Trong những năm bất ổn sau khi chủ tịch Mao qua đời, rất lâu trước khi Trung Quốc trở thành một thế lực công nghiệp lớn, trước khi Đảng Cộng sản tiếp tục chuỗi chiến thắng định hình lại thế giới, một nhóm sinh viên kinh tế đã tụ họp tại một ngọn núi ngoại ô Thượng Hải.
Tại đó, trong những khu rừng tre trúc của núi Mạc Can Sơn (tỉnh Chiết Giang), nhóm học giả trẻ vật lộn với một câu hỏi cấp thiết: Làm thế nào để Trung Quốc đuổi kịp được phương Tây?
Mùa thu năm 1984, ở phía bên kia địa cầu, Ronald Reagan đang hứa hẹn về một “bình minh trở lại trên nước Mỹ”. Trung Quốc, cùng lúc đó, đang phục hồi sau nhiều thập kỷ hỗn loạn về chính trị và kinh tế. Khu vực nông thôn chứng kiến nhiều tiến bộ, nhưng hơn ¾ dân số nước này vẫn sống trong nghèo đói cùng cực. Nhà nước quyết định nơi mọi người làm việc, sản phẩm mà các nhà máy tạo ra và giá cả của mọi thứ.
Trung Quốc ngày nay có thể khó nhận ra đối với những người sáng lập Đảng Cộng sản, nhưng quá khứ vẫn giữ một sức quyến rũ mạnh mẽ. “Du lịch đỏ” là một ngành công nghiệp lớn.
Sinh viên và các nhà nghiên cứu tham gia Hội nghị học thuật của các kinh tế gia bao gồm cả người trẻ và trung tuổi. Họ là những người muốn giải phóng lực lượng thị trường nhưng lo ngại phá vỡ nền kinh tế và gây hoảng sợ cho các quan chức của Đảng và các nhà lý luận đang kiểm soát thị trường.
Một đêm muộn, họ đi tới sự đồng thuận: Các nhà máy cần đạt được chỉ tiêu của Nhà nước nhưng có thể bán các sản phẩm thừa ở bất cứ mức giá nào mà họ tự quyết. Đó là một đề xuất thông minh và cấp tiến giúp cắt giảm nền kinh tế kế hoạch. Ý tưởng này thu hút một quan chức trẻ không có kiến thức về kinh tế. “Khi họ thảo luận vấn đề, tôi không nói bất cứ điều gì”, ông Xu Jing’an 76 tuổi và đã nghỉ hưu nhớ lại. “Tôi nghĩ, làm sao chúng ta làm được việc đó?”.
Nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh đến mức thế giới dễ quên đi sự biến chuyển không tưởng của nước này trở thành một cường quốc toàn cầu. Sự đi lên của Trung Quốc được ứng biến và sinh ra từ thế đường cùng. Đề xuất mà ông Xu có được trong chuyến đi trên núi sớm được chấp nhận trở thành một chính sách của Chính phủ, là bước đầu then chốt trong sự biến chuyển đáng kinh ngạc của quốc gia này.
Trung Quốc hiện dẫn đầu thế giới về số người sở hữu nhà cửa, lượng người dùng Internet, số sinh viên tốt nghiệp đại học và số lượng tỷ phú. Tỷ lệ nghèo đói cùng cực giảm xuống dưới 1%. Một đất nước lạc hậu, cô lập và nghèo khó đã phát triển thở thành đối thủ đáng gờm nhất đối với Hoa Kỳ kể từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ.
Trung Quốc ngày nay ít lo lắng về việc đuổi kịp phương Tây. Thay vào đó, nước này trăn trở cách vượt lên phía trước
Một cuộc đua mang tính lịch sử đang diễn ra. Chủ tịch Tập Cận Bình thúc đẩy một chương trình nghị sự quyết liệt ở nước ngoài và thắt chặt kiểm soát trong nước, trong khi chính quyền Tổng thống Trump khởi động chiến tranh thương mại và chuẩn bị cho cuộc chiến tranh lạnh mới. Trong lúc đó, tại Bắc Kinh, câu hỏi được đặt ra ngày nay không còn là bắt kịp phương Tây nữa mà làm sao để vượt lên trong kỷ nguyên mới của sự thù địch từ nước Mỹ.
Mô hình này chẳng hề xa lạ với các sử gia, một thế lực nổi lên thách thức một thế lực sẵn có với một sự phức tạp quen thuộc. Trong nhiều thập kỷ, Hoa Kỳ khuyến khích và hỗ trợ sự phát triển của Trung Quốc, làm việc với các nhà lãnh đạo và người dân nước này để xây dựng quan hệ đối tác kinh tế quan trọng trên thế giới - một mối quan hệ thúc đẩy sự phát triển của cả hai quốc gia.
Thế giới từng nghĩ rằng có thể thay đổi Trung Quốc, nhưng thành công của Trung Quốc ngoạn mục đến mức thay đổi thế giới.
Trong thời gian này, tám đời tổng thống của Mỹ giả định hoặc hy vọng rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ hướng đến các quy tắc (được cho là) của hiện đại hóa: Sự thịnh vượng sẽ thúc đẩy nhu cầu chung về tự do chính trị và đưa Trung Quốc vào hàng ngũ các quốc gia dân chủ. Hoặc nền kinh tế Trung Quốc sẽ chùn bước trước sức nặng của cai trị độc đoán và sự mục nát quan liêu.
Nhưng cả hai kịch bản trên đều không xảy ra. Thay vào đó, các lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc bất chấp những kỳ vọng hết lần này đến lần khác. Họ đón nhận Chủ nghĩa Tư bản và tiếp tục duy trì Chủ nghĩa Marx. Họ không cản trở tinh thần kinh doanh và đổi mới sáng tạo. Trung Quốc đã chứng kiến hơn 40 năm tăng trưởng liên tục, với những chính sách phi chính thống mà sách vở cho rằng sẽ thất bại.
Cuối tháng chín năm nay, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đánh dấu một mốc lịch sử qua trọng là vượt qua thời gian tồn tại của Liên bang Xô viết. Những ngày sau đó, quốc gia này kỷ niệm kỷ lục 69 năm tồn tại của chế độ. Trung Quốc có thể mới chỉ bắt đầu tiến lên một siêu cường quốc mới, với nền kinh tế đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Từng là vùng đất lạc hậu nghèo đói, Trung Quốc giờ đây là đối thủ quan trọng nhất của Hoa Kỳ. Vũ Hán, thành phố bên sông trước đây đã phát triển thành một đô thị hơn 10 triệu dân
Thế giới nghĩ rằng có thể thay đổi Trung Quốc, và theo nhiều cách nó đã thay đổi. Tuy nhiên, thành công của Trung Quốc ngoạn mục đến mức nó thay đổi thế giới và sự hiểu về cách thế giới vận hành.
Không có một lý giải đơn giản nào về cách các nhà lãnh đạo Trung Quốc thành công. Họ có tầm nhìn xa và sự may mắn, kỹ năng và cách giải quyết bạo lực, nhưng có thể điều quan trọng nhất lại là nỗi sợ - cảm giác khủng hoảng đối với những người kế nhiệm Chủ tịch Mao – một cảm giác mà trước đây họ chưa từng có.
Những người cộng sản Trung Quốc đã nghiên cứu và ám ảnh về số phận của những đồng minh cùng chung ý thức hệ ở Moscow, họ quyết tâm học hỏi từ những sai lầm. Họ rút ra hai bài học: Đảng cần được tiếp nhận “cải cách” để tồn tại, nhưng “cải cách” nhất thiết không bao gồm dân chủ hóa.
Kể từ đó, Trung Quốc xoay chuyển giữa những xung lực cạnh tranh, giữa cởi mở và kiểm soát, giữa thử nghiệm với những thay đổi và chống lại thay đổi, luôn kéo lại trước khi đi quá xa theo một trong hai hướng vì sợ bị “mắc cạn”.
Nhiều người đã nói rằng Đảng sẽ thất bại, và rằng sự áp lực giữa cởi mở và đàn áp như vậy là quá nhiều cho một quốc gia lớn như Trung Quốc có thể duy trì. Nhưng trạng thái giằng co có thể chính là lý do vì sao Trung Quốc phát triển tăng vọt.
