2.000 người thanh tra mới phát hiện 1 vụ tham nhũng
Ông Vũ Văn Chiến - bí thư Đảng ủy, hiệu trưởng Trường cán bộ Thanh tra, Thanh tra Chính phủ, cho biết như vậy tại buổi tiếp xúc cử tri của người ứng cử ĐBQH của đơn vị bầu cử số 5 (Q.Phú Nhuận, Bình Thạnh) ngày 16-5.
- 11-05-2016Bí thư Đà Nẵng: Không có vùng cấm trong chống tham nhũng
- 11-05-2016Lập 7 đoàn kiểm tra chống tham nhũng tại 14 tỉnh
- 06-05-2016Thủ tướng muốn chống tham nhũng từ việc nhỏ nhất
Cử tri Mai Vong, Q.Bình Thạnh cho rằng vấn nạn chúng ta đã nói rất nhiều nhưng gần như 10 năm qua cảm giác không cải thiện được bao nhiêu. Nhận định các quy định xử lý tham nhũng vẫn còn nhiều lỗ hổng, cử tri Vong kỳ vọng ứng viên đắc cử làm sao lấp được lỗ hổng này.
Dân ngại tố tham nhũng vì sợ trả thù
Đặc biệt không chỉ xử lý những cá nhân cụ thể mà lấy khoản tiền thu hồi được để đầu tư giáo dục, khoa học, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Nhiều đại biểu khác cũng đề nghị các ứng viên cần quyết liệt hơn trong việc đề xuất các cơ chế chính sách cũng như giám sát vấn đề phòng chống tham nhũng.
Trao đổi lại với cử tri, ông Vũ Văn Chiến nhìn nhận một trong những nguyên nhân khiến công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn là do năng lực phát hiện tham nhũng của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, cơ quan điều tra còn hạn chế.
Dẫn chứng cho vấn đề này, ông Chiến cho biết: “Qua các vụ tham nhũng được phát hiện xử lý trong năm 2015, tính ra 2.000 thanh tra mới phát hiện một vụ tham nhũng. Đó là chưa kể công tác này còn nhiều rào cản, cơ chế chính sách chưa thật sự hỗ trợ, động viên người dân tham gia phòng chống tham nhũng. Cụ thể trong năm qua cả nước chỉ có 400 đơn thư phản ảnh phòng chống tham nhũng từ người dân, có thể người dân ngại, sợ trả thù…”.
Giám sát việc thi hành
Ông Chiến cũng cho rằng phòng chống tham nhũng là cuộc “đấu tranh” phức tạp, lâu dài, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân. Để từng bước đẩy lùi vấn nạn này phải tổng hòa các giải pháp từ phòng ngừa đến xử lý.
Trong đó ngoài hoàn thiện các quy định pháp luật, nâng cao năng lực bộ máy… thì cần phải công khai minh bạch mọi vấn đề, càng công khai, minh bạch thì tham nhũng không còn đất sống, đó cũng là cơ chế cho cả hệ thống chính trị, người dân cùng giám sát. Xử lý nghiêm tội tham nhũng nhưng cần thực hiện hiệu quả việc thu hồi tài sản tham nhũng.
Cử tri Trần Minh Phú, Q.Bình Thạnh phát biểu vấn đề tham nhũng tại hội nghị tiếp xúc cử tri ngày 16-5 - Ảnh: Q.Khải
Tham gia trao đổi với cử tri vấn đề này, ứng cử viên Trương Trọng Nghĩa - ủy viên Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư VN, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP, ủy viên Ban tư pháp Quốc hội, cho biết sẽ tham gia công tác xây dựng và giám sát việc thi hành; góp phần xây dựng bộ máy từ UBND và HĐND TP đến các quận huyện, phường xã trong sạch, vững mạnh.
Cụ thể kiến nghị xây dựng cơ chế đãi ngộ xứng đáng cho những người làm việc tại các cơ quan phường, xã.
“Được đãi ngộ xứng đáng mới giảm phiền hà, nhũng nhiễu, vòi vĩnh”, ông Nghĩa nhận định.
Tuổi trẻ