MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Việt Nam cần thay đổi khẩu hiệu yêu nước

Lâu nay, ở Việt Nam hay dùng khẩu hiệu đại loại “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” hoặc “Dùng hàng Việt là yêu nước”...

Những khẩu hiệu này đầy tính cực đoan. Kinh tế Việt Nam sẽ đi về đâu nếu nước nào cũng có khẩu hiệu tương tự, nghĩa là sẽ không xài hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam?

Và tại sao chỉ hô hào, kêu gọi, và chuyển giao 100% trọng trách yêu nước cho chỉ người tiêu dùng?

Trong một thế giới toàn cầu hoá, các đối tác thương mại đều phải cố gắng sao cho mức nhập siêu và xuất siêu giữa từng cặp quốc gia có quan hệ song phương đều ở mức hợp lý nhất có thể được. Có bán thì phải có mua để sự thương thảo thêm tốt đẹp.

Đã đến lúc phải có sự chuyển giao trọng trách yêu nước cho cộng đồng doanh nghiệp, những nơi mà thương hiệu đơn lẻ đang được nói đến nhiều, đầu tư rất nhiều, song chưa mang lại nhiều hiệu quả.

Khẩu hiệu của thời đại mới ở Việt Nam phải là “Sản xuất hàng hoá chất lượng cao cấp là yêu nước”, vì sẽ là vô lý nếu doanh nghiệp quan tâm đến thương hiệu, bảo vệ thương hiệu, quản lý thương hiệu, lo toan nhiều đến bản quyền và nhượng quyền… mà không xem chính sự sản xuất ra hàng hoá chất lượng cực cao tại doanh nghiệp mình là thể hiện lòng yêu nước và gia cố cho sự bền vững và phát triển của thương hiệu.

Cái đơn lẻ chỉ lo cho chính cái đơn lẻ ấy, và đó chính là lý do thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể vượt tầm quốc gia.

Vì vậy, “Sản xuất hàng hoá chất lượng cao cấp là yêu nước” cần phải là một slogan mới dưới sự tổ chức của Nhà nước.

Hàng hoá chất lượng cao được sản xuất theo quy trình hợp lý để có tính cạnh tranh cao hơn, sẽ hấp dẫn các thị trường khác; và dù cho dân Việt Nam có sính mua hàng ngoại nhập đi chăng nữa (để giúp cân bằng cán cân mậu dịch song phương hay đa phương với các nước sản xuất khác) thì việc xuất khẩu được khối lượng lớn và liên tục hàng hoá của các doanh nghiệp mới chính là lòng yêu nước và là trách nhiệm cũng như vai trò thực sự, thực tế, và gần như là duy nhất của doanh nghiệp.

Một khi không thể sản xuất hàng hoá chất lượng cao có tính cạnh tranh cao để chiếm lĩnh cho được thị trường thì chưa thể mạnh miệng nói đến vấn đề thương hiệu.

“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng cao cấp của Việt Nam”, “Doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp chỉ của chất lượng cao”, và “Sản xuất hàng hoá chất lượng cực cao là yêu nước” nên là những slogan mang tính chiến lược quốc gia nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đạt được giá trị thương hiệu đơn lẻ của họ trên con đường tắt.

Hàn Quốc có nhân vật Kim Sang Ok trong bộ phim nhiều tập Thương gia, người đã nhiều trăm năm trước tạo nên doanh giới đầu tiên của một môi trường xã hội vốn xem thương nhân thuộc hàng hạ đẳng.

Nhờ vậy, Hàn Quốc ngày nay có doanh giới hùng mạnh vang danh khắp châu lục. Việt Nam không có nhân vật lịch sử nào tầm cỡ như Kim Sang Ok, người từ Hàn Quốc tìm đường bộ qua bao núi non hiểm trở đến tận Tràng An thiết lập và đẩy mạnh giao thương mua bán hai chiều với Trung Quốc, chiếm thị phần rất lớn ở Trung Quốc, đem lợi nhuận dồi dào về cho đất nước.

Ông này không chỉ đóng thuế nhiều mà còn tự nguyện đóng góp thêm giúp triều đình củng cố quân đội đánh bại các thế lực ngoại xâm thời ấy.

Do đặc thù dân tộc tính, giới kinh doanh Việt Nam tuy thừa hưởng nhiều thuận lợi trong bối cảnh các nhà đầu tư và kinh doanh nước ngoài đổ xô vào Việt Nam; và trong thời toàn cầu hoá không còn những rào cản của địa lý và sự cấm vận, lại quen với cách hành xử quen thuộc là nêu khó khăn, chờ biện pháp giúp đỡ của Nhà nước; thay vì đề ra được một sách lược chi tiết của toàn doanh giới trình Chính phủ chấp thuận cho thực hiện.

Chính vì vậy, một quyết sách, một chủ trương cần thiết mang tính đổi mới tư duy về “lòng yêu nước” cần được Nhà nước quan tâm quyết định. Chỉ có như vậy, thương hiệu mới được phát huy sức mạnh từ cả học thuật lẫn thực tiễn, đặc biệt trong môi trường nội địa hoá.

Không thể mong chờ đất nước lâm vào cảnh lạm phát, kinh tế suy thoái, để cho rằng đó là thời cơ lên ngôi của hàng hoá tốt và thương hiệu tốt.

Cần nói với một tư duy mới rằng: hàng hoá sản xuất ra luôn có chất lượng cao, luôn có tính cạnh tranh cao, bảo đảm ngay cả khi nền kinh tế đất nước có lâm vào cảnh lạm phát hay suy thoái, doanh nghiệp vẫn trụ vững và có khả năng chủ động giúp nước nhà vượt qua khó khăn trong thời gian ngắn hơn.

Theo Hoàng Hữu Phước
SGTT

thanhtu

Trở lên trên