hoặc bằng tất cả nghệ sĩ phía bên dưới. Đặt ngược lại, 100 người nghệ sĩ bên dưới đó, người chỉ huy lại kém họ thì mình không thể chỉ huy người ta được. Đây cũng là một áp lực, làm thế nào để nói cho người ta nghe.
Ngoài ra, nhạc trưởng cần phải có tai nghe rất tốt. Vì khi dàn dựng cho ít nhất 70 người nghệ sĩ trong dàn nhạc, có dàn nhạc lên đến 100 người, khi 100 người cùng cất lên, trong mớ âm thanh dày đặc, một vài người thổi sai hay thổi không đúng thì người nhạc trưởng bắt buộc phải nghe được, điều chỉnh nó.
Để làm được tất cả những điều đó, tôi phải trải qua rất nhiều năm khổ luyện và rèn luyện bằng tất cả nhiệt huyết, đam mê. Bởi với nghề này, tài năng bẩm sinh, năng khiếu sẽ không có ý nghĩa gì nếu không có sự khổ luyện và trải nghiệm.
Trong một dàn nhạc, người chỉ huy có vai trò cũng như áp lực lớn như thế nào, thưa anh?
Người chỉ huy giống như xương sống trong 1 dàn nhạc, nếu nó gãy thì 100 con người kia sẽ gãy. Khi anh là người bắt nhịp, kiểm soát, gắn kết mà anh sập thì 100 mảnh ấy sẽ dãn ra, chương trình hòa nhạc sẽ thất bại.
Người chỉ huy đòi hỏi sự tổng hòa rất nhiều tố chất. Để trở thành một nghệ sĩ đã khó, một nghệ sĩ giỏi càng khó nhưng để trở thành chỉ huy giỏi khó hơn rất nhiều lần.
Gắn bó hơn 1 thập kỷ có thừa với nghề chạm tay đến âm nhạc qua "chiếc đũa", nhớ lại, cảm xúc lần đầu tiên chỉ huy dàn nhạc của có gì đặc biệt?
Cách đây 17 năm là lần đầu tiên tôi "cầm đũa" chỉ huy dàn nhạc. Tôi cũng giống như phần lớn những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc nói riêng và trong mọi lĩnh vực khác, chắc chắn không tránh được cảm giác lo lắng, bồn chồn, nhịp tim sẽ tăng nhanh, tâm lý sẽ không vững vàng. Có các kỳ tài thì sẽ không gặp phải chuyện này thôi còn phần lớn chúng ta đều sẽ không tránh được.
Tôi nhớ rằng mình đã từng trải qua những điều như thế, lo lắng chứ! Lần đầu tiên tôi làm việc với dàn nhạc của Nga, mình là một chàng thanh niên da vàng, âm nhạc cổ điển của Châu Âu và môi trường nhạc viện Tchaikovsky sẽ khác với âm nhạc của Việt Nam, bước lên sân khấu mình trở thành nhân vật trung tâm mà bên dưới là những người nghệ sĩ tài năng, 'tóc bạc' biết bao năm trong nghề, thì đó là một áp lực cực lớn. Vì mình biết chắc họ là những người rất giỏi. Tất cả những người làm về âm nhạc rất tinh tế và nhạy cảm, người ta chỉ cần nhìn vào ánh mắt, thần thái của người chỉ huy, người ta sẽ biết ngay điều gì đang trong ông ấy. Nếu chỉ huy sai, dàn nhạc cũng sẽ sai. Nếu thần thái của chỉ huy không toát ra được năng lượng cần thiết mà ngược lại là lo lắng, sợ hãi thì năng lượng này ngay lập tức sẽ lan tỏa rất nhanh, làm hỏng cả buổi hòa nhạc. Mình phải tìm mọi cách để kiểm soát được trạng thái. Ngược lại người chỉ huy nói riêng và nghệ sĩ nói chung, bước lên sân khấu lại chẳng có cảm xúc gì, không sợ, không lo lắng, hồi hộp, lúc ấy anh lại quá lạnh, như vậy cũng chưa chắc đã tốt. Nên phải điều chỉnh, cân bằng hài hòa cảm xúc.
Theo tôi, người chỉ huy còn khó hơn 1 bậc so với nghệ sĩ khác. Chỉ huy luôn có 2 vai, trái tim thì phải nóng nhưng cái đầu phải lạnh. Trái tim nóng để truyền tải dòng cảm xúc và đầu óc phải tỉnh, còn cái đầu phải tỉnh để lắng nghe xem thực tế diễn ra cái gì để kiểm soát, chỗ nào sai phải can thiệp ngay lập tức.
17 năm làm nhạc trưởng, đâu là chương trình hòa nhạc mà anh ấn tượng nhất?
Rất khó để chọn ra chương trình hòa nhạc ấn tượng nhất với tôi. Cá nhân là một người chỉ huy, tôi có nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau ở mỗi chương trình hòa nhạc khác nhau. Nếu phải chọn, tôi nhớ nhất 2 chương trình.
Đầu tiên là chương trình tôi làm nhạc trưởng khi mới về nước, lúc ấy tôi học năm cuối ở Tchaikovsky, lúc đó tôi nhận được lời mời chỉ huy trong chương trình có 2 bản giao hưởng lớn, cello nổi tiếng người Nga Igor Gavrysh.... Đây là lần đầu tiên tôi về diễn ở Việt Nam với 1 dàn nhạc lớn và uy tín nhất ở Việt Nam trong Nhà hát lớn với khán giả Việt Nam. Đây là chương trình để lại nhiều cảm xúc và cho tôi nhiều suy nghĩ về con đường sự nghiệp của mình ngày một hoàn thiện hơn.