Liệu Trung Quốc có thể tiếp tục phát triển như vậy và liệu Hoa Kỳ có thể ngăn chặn điều đó không lại là một câu hỏi khác.
Không ai trong số những người tham dự hội nghị ở Mạc Can Sơn có thể dự đoán được cách Trung Quốc cất cánh cũng như vai trò của họ trong sự bùng nổ phía trước. Họ sống trong trong thời đại hỗn loạn, gần như bị cô lập hoàn toàn khỏi phần còn lại của thế giới, ít có sự chuẩn bị cho những thách thức mà họ phải đối mặt. Để thành công, Đảng vừa phải đổi mới ý thức hệ và tái thiết lập nguồn lực tốt nhất để tiến hành cải cách.
Ông Xu là một ví dụ. Ông tốt nghiệp cử nhân báo chí, dành nhiều năm làm việc tại một trường cán bộ trong đơn vị quân đội để lao động chân tay và giảng dạy chủ nghĩa Marx. Sau khi Chủ tịch Mao mất, ông được phân công làm việc trong một viện nghiên cứu của Nhà nước với nhiệm vụ cải thiện nền kinh tế.
Công việc đầu tiên của ông là tìm ra cách giúp các nhà máy có nhiều quyền lực hơn trong việc ra quyết định, đây là chủ đề mà ông gần như không có kiến thức. Ông dần trở thành một nhà hoạch định chính sách kinh tế với sự nghiệp nổi bật, giúp cho ra đời sàn chứng khoán đầu tiên ở Trung Quốc tại Thâm Quyến.
Trong số những người trẻ tham dự hội nghị ở Mạc Can Sơn còn có Zhou Xiaochuan, người sau này lãnh đạo Ngân hàng trung ương Trung Quốc trong 15 năm; Lou Jiwei, người điều hành Quỹ đầu tư quốc gia và gần đây đã từ chức Bộ trưởng Tài chính; và một chuyên gia về chính sách nông nghiệp là Wang Qishan (Vương Kỳ Sơn), người tiến xa hơn bất kỳ ai trong số họ.
Ông Vương đứng đầu Ngân hàng đầu tư đầu tiên của Trung Quốc, và giúp nước này đi qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Là thị trưởng của Bắc Kinh, ông tổ chức Thế vận hội Olympics 2008. Sau đó, ông giám sát cuộc thanh trừ tham nhũng gần đây. Hiện ông là Phó chủ tịch nước này, đứng thứ hai về quyền lực chỉ sau lãnh đạo Đảng Tập Cận Bình.
Sự nghiệp của những người đàn ông này từ Mạc Can Sơn phản ánh một khía cạnh quan trọng trong thành công của Trung Quốc: Việc đón nhận Chủ nghĩa Tư bản.
Những quan chức từng là rào cản của phát triển đã trở thành động cơ của sự phát triển. Họ hy sinh chiến tranh giai cấp và kiểm soát giá cả để bắt đầu theo đuổi đầu tư và thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân. Giờ đây, lãnh đạo của mỗi quận, thành phố và tỉnh của Trung Quốc đều phát biểu hệt như cách ông Yan Chaojun phát biểu tại diễn đàn kinh doanh vào tháng 9.
Tại các thành phố như Thương Hải, trẻ em Trung Quốc vượt trội so với bạn bè cùng trang lứa trên thế giới.
“Tam Á”, ông Yan nói, đề cập đến một thành phố miền nam mà ông lãnh đạo, “phải là một quản gia tốt, một vú em, người lái xe và người lau dọn cho các doanh nghiệp và hoan nghênh đầu tư từ các công ty nước ngoài”.
Đó chính là thay đổi thực sự, một hành động mà Liên Xô đã lảng tránh. Ở cả Trung Quốc và Liên Xô, nhiều quan chức ngăn chặn sự phát triển kinh tế, những quan chức nắm trong tay quyền lực không bị kiểm soát chống lại sự thay đổi đe dọa đặc quyền của họ.
