MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

20 năm qua, giới tỷ phú Mỹ đã làm những gì ở đấu trường kinh tế Việt Nam?

Có rất nhiều tín hiệu cho thấy một cánh cửa tương lai tốt đẹp hơn trong hợp tác đầu tư Việt - Mỹ đang được mở ra.

20 năm kể từ ngày bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam được cả hai phía đánh giá là chưa xứng với tiềm năng khi chỉ bằng 1/4 của Hàn Quốc và bằng 1/3 của Singapore.

Tuy nhiên, ngược dòng thời gian, nhìn lại 4 giai đoạn mà các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam có thể thấy một cánh cửa tương lai tốt đẹp trong hợp tác đầu tư Việt - Mỹ đang được mở ra.

Giai đoạn thứ nhất (1994 – 2001): Đây là thời điểm Mỹ bắt đầu bỏ cấm vận với Việt Nam và ký Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Mỹ.

Đầu tư của Mỹ vào Việt Nam giai đoạn này chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp nặng và dầu khí và các ngành dịch vụ. Hàng loạt tên tuổi tỷ phú hàng đầu của Mỹ đã trở lại đầu tư vào Việt Nam như Coca-Cola, PepsiCo, IBM, Cargill, Microsoft…

Điển hình là Coca-Cola. Hãng này có mặt tại Việt Nam lần đầu tiên năm 1960. Tuy nhiên, từ năm 1995 - 1998, lần lượt ba liên doanh của hãng mới được thành lập tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam.

Năm 2012, Coca-Cola tiếp tục rót 300 triệu USD vào Việt Nam, đưa tổng số vốn hãng này đầu tư vào thị trường trong 5 năm lên nửa tỷ USD.

Pepsico Việt Nam, đối thủ truyền kiếp của Coca-Cola - là một trong các công ty giải khát có vốn nước ngoài đầu tiên đặt chân tới Việt Nam.

Cũng giống Coca Cola, kể từ khi thành lập cho tới năm 2007, Pepsi cũng liên tục báo lỗ, kéo dài từ năm 1991 đến 2010 là 1.206 tỷ đồng.

Chính vì lỗ liên tục, cả Coca-Cola và Pepsico đều phải đối mặt với nghi án chuyển giá. Trong khi nghi án vẫn chưa có lời giải đáp, vào ngày 23/10/2012, Pepsi bất ngờ khi công bố sẽ bán cổ phần của công ty Pepsi Việt Nam cho công ty Suntory Holdings Ltd., một công ty đồ uống và thực phẩm dinh dưỡng tại Nhật Bản.

Giá trị của bản hợp đồng không được tiết lộ nhưng có thể lên tới hàng trăm triệu USD vì đến nay, PepsiCo đã rót hơn 500 triệu USD vào Việt Nam với 5 nhà máy sản xuất đồ uống và thực phẩm.

Thương vụ hoàn tất trong năm 2012 nhưng phải tới ngày 4/4/2013, liên doanh mới giữa PepsiCo, Inc (PepsiCo) và Suntory Holdings Limited mới chính thức hoạt động.

Đối với Microsoft, gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 1996, sau gần 20 năm hoạt động, Microsoft đã đầu tư hơn 80 triệu USD tại Việt Nam.

Năm 2014, Microsoft đã chuyển các nhà máy sản xuất điện thoại thông minh từ Trung Quốc sang Việt Nam, do chi phí nhân công tại Việt Nam rẻ hơn 50% so với Trung Quốc và mua lại Nokia. Tuy nhiên mới đây tập đoàn này lại quyết định bán mảng điện thoại feature phone cho Foxconn, Đài Loan.

Ngoài Coca-Cola, Pepsico, Microsoft... sau này còn nhiều thương hiệu nổi tiếng khác như Citigroup, Chevron, Ford, GE, AES, UPS… cũng đã thâm nhập thị trường Việt Nam.

Giai đoạn thứ hai (2001-2007): Việt Nam và Mỹ phát triển các mối quan hệ thương mại song phương.

Khi Việt Nam và Mỹ phát triển các mối quan hệ thương mại song phương, nhiều dòng thuế đã giảm mạnh từ 45% xuống còn 3%.

Tận dụng dòng thuế siêu rẻ này, dòng vốn FDI tăng trưởng mạnh trong các lĩnh vực mà Việt Nam có hàng xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt là các lĩnh vực thâm dụng lao động như may mặc, giày dép, chế biến gỗ và hàng nội thất.

Dòng vốn FDI đổ vào 3 lĩnh vực này chủ yếu là từ "các nhà máy đối tác" đặt tại Hàn Quốc, Hồng Kong, Đài Loan và Singapore.

Các công ty Mỹ đã tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng với việc mua và phân phối sản phẩm vào thị trường Mỹ, góp phần đưa thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ tăng từ mức 1,5 tỷ USD (năm 2001) lên 24,9 tỷ USD (năm 2012).

Giai đoạn thứ ba (2007 - 2012): Khi Việt Nam trở thành thành viên WTO.

Đầu tư của giới nhà giàu Mỹ vào Việt Nam cũng tăng trưởng mạnh hơn. Có thể kể đến như Tập đoàn công nghệ Intel (Mỹ).

