Theo Worldometers, tính đến 7h ngày 2/4/2020, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên thế giới đã tăng lên 935.189 người, số người chết tăng lên 47.192. Tại Việt Nam, tính đến sáng ngày 2/4 đã có 222 trường hợp nhiễm bệnh. Hàng loạt quốc gia đang áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly, hạn chế cấp thị thực… Cùng với đó lời cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc sử dụng tiền mặt có thể lây lan virus nhanh chóng đã khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại.
Phản ứng trước lời cảnh báo của WHO, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có động thái quyết liệt trong việc phòng chống dịch bệnh. Các loại tiền cũ khi các ngân hàng, Kho bạc nhà nước nộp về phải được phun thuốc khử khuẩn (bó, bao) và được lưu giữ một thời gian nhất định trước khi chi ra - Đó là nội dung đáng chú ý trong Công điện số 02/CĐ-NHNN về tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới mà đơn vị quản lý này vừa ban hành giữa tháng 3/2020.
Thực tế cho thấy, thói quen sử dụng tiền mặt trong giao dịch tại Việt Nam vẫn còn phổ biến. Tại Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ năm 2019, ông Lê Thanh Tâm - Tổng giám đốc IDG Việt Nam & ASEAN cho biết, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam vẫn còn thấp chỉ đạt 21%. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy tổng lượng giao dịch 6 tháng đầu năm 2019 qua kênh internet và kênh điện thoại di động đều gia tăng với tỷ lệ cao, tính riêng kênh điện thoại di động đã đạt 169,86 triệu lượt, tăng 109,48% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, về tổng quan, tỷ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trên tổng mức bán lẻ vẫn còn thấp, bản thân việc phát triển các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cũng còn hạn chế. Trước tình hình dịch bệnh khó lường như hiện nay, việc khuyến khích người dân sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ góp phần hạn chế lây lan dịch mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế số trong nước phát triển.
Nhiều chuyên gia đã khẳng định việc giảm thanh toán tiền mặt đem lại rất nhiều lợi ích cho nền kinh tế như: giúp quá trình thanh toán nhanh chóng, an toàn, tiện lợi, minh bạch hóa các giao dịch. Người dân cũng sẽ hưởng lợi lớn khi sử dụng hình thức thanh toán không tiền mặt: tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian… Và trong thực tế giai đoạn dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu hiện nay, việc sử dụng hình thức giao dịch mới này còn giúp giảm nguy cơ lây nhiễm, lan truyền virus trong cộng đồng. Đề án Phát triển Thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào thời điểm cuối năm 2016.
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra tác động đa chiều, vừa mang lại tiện ích cho người dân, vừa tạo đà tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ tài chính - ngân hàng. Do đó, ngay từ đầu năm 2020, trong chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2020 nêu rõ yêu cầu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Vào thời điểm Việt Nam phát hiện các ca mắc COVID-19, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt được xem là nội dung quan trọng được Thủ tướng Chính phủ đưa ra trong Chỉ thị 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch. Với chính sách mới này, người tiêu dùng khi giao dịch không dùng tiền mặt sẽ được hưởng thêm nhiều lợi ích hơn so với trước đây.
Đặc biệt, trong giai đoạn Chính phủ vừa đưa ra chỉ thị cách ly toàn xã hội trong 14 ngày và tình hình dịch bệnh với nhiều diễn biến khó lường trong thời gian dài, chắc chắn các biện pháp đặt mua hàng online sẽ được nhiều người lựa chọn nhằm hạn chế tối đa các nguồn lây nhiễm dịch. Đây được xem là cơ hội để các loại hình ví điện tử, e-banking, thanh toán trung gian… phát triển, thay thế cho phương thức giao dịch truyền thống.
Thống kê hiện nay cả nước có 26 tổ chức không phải là ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 23 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử. Các công ty viễn thông đẩy mạnh triển khai và vận hành các dịch vụ tài chính số để cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các ngân hàng thương mại cũng phát triển thanh toán di động thông qua ứng dụng mobile banking.
Sự thay đổi phương thức giao dịch có thể nhận thấy rõ nhất trong giới công sở khi nhiều công ty đã triển khai kế hoạch làm việc trực tuyến cho nhân viên nhằm hạn chế tiếp xúc trong mùa dịch. Chị Minh Phương (Q. Ba Đình - Hà Nội) cho biết, khi công ty chị triển khai chương trình làm việc online, chị cũng hạn chế ra khỏi nhà và chủ yếu thực hiện các giao dịch đặt đồ ăn qua các ứng dụng ví điện tử, chị cũng lựa chọn hình thức này để phục vụ những nhu cầu thiết yếu khác của cuộc sống. Hay như đối với anh Mạnh Hùng (Q. Hà Đông - Hà Nội), thay bằng việc nộp tiền điện nước trực tiếp như trước đây, gia đình anh đã chuyển sang thanh toán online thông qua các ứng dụng ví điện tử.
Thậm chí, đối với một số ứng dụng tích hợp công nghệ vượt trội còn cho phép khách hàng như chị Phương hay anh Hùng có thể thực hiện thanh toán, chuyển khoản thuận lợi chỉ với vài thao tác trên điện thoại. Đơn cử như với ViettelPay, chỉ cần tải ứng dụng trên App Store, CH Play (đối với smartphone) hoặc bấm *998# (áp dụng với điện thoại thường - feature phone) cho thuê bao Viettel là người dùng đã có thể thực hiện được các giao dịch cơ bản như nạp tiền, thanh toán,….
Với gần 200.000 điểm giao dịch, kết hợp cả App và thẻ vật lý, ViettelPay đang cho thấy sự linh hoạt trong phương thức thanh toán mà chưa có một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thanh toán điện tử thực hiện được. Đặc biệt, ViettelPay cũng cho biết: số lượng giao dịch thời điểm dịch diễn ra cũng được ghi nhận tăng gần 400% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu mua sắm online của khách hàng cũng được khuyến khích khi ViettelPay đưa ra các chương trình Giờ vàng – Hoàn tiền tới 50% giá trị giao dịch, chiết khấu 10% khi nạp tiền điện thoại Viettel... Cùng với hơn 100 tính năng tiện lợi khác như mua sắm, du lịch, mua vé tàu xe, đặt khách sạn… nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của mọi lứa tuổi khách hàng.
Với lợi thế từ Tập đoàn mẹ sở hữu mạng lưới phủ khắp toàn quốc, ViettelPay đang cho thấy sức bật mạnh mẽ, góp phần hình thành nên thói quen tiêu dùng văn minh cho người Việt đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.
Trí Thức Trẻ