img

Tháng 12/2019, TS. Trần Thị Hồng Minh được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Từng là "người cũ", nay trở lại với cương vị là nữ viện trưởng đầu tiên của CIEM, bà không hề giấu giếm khát vọng đưa Viện tiếp tục phát triển thành một trong những think tank hàng đầu trong nước và khu vực.

Nữ Viện trưởng đầu tiên của CIEM: Bối cảnh kinh tế khó lường chính là “sức ép tích cực”! - Ảnh 1.
Nữ Viện trưởng đầu tiên của CIEM: Bối cảnh kinh tế khó lường chính là “sức ép tích cực”! - Ảnh 2.

-Nhiều nhận định cho rằng kinh tế Việt Nam đã trải qua một năm 2019 khá thành công giữa nhiều bất ổn, xung đột. Còn góc nhìn của bà?

Năm 2019 thực sự rất khó khăn, nhiều bất định đối với kinh tế thế giới. Dù đã chuẩn bị khá nhiều về thông tin – dự báo, chúng ta vẫn ít nhiều bất ngờ trước những diễn biến nhanh, thậm chí đảo chiều đột ngột của kinh tế toàn cầu.

Chẳng hạn, nếu đầu năm các nước còn nói về thắt chặt tài chính thì chỉ đến quý I, ưu tiên chính sách đã hướng tới chống suy giảm/suy thoái kinh tế và thúc đẩy nới lỏng tiền tệ. Căng thẳng thương mại, bảo hộ mậu dịch ở các quốc gia cũng diễn biến phức tạp, trong đó có vấn đề giữa Mỹ - Trung Quốc, Nhật Bản – Hàn Quốc,…Những điều này tác động rất mạnh, theo hướng bất lợi đối với nhiều nền kinh tế.

Bản thân Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn nội tại. Dù vậy, kinh tế Việt Nam tiếp tục vươn mình qua. Tăng trưởng GDP đạt 7,02% trong năm 2019 - năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam tăng trưởng trên 7%, lạm phát bình quân ở mức 2,79%, kim ngạch xuất khẩu đạt con số kỷ lục 514 tỷ USD với nhiều mặt hàng cán mốc trên 1 tỷ USD... Như vậy, nhận định kinh tế Việt Nam chuyển biến tích cực là có định lượng chứ không hề cảm tính.

Mặt khác, Việt Nam đã đón nhận những bất ổn của thế giới với tâm thế rất chủ động.

Công tác điều hành cũng duy trì được sự bình tĩnh, tỉnh táo, không vội vàng và giữ được niềm tin của thị trường, doanh nghiệp. Chính phủ cũng không lơ là đối với cải cách môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn và các quy định chính sách nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Chính ở đây, các kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2019 càng thêm giá trị.

Nữ Viện trưởng đầu tiên của CIEM: Bối cảnh kinh tế khó lường chính là “sức ép tích cực”! - Ảnh 3.

-Vậy còn những điểm tồn đọng trong năm 2019 là gì?

Nhìn lại năm 2019, tôi cho rằng một số lĩnh vực lẽ ra có thể làm được tốt hơn. Chẳng hạn, quản lý xuất xứ hàng hóa là một yêu cầu quan trọng và đã được làm quyết liệt hơn, nhưng thực tế đối tác nước ngoài vẫn có lo ngại Việt Nam có thể trở thành nơi trung chuyển hàng hoá gian lận xuất xứ.

Chúng ta cũng nói rất nhiều lần về yêu cầu phải bứt phá thể chế. Tuy nhiên, tình trạng các quy định vừa thiếu vừa yếu, chồng chéo vẫn chưa có thêm nhiều chuyển biến. Chúng ta có thông điệp, kể cả Nghị quyết của Bộ Chính trị, về tận dụng Cách mạng công nghệ 4.0, song thực tế vẫn chưa có thí điểm các mô hình, hoạt động kinh doanh sử dụng các nền tảng công nghệ mới.

Yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm được cụ thể hóa. Chúng ta vẫn phụ thuộc nhiều vào những ngành thâm dụng nhiều vốn, lao động. Hạ tầng, nguồn nhân lực của Việt Nam cũng còn tương đối kém cạnh tranh, thể hiện qua xếp hạng của WEF.

Những khó khăn, tồn đọng trên đây không phải đến 2019 mới hiện hữu. Các nhiệm vụ và giải pháp đã có, thậm chí còn được Chính phủ nhắc rất nhiều. Tuy nhiên, hiệu quả thực thi chưa tương xứng với kỳ vọng. Việt Nam cần quyết liệt và có thêm những cách làm mới trong năm 2020 và các năm tiếp theo.

Nữ Viện trưởng đầu tiên của CIEM: Bối cảnh kinh tế khó lường chính là “sức ép tích cực”! - Ảnh 4.

-Nhiều dự báo gần đây nhận định kinh tế Việt Nam trong năm 2020 có vẻ khả quan. Từ phía CIEM thì sao?

Ở kịch bản cơ sở cho năm 2020, dự báo của CIEM cho thấy tăng trưởng kinh tế có thể ở mức 6,86%, lạm phát bình quân ở mức 3,1%, tăng trưởng xuất khẩu có thể đạt 8,12%, và thặng dư cán cân thương mại có thể vượt 1,9 tỷ USD.

Với dự báo ở kịch bản lạc quan hơn, tăng trưởng kinh tế và lạm phát tương ứng có thể đạt 7,05% và 2,97%, tăng trưởng xuất khẩu có thể đạt 8,74% và thặng dư cán cân thương mại đạt trên 4,6 tỷ USD.

Theo tôi, sự lạc quan là hoàn toàn có cơ sở. Chúng ta đã có thành tựu kinh tế quan trọng và phát huy được kinh nghiệm điều hành trong giai đoạn 2018 – 2019. Nền tảng kinh tế vĩ mô, dư địa điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đã được cải thiện đáng kể. Qua tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, chúng tôi cũng nhận thấy niềm tin của doanh nghiệp vào cải cách và vị thế kinh tế của Việt Nam đang tích cực hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý rằng kinh tế năm 2020 còn không ít bất định. Nhìn nhận về năm 2020 phụ thuộc vào kịch bản được xem xét. Bài học các năm 2018 - 2019 cho thấy sự thận trọng là rất cần thiết. Càng nhiều kịch bản khác nhau không có nghĩa là dự báo thiếu đồng thuận, mà chỉ giúp cho sự chuẩn bị về chính sách, phương án điều hành tốt hơn.

Nữ Viện trưởng đầu tiên của CIEM: Bối cảnh kinh tế khó lường chính là “sức ép tích cực”! - Ảnh 5.

-Theo bà, đâu là những điểm cần lưu ý cho năm 2020?

Thứ nhất, tôi cho rằng cần có sự quan tâm hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp chuẩn bị, thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, ví dụ như Hiệp định CPTPP. Chúng ta đã "thấm thía hơn" về yêu cầu này, khi mà việc tận dụng cơ hội từ CPTPP chưa được như kỳ vọng trong năm 2019.

Tương tự, FTA giữa Việt Nam và EU có thể sẽ được phê chuẩn. Việc chuẩn bị để đón đầu, khai thác lợi thế của hiệp định này vẫn cần lưu tâm.

Thứ hai, phải quyết liệt thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Môi trường thuận lợi, doanh nghiệp phát triển mạnh mới tạo ra nội lực và sức bật cho nền kinh tế, thịnh vượng cho đất nước.

Hai yêu cầu trên chỉ có thể được thực hiện hiệu quả nhất nếu chúng ta tiếp tục duy trì được môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, thuận lợi. Theo đó, yêu cầu về thông tin, đánh giá, dự báo tình hình vẫn có ý nghĩa rất quan trọng. Công tác phối hợp với các đối tác nước ngoài cũng cần được nâng tầm để tranh thủ thêm thế và lực cho đất nước.

Nữ Viện trưởng đầu tiên của CIEM: Bối cảnh kinh tế khó lường chính là “sức ép tích cực”! - Ảnh 6.

-Năm 2020 Việt Nam đảm nhận vị trí kép, vừa là Chủ tịch ASEAN, vừa là Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Về mặt lợi ích kinh tế, chúng ta được gì?

Với vai trò Chủ tịch ASEAN, chúng ta có cơ hội lớn hơn, sâu sắc hơn trong việc đưa ra những sáng kiến và chủ động thực hiện các sáng kiến đó. Cần lưu ý, ASEAN là thị trường lớn với 650 triệu dân, đang chứng kiến những thay đổi sâu sắc về hành vi tiêu dùng, phương thức thương mại…

Khi tận dụng được, chắc chắn doanh nghiệp Việt sẽ có sân chơi rất tốt để tăng cường hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Nếu gắn bó và thúc đẩy hiệu quả hơn vai trò trung tâm của ASEAN, chúng ta sẽ có nhiều thuận lợi.

