2 nữ sinh viên sắp sang Nhật nhận lương 2.000 đô: Đó là mức lương rất bình thường!
Để có được mức thu nhập hơn 45 triệu đồng, Phương và Quý phải sang Nhật Bản làm việc. Với mức sống và chi tiêu đắt đỏ ở đó, cả hai đều cho rằng, đây là con số khởi điểm hết sức bình thường cho những sinh viên mới ra trường.
- 24-04-2017Phó hiệu trưởng ĐH Hoa Sen mặc quần đùi, áo thun trong giờ giảng bài: "Tôi mặc như vậy để dạy sinh viên tư duy sáng tạo!"
- 17-04-2017Cô gái Nam Định đoạt giải "Nữ sinh châu Á có điểm Vật lý cao nhất": Tại MIT, mình xác định đi từ con số 0 để tiếp tục cố gắng!
- 03-04-2017Nữ sinh Việt đạt học bổng 7 tỷ của Harvard nhờ viết bài luận về tên mình
Cánh cửa việc làm cùng mức lương dành cho sinh viên sau khi tốt nghiệp lâu nay vẫn luôn là chủ đề quan tâm của nhiều người. Xã hội càng phát triển, những câu chuyện sinh viên tìm thấy việc làm thu nhập nghìn đô/ tháng xuất hiện ngày càng nhiều.
Dù vậy, có vẻ như nhiều người vẫn tiếp tục hoài nghi về khả năng tìm thấy việc làm lương "khủng" của sinh viên. Trong khi nhiều người cho rằng đây là điều khó khăn, hiếm gặp hay thậm chí là hy hữu, nhiều bạn trẻ, những người đã thực sự giành được nó lại tự tin khẳng định, khởi điểm với mức lương cao không phải giấc mơ xa vời và họ có khả năng nắm bắt nó, ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường.
2.000 USD - mức lương khởi điểm dễ dàng đạt được tại Nhật Bản
Đó là trường hợp của 2 bạn sinh viên Nguyễn Thị Quý (ngành Tiên tiến Hóa học) và Đỗ Thị Phương (ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học) thuộc Khoa Hóa học, khóa K58, Trường ĐH Khoa học Tự Nhiên (Hà Nội). Cả 2 hiện là nữ sinh năm cuối và đến tháng 6 tới đây, họ mới chính thức tốt nghiệp ra trường. Tuy nhiên, ở thời điểm này, Quý và Phương đã nắm chắc trong tay cơ hội việc làm tại Nhật Bản với nhiều đãi ngộ hấp dẫn và mức lương khởi điểm là 2.000 USD – con số mơ ước của nhiều bạn trẻ.
Chân dung sinh viên Nguyễn Thị Quý.
Theo chia sẻ của 2 bạn, ở khoa Hóa học, ĐH KHTN, mỗi năm thường có nhiều tập đoàn, công ty; các trường đại học quốc tế đến tổ chức hội thảo giới thiệu việc làm hoặc tuyển dụng nhân sự. Vì thế, sinh viên ở đây sớm có điều kiện tiếp cận với các doanh nghiệp lớn. Nhiều bạn được nhà tuyển dụng để mắt phỏng vấn, hứa hẹn việc làm lương cao ngay sau khi ra trường.
Cơ hội việc làm thu nhập 2.000 USD của Quý và Phương cũng đến từ con đường như thế. Khi công ty hóa chất Kyowa (Nhật Bản) gửi thông tin tuyển dụng đến nhà trường, được sự động viên của các thầy cô, Quý và Phương đã mạnh dạn nộp CV phỏng vấn và trúng tuyển.
Chân dung sinh viên Đỗ Thị Phương
Để có mức thu nhập như trên, 2 nữ sinh này phải sang Nhật Bản làm việc. Với mức sống cao, số lương này không hề "khủng" như nhiều người vẫn nghĩ. Thậm chí, nó còn được xem là cột mốc khởi điểm của hầu hết sinh viên Nhật Bản mới tốt nghiệp.
"Hơn nữa, không có việc gì nhàn hạ mà có mức lương cao", Quý chia sẻ. Khi chấp nhận gạt qua những cơ hội khác để sang Nhật Bản, cống hiến sức lực cho công ty này, bản thân cô cũng nhận thấy phía trước luôn có nhiều khó khăn, thách thức. "Nhưng mình nghĩ, bất kì lựa chọn nào cũng sẽ tạo ra cơ hội để bạn rèn luyện, phát triển bản thân. Khi biết mình cần tôi luyện ở điểm gì, cho dù vấp phải khó khăn lớn, chúng ta đều có thể vượt qua", Quý chia sẻ.