Là một trong những tên tuổi đầu tiên rót vốn vào Việt Nam, hiện nay quy mô vốn của Intel đã lên tới tỷ USD. Được cấp phép hoạt động lần đầu tiên vào ngày 21/2/2006 dưới hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài, Intel có tổng vốn đầu tư ban đầu là 605 triệu USD, với vốn pháp định 106 triệu USD.

Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau, Tập đoàn này đã nâng vốn lên 1 tỷ USD. Khi đó, Intel được xem là tín hiệu khởi đầu cho sóng dự án tỷ USD vào Việt Nam.

Trong một lần chia sẻ với báo giới về định hướng phát triển của hãng trong năm 2016, hãng này cho biết Internet of Things được đánh giá là mảng quan trọng, hãng sẽ tập trung phát triển trong thời gian này.

Giai đoạn này cũng đánh dấu sự xuất hiện hàng loạt các công ty nhượng quyền thương mại của Mỹ tại Việt Nam như KFC, Burger King,… Một loạt doanh nghiệp lớn của Mỹ trong ngành ẩm thực, nhà hàng như Pollo Tropical, Dennys, Applebees, The Melting Pot, Great American Cookies… cũng đã đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội làm ăn.

KFC (Kentucky Fried Chicken) nổi tiếng khắp toàn cầu nhờ món gà rán, trụ sở chính tại Louisville – Kentucky (Mỹ) và đã có mặt tại hơn 100 quốc gia. Chuỗi cửa hàng này gia nhập Việt Nam từ năm 1997 và là một trong những đại gia bán lẻ vào thị trường trong nước sớm nhất.

Giai đoạn năm 2012, thị phần của KFC trong lĩnh vực đồ ăn nhanh tại Việt Nam lên tới 60%. Nhưng đến năm 2015, với sự xuất hiện của nhiều hãng đồ ăn nhanh, thị phần của KFC giàm xuống còn hơn 48%.

Hay như Burger King, gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2011, đối tác nhượng quyền của Burger King tại Việt Nam là Công ty TNHH Dịch vụ Thực phẩm và Giải khát Cánh Diều Xanh (BKV) – thành viên của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP). Hiện thương hiệu này có hơn 20 cửa hàng tại TP HCM và Hà Nội.

Giai đoạn thứ tư (bắt đầu từ năm 2013 đến nay): Làn sóng các công ty nhượng quyền thương hiệu Mỹ vào Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Các đại gia lớn nhất như Starbucks hay McDonald's cũng chính thức vào Việt Nam.

Starbucks - Thương hiệu cà phê lớn nhất thế giới bắt đầu xâm nhập thị trường Việt Nam với việc mở cửa hàng đầu tiên tại TP HCM vào đầu năm 2013 và Bắc tiến ra Hà Nội vào giữa năm 2014.

Sau hơn 3 năm vào Việt Nam, chuỗi cà phê danh tiếng này đã có gần 20 cửa hàng tại 2 đô thị lớn TPHCM và Hà Nội.

Tập đoàn McDonald's đang là chuỗi bán lẻ thức ăn nhanh lớn bậc nhất thế giới khi phục vụ tới 68 triệu khách mỗi ngày tại 119 quốc gia. Tại Việt Nam, chuỗi bán lẻ này được nhượng quyền vào năm 2013 và chính thức khai trưởng cửa hàng đầu tiên vào đầu năm 2014.

Mặc dù đặt mục tiêu 100 nhà hàng sau 10 năm vào Việt Nam, nhưng đến nay sau hơn 2 năm, số nhà hàng McDonald’s vẫn khá khiêm tốn, với chỉ 8 địa điểm ở TPHCM.

Nhiều công ty đầu tư Mỹ cũng đã rót dòng vốn gián tiếp vào Việt Nam. Ví như Quỹ đầu tư Mỹ KKR đã đầu tư 359 triệu USD vào Masan và Texas Pacific Group đầu tư 50 triệu USD vào Masan Agriculture nhằm nắm bắt cơ hội tại thị trường bán lẻ Việt Nam.

Đặc biệt giai đoạn sắp tới có thể được xem là giai đoạn thứ 5 với rất nhiều cơ hội đang rộng mở như đã nói ở trên khi VN đang tham gia vào nhiều FTA, đặc biệt với TPP sắp được ký kết.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ đang có kế hoạch chuyển phần lớn cơ sở sản xuất sang Việt Nam, như Nike, Mast, P&G, Microsoft, Intel, Apple …

Theo thống kê, của Bộ Kế hoạch và đầu tư, lũy kế đến tháng 6/2015, Mỹ đứng thứ 7 trong số các quốc gia và vũng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 748 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư là 11,08 tỷ USD.

Quy mô vốn bình quân một dự án của Mỹ là khoảng 15,42 triệu USD, cao hơn so với mức bình quân chung một dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 14,5 triệu USD/dự án.

Xét về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư Mỹ đã đầu tư vào 17/18 ngành kinh tế, trong đó vốn đầu tư tập trung vào lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh bất động sản.

“Việc Việt Nam chủ động tham gia TPP làm cho Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư Mỹ, khiến thị trường Việt Nam khác biệt so với các quốc gia khác tại khu vực ASEAN chưa phải là thành viên TPP. Vì vậy, Việt Nam có thể sẽ là sự lựa chọn ưu tiên của các công ty Mỹ có trụ sở tại Hồng Kông trong việc dịch chuyển đầu tư ra ngoài Trung Quốc”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.

Theo Thụy Du

CafeBiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên