Công ty này xử lý nhiều giao dịch thanh toán hơn cả Mastercard, kiểm soát quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất thế giới và đang cho khoảng 10 triệu người vay tiền. Vào năm ngoái, nền tảng thanh toán trực tuyến của họ đã hoàn tất lượng giao dịch trị giá 8 nghìn tỷ USD - tức là gấp đôi GDP của toàn bộ nước Đức.
Đó chính là cách mà Ant Financial Services Group - startup được thành lập bởi tỷ phú Jack Ma trở thành công ty công nghệ tài chính (fintech) lớn nhất thế giới, tạo ra những cải tiến giúp con người sử dụng điện thoại để mua bảo hiểm dễ dàng như mua rau củ, giúp hàng triệu người đi làm hàng ngày mà chẳng cần sử dụng đến tiền mặt vật lý.
Những khách hàng như Eleine Wang đang cho thấy sức mạnh khủng khiếp của Ant. Vị giám đốc marketing 30 tuổi sống ở Thượng Hải này cho biết cô chuyển khoảng 1/3 tiền lương từ tài khoản Ngân hàng Chiêu thương Trung Quốc vào các sản phầm đầu tư của Ant và sử dụng Alipay nhiều lần trong ngày cho những giao dịch hết sức đơn giản như mua cà phê chẳng hạn.
Nguồn tin của tờ WSJ cho biết, hiện có khoảng hơn 620 triệu người sử dụng Alipay. Alipay xử lý hơn 200 triệu giao dịch mỗi ngày, từ những món mua sắm hàng ngày như rau củ và vé taxi đến cả những hoạt động không ngờ đến như cúng tiến tiền cho đền chùa. Alipay hiện gần như thống trị thị trường thanh toán trực tuyến tại Trung Quốc với 3 tính năng quan trọng gồm: Tốc độ nhanh, giá rẻ và cực kỳ an toàn.
Một chuyên gia nhận định: "Nhìn chung một khi tiền của khách hàng đã được chuyển từ tài khoản ngân hàng thông thường sang các loại ví điện tử kiểu Alipay, nó sẽ không bao giờ quay trở lại".
Tại Hàng Châu, Ant đặt trụ sở trong một toà nhà toàn bộ là tường kính, được thiết kế bởi công ty phụ trách thiết kế toà nhà Amazon mới tại Seattle. Bước vào sảnh chính toà nhà, các nhân viên sẽ được chào đón bởi một bức điêu khắc to lớn hình nam giới màu đỏ đang cúi nhìn xuống dưới.
Các máy quay kỹ thuật số sẽ quét mặt các nhân viên khi bước vào. Hầu như ai ở công ty cũng sử dụng bí danh - truyền thống được thừa kế từ Alibaba. Nhiều cái tên được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết kung fu. Một vài nhân viên thậm chí không biết tên thật của đồng nghiệp. Họ nói rằng việc được chọn bí danh khá thú vị bởi lúc sinh ra họ đã không thể được chọn tên cho mình rồi.
Huang - một cựu lãnh đạo Ant nhớ lại thời độ tuổi trung bình của tất cả nhân viên chỉ dưới 27, một vài người trước đó làm việc tại Mastercard, Paypal và những ngân hàng nước ngoài. "Đó là nơi tràn trề sức trẻ, một lớp nhân viên vững kiến thức về kinh tế và nhiều người học ở nước ngoài".
Ant hình thành từ khoảng năm 2004 khi Alibaba tạo ra Alipay nhằm giúp việc mua sắm trên các nền tảng trực tuyến của họ dễ dàng hơn. Thời đó nền tảng Taobao - kết nối người mua với người bán bên thứ 3 của họ rất phổ biến nhưng việc thanh toán vẫn chưa đảm bảo an toàn và tin cậy.
Jack Ma không bận tâm tới việc Trung Quốc thời điểm đó chưa có một cấu trúc quản lý cho công ty thanh toán không phải ngân hàng và ông vẫn thúc giục các đồng nghiệp của mình triển khai dự án với lời hứa: "Nếu ai đó cần phải đi tù vì việc này, người ấy sẽ là tôi".
Khi Alipay phát triển, các lãnh đạo công ty nhận ra rằng họ có thể làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy hệ thống tài chính thay đổi. Tháng 12/2008, Jack Ma nói rằng các ngân hàng Trung Quốc chưa hỗ trợ đủ cho các doanh nghiệp nhỏ. Các ngân hàng lớn chủ yếu hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước mà quên mất các công ty nhỏ lẻ - đây mới chính là những đối tượng cần nhiều vốn hơn.
