Cùng với sự thăng hoa của thị trường chung, số lượng những người "siêu giàu" trên sàn chứng khoán cũng tăng phi mã. Nếu như cách đây vài năm chỉ có khoảng hơn 10 người nắm giữ lượng cổ phiếu trị giá từ 1.000 tỷ trở lên thì đến cuối năm 2017 đã tăng lên hơn 50 người.
Đặc biệt, khối tài sản của nhóm những dẫn đầu tăng lên mức cao chưa từng thấy dẫn đến việc tiêu chuẩn để giữ một vị trí có thứ hạng cao trong Top10 hay Top20 cũng ngày một cao lên.
Nếu như năm 2016, chỉ cần sở hữu tối thiểu 2.500 tỷ đồng là đã đủ để đứng trong Top 10 người giàu nhất thì sang năm 2017, tiêu chuẩn đã tăng gần gấp đôi lên 5.000 tỷ đồng.
Trước việc ngày càng nhiều doanh nhân thay vì trực tiếp sở hữu cổ phần mà chuyển sang sở hữu qua các công ty đầu tư của cá nhân, chúng tôi quyết định mở rộng phạm tính toán giá trị tài sản của các doanh nhân bao gồm cả phần sở hữu gián tiếp thông qua các công ty này. Điều này sẽ giúp phản ánh sát hơn khối tài sản thực sự mà các doanh nhân này đang sở hữu. Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ tịch Vicostone Hồ Xuân Năng ... là những người có khối tài sản tăng thêm đáng kể khi được cộng thêm lượng cổ phiếu sở hữu gián tiếp.
Nhờ sự mở rộng phạm vi tính toán này, tổng cộng 10 người giàu nhất sàn chứng khoán đang sở hữu lượng cổ phiếu trị giá 266.000 tỷ đồng, gần gấp 3 lần so với con số 101.000 tỷ của cùng kỳ năm trước.
Với khối tài sản trị giá xấp xỉ 120.000 tỷ đồng (5,3 tỷ USD – cao hơn 1 tỷ USD so với số liệu của Forbes), chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng [#1] tiếp tục là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Khối tài sản này bao gồm 27,4% cổ phần Vingroup sở hữu trực tiếp và lượng sở hữu gián tiếp qua CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam – công ty do nắm quyền kiểm soát và sở hữu 92,88% cổ phần.
Năm 2017 là năm thành công của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Vingroup với nhiều sự kiện mang tầm cỡ quốc gia như Khởi công tổ hợp sản xuất ô tô VinFast tại Hải Phòng hay thương vụ giao dịch cổ phần với giá trị kỷ lục 740 triệu USD của Vincom Retail.
Các mảng kinh doanh chính của Vingroup như phát triển bất động sản, kinh doanh trung tâm thương mại, khách sạn, bán lẻ... tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao là động lực giúp cổ phiếu Vingroup tăng 84%, đưa giá trị tập đoàn này lên trên 204.000 tỷ đồng.
Nhờ cổ phiếu Vingroup tăng giá rất mạnh, hai nữ Phó Chủ tịch của Vingroup là bà Phạm Thu Hương [#6] - vợ ông Phạm Nhật Vượng và bà Phạm Thúy Hằng [#8] tiếp tục đứng trong Top10 với lượng cổ phiếu trị giá lần lượt là 9.700 tỷ và 6.500 tỷ đồng. Tuy vậy, sau nhiều năm liền giữ vị trí phụ nữ giàu nhất trên sàn chứng khoán, bà Phạm Thu Hương đã phải nhường lại vị trí cho Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo [#3] với lượng cổ phiếu Vietjet trị giá hơn 24.000 tỷ đồng.
Sau chủ tịch Vingroup, bà Thảo cũng trở thành người thứ 2 xuất hiện trong danh sách tỷ phú của Forbes đồng thời còn là nữ tỷ phú tự thân giàu nhất Đông Nam Á. Hiện Forbes ước tính khối tài sản của bà Thảo trị giá 2,4 tỷ USD. Khối tài sản của nữ tỷ phú này sẽ tăng thêm đáng kể khi ngân hàng HDBank tiến hành niêm yết vào ngày 5/1/2018.
Bên cạnh Tổng giám đốc Vietjet, Top10 năm nay còn có sự gia nhập của chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vicostone Hồ Xuân Năng [#5]. Cách đây hơn hơn 3 năm khi ông Năng chính thức giành quyền kiểm soát Vicostone thông qua một cuộc thâu tóm hết sức ly kỳ, công ty sản xuất đá ốp lát nhân tạo này chỉ có giá trị chưa đến 1.000 tỷ đồng. Ít ai có thể ngờ rằng giờ đây Viconstone là doanh nghiệp lớn thứ 2 sàn HNX với vốn hóa đạt xấp xỉ 20.000 tỷ đồng.
Chủ tịch FLC Group và FLC Faros Trịnh Văn Quyết [#2] mặc dù sở hữu lượng cổ phiếu FLC Group và FLC Faros có trị giá hơn 55.000 tỷ đồng, tương đương 2,4 tỷ USD nhưng hiện doanh nhân này vẫn chưa có tên trong các bảng xếp hạng tỷ phú đô la toàn cầu.
Những nhân vật khác trong Top10 như chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long [#4] hay chủ tịch Đầu tư Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài [#9] tiếp tục có một năm kinh doanh thành công và cổ phiếu có cùng mức tăng 70%.
Trong năm 2017, Hòa Phát đã khởi công Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất với tổng mức đầu tư 52.000 tỷ đồng nhằm củng cố vị thế là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam.
Thế giới Di động với động lực tăng trưởng mạnh mẽ từ chuỗi Điện máy Xanh đã đạt được mức doanh thu hơn 60.000 tỷ trong năm nay và tiếp tục đặt ra mục tiêu rất tham vọng cho năm 2018 là hơn 86.000 tỷ đồng.
Người "buồn" nhất trong Top10 là chủ tịch Novaland Group Bùi Thành Nhơn [#7] khi cổ phiếu chỉ tăng vỏn vẹn 5% trong một năm mà hầu hết các cổ phiếu lớn đều tăng gấp rưỡi đến gấp đôi.
Các vị trí từ 11 đến 20 bên cạnh một số cái tên vốn đã quen thuộc như chủ tịch Phát Đạt Nguyễn Văn Đạt [#11], Chủ tịch Tài chính Hoàng Huy Đỗ Hữu Hạ [#14] hay Phó Tổng giám đốc Masan Group Nguyễn Hoàng Yến [#15] thì có sự xuất hiện của một số nhân vật mới như Chủ tịch Đức Long Gia Lai Bùi Pháp [#16] hay chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng [#17].
Cùng với ông Ngô Chí Dũng, VPBank còn có 3 đại diện góp mặt trong Top20 trong đó có mẹ và vợ ông Dũng. Do quy định giới hạn mỗi cá nhân sở hữu không quá 5% cổ phần tại một tổ chức tín dũng nên khối tài sản của các doanh nhân trong lĩnh vực ngân hàng có phần "lép vế" so với các lĩnh vực khác.
Chủ tịch Đức Long Gia Lai Bùi Pháp xuất hiện trong Top20 với khối tài sản hơn 3.100 tỷ đồng là một bất ngờ lớn nhờ việc ông Pháp cùng công ty Global Capital đã mua vào lượng lớn cổ phiếu DL1 của CTCP Đầu tư Phát triển Dịch vụ Công trình Công cộng Đức Long Gia Lai trong những ngày cuối năm.
Trong 3 tháng gần đây, cổ phiếu DL1 đã tăng phi mã từ 20.000 lên 66.000 đồng. Tính chung cả năm, cổ phiếu này tăng gấp xấp xỉ gấp 10 lần.
Trí Thức Trẻ