Bốn câu thơ mà nhạc sĩ Hà Quang Minh sáng tác ngay trong đêm U23 Việt Nam lập nên kỳ tích lẫy lừng trên đấu trường châu Á hào hùng đến run người, hào hùng như chính chiến tích mà Quang Hải và các đồng đội khiến cả châu Á phải rúng động. Chưa bao giờ bóng đá Việt Nam, người dân Việt Nam lại dám mơ một giấc mơ lớn đến thế, và giấc mơ ấy thành hiện thực.
Giấc mơ ấy không thể trọn vẹn đến tận giây phút cuối cùng. Nhưng những tráng sỹ trong màu áo đỏ, với ngôi sao vàng trên ngực đã chiến đấu đến tận phút cuối cùng, và chỉ chịu gục ngã ở đúng phút cuối cùng nghiệt ngã. Nhưng lần đầu tiên trong lịch sử, người Việt Nam xuống đường ăn mừng sau một trận thua của đội tuyển. Thế mới biết chiến tích ấy lẫy lừng đến thế nào.
Ngọn cờ đỏ mà Duy Mạnh cắm trên tuyết lạnh Thường Châu khiến người viết nhớ đến truyền thuyết về một anh hùng Lương Sơn Bạc, giữa tuyết lạnh trắng xóa đất trời bước ra từ tận cùng khổ nạn, để viết nên một chương mới hùng vĩ của cuộc đời, bỏ lại sau lưng danh vọng, phù hoa mà dấn thân vào con đường khởi đi một Thiên hùng tinh lẫy lừng thiên hạ.
Trong bão tuyết thảo trường đất Thương Châu, Lâm Xung - là giáo đầu của 80 vạn cấm quân, là một Mã quân Xích Long tướng bị phản bội bởi bạn thân, bị gian thần hãm hại đến thân bại danh liệt, bị hành hạ, thủ tiêu trên đường đi đày, giữa lửa cháy rừng rực đêm đông cắp ngọn giáo, đội mũ tơi với chỏm ngù đỏ trên đầu thẳng bước lên Lương Sơn Bạc, viết nên câu chuyện về một người anh hùng "chọc trời khuấy nước" từ đây...
Giữa bão tuyết Thường Châu, là một U23 Việt Nam bỏ lại sau lưng những tháng ngày đau thương sau thất bại thảm hại trên đấu trường SEA Games, bỏ lại hai năm liền tủi hổ của bóng đá Việt Nam, khi phải cúi đầu trước những đội bóng Đông Nam Á khác, để vùng lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết ở đấu trường châu Á, vạch nên con đường mới cho bóng đá Việt Nam.
Con đường ấy là con đường của những "tráng sĩ" trẻ, có người vẫn chưa tròn 19 tuổi, với những cú rướn người "lao ngược gió", để rồi "để đời kính phục mãi về sau".
Là bàn thắng mở màn cho một kỳ tích vĩ đại nhất của lịch sử bóng đá Việt Nam - vào lưới U23 Hàn Quốc của Quang Hải, là trận thắng oanh liệt U23 Australia để mở ra cánh cửa vào tứ kết, để rồi chính thức bước qua cánh cửa ấy sau trận hòa trước Syria. Châu Á nhìn U23 Việt Nam bằng ánh mắt khác. Nhưng đấy mới chỉ là sự khởi đầu.
Để rồi lần lượt Iraq, rồi Qatar phải "nằm xuống" trên con đường mà Quang Hải cùng các đồng đội tiến thẳng vào trận chung kết. Gục ngã trước U23 Uzbekistan ở những giây cuối cùng của 120 phút quật cường trên tuyết lạnh Thường Châu, U23 Việt Nam khiến cả châu Á phải nể vì, cả dân tộc tự hào trong niềm vui khôn tả.
Thêm lần nữa, niềm tin vào đội tuyển được thắp lên trong lòng dân tộc.
Lá cờ đỏ Duy Mạnh cắm trên tuyết trắng Thường Châu, là viên than hồng thắp lên ngọn lửa đỏ cho bóng đá Việt Nam.
Trên bầu trời châu Á, một Thiên Hùng Tinh đã mọc...
Nếu như chức Á quân U23 châu Á là chiến công rạng ngời thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết của bóng đá Việt Nam, thì Asiad 2018 bắt đầu trong không ít sự ngờ vực. Ngờ vực về kỳ tích Á quân châu Á liệu có phải là "cú ăn may vĩ đại", ngờ vực về sự kết hợp giữa các cầu thủ trẻ U23 với ba sự bổ sung già dặn trải đều ở 3 tuyến, ngờ vực ở lối chơi "mang đậm màu sắc tiêu cực" của HLV Park Hang-seo sẽ "giết chết các tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam" - như lời của không ít chuyên gia, nhà báo châu Á nhận định.