Trọng trách ở Liên Hợp Quốc cũng là cơ hội rất lớn thể hiện uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng ta đang chứng kiến những xung đột địa chính trị khá phức tạp, chẳng hạn như diễn biến căng thẳng giữa Mỹ-Iran trong những ngày gần đây.

Nếu phát huy được vai trò và trách nhiệm, Việt Nam có thể đóng góp đáng kể vào việc duy trì một môi trường quốc tế hòa bình, ổn định. Việt Nam cũng có thể góp phần đáng kể thúc đẩy quan hệ giữa Liên Hợp Quốc và ASEAN…

Khi vị thế và năng lực của Việt Nam tiếp tục được ghi nhận, doanh nghiệp sẽ đến và gia tăng hiện diện. Theo đó, nền kinh tế có thể được hưởng lợi từ những tác động lan toả tích cực khác.

Nữ Viện trưởng đầu tiên của CIEM: Bối cảnh kinh tế khó lường chính là “sức ép tích cực”! - Ảnh 7.

-Thủ tướng từng nói cần duy trì mức tăng trưởng cao như hiện nay thì trong 2 thập niên tới Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có thu nhập cao. Nếu lỡ một nhịp tăng trưởng thì cột mốc sẽ bị lùi lại vài năm. Vậy làm thế nào để giữ được mức tăng trưởng như hiện tại trong khi các các dự báo năm 2020 đều nhận xét các con số sẽ chững lại?

Yêu cầu giữ vững đà tăng trưởng của đất nước trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, nhất là các nền kinh tế lớn có sự giảm tốc, là một thách thức lớn. Dù vậy, bài học từ những năm 2018-2019 cho thấy gia tăng không gian kinh tế và nội lực cho nền kinh tế sẽ là một điều kiện quan trọng cho tăng trưởng.

Việt Nam phải kiên định với mục tiêu phát triển kinh tế theo định hướng thị trường, có điều tiết của nhà nước. Hoàn thiện khung pháp luật là yêu cầu không mới, nhưng cần đột phá và có tính liên tục, để bảo đảm nền kinh tế vận hành hiệu quả và cạnh tranh hơn. Dự báo kém tích cực hơn của các tổ chức quốc tế cũng có thể là "động lực" cho Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực nhiều hơn.

Gia tăng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là một yêu cầu khác, nếu không nói có giá trị căn bản hơn. Chúng ta có mong muốn, có thông điệp chính sách, nhưng vẫn cần nhiều hành động cụ thể hơn.

Việt Nam cũng phải hội nhập quốc tế ở mức độ sâu, rộng, thực dụng hơn để chiếm lĩnh các thị trường. Tập trung cạnh tranh về giá, dễ dãi với chất lượng hàng hóa hoặc đánh giá không đúng mức thị trường trong nước sẽ là thiếu khôn ngoan.

Chúng ta cũng phải tập trung sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm để có thể xuất khẩu với giá trị gia tăng cao, đồng thời cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị quốc tế và khu vực.

Nữ Viện trưởng đầu tiên của CIEM: Bối cảnh kinh tế khó lường chính là “sức ép tích cực”! - Ảnh 8.

-Dù nói rằng Việt Nam vươn lên nhưng các quốc gia khác trong khu vực họ cũng phát triển không kém. Theo bà, làm thế nào để Việt Nam có thể có sự vượt trội hẳn?

Đúng! Khi chúng ta phát triển, các nước khác không đứng yên. Nếu chúng ta đi chậm lại, các nước khác có thể bỏ xa mình. Tôi cho rằng chúng ta cần chiến lược bứt phá.

Một số nội dung dự thảo chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, 2021 – 2030, đặc biệt trong các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII sắp tới cũng đề cập đến chuyện làm thế nào để Việt Nam có thể bứt phá được, tránh tụt hậu.

Yêu cầu tạo đột phá về thể chế, nhân lực, hạ tầng, đổi mới sáng tạo cần được làm sâu sắc hơn. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải chú trọng hơn về văn hoá trong phát triển.

Lợi ích kinh tế khó có thể bền vững nếu dựa trên nền tảng đánh đổi về chất lượng môi trường. Doanh nghiệp không quan tâm đến trách nhiệm xã hội thì không chỉ kém cạnh tranh, mà có thể còn "vướng" cam kết trong các FTA thế hệ mới. Rộng hơn, một dân tộc, một quốc gia không chú trọng văn hoá, bản sắc thì sẽ là nguy cơ lớn, dẫn đến sự mai một, thậm chí huỷ diệt cả dân tộc.

