10 vấn đề kinh tế Việt Nam được quan tâm nhất 2019
Năm 2019 được xem là một năm kinh tế Việt Nam có nhiều chuyển biến lớn. Đặc biệt, thế và lực của Việt Nam đã có nhiều bước tiến vượt bậc.
- 27-12-2019GDP Việt Nam năm 2019 vượt mục tiêu đặt ra, đạt mức 7,02%
- 27-12-2019Los Angeles Times: Sự phát triển nhanh chóng ở Việt Nam tạo tình huống không tưởng trong quá khứ!
- 27-12-2019Kết quả kép từ ba điểm nhấn kinh tế vĩ mô
2019 là năm quan trọng trong việc hợp tác thương mại của Việt Nam với thế giới. Tiêu biểu nhất là Hiệp định CPTPP có hiệu lực ngày 14/1 và Hiệp định EVFTA được ký kết hôm 30/6. 2 FTA thế hệ mới này có những cam kết ở mức độ rất cao của các bên tham gia.
EVFTA loại bỏ tới 99% các loại thuế quan, cắt giảm thuế dần một số mặt hàng trong 10 năm, các hàng hóa khác sẽ được xóa bỏ các cả hàng rào phi thuế quan như hạn ngạch. EVFTA cũng dự kiến sẽ mở ra thị trường mua sắm và dịch vụ công cộng giữa hai bên.
EuroCham nhìn nhận: "Với việc ký kết chính thức của EVFTA và EVIPA, chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp từ châu Âu đến Việt Nam. Họ hiểu đã có một công cụ pháp lý vững chắc hỗ trợ họ khi họ đến đầu tư tại đây".
Thương mại giữa Việt Nam và 10 thành viên khác của CPTPP cũng được ghi nhận tăng nhanh trong thời gian vừa qua. Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy Việt Nam hưởng thặng dư thương mại 9,1 tỷ USD sau 11 tháng năm 2019, hơn một nửa trong đó đến từ thương mại với các nước CPTPP.
Tháng 2/2019, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 đã được diễn ra tại Hà Nội. Nhiều chuyên gia đã mô tả cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un là lịch sử. Hà Nội, nơi từng bị phá nát bởi chiến tranh, có cơ hội trở thành nơi vun đắp cho hòa bình, chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 50 năm trên bán đảo Triều Tiên.
Mọi diễn biến đều tỏ ra tốt đẹp với nhiều lời ca ngợi nhau từ hai nhà lãnh đạo Mỹ Triều. Tuy nhiên, ở thời điểm mà thế giới mong chờ nhất, ông Trump và ông Kim đã rời phòng họp sớm, bỏ lại phía sau một thỏa thuận hòa bình mà đến thời điểm hiện tại, những người lạc quan nhất cũng chưa dám nghĩ đến thời điểm nó trở thành hiện thực.
Hà Nội dù không thể trở thành nơi đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên nhưng thành phố này đã chứng minh với thế giới là thủ đô vì hoà bình, từng bước phát triển mạnh mẽ từ đống đổ nát chiến tranh, là nơi giao hoà giữa cái cũ và mới.
Tháng 3/2019, tỷ phú Phạm Nhật Vượng lần đầu tiên lái chiếc Lux SA 2.0 từ dây chuyền sản xuất ra ngoài đường chạy thử. Thời điểm đó ông Vượng nói: "Lux SA2.0 là chiếc xe tuyệt vời và sẽ dùng nó thay thế cho chiếc Lexus LX570 mà tôi đang sử dụng".
Gần 5 tháng sau đó, khi Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad sang Việt Nam, người đàn ông huyền thoại ở tuổi 92 tuổi cũng được thử sức với Lux SA 2.0.
"Xe rất khoẻ, thiết kế đẹp, tiếc là tôi chỉ lên được có 100km/h thôi", Dr Mahathir nói với ông Vượng khi kết thúc.
Và đến thời điểm hiện tại thì những chiếc ô tô của VinFast đã hoà vào dòng chảy của cuộc sống. Những bản xe thương mại đã được bàn giao cho khách hàng kể từ quý II. Trên đường phố, giờ đây thật dễ dàng khi nhìn thấy những chiếc xe có nước sơn mới cáu, logo chữ V sáng nổi bật.
VinFast đã hiện thực hoá giấc mơ về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam từ 20 năm trước. Tuy nhiên, chặng đường của VinFast vẫn còn rất dài mà như tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhận định: "Con đường đến đích, để xây dựng thành công một hãng xe Việt Nam nổi tiếng thế giới, được ưa chuộng, được sử dụng rộng rãi, sẽ còn rất nhiều chông gai, đòi hỏi chúng ta phải hết sức nỗ lực, cố gắng. Nhưng tôi tin với tinh thần sáng tạo, quyết liệt, thậm chí là mãnh liệt, chắc chắn chúng ta sẽ đi đến đích và thành công".
Việt Nam đã trở thành một điểm đến thay thế tiềm năng cho các chuỗi sản xuất từ Trung Quốc và bứt phá trong cuộc đua xuất khẩu sang Mỹ.
Trong số 56 công ty đã chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 4/2018 đến tháng 8/2019, 26 công ty chuyển đến Việt Nam, 11 công ty đến Đài Loan và 8 công ty sang Thái Lan và chỉ có 2 công ty đến Indonesia.
Về kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam cũng là nước có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất so với nhóm 4 nước là Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines.
Báo cáo Thế giới và Tin tức Hoa Kỳ đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 8 trong danh sách 29 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư năm 2019.
Việt Nam có lợi thế là dân số tương đối trẻ và được đánh giá là tự do kinh tế hơn so vưới các nước trong khu vực. Tiền lương ở Việt Nam hiện chỉ tương đương khoảng 1/3 ở Trung Quốc và lực lượng lao động vẫn đang tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, Việt Nam có mức nợ tương đối thấp, lạm phát được kiểm soát và tỷ giá ổn định.
Năm 2019, mặc dù thị trường tài chính thế giới biến động mạnh nhưng trong nước lại khá thuận lợi và đúng kế hoạch đề ra. Tín dụng tăng trưởng trong tầm kiểm soát dưới 14%, tỷ giá duy trì ổn định với tỷ giá trung tâm chỉ tăng chưa đến 1,5% trong khi tỷ giá ở các ngân hàng thấp hơn cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh mua vào ngoại tệ, đưa tổng dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục mới là 73 tỷ USD.
Mặt bằng lãi suất được kéo xuống khi các ngân hàng thương mại Nhà nước có tới 3 lần giảm lãi suất cho vay, trần lãi suất huy động giảm 0,5%, lãi suất OMO giảm 1%, các lãi suất điều hành khác giảm 0,25%.
Ngoài ra, NHNN cũng đã đưa ra hàng loạt các chính sách nhằm giảm rủi ro cho hệ thống như siết dòng vốn vào các lĩnh vực rủi ro, hạ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn…Các ngân hàng tăng cường tuân thủ quy định về an toàn rủi ro theo chuẩn quốc tế khi số lượng đáp ứng được chuẩn Basel II sớm lên tới 18 ngân hàng.
"Make in Vietnam" là khẩu hiệu được Bộ TTTT đặc biệt nhấn mạnh tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam, chủ đề "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng vì một Việt Nam hùng cường" hồi đầu tháng 5/2019.
Thực tế slogan trên đã được dùng lần đầu tiên tại sự kiện ra mắt xe
VinFast chiều 20/11/2018 tại Hà Nội, và trên cổng TTĐT Bộ TTTT ngày 24/12/2018.
Khi xuất hiện, cụm "Make in Vietnam" ngay lập tực gây nhiều tranh cãi khi một số người cho là sai ngữ pháp, một số lại nhận định slogan được tham chiếu cụm Make in India - mục tiêu trở thành công xưởng thế giới của Ấn Độ.
Bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TTTT) cho biết slogan là một tính toán rất kỹ của Bộ TTTT để có được một khẩu hiệu tốt nhằm phát triển ngành công nghiệp ICT của Việt Nam. Một slogan có vẻ "sai sai" sẽ tạo hiệu ứng tốt về truyền thông, bà cho biết.
Theo Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, nội hàm của "Make in Vietnam" là muốn thể hiện những sản phẩm công nghệ được sáng tạo, thiết kế và làm ra tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Thành Nam, cựu CEO FPT nhận định khẩu hiệu "Make in Vietnam" ra đời rất đúng thời điểm, là tuyên bố mạnh mẽ của Chính phủ về quyết tâm giành độc lập về mặt công nghệ.
Hiện các doanh nghiệp trong nước đang rất đồng lòng với tham vọng, mục tiêu sớm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có ngành công nghiệp ICT mạnh.
Ngày 10/5, Viettel cùng Tập đoàn Ericsson thực hiện kết nối chính thức lần đầu tiên trên mạng di động 5G. Tốc độ kết nối mạng di động 5G của Viettel với thiết bị đầu cuối đạt từ 1,5 – 1,7 Gbps, vượt xa tốc độ giới hạn lý thuyết của mạng 4G LTE, tương đương tốc độ cáp quang thương mại.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có thể đi cùng với thế giới trong làm chủ và ứng dụng công nghệ mới nhất.
Đến ngày 21/9, Viettel cho biết đã hoàn thành phát sóng thử nghiệm 5G ở toàn bộ phường 12, quận 10, TP. Hồ Chí Minh, giúp thành phố này trở thành địa phương đầu tiên thử nghiệm phủ sóng 5G liền mạch.
Theo Hiệp hội Di động Thế giới, Viettel là đại diện duy nhất trong danh sách 50 nhà mạng đầu tiên triển khai thành công 5G. Hiện mới có khoảng 10 nước thương mại hóa 5G gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Australia, Anh, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Na Uy, Nga.
2 nhà mạng còn lại là VinaPhone, MobiFone cũng đang trong quá trình triển khai thử nghiệm 5G.
Bên cạnh các nhà mạng truyền thống chạy đua trong việc thử nghiệm, phát sóng, sản xuất các thiết bị 5G, VinSmart (thuộc VinGroup) cũng cho biết sẽ nhảy vào cuộc chơi. VinSmart đã xây dựng phòng Lab để hỗ trợ việc nghiên cứu, phát triển điện thoại 5G và các thiết bị viễn thông 5G.
Việt Nam, theo Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, sẽ thương mại hoá 5G vào năm 2020.
Thị trường điện mặt trời đã trở nên "nóng bỏng" trong năm 2019 khi hàng loạt nhà ồ ạt chạy đua dự án trước 30/6 để hưởng giá điện ưu đãi. Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết hết tháng 6/2019, 87 nhà máy điện mặt trời đóng điện trên toàn quốc, công suất là trên 4.463MW.
Ông Nguyễn Đức Cường- Giám đốc A0 đánh giá: Số lượng nhà máy đưa vào vận hành đồng loạt trong thời gian ngắn như trên là điều chưa từng có trong lịch sử ngành điện Việt Nam, thậm chí chắc chỉ Việt Nam mới có.
Việt Nam có nhu cầu rất lớn về năng lượng. Do vậy, việc bùng nổ năng lượng tái tạo là điều cần thiết.
Dù vậy, đằng sau những tăng trưởng nóng là sự chờ đợi mòn mỏi của các nhà đầu tư vì vướng luật, chính sách cho điện mặt trời và một bức tranh quy hoạch chung bị phá nát.
Hiện công suất điện mặt trời đang là 7.000 MW, gấp 9 lần ban đầu so với quy hoạch điện VII (850 MW vào năm 2020; 1.200 MW năm 2030).
Tại kỳ họp Quốc hội tháng 11, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công thương đã thừa nhận: Không lường trước được việc vỡ quy hoạch điện mặt trời.
Với mức tăng trưởng hai con số trong 10 năm qua, hàng không Việt Nam được đánh giá là rất hấp dẫn.
Việt Nam hiện có 5 hãng hàng không nội địa, gồm: Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific, Bamboo Airway, Vascovà 70 hãng bay đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, trong năm 2019, thị trường đã đón nhận nhiều cái tên mới như Vietravel Airlines, Kite Air, Vinpearl Air, rục rịch tham gia cuộc đua bầu trời.
Các hãng bay tư nhân đang khiến thị trường hàng không Việt Nam thay da đổi thịt theo từng ngày.
Dù vậy, hiện trạng đang được cảnh báo là việc quá tải hàng không cả dưới mặt đất (hạ tầng) lẫn trên trời.
Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm nhân lực hàng không, dẫn tới những hoạt động cạnh tranh "không lành mạnh" từng khiến nhiều hãng hàng không phải cầu cứu cơ quan quản lý. Bài toán này đang được các hãng hàng không mới giải bằng việc mở trường đào tạo. Dẫu vậy, kết quả sẽ chưa thể đến trong ngày một ngày hai.
Không giống như năm 2018, chiến tranh thương mại đã không còn là mối đe dọa rình rập thị trường vào năm 2019. Thay vào đó, người ta ngày càng quen hơn với hàng rào thuế quan mà Tổng thống Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc hoặc buộc phải tìm ra cách để sống chung với nó.
Những lần ông Trump tăng thuế cũng chỉ khiến thị trường chứng khoán Mỹ biến động ở mức độ không quá lớn, điều cho thấy sự quen dần với biến cố của các nhà đầu tư.
Trong khi đó, những tín hiệu lạc quan lại có tác động rất tích cực tới thị trường. Việc Mỹ và Trung Quốc tuyên bố đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào cuối năm 2019 là nguyên nhân chính khiến chứng khoán Mỹ thăng hoa.
Dù tất cả các nhà phân tích đều chia sẻ quan điểm cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ còn nhiều vấn đề cần giải quyết nhưng việc tìm được tiếng nói chung giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mở ra những cơ hội và hy vọng cho kinh tế toàn cầu, vốn đang chìm trong nỗi lo suy thoái.