1 năm làm 3 ngân hàng
Chỗ thì lương quá thấp, nơi thì chỉ tiêu quá cao, có chỗ môi trường làm việc lại không phù hợp, thậm chí là..."chán" khiến không ít người chẳng ngại ngần "nhảy việc" vài ba tháng 1 lần.
“Nhảy việc” là cụm từ không còn xa lạ đối với nhiều người. Tuy nhiên nhảy việc liên tục thì khó có ngành nào thay đổi như các nhân sự mới vào nghề ở ngân hàng hiện nay. Có lẽ chính vì thế nên năm nào các ngân hàng cũng phải tuyển mới hàng nghìn người, nhưng kết quả cuối năm tổng nhân sự vẫn chẳng thay đổi là bao.
Phí Hồng Cúc, một cán bộ ngân hàng V. đã có thâm niên làm trong ngành ngân hàng 4 năm. Chị kể, khi mới ra trường, do còn thiếu kinh nghiệm nên nhờ bạn bè giới thiệu chị được nhận vào học việc ở một ngân hàng. Lúc mới vào thì hồ hởi vì cái gì cũng mới lạ, học gì cũng không hết, việc gì cũng muốn làm. Nhưng sau khi được nhận vào chính thức chị thấy áp lực công việc quá nặng nề với chỉ tiêu cho vay cả chục tỷ, huy động vốn cũng vài tỷ, mở hàng trăm thẻ tín dụng. Làm ở bộ phận khách hàng được 5 tháng nhưng cảm thấy không thể cố được nữa, may thay ngân hàng có đợt luân chuyển nội bộ thế là chị xin xuống làm giao dịch viên. Làm giao dịch viên không phải lo chỉ tiêu nhưng ngày nào cũng đi sớm về muộn lại lương chỉ có 5-6 triệu/tháng, không đủ chi tiêu nên chỉ ngồi ở đó được gần 1 năm chị lại xin nghỉ.
Chị Cúc cho biết, sau khi rời ngân hàng đầu tiên chị lại thi sang ngân hàng khác nhưng công việc tín dụng doanh nghiệp cũng chẳng mấy thuận lợi. Đầu năm 2015 chị đã có ý định chuyển sang nghề khác nhưng sau lại đi thi vào làm tín dụng ở ngân hàng V. Với kinh nghiệm 2 năm ở ngân hàng và cũng đã có những khách hàng “ruột” nên khi chuyển sang bên này, dù chỉ tiêu nhiều hơn nhưng ngân hàng lớn nên cũng dễ làm. “2 năm nhảy việc 3 lần và bây giờ thì tôi thấy tạm ổn định rồi”, chị Cúc vui vẻ tâm sự.
Anh Hoàng Đức Sơn, một cán bộ chăm sóc khách VIP của ngân hàng T. cũng “nhảy” việc nhiều không kém. Anh kể, hồi mới đi làm, mỗi ngân hàng anh chỉ làm được nhiều nhất là 6 tháng, chỗ thì lương quá thấp, nơi thì chỉ tiêu quá cao, có chỗ lại nghỉ chỉ vì…”chán”. Sau đó anh Sơn xin chuyển sang ngân hàng T. làm chuyên viên khách hàng cao cấp.
“Đồng nghiệp khen tôi được cái duyên, có năng lực lại biết “chém gió” nên khách hàng tìm đến khá nhiều. Công việc bây giờ bận rộn hơn nhưng thu nhập tốt, lại được tiếp xúc nhiều với các khách hàng giàu có nên cũng thấy yêu nghề hơn. Nhớ lại hồi đầu mới đi làm, năm đầu tiên tôi chuyển tới 3 lần, cứ tưởng mình chẳng thể nào làm được ở ngân hàng nhưng đến nay thì tôi cũng có kinh nghiệm 6 năm rồi”, anh Sơn hồ hởi kể.
Tiếp xúc với một nhóm các sinh viên của HV Ngân hàng về định hướng nghề nghiệp tương lai như thế nào, người viết nhận được câu trả lời khá bất ngờ rằng nhiều trong số các em không tin tưởng sẽ có một công việc ổn định ngay khi đi làm. “Mong ước của chúng em đầu tiên là ra trường vào được ngân hàng đã, còn sau đó có qua được thời gian thử thách hay không thì tính tiếp. Mà dù có không trụ được thì ít ra CV cũng "xịn" hơn là đã có kinh nghiệm làm ở ngân hàng, thi tuyển sang ngân hàng khác sẽ dễ hơn”, một bạn chia sẻ.
Một bạn khác còn nói rằng, theo kinh nghiệm của các anh chị đi trước truyền lại thì ban đầu nên tìm đến một ngân hàng nhỏ vì họ không yêu cầu quá khắt khe về kinh nghiệm, sau đó dần dần có kinh nghiệm tốt sẽ chuyển sang ngân hàng lớn hơn hoặc lương cao hơn.
Giám đốc tuyển dụng của một ngân hàng có mạng lưới hơn 200 chi nhánh/phòng giao dịch thừa nhận rằng, không chỉ các nhân sự mới mà cả những người có kinh nghiệm cũng vẫn thích “nhảy việc”. Lý do có thể vì các bạn không đáp ứng nổi yêu cầu công việc, nhưng cũng có một bộ phận các bạn lại thích “đứng núi này trông núi nọ” khi so sánh thu nhập với các vị trí khác hoặc ngân hàng khác. Với các trường hợp có năng lực và kinh nghiệm, họ không thay đổi công việc thường xuyên nhưng cũng dễ bị “câu” sang ngân hàng khác khi các nhà tuyển dụng mời chào với chế độ đãi ngộ tốt hơn.
"Đây là thực trạng và cũng là bài toán khá đau đầu với không chỉ các nhà tuyển mà cả các nhà quản lý của ngân hàng hiện nay", vị giám đốc trên ái ngại.