Nữ Viện trưởng đầu tiên của CIEM: Bối cảnh kinh tế khó lường chính là “sức ép tích cực”! - Ảnh 9.

-Như bà phân tích, bức tranh kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng khá tốt. Nhưng cũng có thực tế rằng người dân đang phàn nàn nhiều về chất lượng môi trường sống, đặc biệt là về ô nhiễm. Bà nghĩ sao về điều này?

Chúng ta đã nhìn nhận thẳng thắn hơn về chất lượng tăng trưởng, trong đó có các vấn đề xã hội cũng như môi trường. Môi trường sạch đẹp được xem là mục tiêu quan trọng được Chính phủ hướng tới. Thông điệp không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế ngày càng được thể hiện rõ nét hơn.

Dù vậy, quá trình thực thi vẫn có nhiều bất cập. Môi trường vẫn chưa được nhìn nhận đúng mức như một ngành công nghiệp quan trọng. Một số địa phương, doanh nghiệp đang tập trung hơn vào lợi ích kinh tế. Đó thực sự là thảm hoạ và thảm hoạ này đáng tiếc đã xảy ra đâu đó ở một số nơi tại Việt Nam. Thứ dễ thấy nhất hiện nay là bụi mịn, ô nhiễm không khí ở mức cao…tác động trực tiếp đến sức khoẻ người dân.

Trong quá trình phát triển kinh tế không thể tránh khỏi những ảnh hưởng môi trường nhưng quan trọng là chúng ta phải lường trước để có giải pháp giảm thiểu tác động. Phát triển kinh tế, tăng trưởng cao sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu môi trường sống của con người giảm sút.

-Từ phía Chính phủ đến doanh nghiệp hay người dân gần đây đều nói về một khát vọng thịnh vượng năm 2045, ở góc độ một tổ chức think tank như CIEM thì góc nhìn đó như thế nào?

Như tôi phân tích, quan điểm về một đất nước thịnh vượng sẽ gắn với sự phát triển bền vững. Tăng trưởng cao và liên tục là rất quan trọng, song không đủ. Đất nước thịnh vượng là nơi đảm bảo cho người dân có cuộc sống vật chất đầy đủ, môi trường sống trong lành, có cơ hội bình đẳng và bao trùm. Với tư duy ấy, chúng tôi đang cân nhắc những nghiên cứu hướng tới kiến nghị chính sách phù hợp, có lộ trình để các cấp có thẩm quyền xem xét.

Nữ Viện trưởng đầu tiên của CIEM: Bối cảnh kinh tế khó lường chính là “sức ép tích cực”! - Ảnh 10.

-Trở về CIEM sau 10 năm, cảm xúc lúc này của bà?

(Cười). Nói thật là khó tả lắm. Nhưng vượt lên trên hết là niềm vui trở về nơi đầu tiên giúp tôi trưởng thành. Khi rời khỏi CIEM vào 10 năm trước, tôi đã có thâm niên 18 năm công tác tại Viện. Trong phát biểu chia tay, tôi có nói rằng 18 năm là một khoảng thời gian đủ để một con người sinh ra và trưởng thành. Đối với tôi, đó là sự may mắn. 18 năm được học hỏi, dìu dắt... đã tạo ra nền tảng kiến thức, kinh nghiệm vững chắc khi tôi chuyển sang Bộ KHĐT đảm nhận các công việc khác, liên quan nhiều đến công tác quản lý.

Khi tích luỹ đủ kinh nghiệm về thực tiễn quản lý, vận hành của cơ chế, chính sách, tôi lại được phân công về Viện. Những kiến thức đó rất có ích để tôi dẫn dắt công tác nghiên cứu, tham mưu chính sách ở CIEM. Tôi tâm niệm công tác nghiên cứu, tham mưu phải được kết hợp. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi sẽ nỗ lực để CIEM tiếp tục phát triển theo hướng này.

Nữ Viện trưởng đầu tiên của CIEM: Bối cảnh kinh tế khó lường chính là “sức ép tích cực”! - Ảnh 11.

-Xem lại lịch sử thì bà là nữ viện trưởng đầu tiên của CIEM, cảm giác của bà khi trở thành người đứng đầu của một think tank vốn được xem là đầu ngành về kinh tế?

CIEM là Viện nghiên cứu có bề dày lịch sử 41 năm với những đóng góp thiết thực cho nền kinh tế đất nước đổi mới. Hầu hết những dấu ấn đặc biệt trong những thập kỷ qua của kinh tế Việt Nam ít nhiều, trực tiếp - gián tiếp có liên quan đến Viện. Chính vì thế, với tôi hay bất cứ cán bộ nào của CIEM, được làm việc ở viện là một sự tự hào.

Cá nhân tôi còn thêm cảm xúc đặc biệt, hạnh phúc khi trở về với vai trò người đứng đầu, là nữ Viện trưởng đầu tiên.

Dù vậy, tôi cũng thực tế về định hướng, yêu cầu phát triển CIEM trong thời gian tới. Tôi mong muốn Viện kết hợp hiệu quả hơn giữa tinh thần tiên phong, quyết liệt, quyết đoán, với sự linh hoạt, mềm dẻo, dễ phát huy trí tuệ tập thể hơn.

Cá nhân tôi luôn tâm niệm, một môi trường thuận lợi sẽ giúp anh em phát huy được năng lực, đóng góp vào cái chung. Khi cái chung tốt lên, cá nhân cũng sẽ có điều kiện phát triển năng lực. Đó cũng là một hình ảnh CIEM hướng tới: phát triển - sáng tạo - công bằng.

-Vậy trọng tâm nghiên cứu sắp tới của CIEM là gì?

Trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình trước những yêu cầu phát triển mới, CIEM sẽ ưu tiên nghiên cứu, tham mưu các cơ chế chính sách tạo đòn bẩy cải cách hơn nữa nền kinh tế. Trong đó, có thể kể đến các mô hình tăng trưởng, kinh tế mới.

Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn cho Chính phủ trong đổi mới, hoàn thiện thể chế. Không có thể chế tốt thì cái gì cũng khó. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã hơn một lần nói: Thể chế, thể chế và thể chế.

Viện cũng tập trung đóng góp chính sách về tái cơ cấu nền kinh tế để có một nền kinh tế cân bằng, cạnh tranh và hiệu quả hơn, phù hợp bối cảnh trong và ngoài nước.

Trong năm 2020, CIEM sẽ đặt trọng tâm những nội dung liên quan đến đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ; kinh tế tuần hoàn; tình hình thực hiện cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia; đánh giá tác động các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RECEP...

Nữ Viện trưởng đầu tiên của CIEM: Bối cảnh kinh tế khó lường chính là “sức ép tích cực”! - Ảnh 12.

-Trong một bối cảnh nhiều biến động nhanh, liên tục như hiện nay, một think tank như CIEM sẽ tiếp tục phát triển như thế nào?

Tôi hình dung chiến lược phát triển của CIEM sẽ dựa trên một số trụ cột.

Thứ nhất, xây dựng đội ngũ cán bộ, nghiên cứu có năng lực, có tinh thần lăn xả trong công việc. Thứ hai, mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước.

Hai nội dung trên đây là rất quan trọng. Cũng như các cơ quan nhà nước khác, CIEM gặp không ít khó khăn về biên chế nhân sự. Tất cả tuyển dụng đều phải theo quy chế, không được chủ động ký hợp đồng. Mặt khác, tuyển dụng qua thi tuyển cũng có nhiều rủi ro… Do vậy, chúng tôi đang cân nhắc thực hiện nhiều hơn mở rộng nghiên cứu ra bên ngoài, hợp tác, outsourcing...

Thứ ba, là cơ quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CIEM sẽ tận dụng tối đa lợi thế này. Viện sẽ tập trung vào các mảng nghiên cứu mang tính đột phá, dẫn dắt, mang tính mở đường, từ đó tham mưu xây dựng các chính sách phù hợp.

Trước xu hướng chung là tự chủ về hoạt động tài chính, Viện cũng đã sẵn sàng. CIEM đã có kế hoạch cụ thể và đang hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

-Mọi người hay đùa là làm nghiên cứu thì nghèo, cá nhân bà cảm thấy như thế nào?

Với tôi, tất cả mọi người, ở mọi ngành nghề đều có cơ hội khi làm việc hết mình, tâm huyết hết mình. Đất nước ta đã không ngừng đổi mới, để tất cả chúng ta có cơ hội bình đẳng trong lĩnh vực của mình, dù ở mức tương đối. Nghiệp nghiên cứu cũng có cơ hội riêng. Tôi quan niệm rằng nghiên cứu viên cũng có thể sống tốt, miễn là đủ chăm chỉ, đủ giỏi!

Cảm ơn bà!


Phương Ánh
Nguyễn Long
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻngày 11/1/2020

Phương Ánh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên