MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

2 năm trước từng dự đoán Amazon sẽ là Napoleon bại trận ở Waterloo, Whole Foods giờ ngậm ngùi trở thành "bàn đạp" cho tham vọng của Jeff Bezos

17-06-2017 - 14:00 PM | Tài chính quốc tế

“Khách hàng muốn gì? Sự tiện lợi. Bạn sẽ chẳng thể đem đến sự tiện lợi với mạng lưới trung tâm phân phối và những chiếc xe tải mà Amazon đang có”, CEO John Mackey của Whole Foods từng nói.

Cách đây 2 năm, phát biểu tại 1 cuộc họp được tổ chức ở Austin, Texas, nhà sáng lập và cũng là đồng CEO của chuỗi bán lẻ thực phẩm Whole Foods – John Mackey – từng dự báo đối thủ Amazon.com sẽ “chết chắc” trong cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt trên thị trường bán lẻ thực phẩm. “Amazon Fresh chính là trận Waterloo của Amazon”, Mackey ví von. Là người nổi tiếng với niềm đam mê cuồng nhiệt với thực phẩm hữu cơ và vẻ tự tin hiếm có, người đứng đầu Whole Foods dám chắc rằng Amazon sẽ thất bại thảm hại như cách mà hoàng đế Napoleon đã thua trong trận chiến lịch sử. “Khách hàng muốn gì? Sự tiện lợi. Bạn sẽ chẳng thể đem đến sự tiện lợi với mạng lưới trung tâm phân phối và những chiếc xe tải mà Amazon đang có”.

Nhận định của Mackey đã đúng một phần: cách đây vài năm, Amazon nhận ra rằng chuỗi cung ứng mà hãng đã dùng để phân phối sách, đồ điện tử và những hàng hóa “cứng” khác không phù hợp với thực phẩm vốn là loại hàng hóa khó chiều hơn. Nếu vẫn duy trì cách làm cũ, Amazon sẽ không thể làm thỏa mãn những khách hàng luôn muốn tự tay chọn từng mớ rau hay quả táo thay vì vào đặt hàng trực tuyến. Trong suốt 1 thập kỷ qua, dịch vụ giao thực phẩm đến tận nhà Amazon Fresh là một trong những nỗi thất vọng hiếm có mà Amazon từng trải qua.

Nhưng Mackey đã sai lầm khi đánh giá quá thấp tính linh hoạt của Amazon cũng như cái đầu thông minh của CEO, đồng sáng lập Jeff Bezos. Hôm qua, Amazon khiến ngành bán lẻ “rung chuyển” khi bỏ ra 14 tỷ USD mua lại hãng bán lẻ thực phẩm 39 tuổi.

Thương vụ này khiến nhiều người (kể cả những người vẫn đang theo dõi sát ngành này) phải choáng váng trước tham vọng không giới hạn và ý chí sắt đá của Bezos – người hiện đang nằm ở vị trí giàu thứ hai thế giới. Nhưng thực ra thì mua lại Whole Foods chính là 1 bước tiến gần hơn nữa đến mục tiêu mà ông chủ Amazon đã đặt ra ngay từ đầu: xây dựng 1 công ty giao đến tận nhà khách hàng mọi thứ, với mức giá hợp lý nhất với thời gian ngắn nhất có thể.

Nhìn vào lịch sử của Amazon, ban đầu người ta sẽ có cảm giác Whole Foods là 1 lựa chọn không phù hợp. Chuỗi này có hơn 460 cửa hàng ở Mỹ, Anh và Canada, với những cửa sổ cần được lau chùi và đội ngũ nhân viên đông đảo cần quản lý. Trong quá khứ, những cửa hàng vật lý với mớ rắc rối khủng khiếp đi kèm là thứ mà Bezos ghét cay ghét đắng. Theo ông, chúng quá đắt đỏ, khó kiểm soát chi phí và rất cứng nhắc.