Mikhail Gorbachev, nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, đã cố gắng phá bỏ sự kiểm soát của giới quan chức đối với nền kinh tế bằng cách mở cửa chính trị. Nhiều thập kỷ sau đó, các quan chức Trung Quốc vẫn tham gia các lớp học lý giải sự sai lầm này. Đảng thậm chí còn sản xuất series phim tài liệu về chủ đề này vào năm 2006 và phân phối đĩa DVD cho quan chức các cấp.
Lo sợ mở cửa chính trị nhưng không muốn giậm chân tại chỗ, Đảng đã tìm ra một cách khác. Họ chuyển dần sang mô hình được thương lượng tại Mạc Can Sơn, đảm bảo nền kinh tế kế hoạch còn nguyên vẹn trong khi cho phép nền kinh tế thị trường hưng thịnh và phát triển vượt bậc.
Một doanh nhân đang vươn người trước trò chơi golf trên video ở một khách sạn ông xây dựng tại Côn Minh
Các nhà lãnh đạo Đảng gọi đây là cách tiếp cận cẩn thận và thử nghiệm “dò đá qua sông”. Họ cho phép nông dân trồng và bán nông sản. Trong khi duy trì sở hữu Nhà nước với đất đai, họ bãi bỏ hạn chế đầu tư vào các “đặc khu kinh tế”, còn các khu vực khác trong nước không thay đổi; hoặc cho phép tư nhân hóa trước tiên bằng cách chỉ bán ra cổ phiếu thiểu số (minority stakes) của các công ty Nhà nước.
“Ở đây có sự chống cự”, ông Xu nói. “Thỏa mãn cả nhà cải cách và phe đối lập là một nghệ thuật”.
Các nhà kinh tế Mỹ tỏ ra hoài nghi. Lực lượng thị trường cần được thúc đẩy nhanh hơn, bằng không, bộ máy quan liêu sẽ huy động lực lượng để ngăn chặn những sự thay đổi cần thiết. Sau chuyến thăm Trung Quốc năm 1988, nhà kinh tế học đạt giải Nobel là Milton Friedman gọi chiến lược của nước này là “một lời mời cho tham nhũng và không hiệu quả”.
Tuy nhiên, Trung Quốc có lợi thế trong việc đấu tranh với sự kháng cự của bộ máy quan liêu. Sự bùng nổ kinh tế lâu dài của quốc gia này theo sau một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử là Cách mạng văn hóa – sự kiện làm suy yếu bộ máy Đảng. Thực chất, chuyên quyền độc đoán dư thừa tạo điều kiện cho người kế nhiệm của Chủ tịch Mao là Đặng Tiểu Bình lãnh đạo Đảng theo hướng cởi mở hơn trước.
Trong đó phải kể đến việc đưa thế hệ các quan chức trẻ của Đảng sang Hoa Kỳ và nhiều nơi khác để học tập cách hoạt động của nền kinh tế hiện đại. Đôi khi họ đăng ký vào các trường đại học, đôi khi họ tìm kiếm công việc và đôi khi họ tham gia vào các chuyến tham quan học tập ngắn ngày. Khi trở về, sự nghiệp của họ được Đảng ủng hộ, Đảng còn sắp xếp để những người khác học hỏi từ họ.
Các kinh tế gia phương Tây nghi ngại liệu sự đổi mới sáng tạo nào có thể xảy ra trong một bộ máy quan liêu cứng nhắc. Họ đã bị chứng minh là sai lầm.
Trung Quốc đầu tư vào giáo dục, mở rộng tiếp cận đối với trường học các cấp và đại học cùng và nhiều cải cách khác trừ việc xóa mù chữ. Nhiều nhà phê bình tập trung vào các điểm yếu trong hệ thống của Trung Quốc, đó là việc nền giáo dục nhấn mạnh vào kiểm tra và ghi nhớ, kìm nén chính trị và phân biệt đối xử với trẻ em nông thôn. Tuy vậy, Trung Hoa đại lục giờ đây sản sinh ra số lượng sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học và kỹ thuật mỗi năm nhiều hơn Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan cộng lại.
Tại các thành phố như Thượng Hải, trẻ em vượt trội so với bạn bè cùng trang lứa trên thế giới. Đối với nhiều phụ huynh thì như vậy vẫn chưa đủ. Bởi sự giàu có tăng lên, truyền thống coi giáo dục như một con đường để tiến lên trong xã hội và sự cạnh tranh của kỳ thi đại học quốc gia, hầu hết học sinh đăng ký các chương trình học thêm sau giờ học. Theo một nghiên cứu, thị trường học thêm này trị giá 125 tỷ USD, tương đương một nửa ngân sách mỗi năm mà Chính phủ dành cho quân đội.
Một lý giải khác cho sự thay đổi của Đảng là thay đổi cơ chế quan liêu. Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc thực hiện cải cách kinh tế trong khi từ chối cải cách chính trị. Tuy nhiên, trên thực tế, Đảng đã thực hiện những thay đổi đáng kể sau khi Chủ tịch Mao qua đời, mặc dù vẫn chưa có tự do bầu cử hoặc tòa án độc lập.
Đảng đưa ra giới hạn nhiệm kỳ và tuổi nghỉ hưu bắt buộc, từ đó dễ dàng loại bỏ những quan chức không đủ năng lực. Đảng cũng sửa đổi cách thức đánh giá nội bộ đối với lãnh đạo địa phương để thưởng và thăng chức, chủ yếu tập trung vào các mục tiêu kinh tế cụ thể.
Những thay đổi tưởng chừng nhỏ đã tạo ra tác động lớn. Theo Yuen Yuen Yang, một nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Michigan, Trung Quốc đã ‘tiêm một liều’ tính giải trình và tính cạnh tranh vào hệ thống chính trị. “Trung Quốc có một sự lai tạo độc đáo”, cô nói, “giữa chuyên quyền độc đoán với những đặc điểm của dân chủ”.
Tuy vậy, khi nền kinh tế phát triển, các quan chức do chỉ tập trung vào tăng trưởng thường mà bỏ qua ô nhiễm môi trường lan rộng, vi phạm tiêu chuẩn lao động và thực phẩm, vật tư y tế nhiễm độc. Họ được khen ngợi vì doanh thu thuế tăng cao và mang lại cơ hội làm giàu cho bạn bè, họ hàng và chính bản thân họ. Một làn sóng các quan chức rời khu vực Nhà nước để kinh doanh. Theo thời gian, tầng lớp tinh hoa của Đảng tích lũy sự giàu có, điều này càng củng cố sự ủng hộ đối với tư nhân hóa nền kinh tế mà trước đây họ từng kiểm soát.
Các quan chức Trung Quốc không hề can thiệp vào khu vực tư nhân. Khu vực này hiện cung cấp hơn 60% sản lượng của nền kinh tế, tạo việc làm cho hơn 80% công nhân tại các thành phố, tạo ra 90% các công việc mới, một quan chức cấp cao cho biết trong một bài phát biểu vào năm ngoái.
“Về cơ bản tôi thậm chí không thấy họ một năm một lần”, James Ni, Chủ tịch và sáng lập viên của Mlily, một nhà sản xuất nệm ở miền đông Trung Quốc cho biết. “Tôi tạo việc làm, tạo ra doanh thu thế. Vậy tại sao họ phải làm phiền tôi?”.
Những năm gần đây, Chủ tịch Tập tìm cách khẳng định quyền lực của Đảng trong giới tư nhân. Ông ủng hộ doanh nghiệp Nhà nước bằng trợ giá và duy trì rào cản với cạnh tranh nước ngoài. Ông tán thành với yêu cầu các công ty Mỹ phải hy sinh công nghệ để tiếp cận thị trường.
Khi làm vậy, ông Tập đang đặt cược rằng Nhà nước Trung Quốc thay đổi nhiều đến mức nó hẳn sẽ đóng vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế, rằng nó có thể xây dựng và vận hành “những chiến thắng quốc gia” có khả năng cạnh tranh với Hoa Kỳ nhằm kiểm soát ngành công nghiệp công nghệ cao trong tương lai. Tuy nhiên, những chính sách đồng nghĩa với việc ông khiêu khích sự phản đối dữ dội của Washington.
Kỳ 2: Sự trỗi dậy của Trung Quốc được "tiếp sức bởi kẻ thù" như thế nào?
Trí Thức Trẻ