17 năm lận đận của dự án Đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Năm 2005, Bộ Giao thông vận tải bắt đầu triển khai nghiên cứu về tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Sau 17 năm, tháng 9 tới Bộ tiếp tục xin ý kiến về chủ trương đầu tư dự án này.
- 15-08-2022Nỗ lực hồi phục, du lịch Bình Thuận đạt gần 3 triệu lượt khách
- 15-08-2022Khách quốc tế ít đến Việt Nam: Nghẽn ở đâu?
- 15-08-2022Lợi thế giúp TPHCM trở thành thành phố khởi nghiệp số 1 Việt Nam
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có báo cáo gửi Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Theo đó, dự kiến tháng 9, Bộ GTVT sẽ trình Bộ Chính trị xem xét, có ý kiến về chủ trương đầu tư dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Bộ GTVT cho biết, từ năm 2005 đến nay Bộ triển khai nhiều nghiên cứu về tuyến đường sắt tốc độ cao này. Cụ thể, năm 2009, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án được Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua và Bộ Chính trị tán thành về chủ trương đầu tư, nhưng chưa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tháng 5/2010.
Thời gian qua, Bộ rà soát, cập nhật bổ sung hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Quá trình nghiên cứu, Bộ tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến của các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học và thống nhất bằng văn bản với 20 địa phương có dự án đi qua.
Bộ cũng tổ chức lấy ý kiến các bộ, ban, ngành liên quan. Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội khóa 14, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cũng tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo...
Tiếp thu các ý kiến, Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào tháng 2/2019. Với quy mô dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, ngày 11/7/2019, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 859 thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Dự án gần 60 tỷ USD, hoàn thành năm 2050
Theo Bộ GTVT, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có quy mô đầu tư là đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, chiều dài 1.545 km, tốc độ khai thác tối đa khoảng 320 km/h. Đoàn tàu sử dụng công nghệ động lực phân tán.
Tổng mức đầu tư dự kiến toàn bộ dự án khoảng 58,71 tỷ USD, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng 1,98 tỷ USD, chi phí xây dựng 31,58 tỷ USD, chi phí thiết bị 15 tỷ USD, chi phí quản lý dự án, tư vấn, khác 5,82 tỷ USD và chi phí dự phòng 4,07 tỷ USD.
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam được trình lên Bộ Chính trị để xin ý kiến về chủ trương (Ảnh minh họa)
Để bảo đảm hiệu quả đầu tư và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực, nhu cầu vận tải, nghiên cứu đề xuất phương án phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - TP.HCM chiều dài 665 km, tổng mức đầu tư dự kiến 24,72 tỷ USD.
Trong đó, chuẩn bị đầu tư cho toàn tuyến giai đoạn 2020-2026, thi công giai đoạn 2027-2031 và đưa vào khai thác khoảng năm 2032.
Giai đoạn 2 đầu tư đoạn Vinh - Nha Trang để nối thông toàn tuyến, chiều dài 894 km, tổng mức đầu tư dự kiến 33,99 tỷ USD. Trong đó, khoảng năm 2040 đưa vào khai thác đoạn Vinh - Đà Nẵng, khoảng năm 2045-2050 khai thác đoạn Đà Nẵng - Nha Trang.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, kết quả thẩm tra của Liên danh tư vấn thẩm tra quốc tế cho thấy Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi còn nhiều vấn đề cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi.
Các vấn đề này gồm lựa chọn cấp tốc độ thiết kế và khai thác, hướng tuyến và kết nối với các mạng lưới giao thông trong và ngoài nước, tổng mức đầu tư và phương án huy động vốn…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây là dự án có quy mô, tổng mức đầu tư lớn, công nghệ phức tạp, có ảnh hưởng lớn, lâu dài đến sư phát triển kinh tế - xã hội nên cần được đánh giá kỹ lưỡng các vấn đề liên quan. Do đó, tiến độ thẩm định có thể kéo dài.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh, thành phố từ Hà Nội đến TP.HCM. Cụ thể tuyến đi qua các địa phương Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM. Điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM).
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 10/2021, định hướng mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới, trong đó, ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Giai đoạn này triển khai đầu tư 2 đoạn ưu tiên là Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.HCM của dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
17 năm cân nhắc
Năm 2005, Bộ GTVT bắt đầu triển khai nghiên cứu về tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Từ năm 2007-2010, Chính phủ giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư để nghiên cứu dự án. Nghiên cứu được thực hiện bởi Liên danh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản (VJC). Dự án đề xuất quy mô đường đôi, khổ 1.435 mm chỉ chạy riêng tàu khách, tốc độ thiết kế 350 km/h. Chiều dài tuyến là 1.570 km, với 27 ga và 5 depot.