Bên cạnh đó, bản thân Whole Foods đang là 1 chuỗi bán lẻ kinh doanh bết bát với doanh thu đã sụt giảm 7 quý liên tiếp. Tồi tệ hơn, cuộc cách mạng thực phẩm hữu cơ mà Whole Foods dẫn đầu giờ đã bị chia năm xẻ bảy với sự tham gia của tất cả những ông lớn bán lẻ từ Wal-mart đến Kroger’s hay Sprouts Farmers Market, chưa kể đến những xe tải bán thực phẩm chờ sẵn trước cửa các tòa nhà văn phòng.

Whole Foods còn có biệt danh “Whole Paycheck” vì mức giá quá đắt đỏ khiến những khách hàng yêu thích hàng giảm giá thậm chí còn không muốn bước vào cửa hàng của nó. Và mới đây nhất, ở đây đã xảy ra 1 cuộc chiến nhỏ khi cổ đông chủ động Jana Partners muốn lật đổ Mackey, cho rằng ông này là “kẻ tham lam xấu xa”.

Nhưng có lẽ đối với Bezos, những điều kể trên không phải là trở ngại. Tại Mỹ, thị trường thực phẩm có quy mô vào khoảng 800 tỷ USD nhưng gần như chưa bị ảnh hưởng bởi làn sóng công nghệ và bản thân thị trường này cũng rất ngại thay đổi. Whole Foods đã là 1 thương hiệu có chỗ đứng vững chắc, có nhóm khách hàng trung thành là tầng lớp thu nhập cao khá phù hợp với phân khúc khách hàng mà Amazon đang phục vụ (đặc biệt là 80 triệu thuê bao Amazon Prime).

Trong vài năm trở lại đây, Amazon đã âm thầm đặt nền móng cho 1 thương vụ thâu tóm chuỗi bán lẻ truyền thống. Ở Seattle, hãng đang thử nghiệm một số quầy hàng tự chọn, nơi mà khách có thể đặt hàng online sau đó lấy hàng tại điểm nằm trên đường đi làm hoặc bất cứ điểm nào tiện đường. Cách đây mấy tháng, Amazon gây xôn xao khi chạy thử Amazon Go, cửa hàng hoàn toàn tự động, không cần đến thu ngân. Trong khi đó vài cửa hàng sách thông minh đã được mở ra ở New York, Chicago và Los Angeles, cho phép khách quét mã bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh để thanh toán mà không cần phải xếp hàng ở quầy thu ngân. Tất cả những công nghệ này giờ đây sẽ dần dần được tích hợp vào các cửa hàng của hệ thống Whole Foods, giúp giảm số lượng nhân viên, từ đó tăng lợi nhuận biên và cải thiện mối quan hệ với khách hàng.

Ở một vài thành phố, Amazon cũng đang cung cấp dịch vụ Amazon Restaurants giao bữa ăn sẵn đến tận nhà cho các thành viên Prime. Các bữa ăn chuẩn bị sẵn chiếm 20% hoạt động của Whole Foods. Amazon có thể giao sushi, bánh kẹp, bánh taco đến tận cửa. Về dài hạn, đây chính là cơ hội để Amazon cạnh tranh với các đối thủ như Wal-Mart và Uber Eats.

Sau khi lớn mạnh ở những mảng như kinh doanh sách, đồ điện tử và dịch vụ điện toán đám mây, Bezos ngày càng quan tâm đến việc tìm ra nguồn doanh thu mới để mở rộng hoạt động. “Marketplace, Prime và Amazon Web Services là 3 ý tưởng lớn mà chúng ta may mắn có được. Hãy tin rằng chúng tôi đang nỗ lực làm việc chăm chỉ để tìm ra ý tưởng thứ tư”, Bezos viết trong thư gửi cổ đông năm 2016.

Giờ đây thì ông đã công khai mục tiêu mới của Amazon: thực phẩm. Và nhà đầu tư cũng hoàn toàn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của cú đặt cược này: giá trị vốn hóa của Amazon đã tăng hơn 30 tỷ USD sau khi thông tin được tiết lộ.

Amazon vẫn giữ John Mackey làm CEO của Whole Foods, nhưng phố Wall đang trông cậy vào Bezos và tin rằng ông có thể biến thương vụ thâu tóm lớn nhất từ trước đến nay của “gã khổng lồ thương mại điện tử” thành một bữa ăn ngon.

Thu Hương

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên