1km sông 3 nhà máy thủy điện, dân thấp thỏm khi mùa mưa lũ về
3 huyện miền núi Nghệ An (Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông) có đến 20 nhà máy thủy điện.
XEM CLIP:
1km sông 3 nhà máy thủy điện, dân thấp thỏm khi mùa mưa lũ về
Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Thanh Hoàng cho biết, với 11 xã biên giới giáp Lào, có 2 con sông chảy qua, huyện có 5 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động và 4 nhà máy đang xây dựng, khảo sát và xin đưa vào quy hoạch.
Trong quá trình thu hồi, giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư và chính quyền địa phương thực hiện quyết liệt, tạo điều kiện cho các nhà máy thủy điện cơ bản thực hiện đúng tiến độ.
Một khúc sông dài trên 1km ở xã Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn) có 3 nhà máy thủy điện
Sau khi thủy điện đi vào hoạt động, vào mùa lũ, người dân vùng hạ du nhà máy thủy điện lại thấp thỏm lo âu. Khi nhà máy xả nước, do không điều tiết được nước lũ nên gây thiệt hại tài sản của người dân.
Cụ thể, cuối tháng 8/2018, tại xã Tà Cạ (nơi có 3 nhà máy thủy điện), thuỷ điện Nậm Mô xả lũ đột ngột làm vỡ 7 thuyền của bản Cầu Tám; tại bản Nhãn Cù có 10 hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở nằm trên khu vực lòng hồ…
“Vào mùa khô, thuỷ điện tích hết nước không những làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân ngoài ra còn ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Việc xây dựng nhiều nhà máy thuỷ điện sẽ gây ra hệ luỵ như mất đất, mất rừng, gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất là điều khó tránh khỏi” - báo cáo huyện Kỳ Sơn nêu vấn đề.
Việc xây dựng nhiều nhà máy thủy điện ở khu vực miền Tây Nghệ An khiến người dân phải chịu thiệt hại nặng nề trong mùa mưa |
Ngày 30/10/2018, chất vấn Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trước Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) nêu thực trạng, 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông có 20 nhà máy thủy điện, trong đó có 8 nhà máy xây dựng xong đã hoạt động, 6 nhà máy đang xây dựng và 6 nhà máy đang quy hoạch.
Có 180 bản của Nghệ An chưa có điện thắp sáng. Gần đây nhất, việc xả lũ của thủy điện đã khiến người dân thiệt hại nặng nề về nhà cửa, hoa màu, gia súc.
Trên 1km dòng sông Nậm Mộ đoạn qua bản Cánh, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn có đến 3 dự án thủy điện đã đi vào hoạt động gồm: Nậm Cắn 2, Nậm Mô và Bản Cánh.
Do đó, ông Cầu đề xuất cho dừng toàn bộ nhà máy thủy điện đang quy hoạch xây dựng, nếu không hậu quả sẽ rất lớn.
‘Bom nước’ càn quét...
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 13 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, trong đó có 3 nhà máy lớn là: Bản Vẽ, Khe Bố và Chi Khê cùng hoạt động hồ chứa liên hoàn, tổng công suất là 697,5MW; sản lượng điện khoảng 3 tỷ kWh.
Thủy điện Bản Vẽ xả lũ gây sập và hư hại nhiều cây cầu trên địa bàn |
Cuối tháng 8/2018, lượng mưa lớn xuất hiện ở phía Bắc Nghệ An. Thượng nguồn sông Cả xuất hiện đợt lũ đặc biệt lớn, trung và hạ lưu sông Cả xuất hiện đợt lũ vừa từu 2,6 đến 4,8m. Tất cả các hồ đập thủy điện đều đồng loạt xả lũ.
Hậu quả, gần 1.000 hộ dân bị sập, cuốn trôi, sạt lở nặng...
Đến nay, công tác đền bù, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng do xả lũ từ năm 2018 vẫn chưa xong.
ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu chất vấn Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh (ảnh nhỏ) ngày 30/10/2018. Ảnh: Quang Khánh |
Trả lời chất vấn trước Quốc hội về thủy điện xả lũ, Bộ trưởng Công thương cho biết, 6 dự án trên sông Cả (sông Lam - PV) đã được đưa ra khỏi quy hoạch thủy điện nhỏ và vừa. Năm 2019, Chính phủ sẽ cố gắng để có 9.000 tỷ đồng triển khai vốn cho các địa phương còn thiếu điện, trong đó có các bản ở Nghệ An.
Bộ trưởng khẳng định, theo kế hoạch, đến 2020, toàn bộ các thôn, bản khó khăn trên cả nước sẽ được cấp điện từ lưới điện quốc gia, sử dụng nguồn vốn ngân sách TƯ trung hạn, vốn ODA, vốn viện trợ…
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu đề nghị dừng ngay các dự án thủy điện không đáp ứng yêu cầu thực tế. Mất rừng còn tái sinh rừng chứ xả lũ thì mất đất khó mà tái sinh được.
Tuyến quốc lộ 7A từ huyện Con Cuông lên huyện biên giới Kỳ Sơn nhiều năm qua luôn phải chứng kiến những cơn thịnh nộ từ nước dâng cao, ngập lụt, nhà cuốn trôi do xây dựng nhà máy thủy điện... |
Hình ảnh ‘ma trận thủy điện’ ở Nghệ An:
Nhà máy thủy điện Bản Vẽ xả lũ cuối tháng 8/2018. Ảnh: Quốc Huy |
Chủ tịch UBND xã Lượng Minh (huyện Tương Dương) Vi Văn Phúc nói về hơn 60 ngôi nhà bị sụp đổ khi thủy điện xả lũ... |
Nước lũ cuốn và làm đổ sập nhiều ngôi nhà tại xã Lượng Minh |
Nhiều nhà dân ở xã Xá Lượng (huyện Tương Dương) bị nước lũ cuốn trôi chưa được đền bù thỏa đáng, phải sống tạm |
Thủy điện Nậm Nơn và thủy điện Bản Vẽ nằm trên địa bàn xã Lượng Minh, nơi nhiều bản làng chưa có điện lưới |
Thủy điện Bản Vẽ từng xả lũ sập cầu, nước bất ngờ dâng cao khiến người dân nháo nhào ôm đồ chạy tháo lên núi cao lánh nạn... |
Nhà máy thủy điện Khe Bố nằm trên sông Lam (xã Tam Quang, huyện Tương Dương) |
Nhà máy thủy điện Khe Thơi ở xã Lạng Khê, huyện Con Cuông đang thi công |
Nhà máy thủy điện Chi Khê, xã Chi Khê, huyện Con Cuông nằm sát quốc lộ 7A ngăn dòng sông Lam |
Hệ thống nhà máy thủy điện chằng chịt nhưng hàng trăm bản làng ở Nghệ An và địa phương có nhà máy thủy điện vẫn chưa được sử dụng điện lưới. Người dân phải dùng đèn dầu, đốt củi và sử dụng thủy điện mi ni tự chế (ảnh nhỏ). Ảnh: Phạm Tâm |
Vietnamnet