Nếu như giải U23 châu Á khởi đi không mấy suôn sẻ với thầy trò HLV Park Hang-seo, thì Asiad 2018 đánh dấu một khởi đầu như mơ của U23+3 Việt Nam trong tay nhà cầm quân người Hàn Quốc. Thắng cả 3 trận vòng bảng, giành 9 điểm tối đa là điều không ai có thể ngờ đến. "Cú sốc" ấy thêm lần nữa khiến cả châu Á phải ngỡ ngàng.
Ba trận đấu ấy, 6 bàn thắng của U23 Việt Nam ghi dấu ấn của tất cả những chân sút mà HLV Park Hang-seo chọn lựa. Là Quang Hải - đương nhiên, là Văn Quyết, Công Phượng, Văn Đức và Anh Đức. Sự kết hợp giữa các thế hệ cầu thủ trong đội tuyển mượt mà, ăn ý và bùng nổ dưới bàn tay "đầy ma thuật" của HLV Park Hang-seo - như báo chí Hàn Quốc ví von.
Và quan trọng nhất, 3 trận thắng ấy là "gáo nước lạnh" tạt vào những nhận xét đầy tính tiêu cực của những chuyên gia bóng đá, nhà báo châu Á từng lớn tiếng cảnh báo về thất bại của bóng đá Việt Nam khi dựa vào lối chơi nặng tính chiến thuật và phòng ngự của HLV Park Hang-seo.
Lần đầu tiên trong lịch sử, ở một giải đấu chính thức, đội tuyển Olympic Việt Nam thắng Nhật Bản, bằng lối chơi đậm chất cống hiến, với bàn thắng sớm của Quang Hải đến từ tình huống pressing đến nghẹt thở, khiến cầu thủ phòng ngự Nhật Bản phải mắc sai lầm, để rồi không thể có cơ hội chuộc lỗi.
Cú dừng chân ở vị trí hạng tư châu Á của U23 Việt Nam đánh dấu một nỗi buồn mang tên Quang Hải, nỗi buồn phải chịu cơn thịnh nộ từ một bộ phận nhỏ người hâm mộ sau cú sút luân lưu trong trận tranh huy chương đồng. Nhưng trong nỗi buồn thoáng qua ấy, người ta mới nhìn ra rõ hơn nguyên nhân thành công của đội tuyển U23 Việt Nam: sự yêu thương, bảo bọc của HLV Park Hang-seo với các học trò của mình.
Giữa những chỉ trích, nhà cầm quân người Hàn Quốc sẵn sàng đối đầu với dư luận để bảo vệ học trò. Nếu như kỳ tích Á quân U23 châu Á là viên than hồng trên tuyết lạnh, thì kỳ tích ở Asiad 2018 là ngọn lửa hồng ấm áp, sưởi ấm tình người, khiến người ta nhận thấy chưa bao giờ có một sự yêu thương, gắn bó, đoàn kết đến như thế ở đội tuyển Việt Nam.
Nếu như tinh thần quật cường, xả thân của các cầu thủ trên tuyết lạnh Thường Châu đem về kỳ tích, thì sự gắn kết, yêu thương ở Java, Indonesia lại đem về niềm tin cho một đội tuyển "để đi xa, phải đi cùng nhau". Cái sự "cùng nhau" ấm áp ấy sẽ là tiền đề cho những chuyến đi xa, để vươn ra biển lớn, để tung mình trên bầu trời cao rộng...
Olympic 2016. Vòng đấu loại đêm 6/8/2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh của Việt Nam chỉ xếp thứ tư, với loạt bắn cuối chỉ đạt vỏn vẹn 95 điểm, và chễm chệ ngôi đầu là xạ thủ Trung Quốc Pang Wei.
Vào vòng chung kết rạng sáng 7/8 (giờ Việt Nam), sự xuất thần của Hoàng Xuân Vinh đã khiến tất cả các đối thủ, nhất là Pang Wei phải ngỡ ngàng, và đối thủ Trung Quốc đã phải buông tay trước lượt bắn cuối cùng, chấp nhận chiếc huy chương đồng.
Những người theo dõi màn "đấu súng" cuối cùng qua truyền hình chắc hẳn phải "rớt tim ra ngoài" với phát đạn áp chót chỉ đạt 9,2 điểm của Hoàng Xuân Vinh, tưởng chừng sẽ làm đánh rơi chiếc huy chương vàng đang nắm trong tay.
Viên đạn cuối của Xuân Vinh rạng sáng 7/8 ấy ắt hẳn nặng ngàn cân. Treo trên đầu nó là niềm tự hào dân tộc về chiếc huy chương vàng đầu tiên trên đấu trường Olympic. Viên đạn xuất thần đạt 10,7 điểm chính thức ghi danh Việt Nam lên bảng vàng Olympic. Không chỉ Trung Quốc, mà cả thế giới ngỡ ngàng với cái tên Hoàng Xuân Vinh. Lịch sử gọi tên anh.
Chung kết AFF Cup 2008. Trận đấu lượt về trên sân Mỹ Đình ngày 28/12 mười năm về trước ấy, đồng hồ trên sân điểm sang phút bù giờ thứ tư. Tất cả khán giả trên sân, cũng như hàng chục triệu người hâm mộ nước nhà đã chuẩn bị tinh thần cho hiệp phụ. Cú treo bóng của Minh Phương, Công Vinh băng vào đánh đầu tung lưới Thái Lan, đem về chức vô địch Đông Nam Á đầu tiên cho bóng đá Việt Nam.
Dĩ nhiên là chức vô địch AFF Cup khó lòng so sánh nổi với chiếc huy chương vàng Olympic mà Hoàng Xuân Vinh đoạt được, và ít nhiều kém đi sự vỡ òa nếu so với chức vô địch AFF Cup mà Công Vinh cùng các đồng đội đem về cho bóng đá Việt Nam 10 năm về trước, nhưng lần này, ngôi vô địch, chiếc huy chương vàng ấy không còn được ấn định ở những phút cuối cùng. Bởi với thầy trò HLV Park Hang-seo, chức vô địch ấy không phải là điều ngạc nhiên, nó là tất yếu.
Hai bàn thắng của Malaysia trên sân nhà gây chút khó khăn cho thầy trò HLV Park Hang-seo, dù cho đội tuyển Việt Nam ghi đến 2 bàn thắng sớm, và suýt nữa đã dẫn 3-0 ngay trong hiệp 1. Nhưng trận chung kết lượt về trên sân Mỹ Đình, bàn thắng sớm của Anh Đức đã định đoạt tất cả ngay từ phút thứ 6, y hệt trận thắng lịch sử trước U23 Nhật Bản của thầy trò HLV người Hàn Quốc ở Asiad 2018.
Nếu như những kỳ tích với U23 Việt Nam là những "món quà" vô giá mà HLV Park Hang-seo và các học trò tặng cho người hâm mộ nước nhà, thì chức vô địch AFF Cup 2018 là nghĩa vụ, là trách nhiệm, là thứ duy nhất khiến người hâm mộ chờ mong và hài lòng. Nhưng có một thứ còn cao hơn cả danh hiệu mà đã 10 năm rồi, người dân Việt Nam chờ mong trong khắc khoải.
Nếu như U23 Việt Nam đến với giải U23 châu Á trong vị thế "lót đường", đến Asiad 2018 trong hình hài của một "chú ngựa ô", thì ở AFF Cup 2018, chúng ta bước ra đấu trường này với tâm thế những người chinh phục, phải gạt kỳ hết mọi đối thủ để giật cúp về cho Việt Nam.
Và họ - thầy trò HLV Park Hang-seo đã đưa ra câu trả lời chẳng thể nào thuyết phục hơn được nữa, với hành trình chinh phục của những chiến binh chinh phạt, với 6 trận thắng, 2 trận hòa. Nhưng cao hơn tất cả là lối chơi đầy mạnh mẽ, đầy sức thuyết phục, đầy sự khôn ngoan và một trời kinh nghiệm.
Có thể lối chơi đấy không "thêu hoa dệt gấm" như định nghĩa thông thường, nhưng nó "thêu hoa dệt gấm" ở những thời điểm cần thiết, các học trò của HLV Park Hang-seo đều biết cách đặt sức ép nghẹt thở lên đối phương, biết ghi những bàn thắng vào thời điểm quyết định, và biết cách "bóp chết" trận đấu ngay từ những phút đầu, khiến trận chung kết với Malaysia thuyết phục hơn bao giờ hết, và hành trình đăng quang thuyết phục hơn bao giờ hết.
Đâu chỉ là chức vô địch, đâu chỉ là niềm vui vỡ òa sau 10 năm mong đợi, chiến thắng ấy, vinh quang ấy còn mở ra một trang sử mới, với một thế hệ mới với những chiến binh tràn đầy nhiệt huyết, cùng sự thông minh và lạnh lùng, đủ sức khiến cả Đông Nam Á phải khiếp sợ, và châu Á phải "mở to mắt" nhìn vào.
Trong cuộc gặp gỡ với thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 21/12, HLV Park Hang-seo phát biểu: "Tôi và đội tuyển Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu cao hơn là vô địch châu Á. Tôi và các cầu thủ sẽ nỗ lực để đạt được mục tiêu này".
Hẳn nhiên, đấy không phải là một lời hứa suông. Hơn ai hết, nhà cầm quân người Hàn Quốc biết trong tay mình có gì. Ông có một thế hệ vàng thực sự, có niềm tin vào các học trò, những người đã từng kinh qua những giờ phút đáng thất vọng nhất của bóng đá Việt Nam, để giờ đây vụt lớn, và những đau đớn ngày nào chỉ làm động lực của họ cao hơn, đưa những chiến binh Rồng Vàng vươn mình tung cánh ra khỏi bầu trời Đông Nam Á đã quá đỗi nhỏ bé với mình.
Trí thức trẻ