127 giờ sinh tử: Câu chuyện của nhà leo núi trẻ phải uống nước tiểu và cắt lìa cánh tay để tự giải thoát mình khỏi cái chết trong đau đớn và cô độc
Dù biết rằng hẻm Bluejohn Canyon là một nơi vô cùng hẻo lánh, ít người từng một mình chinh phục nhưng nhà leo núi ưa mạo hiểm Aron Ralston đã bất chấp tất cả để lên đường và từ đây anh đã phải trả một cái giá đắt vì một vài giây khinh suất, không chuẩn bị kĩ càng của mình.
- 13-08-20194 cách để khơi dậy sự chu đáo của mọi người trong văn phòng: Thực hiện ngay để biến nơi làm việc trở nên ấm áp và thoải mái như chính ngôi nhà của bạn
- 13-08-2019Hệ thống nhận diện khuôn mặt tại trường học Trung Quốc: Tự động báo phụ huynh khi trẻ vắng mặt, ngăn bạo lực nhưng lại khiến học sinh thêm áp lực
- 12-08-2019Hàng nghìn tỉ mảnh rác nhựa dưới đại dương có thể được giải quyết triệt để nhờ phát minh này
Bạn biết đấy, bạn không nhất thiết phải là vận động viên với bề dày thành tích, vô địch giải này giải kia, bạn không nhất thiết phải là một cảnh sát giỏi, chuyên phá các trọng án thì bạn mới thành người hùng. Đôi khi, điều duy nhất bạn cần làm là chiến thắng bản thân, vượt qua nỗi sợ, khó khăn và không từ bỏ trước cuộc sống thì bạn đã là người hùng trong mắt biết bao người rồi. Đó là trường hợp của nhà leo núi nổi tiếng thế giới Aron Ralston.
Sau hơn 5 ngày liền chiến đấu với tử thần trong điều kiện thiếu thốn thức ăn, nước uống còn cánh tay thì bị đá đè đến hoại tử, cuối cùng, bằng một sự phi thường nào đó, Aron đã thoát ra ngoài một cách không tưởng. Anh dù mất đi cánh tay nhưng đã để lại câu chuyện truyền cảm hứng và bài học sâu sắc cho rất nhiều người.
Trước khi tai họa ập đến
Aron Ralston sinh năm 1975, lớn lên ở vùng ngoại ô Indianapolis, bang Indiana, Mỹ. Anh là một sinh viên sáng dạ, sau tốt nghiệp đã chuyển đến Arizona sống để làm việc cho tập đoàn Intel. Mặc dù làm việc trong môi trường chuyên nghiệp như thế nhưng sự hấp dẫn từ những hoạt động ngoài trời quá mạnh mẽ nên cuối cùng chàng trai trẻ quyết định nghỉ việc, sống với đam mê sở thích của mình. Anh chuyển đến Aspen, ở Colorado Rockies để tiện cho các hoạt động đi bộ, trượt tuyết và đạp xe. Mục tiêu của Aron là trở thành người đầu tiên một mình chinh phục 55 ngọn núi ở bang Colorado trong mùa đông, trong đó ngọn núi cao nhất là 4270m.
Aron Ralston vào năm 2003, trước khi chinh phục Bluejohn Canyon.
Đến mùa xuân 2003, mục tiêu của anh vẫn chưa hoàn thành vì tuyết đã tan hết, anh phải chờ tới mùa đông tiếp theo mới tiếp tục chinh phục thử thách khó nhằn này. Trong lúc đó, hẻm núi BlueJohn Canyon lại lọt vào mắt xanh của kẻ luôn có sẵn “máu leo núi” như Aron.
Hẻm núi Bluejohn Caynon trong công viên quốc gia Canyonlands, bang Utah, Mỹ. Ảnh: MICKEY KRAKOWSKI/AP
Tử thần gọi tên anh
Nói là làm, ngày 25/4/2003, Aron Lee Ralston lái xe bán tải về phía đông nam Utah, khám phá Công viên quốc gia Canyonlands, ngủ qua đêm trên ô tô. Đến sáng ngày 26/4/2003, anh dừng xe trước lối vào công viên. Sau vài phút chuẩn bị, Aron một mình một xe đạp với chiếc ba lô nhỏ sau lưng, mon theo đường mòn đạp một mạch 15 km đến hẻm núi Bluejohn Canyon. Tại đó, Ralston dựng xe đạp cạnh cây bách và rảo bước bắt đầu hành trình khám phá. Lịch trình của anh chàng là vượt qua hẻm Bluejohn Canyon rồi quay trở lại lấy xe đạp bằng cách vòng qua hẻm Horseshoe Canyon.
Steve Swanke, cựu nhân viên kiểm lâm Công viên quốc gia Canyonlands, người ta gọi Moab, Utah - nơi Aron đến là “tận cùng thế giới”, cứ tưởng tượng xem một mình đi đến tận cùng thế giới rồi đi thêm hơn 2 tiếng rưỡi nữa mới đến được hẻm Horseshoe Canyon, thật quá là xa. Ở đó hầu như chẳng có ai sống cả.
Chính vì dự định không đi quá xa và quá lâu nên trong ba lô của Aron chỉ có bánh burritos, một bình nước 4 lít, vài thanh kẹo, 1 bộ bông băng sơ cứu, 1 máy quay video, 1 máy chụp hình, 1 con dao đa năng, cuộn dây thừng và móc leo núi chuyên dụng. Anh nói sẽ mất khoảng 4 tiếng để vượt qua hem núi Bluejohn Canyon. Theo một cộng đồng leo núi, hẻm núi ở đây cần có những kỹ năng đặc biệt thì mới chinh phục được, về phần mình Ralston nói “đã quen với những địa hình nguy hiểm hơn như thế rất nhiều, nên việc này chỉ giống như là đi bộ bình thường qua hẻm núi mà thôi”.
Một phần hẻm núi Bluejohn Canyon, nơi Aron Ralston gặp nạn.
11 giờ trưa, anh chàng lên tới đỉnh hẻm núi Bluejohn Canyon, trước mặt Aron Ralston là một cái khe dài hơn 60m, sâu 23m và bề ngang khoảng 1m. Khi anh vừa nhảy sang bên kia, đứng lên một hòn đá nhìn khá vững chắc thì bỗng nhiên trượt chân rơi xuống vực sâu, tảng đá “chắc chắn” nặng khoảng 360 kg đó cũng bị đánh bật theo rơi xuống đè trúng tay phải Ralston, khiến anh bị kẹp cứng không thể nào rút ra được.
Khe núi mà Aron Ralston đã rơi xuống và bị mắc kẹt 6 ngày liền.
Đau đớn nhưng anh vẫn cố gắng tìm cách thoát ra, anh dùng chiếc dao đa năng bé của mình tuyệt vọng đâm cho sứt tảng đá với hi vọng nó sẽ vỡ, chưa hết, Aron còn dùng mấy chiếc móc và sợi dây thừng buộc vòng qua rồi lấy hết sức để dịch chuyển nhưng cũng chẳng có gì nhúc nhích.
Aron nói sai lầm của anh là không mang điện thoại đi và cũng chẳng thông báo hay có lời nhắn gì với ai cả. Anh nói: “Nếu bạn muốn ai đó xuất hiện và giúp bạn trong trường hợp có chuyện xấu xảy ra, tốt nhất bạn nên nói cho họ biết nơi bạn sắp đến. Và dĩ nhiên tôi cũng đã muốn mọi người biết lắm - nhưng tôi đã đưa ra lựa chọn rồi và đó là lựa chọn tôi phải sống cùng với”.
Bắt đầu cuộc chiến sinh tồn
Ngày đầu tiên trôi qua, Aron Ralston ăn nửa chiếc bánh, uống 1 lít nước. Anh vẫn giữ niềm tin là sẽ có người đi ngang qua và anh sẽ được cứu nhưng chẳng có ai đến cả, đêm đó anh đã biết như nào là cô độc. Sang ngày thứ 2, thứ 3 rồi thứ 4, tình trạng ngày càng một xấu đi, tay phải anh đã bắt đầu hoại tử, sau khi thử đủ mọi cách để cứu mình thì giờ đây Ralston đã kiệt sức, thức ăn cũng hết. Đôi lúc anh mê sảng, trong đầu bỗng xuất hiện những đoạn tự thoại, một người khuyên anh từ bỏ rằng hãy tự sát đi, đây sẽ là nấm mồ của anh, còn một người thì luôn nhắc nhở anh phải tìm cách tỉnh táo, không được hoảng sợ hay từ bỏ.
Bước sang ngày thứ 5, khi nước không còn, Aron buộc phải uống nước tiểu, cánh tay chả còn cảm giác gì nữa khi bị tảng đá chèn lên. Hôm ấy, anh gần như đã tìm được “bình yên” khi biết mình chẳng còn cơ hội sống sót, chiếc máy quay để trong ba lô đã tới lúc dùng tới. Anh quay và kể lại việc gặp tai nạn, hồi tưởng lại những khoảnh khắc với gia đình, người yêu bạn bè, sau cùng là lời xin lỗi cha mẹ, vĩnh biệt mọi người. Con dao anh dùng để khắc ngày tháng năm sinh, tên tuổi, số điện thoại người thân lên đá.
Ralston đang nói lời trăn trối với gia đình và bạn bè (ảnh cắt từ video)
Đêm hôm đó, trong cái lạnh 3 độ C, sự cô độc cùng cơn mê man, anh thấy trong đầu cảnh tượng mình bị cụt cánh tay phải, chơi đùa với một đứa trẻ gọi anh là bố. Khi tỉnh dậy vào sáng ngày thứ 6, anh tin chắc chắn đó là tương lai, điều này lại thôi thúc anh cần phải hành động ngay lập tức, thời gian hết rồi.
Lựa chọn sống còn trong giờ phút sinh tử
Quyết định sống còn của Aron là sẽ tự cắt đứt cánh tay phải bị kẹt để giải thoát mình. Anh lấy dây thừng buộc chặt phần trên khuỷu tay để cầm máu, rồi dùng con dao cùn cắt bỏ phần da chết dưới khuỷu tay. Vì tay đã hoại tử từ mấy hôm nên anh chẳng cảm thấy gì. Da, thịt, cơ và gân đều không vấn đề gì nhưng xương vẫn dính với nhau nên chẳng giải quyết được vấn đề. Lúc này, Aron quyết định tự bẻ gãy xương tay để thoát thân dù vô cùng đau đớn nhưng đó là cái giá tất yếu anh phải trả để đổi lại mạng sống!
Sau khi thoát khỏi tảng đá, anh tụt xuống đáy vực rồi theo ngách đi ra ngoài. Đến đây dù chẳng còn sức nhưng hi vọng được cứu và được sống đã giúp đôi chân anh bước tiếp, vượt qua hơn 8km trong tình trạng sức khỏe suy kiệt để tới được xe. Đi được 1 đoạn thì Aron gặp một gia đình người Hà Lan, họ ngay lập tức nhận ra bởi trước đó đã được thông báo về sự mất tích của anh. Ông chồng đã cho Aron bánh và nước để ăn còn người vợ lấy xe đưa anh đi cấp cứu.
May mắn đã mỉm cười với anh chàng này khi trực thăng tuần tra của cảnh sát bay gần đó, bà Monique Meijer lập tức ra hiệu vẫy gọi. 20 phút sau, Ralston được đưa đến bệnh viện Moab. Các bác sĩ cho biết nếu không được cứu thì nạn nhân sẽ chết sau khoảng 2 giờ đồng hồ nữa vì 38% lượng máu trong cơ thể đã mất.
Aron Ralston xuất hiện sau tai nạn. Ảnh: CASKEY/REUTERS
Trước đó, vào ngày mất tích thứ 2, mẹ Aron Ralston đã báo cảnh sát khi nghi ngờ con trai mất tích vì đợi mãi không thấy con về trong khi bà đã tìm mọi cách để liên lạc với con nhưng không được. Nhận được tin báo, phía cảnh sát đã tiến hành chiến dịch tìm kiếm quy mô và phải tốn mất mấy ngày mới tìm thấy Aron, rất may là anh ấy vẫn còn sống và được cứu kịp thời. Vậy là sau 127 giờ sinh tồn, Aron Ralston đã chiến thắng tử thần!
Steve Swanke không cảm thấy bất ngờ khi Aron còn sống: “Tôi không bất ngờ khi anh ta có thể sinh tồn được - anh ta có một cơ thể khỏe mạnh, ý chí sắt đá, có kỹ năng và hiểu biết và ở trạng thái tốt. Aron còn có khát khao sống mãnh liệt”.
Sau cơn mưa trời lại sáng, hết biến cố cuộc sống lại nở hoa
Ralston quay lại Bluejohn Caynon, nơi anh suýt mất mạng vì bất cẩn vào năm 2007. Đội cứu hộ đã nhấc tảng đá lên, đem cánh tay đi hỏa táng và trao lại cho anh. Aron kể khi nhìn thấy tảng đá, nước mắt anh lại trào ra bởi chỉ vì sự bất cẩn và một chút liều lĩnh, xem thường quy tắc an toàn mà anh phải trả một cái giá đắt.
Giờ đây dù đã mất đi cánh tay phải nhưng Aron Ralston chưa bao giờ thể hiện thái độ sợ hãi khi đứng trước những trải nghiệm khám phá mới. Sau biến cố, anh vẫn tích cực tập luyện thể lực, vẫn leo lúi và tham gia các hoạt động thể thao khác. Cách anh đối mặt với khó khăn, luôn ngẩng cao đầu tiến về phía trước cả khi bản thân không còn vẹn nguyên nữa đã tạo thêm động lực, giúp họ có thêm năng lượng tích cực vượt qua câu chuyện của chính mình.
(Theo Telegraph, the guardian)
Helino