Ông nhìn nhận thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018, về mức độ tăng trưởng GDP và sự lạc quan của các nhà đầu tư?
Chúng ta phải hoan nghênh việc 7 năm nay Chính phủ đã có những chính sách xử lý từ đầu đến cuối các vấn đề và tồn tại, từ vĩ mô, lạm phát, lãi suất, hệ thống tài chính - phân loại ngân hàng, rồi tới giảm đầu tư công từ trên 40% GDP xuống dưới 30% GDP, rồi tới doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tư nhân.
Tôi cho rằng đây là chiến dịch khá thành công.
Năm nay nền kinh tế có thể tăng trưởng tốt là nhờ vào nỗ lực trong suốt 7 năm về trước. Nền tảng của nền kinh tế bây giờ tương đối vững, kinh nghiệm của người tiêu dùng Việt Nam tương đối cao và mức độ quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài cũng lớn hơn.
Tuy nhiên, không có gì là tuyệt vời mãi mãi. Vì vậy, Việt Nam cũng phải lưu ý tới mức tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ đầu tư, hiệu suất đầu tư, bất cập trong hạ tầng cơ sở, nhu cầu tiêu thụ, thể chế hóa…
Động thái FED tăng lại suất có làm lượng vốn rút bớt ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam hay không thưa ông?
Nhiều người cho là như vậy, nhưng đến giờ ta vẫn chưa thấy điều đó, mà thấy ngược lại.
Dòng vốn nước ngoài có thể chia làm 5 loại. FDI, ODA, kiều hối là những dòng vốn có động cơ riêng nên ta không nói. Còn hai loại tạm gọi là vốn đầu tư tài chính: từ các công ty chứng khoán và từ các nhà đầu tư xuyên quốc gia như ThaiBev vừa rồi đầu tư gần 5 tỷ USD.
Riêng loại vốn này rót vào Việt Nam trong năm ngoái là khoảng 6-7 tỷ USD, trong khi đó mấy tháng đầu năm nay đã là 2-3 tỷ USD rồi. Nếu không có gì trở ngại, tới cuối năm có thể tăng gấp đôi so với năm ngoái. Vậy FED tăng lãi suất lại có ảnh hưởng ngược, khi giúp dòng vốn chảy vào Việt Nam.
Cơ hội đầu tư ở Việt Nam là rất lớn. Tuy mặt bằng giá trị doanh nghiệp đối với một số mã là không thấp, nếu không muốn nói là hơi bị cao, còn 1.000 công ty niêm yết ở cả sàn Hà Nội, Tp.HCM và UPCoM, có rất nhiều công ty mặt bằng giá trị chưa cao, lãnh đạo có đạo đức, trách nhiệm. Cho nên còn rất nhiều cơ hội đầu tư cùng các công ty đó.
Ngoài ra, còn hai yếu tố khiến cơ hội ở Việt Nam thú vị hơn ở các nước khác.
Thứ nhất là sự lớn lên của các thị trường từ việc Nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn, các công ty tư nhân lâu năm giờ có quy mô và tinh thần sẵn sàng IPO. Đây là lý do giá trị vốn hóa các sở giao dịch của Việt Nam từ 40-50 tỷ USD lên gần 200 tỷ USD chỉ trong vòng 2 năm nay.
Một cơ hội nữa là thị trường nợ. Cuối năm 2016, Thủ tướng nói trước quốc hội rằng có một việc bắt buộc phải làm, đó là cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư chung dài hạn đối với các doanh nghiệp, giảm việc ngân hàng cho vay chung dài hạn mà phát triển theo hướng có các công cụ tài chính phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Như vậy, tạo động lực rất lớn để phát triển thị trường nợ.
Còn một yếu tố không thể thiếu là sự phát triển của khái niệm đầu tư. Lâu nay khái niệm đầu tư và tiết kiệm thường được xem là một. Tiết kiệm là gửi tiền ngân hàng, mua vàng cất ở nhà, gửi tiết kiệm vào địa ốc - những nguồn ít mạo hiểm và chấp nhận lãi thấp.
Khi nền tài chính càng phát triển, các thị trường được thể chế hóa, người ta sẵn sàng bỏ tiền đầu tư, sẵn sàng chịu một rủi ro nhất định, không cần nhìn dòng tiền đó hàng ngày - mua cổ phiếu, trái phiếu, bảo hiểm…
Đây là xu hướng chúng tôi chờ đợi nhiều năm và đã bắt đầu thấy vài năm gần đây.
Theo đánh giá của ông, liệu cuối năm nay Việt Nam có thể được vào danh sách các thị trường mới nổi của MSCI?
Theo tôi là chưa. Việt Nam hiện được xem là thị trường Frontier (cận biên) và nhiều người cho rằng nên nâng cấp thành thị trường emerging (mới nổi). Nếu xét về quy mô, triển vọng và các tiêu chuẩn khác thì có thể xứng đáng được xem xét.
Tuy nhiên, thứ nhất là vẫn tồn tại những rào cản về thanh khoản đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Suy cho cùng, đây là điều rất có ý nghĩa với các nhà đầu tư ngoại khi nhìn vào thị trường.
Thứ hai là về giới hạn sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài (room). Ví dụ, PV Gas là công ty rất lớn mà mới giao dịch hơn 4% cổ phần, còn gần 96% cổ phần còn lại nằm trong tay Nhà nước. Có nhiều công ty lớn rất quan tâm đầu tư nhưng lại bị giới hạn room.
Đây là hai rào cản khiến Việt Nam chưa thể được MSCI nâng hạng.
Nếu Chính phủ có biện pháp nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, thì liệu quy mô thị trường có đạt chuẩn không thưa ông?
Tôi cho là có thể, chỉ là vấn đề thời gian.
Gần đây Chính phủ Việt Nam đã quyết định lập ủy ban quản lý vốn Nhà nước, quy tụ hơn 21 tập đoàn lớn. Ông đánh giá như thế nào về động thái này và có kỳ vọng rằng tiến trình cổ phần hóa, bán bớt vốn Nhà nước có nhanh hơn không?
Đây không phải điều quan trọng nhất. Xét về khía cạnh phát triển thị trường, điều quan trọng nhất là Luật Chứng khoán sửa đổi. Đến năm 2019, Việt Nam có thể xem xét thông qua một Luật Chứng khoán mới.
Luật Chứng khoán mới này, nếu được thông qua, sẽ có thể tháo gỡ rất nhiều khó khăn trong ngành chứng khoán về cả cơ sở pháp lý của cơ sở hạ tầng thị trường, quyền và mức bảo vệ đối với các nhà đầu tư, quyền và trách nhiệm của các công ty phát hành, quy mô và mức phát triển của các định chế tài chính, các dạng sản phẩm tài chính và dĩ nhiên là cả vai trò của Nhà nước.
Chúng tôi kỳ vọng rất nhiều vào Luật Chứng khoán sửa đổi lần này, và mong rằng cả Chính phủ lẫn Quốc hội sẽ tập trung để sớm thông qua.
Đây là nền tảng có thể giúp Nhà nước tiếp tục tiến hành thoái vốn, các công ty tư nhân tiếp tục mở rộng quy mô và thậm chí đầu tư sang các nền kinh tế khác.
Riêng Ủy ban quản lý vốn Nhà nước là một câu chuyện rất hay. Tổng giá trị vốn hóa của 21 tập đoàn này là rất lớn và các nhà quan sát thị trường chắc chưa hình dung được vai trò của ủy ban này, nhưng sẽ rất chú ý.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng khá tốt, nhưng nhiều người e ngại rằng lịch sử năm 2007 có thể lặp lại - thị trường lên đỉnh rồi lại xuống đáy. Quan điểm của ông về điều này như thế nào?
Chỉ số VN-Index đã vượt ngưỡng đỉnh của 11 năm trước. Tuy nhiên, nếu ta nhìn cả bức tranh chung cả nền kinh tế, có thể thấy một số điểm chứng minh rằng nền tảng và chính sách quản lý của nền kinh tế đã chắc chắn hơn trước nhiều.
Ví dụ, tốc độ tăng trưởng tín dụng 10 năm trước là hơn 30%, năm nay là dưới 20%. Lạm phát cách đây 10 năm là hơn 10%, giờ là dưới 3%.
Bội chi ngân sách Nhà nước 10 năm về trước là trên 6%, bây giờ là 3%. Tỷ lệ đầu tư của Nhà nước trước đây là 36%, bây giờ là 30%.
Dù vẫn có những e ngại, hoặc bản thân chúng tôi cũng phân vân khi nhìn vào giá trị doanh nghiệp. Giá trị của 10 doanh nghiệp lớn nhất trên sàn không phải là thấp. Tuy nhiên, xét về khía cạnh chung, nền tảng giờ vững chắc hơn, các động lực của nền kinh tế bền vững hơn.
Cho nên, thị trường lên càng cao thì càng phải thận trọng, nhưng vẫn có thể hy vọng.
So sánh các chỉ số chứng khoán trên thế giới trong các mốc 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, và từ đầu năm tới nay, Việt Nam đều đứng đầu tính đến nay. Tính từ tháng 4 năm ngoái đến 11/4/2018, VN-Index đã tăng hơn 60%, từ đầu năm đến nay tăng khoảng 22%. Đây là mức tăng trưởng đứng đầu thế giới, ông có lo ngại gì về mức tăng trưởng này không?
Theo tôi, sẽ khó duy trì chuyện tăng trưởng 60% mỗi năm. Và tới năm thứ hai mà vẫn đạt mức đó thì lại nguy hiểm.
Chúng tôi có quỹ lớn đang niêm yết trên thị trường chứng khoán London và đây một trong 250 công ty lớn nhất trên sàn này. Đây là quỹ có nguồn vốn và giá trị tài sản dựa trên cổ phiếu nhưng giao dịch theo giá thị trường. Giá này biến động trên dưới giá trị thuần của từng cổ phiếu.
Từ đầu năm đến nay, mức giá trị tài sản ròng đã tăng theo thị trường chứng khoán nhưng giá cổ phiếu không tăng tương xứng, hiện tại có mức chiết khấu 20%. Thông thường người ta kỳ vọng là mức chiết khấu khoảng 8-10%. Điều tôi muốn nói ở đây là các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không muốn trả theo thị trường bởi vì cho rằng có phần hơi khó tin.
Hiện tại, thị trường Việt Nam có thể xem như là một "ngôi sao", vậy việc huy động vốn có dễ hơn trước không thưa ông?
Nói thật là không.
Có thể nói là trong 10 năm vừa qua, ít khi người ta huy động được vốn cho thị trường Việt Nam. Bởi vì giai đoạn 2008-2012 là 5 năm cực kỳ khó khăn. Khi Việt Nam đối phó với hậu khủng hoảng tài chính thế giới và khó khăn của nền kinh tế thì dĩ nhiên nhà đầu tư nước ngoài không tham gia nhiều vào thị trường. Mấy năm sau đó, họ vẫn rất ngại bởi họ cần có thời gian để xem khủng hoảng có lặp lại hay không.
Tôi cho rằng tới tận 2016, các nhà đầu tư nước ngoài mới bắt đầu quan tâm trở lại thực sự thị trường Việt Nam. Chúng ta đã có 1-2 năm qua huy động vốn tạm được. Nhưng mọi thứ đã thay đổi. Điều kiện về quản lý thị trường, điều kiện của nhà đầu tư, về bài toán kinh tế, sự công khai minh bạch nay đã khác hẳn.
Cho nên, bây giờ muốn huy động thì chi phí cao hơn nhưng thu nhập thấp hơn, trách nhiệm với nhà đầu tư cao hơn, thời gian huy động dài hơn.
Theo lộ trình thì nhà nước đẩy mạnh cổ phần hóa và các doanh nghiệp IPO nhiều hơn, vậy "khẩu vị" đầu tư của Dragon Capital năm nay là gì?
Đây chính là cơ hội, là sự mở rộng, lớn lên của thị trường. Chúng tôi cũng rất quan tâm. Có thể liệt kê tới 4 loại.
Một là cổ phần hóa ban đầu các doanh nghiệp nhà nước - từ Công ty TNHH MTV sang công ty cổ phần bằng cách đấu giá một số ít cổ phiếu.
Hai là, nhà nước thoái bớt vốn tại các công ty đã cổ phần hóa rồi.
Ba là các công ty tư nhân đủ lớn, đủ tầm để IPO. Cuối cùng là các công ty đã niêm yết nhưng cơ cấu cổ đông không đủ mạnh và cần huy động vốn nên có các đợt phát hành riêng lẻ.
Một nhà đầu tư lớn muốn có lãi bền vững thì phải có chiến lược đầu tư phù hợp với quy mô của mình. Chiến lược đó là không thể đầu tư ngắn hạn, bắt buộc phải đầu tư trung - dài hạn. Nếu có chiến lược ít nhất 3 năm thậm chí 10-20 năm, chúng tôi phải chọn những công ty hay những ngành trung - dài hạn.
Các ngành chúng tôi chọn là ngành dài hạn như đô thị hóa, công nghiệp hóa… Theo các xu hướng tăng dân số, thu nhập, thì phải chọn các công ty phù hợp như ngân hàng, sản xuất thực phẩm, giao dịch đi lại, giải trí, y tế, giáo dục…
Với chung tôi, chiến lược năm ngoái với năm nay sẽ không thay đổi nhiều.
Vneconomy