Thời điểm ông Nguyễn Đức Kiên trở về Việt Nam làm việc tại Ban Kinh tế Trung ương (1997) cũng đúng lúc đất nước bắt đầu chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á bắt nguồn từ Thái Lan. Vị Tiến sĩ tốt nghiệp tại Đức phải làm quen với mức lương chuyên viên bình thường (khoảng vài trăm nghìn đồng/tháng) và môi trường làm việc mới.
Chia sẻ về lý do trở về Việt Nam, ông Kiên nói: "Mùa hè năm 1997, khi về nước chơi, tôi có tới thăm các thủ trưởng cũ và nhận được lời khuyên: ‘Trong 6-7 năm cậu đi thì đất nước khác lắm rồi, đổi mới rồi. Cậu về sẽ đóng góp được nhiều cho đất nước và đúng sở trường’. Tôi rất phấn khích lúc đó, rồi quyết định bỏ việc ở Đức và về nước". Năm 1991 và 1992, tới Đức học và làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ có 4 người Việt Nam nhưng chỉ có ông Kiên trở về nước.
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành tự động hóa, ông Kiên ở lại Đại học Giao thông Vận tải làm giảng viên. Tuy nhiên, năm 1984 khi thực hiện chủ trương cải cách giáo dục và các trường đại học về Bộ Giáo dục Đào tạo, giảng viên Kiên cùng với thầy trưởng khoa của mình GS.TS Lã Ngọc Khuê chuyển về Bộ Giao thông Vận tải (sau này ông Khuê trở thành Thứ trưởng). Cựu giảng viên chia sẻ: "Tôi cũng tâm tư khi chuyển vì vẫn thích làm giáo viên, gia đình tôi cũng toàn làm nghiên cứu chứ không làm quản lý (bố mẹ ông Kiên đều làm nghề giáo: mẹ làm giảng viên bộ môn Mắt, Đại học Y Hà Nội, bố là Giáo sư Bệnh viện Hữu Nghị, Chủ tịch Hội hóa sinh miền Bắc)".
Sự nghiệp chính trị của ông Kiên bắt đầu từ "bước chuyển tâm tư" và đánh dấu với việc phụ trách một sự kiện khá đặc biệt thời kỳ đó là kiểm định cầu Thăng Long. Năm ấy, lần đầu tiên Liên Xô hỗ trợ cho Việt Nam kiểm định cầu bằng điện tử. Trước đó, chưa có một sự kiện kiểm định cầu nào được tổ chức đặc biệt như thế. 50 dattric điện tử được gắn vào các dầm cầu Thăng Long. 60 ô tô ở tầng hai của cầu gồm nhiều xe bò ma đủ tải trọng, mỗi cánh gà tầng dưới có 6 xe bò ma nữa, 2 đoàn tàu trên đường ray đôi được bố trí để thử tải trọng.
Khi cờ báo hiệu được phất, tất cả các phương tiện đang chạy, đột ngột phanh gấp từ tốc độ 60km/h. Cuộc kiểm nghiệm cầu Thăng Long kết thúc sau những thử tĩnh và thử động trên từng dầm. Không một bước nào trong quy trình kiểm nghiệm được làm qua loa… "Đó là một kỷ niệm khó quên đối với tôi", ông Kiên tâm sự về buổi kiểm nghiệm được coi là "hoành tráng nhất" mà ông từng biết "cho đến tận bây giờ".
Thời gian ở Bộ Giao thông Vận tải của thầy giáo này kéo dài hơn 6 năm. Tìm được học bổng chuyên ngành quy hoạch giao thông, năm 1991, ông Kiên tới CHLB Đức du học theo chương trình cao học. Giải thích về lý do chọn CHLB Đức, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho biết bị ảnh hưởng từ kinh nghiệm của bố đã làm nghiên cứu sinh ở Cộng hòa dân chủ Đức và phương pháp làm việc của các chuyên gia Cộng hóa dân chủ Đức khi sang công tác tại Việt Nam (ông Kiên sang học khi nước Đức đã thống nhất).
Tại CHLB Đức, sau khi học hết chương trình cao học, ông Kiên thi tiếp nghiên cứu sinh tiến sĩ về kinh tế vĩ mô quy hoạch vùng. Hoàn thành chương trình tiến sĩ, ông ở lại Đức làm việc và lúc về nước đang ở mức tương đương hơn 100 cây vàng thời đó.
Vị đại biểu Quốc hội chuyên trách tâm sự: "Học tập và làm việc ở Đức, tôi ngấm 2 tính cách: kỷ luật và nói thẳng. Người Đức sẽ nói ‘Tuần này, Kiên đi muộn 3 lần’ chứ không nói kiểu ‘Kiên thì tốt đấy, nhiều ưu điểm nhưng cũng có nhược điểm là hay đi muộn’. Điều này đôi khi lại trở thành nhược điểm của tôi".
Cuối năm 1997, phấn khích với chia sẻ của các thủ trưởng cũ, ông Kiên bỏ việc ở CHLB Đức về Việt Nam và làm chuyên viên tại Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương. Vợ và 2 con ông Kiên vẫn ở lại CHLB Đức (con lớn hiện là giảng viên Đại học Mannheim - trường được coi là Havard của nước Đức, con gái đang học năm thứ 2 đại học).
Năm đó, ông Kiên là người trẻ nhất Vụ (37 tuổi) và trở thành nhân tố mới. Lãnh đạo, chuyên viên cao cấp tại đây thường có kinh nghiệm làm quản lý Nhà nước nhiều năm ở cơ quan khác, hoặc tối thiểu là giám đốc ty Công nghiệp tỉnh.
Ở Vụ Công nghiệp, "nhân tố mới" chia sẻ, ông cảm thấy rất may mắn. "Môi trường tại đây thẳng thắn không khác gì ở Đức" và "các anh đều tận tình chia sẻ kinh nghiệm cũng như cách làm việc, mà nhờ đó mình có cơ hội thể hiện được năng lực cũng như kiến thức mới", ông Kiên tâm sự. Chỉ sau vài tháng, ông Kiên được chuyển lên chuyên viên chính và sau đó thăng tiến rất nhanh tại Ban Kinh tế Trung ương. Chỉ sau 6 năm, ông Kiên đã được bổ nhiệm từ chuyên viên lên giữ chức Vụ trưởng Vụ Công nghiệp.
Tháng 1/2007, Ban Kinh tế Trung ương được hợp nhất về Văn phòng Trung ương Đảng. Lúc đó, ông Kiên cùng 4 vị Vụ trưởng khác chuyển sang Quốc hội và đi ứng cử tại các địa phương. Ông Kiên là đại biểu Quốc hội được ứng cử tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Trong số các Vụ trưởng, ông Kiên là cán bộ duy nhất đáp ứng đủ điều kiện luận chuyển và được phân công giữ chức Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng vào đầu năm 2008 và sau đó được Đại hội Đảng bộ tỉnh bầu là Phó Bí thư tỉnh ủy.
Về địa phương, ông Kiên nhanh chóng phải làm quen với nhiều thứ mới mẻ từ ngôn ngữ (cách nói pha lẫn tiếng phổ thông và tiếng Khơ me), kỹ thuật làm nông (ngành kinh tế chính của Sóc Trăng)... đến cách điều hành đặc thù của một lãnh đạo tỉnh. Tuy nhiên, cú sốc đến với ông Kiên khi thực hiện trách nhiệm của một đai biểu Quốc hội chuyên trách.
"Quốc hội của năm 2007 và năm 2017 đã có sự đổi mới kinh khủng. Khi còn ở Ban Kinh tế Trung ương, tôi được quyền tham dự cuộc họp của lãnh đạo, được quyền tiếp cận bất cứ thông tin nào của các Bộ bởi Đảng chỉ đạo theo nghị quyết và các điểm nóng. Thế nhưng, khi sang Quốc hội thì thấy ngay là việc tiếp cận thông tin với các Bộ và Chính phủ là rất khó và phải theo chuyên đề", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế tâm sự về thời kỳ đầu làm chuyên trách.
Thực tế, việc rẽ ngang sang Quốc hội cũng là "một tâm tư lớn" với ông Kiên khi sự nghiệp tại Ban Kinh tế Trung ương đang rất rộng mở vào cuối năm 2006. Thế nhưng, với ông Kiên có lẽ đó là cái duyên của một người thích làm nghiên cứu.
Trở thành một đại biểu Quốc hội chuyên trách nhưng "ông nghị" Nguyễn Đức Kiên chia sẻ: "Chưa bao giờ tôi nghĩ mình là một nhà chính trị cả. Đến thời điểm này tôi vẫn là một người làm công tác nghiên cứu. Những trao đổi tại hội thảo hay phát biểu tại hội trường Quốc hội đều xuất phát từ khoa học, kết quả nghiên cứu, tôi không phát biểu theo cảm tính".
Tuy nhiên, ngay cả khi phát biểu dựa vào những nghiên cứu khoa học, ông Kiên cũng có những lần "rất đắn đo và nhiều suy tư". Cuối năm 2014, trong phiên thảo luận tại hội trường về hình lại tình hình kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015, ông nghị này phát biểu đầu tiên và đưa ra các nhận xét "lạ" (vào thời điểm đó) về nợ công và tăng trưởng kinh tế.
Hôm đó, ông Kiên đã đưa ra các con số cho thấy tốc độ tăng của nợ công gấp 3 lần tăng trưởng kinh tế và khi nợ công càng cao, vốn đầu tư càng lớn thì tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 2001 đến 2011 đều giảm dần. Đây là những đánh giá mà theo nghị sĩ tỉnh Sóc Trăng là "không trùng với báo cáo của Chính phủ cũng như văn kiện Đại hội Đảng".
Theo phân tích của ông Kiên, nhìn lại kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 có 11 chỉ tiêu đạt kế hoạch, chủ yếu là chỉ tiêu về tiêu tiền nhưng tổng chỉ tiêu sản xuất để làm ra tiền thì không đạt. "Trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn, chúng ta cứ đưa ra những chỉ tiêu để tiêu tiền, đảm bảo các mục tiêu khác thì liệu chúng ta có nuôi được nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước không?", đại biểu này đặt câu hỏi.
Cũng từ đó, nghị sĩ này đề nghị cần phải nói rõ hơn về nợ công. Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, bắt đầu từ năm 2011, Việt Nam phải phát hành trái phiếu để đảo nợ và nói đến tỉ lệ nợ công bằng 65% GDP. Tuy nhiên, ngưỡng 65% GDP là mức đề ra trong Chiến lược nợ công của Thủ tướng Chính phủ quy định đến năm 2020 chứ không phải đến năm 2015. Từ đó, đại biểu Kiên đặt câu hỏi: "Có phải chúng ta đã tiêu hết tiền của 6 năm về sau không?".
Một năm sau đó, trước nhiều ý kiến ủng hộ việc phát hành trái phiếu quốc tế 3 tỷ USD để tái cơ cấu danh mục nợ của Chính phủ, ông Kiên (lúc đó là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội) cũng lưu ý các đại biểu về Luật Quản lý nợ công và giá phát hành. Đại biểu Sóc Trăng cho biết, quy định hiện nay không cho phép vay ngoại tệ để cơ cấu lại các khoản vay bằng đồng Việt Nam. Thêm nữa, việc tính toán phát hành trái phiếu quốc tế thì rẻ hơn trong nước là chưa chắc chắn.
Ông Kiên phân tích, theo báo cáo của Chính phủ hiện nay (năm 2015) lợi suất trái phiếu đang phát hành khoảng hơn 6% cộng thêm chi phí phát hành, cộng thêm biến động tỷ giá và so sánh lại với trái phiếu đang phát hành trong nội địa, thì sẽ thấy được ngay giá đắt hay rẻ. Nghị sĩ này dẫn thêm số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi cho các đại biểu Quốc hội về tỷ giá năm 2009 là 16.000 đồng/USD và năm 2015 (thời điểm phát biểu) lên 22.350 đồng/USD. "Nếu cộng thêm biến đổi tỷ giá đó thì chưa chắc đã rẻ", ông Kiên nhận xét.
Chia sẻ về "nghề ông nghị" của mình, vị Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội tâm sự: "Quốc hội phải làm việc theo luật và cơ chế đồng thuận, mà đại biểu kiêm nhiệm nhiều hơn đại biểu chuyên trách. Khi đưa ra các giải pháp, các đại biểu kiêm nhiệm, phần nhiều ở địa phương sẽ có tính chất cục bộ". Cũng vì thế, ông Kiên cho rằng, có những phát biểu, nghiên cứu dù mang tính khoa học với số liệu chứng minh không phải lúc nào cũng được chấp nhận bởi số đông đại biểu và "đó là một thực tế".
Chia sẻ thêm về những phiên phát biểu tại hội trường có truyền hình trực tiếp, ông Kiên nói: "Gần 500 đại biểu nhưng ai cũng muốn phát biểu thì phải chia phút ra, mà đã chia mỗi người 7 phút thì không phát biểu sâu được và như vậy sẽ khó thuyết phục. Đó là một cơ chế đầy mâu thuẫn".
Tuy nhiên, vị đại biểu Quốc hội luôn nghĩ mình là một nhà nghiên cứu tìm thấy những niềm vui đặc biệt khi thực hiện công việc của mình. "Điều sướng nhất là phát hiện được các vấn đề mang tính lý luận từ những hiện tượng nhỏ lẻ, rải rác ở các địa phương, các ngành, rồi đưa ra được giải pháp xử lý và được chấp nhận", ông Kiên nói.
Vài năm gần đây, cùng với sự phát triển của facebook tại Việt Nam, những câu chuyện trên nghị trường Quốc hội cũng được bàn luận xôm tụ nhiều hơn trước và như ông Kiên nhận xét: "Với một số đại biểu nó tác động rất lớn, tạo ra dư luận rất khó phân biệt được đúng sai". Thế nhưng, nghị sĩ này bình luận: "Người ta gọi là anh hùng bàn phím chứ không gọi là anh hùng đời thường là có lý do. Khi ngồi ở bàn phím thì ông nói như một nhà đạo đức, như một nhà kinh tế… nhưng rời khỏi bàn phím thì như trẻ con nói với nhau là 'Thôi mày lộ nguyên hình ra đi!' (cười)".
Vị Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế dẫn lời của Phó Chủ tịch Đảng SPD (Đức) - "Số lượng người sử dụng mạng xã hội không phải là thước đo để đánh giá trình độ công nghệ 4.0 của một quốc gia", và nói thêm: "Tôi tán thành nhận xét đó".
Trí Thức Trẻ