"Nếu các ngân hàng không thay đổi, tôi sẽ thay đổi cả ngành ngân hàng", Jack Ma cam kết tại một hội nghị vào năm đó. Thế rồi, một chi nhánh của Alibaba ra đời với chức năng chuyên cho các doanh nghiệp nhỏ vay vốn.
Năm 2010, Jack Ma tách Alipay sau khi nhà nhà chức trách nói rằng hoạt động thanh toán cần phải có giấy phép riêng để hoạt động.
Đến năm 2013, Alipay đã nắm trong tay hàng tỷ USD tiền của khách hàng dưới dạng khế ước giao kèo nằm trong chính tài khoản sử dụng cho các giao dịch trên Taobao. Chính tại thời điểm đó, các lãnh đạo của Ant đã lo ngại rằng các ngân hàng sẽ xem Alipay như một đối thủ cạnh tranh. Nhưng, họ đang nắm giữ một khối tượng tiền khổng lồ và đã đến lúc cần phải lên kế hoạch cung cấp các dịch vụ tài chính khác.
Các nhân viên bắt đầu nảy ra ý tưởng cho khách hàng sử dụng khoản tiền nhàn rỗi trong tài khoản Alipay của mình cất giữ trong quỹ thị trường tiền tệ để kiếm thêm thu nhập. Quỹ này được biết đến là Yu’e Bao hay "kho tiền bị bỏ quên", cho phép khách hàng có thể chuyển tiền từ ví điện tử Alipay bất kỳ khi nào dù chỉ là 0,01 NDT (tương đương 0,0015 USD) họ cũng sẽ nhận được lãi suất cho số tiền nhàn rỗi trong tài khoản đó. Cứ như vậy, tiền sẽ đẻ ra tiền mỗi ngày với mức lãi suất 3,9%/năm.
Thời kỳ đỉnh điểm giữa tháng 5/2014, Yu’e Bao đã trả mức lãi suất lên tới 6%/năm cho các tài khoản gửi tiền kèm theo điều kiện thanh khoản ngay lập tức - tức là khách có thể rút số tiền trong tài khoản Yu’e Bao của mình bất kỳ lúc nào mà không phải chịu khoản phạt.
Hơn 1 triệu người đã chuyển tiền vào quỹ này chỉ trong vài ngày đầu sau khi ra mắt vào tháng 6/2013. Cuối tháng 4/2014 - tức là chỉ sau 10 tháng hoạt động, Yu’e Bao nắm trong tay khoảng 90 tỷ USD - hơn tất cả những công ty quản lý tài sản ở Trung Quốc khác cộng lại. Tính tới quý 1/2017, khối tượng tiền Yu'e Bao quản lý đã tăng lên mức 165,6 tỷ USD - trở thành quỹ thị trường tiền tệ (MMF) lớn nhất thế giới, vượt cả MMF của ngân hàng JPMorgan Chase với chỉ 150 tỷ USD.
Cần phải nói thêm rằng Yu’e Bao ra đời từ tháng 6/2013 - tức là đến nay mới chỉ được 5 năm tuổi - biến đây trở thành quỹ thị trường tiền tệ phát triển nhanh nhất mọi thời đại. Peter Alexander - Tổng giám đốc Công ty tư vấn Z-Ben của Trung Quốc đưa ra bằng chứng rằng: "Ví điện tử của Alibaba hấp dẫn tới mức rất nhiều người rút tiền gửi ngân hàng ra rồi sau đó bỏ vào Yu'e Bao". "Lợi nhuận cao cùng với thanh khoản tốt đã biến Yu’e Bao trở thành một công cụ không thể đánh bại, hút 500 tỷ NDT từ các ngân hàng truyền thống chỉ thông qua một cú click", Hu Yifan - Kinh tế trưởng tại công ty môi giới Haitong International Securities có trụ sở tại Hong Kong nói.
Đến năm 2014, Alipay thay tên trở thành Ant Financial. Các lãnh đạo vạch ra kế hoạch mở rộng sang cho vay cá nhân, doanh nghiệp nhỏ, điểm tín dụng và bảo hiểm. Lợi thế duy nhất mà công ty tận dụng để phát triển chính là tốc độ phổ biến nhanh chóng của điện thoại thông minh ở Trung Quốc.
Thành công "quá nhanh, quá nguy hiểm" kể trên đang khiến Ant đang gặp rắc rối lớn. Các nhà chức trách Trung Quốc hiện đang thắt chặt việc xem xét sức mạnh quá lớn của gã khổng lồ fintech này.
Các ngân hàng Trung Quốc thì phàn nàn rằng Ant hút kiệt lượng tiền gửi từ khách hàng bởi họ trả mức lãi suất cao hơn và đây cũng chính là nguyên nhân khiến các ngân hàng phải đóng cửa hàng loạt chi nhánh và cây ATM. Một nhà bình luận trên chương trình ti vi thuộc sở hữu nhà nước mô tả quỹ thị trường tiền tệ của Ant như là một "con ma cà rồng hút máu các ngân hàng".
Đặc biệt, các ngân hàng tỏ ra không thích thú với sự xuất hiện của Yu’e Bao. "Alibaba thu hút khối lượng tiền gửi lên tới 500 tỷ NDT rồi sau đó lại gửi số tiền này vào ngân hàng. Mà bạn biết đấy, với số tiền đó, Alibaba sẽ có lợi thế to lớn trong quá trình thoả thuận với các ngân hàng về mức lãi suất". Thậm chí nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này phán đoán rằng Yu’e Bao có thời điểm đàm phán được mức lãi suất lên tới 8% mỗi năm với các ngân hàng và như vậy họ dễ dàng chào mời khách hàng của mình với mức lãi cao kỷ lục 6%/năm.
Còn theo Chris Powers - chuyên gia tại hãng tư vấn Z-Ben Advisor thì 92% tiền của Yu’e Bao được gửi tại các ngân hàng nhỏ ở Trung Quốc với mức lãi suất rất cao. "Khi có trong tay khoảng 500 tỷ NDT, bạn có thể dễ dàng thoả hiệp mức lãi suất mà mình mong muốn, nhất là ở các ngân hàng nhỏ". Trên thực tế, 5 ngân hàng nhà nước lớn của Trung Quốc gồm: Ngân hàng Công nghiệp và thương mại, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Viễn thông từ chối nhận tiền gửi của phía Yu'e Bao.
Các nhà chức trách Trung Quốc rõ ràng cũng bắt đầu tỏ ra không hài lòng về kích thước quá khổ của Ant để rồi họ phải đặt ra hàng loạt giới hạn về hoạt động mà công ty này có thể thực hiện. Đầu năm nay, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã huỷ bỏ nỗ lực nhiều năm của Ant nhằm xây dựng hệ thống tính điểm tín dụng quốc gia.
Các nhà chức trách cũng cân nhắc xem liệu nên coi Ant là công ty tài chính hay không và yêu cầu họ phải đáp ứng các yêu cầu về vốn giống ngân hàng. Điều này có vẻ như đã gây ảnh hưởng tới lợi nhuận của họ. Năm ngoái, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 2 tỷ USD trong tổng doanh thu 10 tỷ USD.
Các lãnh đạo của Ant thì phủ nhận công ty của họ đang hoạt động như một ngân háng mà không chịu sự giám sát. Họ nói rằng mình chỉ đơn giản mang các dịch vụ tài chính tới những người dân đang bị ngân hàng bỏ quên.
"Các ngân hàng không nên xem chúng tôi như một kẻ phá hoại công việc làm ăn của họ", Leiming Chen - Luật sư của Ant nói. "Chúng tôi bổ sung cho họ và đang giúp họ tiếp cận được nhiều khách hàng hơn".
Về phần các nhà chức trách Trung Quốc, Chen nói "họ hiểu những gì chúng tôi dang làm và họ đang ủng hộ nhưng nỗ lực của chúng tôi.
Nhưng, dẫu sao thì tin vui là các nhà đầu tư vẫn tỏ ra hết sức hài lòng. Vào tháng 6 vừa qua, sau vòng huy động vốn mới nhất, Ant được định giá tới 150 tỷ USD - dĩ nhiên là trên giấy tờ, tức là gấp đôi giá trị sau vòng huy động vốn vào năm 2016 và cao hơn vốn hoá thị trường của Goldman Sachs.
Hiện Ant đang mở rộng sự hiện diện của họ ra nước ngoài bằng việc thuyết phục nhiều nhà bán lẻ hơn chấp nhận thanh toán sử dụng dịch vụ Alipay của họ. Tuy nhiên, việc có lặp lại được thành công như đã làm ở Trung Quốc hay không còn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
Trí thức trẻ