Nghiên cứu này sau đó được Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị tán thành về chủ trương. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 12 (tháng 6/2010), Quốc hội bác dự án vì còn nhiều tranh cãi, yêu cầu nghiên cứu kỹ hơn để khẳng định hiệu quả của dự án.
Dự án đường sắt cao tốc có kinh phí đầu tư lớn (Ảnh minh họa)
Giai đoạn 2011-2013, dự án hỗ trợ kỹ thuật của JICA tiếp tục tập trung nghiên cứu đối với 2 đoạn tuyến Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM với quy mô đường đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế tối đa 350 km/h. Kết quả nghiên cứu được cập nhật trong Chiến lược và Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt và được Thủ tướng phê duyệt.
Bộ GTVT đánh giá các nghiên cứu đều định hướng phát triển tuyến đường sắt mới, tốc độ cao, trong đó tập trung vận tải hành khách và ưu tiên thực hiện trước đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM.
Sau khi hoàn thiện báo cáo tiền khả thi, liên doanh tư vấn trình chủ đầu tư là GTVT để xem xét, đánh giá cân nhắc và trình Hội đồng thẩm định nhà nước, Chính phủ để thẩm tra vào tháng 12/2018. Khi Chính phủ thẩm tra xong, dự án được trình lên Quốc hội vào năm 2019.
Theo nhiều chuyên gia, mức đầu tư đường sắt tốc độ cao quá lớn, mỗi km lên tới 35-38 triệu USD, thời gian đầu tư dài, nhưng bức tranh về hiệu quả, bài toán tài chính kinh tế lại bị tính toán quá sơ sài, cho thấy thiếu tính khả thi. Các nhà đầu tư nhìn thấy cần rất nhiều năm mới thu hồi được vốn.
Trong khi đó, lãnh đạo 20 địa phương có tuyến đường sắt đi qua lại đồng tình với việc cần thiết phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Lý do là Việt Nam đầu tư đường sắt tốc độ cao chậm nhiều so với thế giới. Các địa phương rất cần mạng lưới giao thông, mang lại nhiều lợi ích, chứ chỉ không nhìn thấy lợi ích trước mắt là doanh thu.
Với các địa phương, đường sắt tốc độ cao giảm được áp lực giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và là động lực mạnh để các tỉnh phát triển, thu hút đầu tư, phân bổ dân cư.
Hai phương án từng nhiều tranh luận
Đầu năm 2019, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu liên danh tư vấn TEDI - TRICC - TEDIS làm rõ 2 phương án đầu tư.
Thứ nhất là theo mô hình “cắt ngang”, trong đó ưu tiên đầu tư trước chặng Vinh - Hà Nội, Nha Trang - TP.HCM như đề xuất của tư vấn.
Thứ hai là phương án đầu tư “bổ dọc” theo đề xuất của GS. Lã Ngọc Khuê (nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT), làm trước hạ tầng toàn tuyến Bắc - Nam, khai thác trước bằng đầu máy diesel rồi từng bước hiện đại hóa thành đường sắt tốc độ cao.
Phương án đầu tư của dự án cũng gây tranh cãi trong thời gian dài (Ảnh minh họa)
Việc phân kỳ đầu tư theo liên danh tư vấn nêu ra với nhiều giai đoạn và phải đến năm 2050, đường sắt cao tốc Bắc - Nam mới thông toàn tuyến không giải toả được những khó khăn của hệ thống đường sắt và khiến người dân phải chờ đợi quá lâu. Do vậy, thay vì phương án làm hai đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM hết hơn 24 tỷ USD ở giai đoạn đầu như tư vấn nêu nên làm ngay một mạch hạ tầng đường sắt tốc độ cao từ Hà Nội đến TP.HCM. Như vậy mới đủ sức giải toả mọi khó khăn trên trục đường sắt Bắc Nam.
Ngoài ra, dự án đường sắt cao tốc này cũng nhận được nhiều tranh luận về công nghệ đoàn tàu, thời gian, biểu đồ vận hành toàn tuyến, kinh phí đầu tư, khả năng làm chủ công nghệ, các hạng mục xã hội hóa đầu tư, sự tác động của nền kinh tế qua các lĩnh vực cụ thể, suất đầu tư phần cứng hạ tầng tuyến và suất đầu tư “phần mềm” để vận hành được tuyến...
Nhiều chuyên gia cho rằng các nhà ga được xác định trở thành trung tâm của đô thị mới nên có thể bóc tách thành hạng mục đầu tư kêu gọi xã hội hóa, thay vì gộp chung vào phần vốn nhà nước đầu tư.
Như vậy, sau 17 năm với những lận đận trong tính toán với những quan điểm, cân nhắc..., một lần nữa dự kiến dự án Đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ được tập trung xem xét về chủ trương đầu tư. Sau một quá trình rất lâu dài, giữa ý tưởng, mục tiêu đến hiện thực vẫn sẽ còn một quá trình lâu dài nữa ở phía trước.
Biz Live