Không chỉ đánh giá lương 2.000 USD/ tháng tại Nhật Bản là chuyện bình thường, hai nữ sinh này còn cho rằng, ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều bạn trẻ xuất sắc, năng động. Vì thế, con số 3.000 USD khi vừa mới tốt nghiệp không hề là giấc mộng giữa ban ngày mà đó là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.
Nhận được công việc lương cao so với nhiều người nhưng bản thân Quý và Phương lại không xem vấn đề hậu đãi này là yếu tố quan trọng hàng đầu. Đối với họ, môi trường làm việc và cơ hội được cống hiến, sống với đam mê của mình mới là yếu tố tiên quyết.
Phương chia sẻ, chỉ khi làm công việc yêu thích thì tự bản thân mỗi người mới có thể phát huy hết khả năng, không ngừng học hỏi để hoàn thiện hơn. "Đương nhiên lương là yếu tố quan trọng nhưng mình nghĩ ở đâu cũng vậy, các doanh nghiệp sẽ luôn trả lương tương xứng với hiệu quả công việc của từng ứng viên. Lương càng cao, tức nghĩa là môi trường làm việc ấy càng có nhiều thách thức để bạn rèn luyện, nỗ lực hơn".
Nhận lương cao từ doanh nghiệp ngoại quốc không hề khó như nhiều người vẫn tưởng
Nhiều người cho rằng để nhận lương "khủng" từ các doanh nghiệp nước ngoài là điều khá khó khăn và ứng viên phải thật sự nổi trội, vượt qua các yêu cầu khắt khe. Tuy nhiên, trường hợp của Quý và Phương lại chứng minh điều hoàn toàn ngược lại.
"Hiện tại, học lực của mình đạt loại giỏi với điểm tích lũy 3.3/4. Đây là con số không hề cao", Quý chia sẻ. Trong quá trình học tập tại trường, cô cũng không quá chú ý đến vấn đề điểm số mà luôn cố gắng trau dồi, tích lũy nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn.
Trong khi đó, Phương chia sẻ cô cũng không có phương pháp học tập gì đặc biệt. "Với mình, tư tưởng, cách nghĩ là điều quan trọng, nếu suy nghĩ bị bó hẹp lại thì dù có năng lực cũng không thể tiến xa".
Nói về kinh nghiệm lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng, Quý tâm sự, cô chỉ làm theo những điều mà ai cũng biết như: viết hồ sơ cẩn thận, khi phỏng vấn thì tự tin, dõng dạc, lịch sự và đối đáp chân thành với tất cả các câu hỏi được đưa ra.
Riêng Phương lại cho rằng, bên cạnh trình độ chuyên môn, nhà tuyển dụng còn quan tâm nhiều đến thái độ của các ứng viên. Vì thế, trong buổi phỏng vấn, sự chuẩn bị trước các câu trả lời về bản thân cùng các vấn để liên quan là điều rất quan trọng. Nó sẽ giúp ứng viên trở nên tự tin hơn và diễn đạt chính xác ý tưởng của mình.
Ngoài ra, theo cô, khi PV, ứng viên nên tỏ ra hiểu biết về công ty, chứng minh được với nhà tuyển dụng mình có đủ năng lực, luôn luôn sẵn sàng học hỏi để nâng cao kỹ năng chuyên môn.
Quý và các bạn của mình.
"Vì phỏng vấn là quá trình tiếp xúc trực tiếp nên việc xây dựng thiện cảm là vấn đề rất quan trọng. Ngoài ra, để làm việc cho doanh nghiệp ngoại quốc, ứng viên nhất định phải giỏi ngoại ngữ vì nếu có đủ các năng lực, thái độ tích cực, tinh thần ham học hỏi…nhưng mình không thể nói cho người ta hiểu được thì cũng không có ý nghĩa gì", Phương nói thêm.
Cả Quý và Phương đều cho rằng, trong quá trình tuyển dụng, phỏng vấn, nhà tuyển dụng không hề đưa ra các yêu cầu "trên trời". Những gì họ tìm kiếm ở các ứng viên rất đơn giản, thực tế.
"Để có thể tìm thấy công việc tốt, theo mình, sinh viên cần có 2 kỹ năng quan trọng: tìm kiếm, năm bắt cơ hội và khả năng giao tiếp, trả lời phỏng vấn. Quan trọng nhất là các bạn phải luôn tự tin, nghiêm túc với cơ hội trước mắt bởi vì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Đừng nghĩ cơ hội ấy quá tốt, quá khó mà nộp CV hay thể hiện bản thân một cách hời hợt", Quý chia sẻ.
Theo Trí Thức Trẻ