Chương trình thứ 2 mà tôi nhớ tới là chương trình "Mặt trời của tôi", chương trình đầu tiên mà 1 ca sĩ giỏi dám làm 1 liveshow với dàn nhạc giao hưởng. Đây là một sự dũng cảm lớn vì chưa ai làm điều đó trước đây bao giờ.
Hiện tại, anh đang đảm nhiệm một lúc hai vai, vừa là nhạc trưởng, vừa là phụ trách nhà hát. Trách nhiệm, tính chất công việc của anh thay đổi như thế nào?
Đây là 2 loại hình công việc có sự khác biệt rất lớn. Tôi cũng có thuận lợi là có thời gian làm quen. Từ đó đến nay tôi vẫn làm công tác chỉ huy dàn nhạc, bên cạnh đó thì năm 2017 thì tôi nằm trong ban lãnh đạo nhà hát thành phố.
Tất nhiên khác biệt lớn. Khó khăn ở việc chỉ huy dàn nhạc với công tác quản lý hoàn toàn khác, khác rất nhiều. Công tác kia là công tác trên sân khấu, còn công tác chỉ huy là công tác bên cạnh sân khấu. Hoạch định tổ chức, triển khai, làm việc các phòng ban, nghệ sĩ… Bên cạnh đó, là hơn 120 người, hỉ, nộ, ái, ố mình phải đồng hành cùng họ đồng thời đảm nhận trách nhiệm các đơn vị giao. Rất nhiều thử thách, áp lực. Mình phải luôn giữ được cho nhà hát hoạt động tốt nhất, có những chương trình đặc sắc, nói thì đơn giản nhưng đó là sự nỗ lực cực kỳ lớn.
Ngoài ra, bây giờ việc giữ được những người nghệ sĩ tài năng bên mình là việc không hề đơn giản. Nhiều nghệ sĩ phải chấp nhận gác lại đam mê để "bươn chải" cho cuộc sống gia đình. Chỉ huy dàn nhạc không phải quan tâm đến việc này nhưng quản lý nhà hát phải quan tâm. Là con người của âm nhạc, nghệ thuật, chúng tôi là những người sống với nghề rất đam mê. Nhưng bước ra khỏi thế giới âm nhạc, ai cũng phải trở về với cuộc sống hiện tại. Mấy ai hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc nghệ thuật cổ điển, thính phòng mà không gặp nhiều khó khăn, trắc trở khi trở về cuộc sống thực tại. Trong đó câu chuyện lớn nhất là lượng khán giả thích nhạc cổ điển, thính phòng của khán giả Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Hiện tại, tôi cũng đang cùng với Nhà hát HBSO kéo khán giả khỏi màn hình, internet đến gần với sân khấu bằng việc tạo ra những chương trình hòa nhạc đặc sắc, mới lạ, như chuỗi chương trình "Giai điệu mùa thu" vừa rồi. Rất nhiều concert, buổi hòa nhạc của HBSO thiết kế đều "cháy vé" trước ngày diễn cả 2-3 tuần.
Ở tuổi 46, gần 40 năm anh gắn bó với âm nhạc, anh có điều gì trăn trở và muốn làm điều gì để tác động đến âm nhạc thính phòng – cổ điển nói riêng và nghệ thuật hàn lâm nói chung trong tương lai?
Tôi vẫn luôn cố gắng góp phần đưa loại hình nghệ thuật này ngày một phát triển và thăng hoa hơn. Từ xưa đến nay, chúng ta thường tập trung vào việc đào tạo, làm sao để tạo ra được chương trình hay, nghệ sĩ giỏi… nhưng lại quên mất một việc là chúng ta đang tập trung vào "cung" và chưa tập trung vào "cầu". Mình có rất nhiều nghệ sĩ giỏi, dàn nhạc giỏi nhưng nếu khán giả không nghe, rồi tất cả thứ nghệ thuật kia một ngày sẽ mai một. Lượng khán giả yêu, hiểu khá ít nên việc phát triển còn gặp nhiều khó khăn.
Việc xây dựng khán giả sẽ diễn ra như thế nào? Ở một số nước, các bạn nhỏ sẽ được tiếp xúc với âm nhạc từ sớm và chọn một nhạc cụ mà mình yêu thích để học. Điều này không có nghĩa là sau này các bạn sẽ trở thành nghệ sĩ, nhưng sẽ được tiếp xúc với âm nhạc, làm mới góc độ về tâm hồn, thẩm mỹ.
Ngoài ra, vấn đề cần được quan tâm hơn là sau khi có được những nghệ sĩ tài thì phải tạo ra nhiều sân chơi cho họ, hỗ trợ và chắp cánh cho họ phát triển ngày. Điều quan trọng là cần có những điều kiện thoả đáng để nghệ sĩ có thể yên tâm hơn để làm nghề. Bước ra khỏi sân khấu, chúng ta phải quay lại với cuộc sống cơm áo gạo tiền. Nhưng đôi khi, sự thương yêu, trân quý của khán giả, còn quan trọng hơn. Nếu như những người nghệ sĩ này quan trọng những vấn đề mưu sinh hơn, họ đã bỏ nghề.
Tôi vẫn đang tìm kiếm thêm một con đường để làm sao đưa con đường âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng, nhất là các bạn trẻ. Hy vọng tất cả những sự hy sinh của những người nghệ sĩ tài năng đó sẽ được đền đáp xứng đáng. Vì chỉ có sự đền đáp xứng đáng mới nuôi dưỡng được con đường phát triển nền âm nhạc nghệ thuật Việt Nam.
Tổ Quốc