Quỹ đầu tư bắt đầu rút vốn khỏi Tường An
Tỷ lệ sở hữu của 2 quỹ đầu tư là Dragon Capital và Jaccar đã giảm xuống dưới 5% khi chốt danh sách dự họp ĐHCĐ bất thường của CTCP Dầu thực vật Tường An (TAC) vào ngày 10/9.
Hành động bán ra cổ phiếu TAC của 2 cổ đông lớn này đều được công bố công khai, nhưng ranh giới giữa việc bán bớt cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5% với việc rút toàn bộ vốn ra khỏi TAC là rất mong manh, bởi kể từ nay, 2 cổ đông này sẽ không phải công bố thông tin khi bán cổ phiếu TAC nữa.
Theo nguồn tin không chính thức, Dragon Capital đã bán hết cổ phiếu TAC đang nắm giữ. Còn Jaccar cho biết, khả năng bán tiếp hay không tùy thuộc sự thay đổi từ công ty mẹ của TAC là Vocarimex (sở hữu 51% vốn). Theo Jaccar, dù là cổ đông nhỏ cũng phải kiên quyết đấu tranh để thay đổi sự áp đặt "luật chơi" của Vocarimex tại TAC.
Luật chơi mà Vocarimex áp đặt tại
TAC thông qua 3 thành viên HĐQT làm đại diện là ban hành Quy chế thu mua nguyên
liệu, trong đó đối tác phải fax báo giá bán nguyên liệu đồng thời cho Tổng giám
đốc TAC và Chủ tịch HĐQT TAC (đồng thời là cấp lãnh đạo của Vocarimex).
Quy chế này không được 2 thành viên HĐQT TAC còn lại là bà Võ Huyền Lan và ông Vũ Hữu Điền, đại diện Quỹ Jaccar và Dragon Capital thông qua. Lý do là Quy chế không đảm bảo nguyên tắc bảo mật trong chào giá cạnh trạnh của nhà cung cấp nguyên liệu cho TAC. Vocarimex có lợi thế trong chào giá nên luôn trúng thầu cung cấp phần lớn nguyên liệu dầu cho TAC.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các hợp đồng ký giữa công ty con với công ty mẹ phải được 2 thành viên HĐQT độc lập với công ty mẹ thông qua nên ông Điền và bà Lan một năm phải họp HĐQT tới 80 lần để thông qua các hợp đồng TAC mua nguyên liệu của Vocarimex.
Về hình thức, việc mua nguyên liệu của TAC được hợp thức hóa đúng luật, nhưng hai thành viên HĐQT độc lập bị đặt vào tình thế nếu không phê duyệt hợp đồng thì không có dầu nguyên liệu cho nhà máy sản xuất, còn nếu phê duyệt thì không làm tròn trách nhiệm đại diện và bảo vệ quyền lợi của cổ đông. Bởi lẽ, Quy chế thu mua nguyên liệu (sửa đổi) không đảm bảo cho chào giá cạnh tranh thật sự. Bản Quy chế thu mua nguyên liệu mà 2 thành viên HĐQT độc lập nhất trí thông qua (bản quy chế trước khi bị sửa đổi) đã không được áp dụng.
Sau ĐHCĐ thường niên đầu năm 2008, việc các thành viên HĐQT đại diện Vocarimex không phê chuẩn bổ nhiệm Tổng giám đốc TAC (là người do chính họ bổ nhiệm trước đó) một lần nữa khiến các cổ đông bên ngoài bức xúc. Yêu cầu thay đổi Quy chế thu mua nguyên liệu, trao toàn quyền chủ động cho Tổng giám đốc trong thu mua nguyên liệu cũng không được đáp ứng… khiến 2 thành viên HĐQT độc lập lần lượt xin từ nhiệm.
Ba thành viên HĐQT còn lại bổ nhiệm thêm 2 thành viên mới là ông Dương Đức Tiến, Giám đốc Ban quản lý dự án và ông Huỳnh Văn Nhớ, Trưởng phòng Thiết bị TAC. HĐQT cũng bổ nhiệm bà Đặng Thị Thu, Phó tổng giám đốc làm Tổng giám đốc thay cho Tổng giám đốc cũ.
Theo Luật Doanh nghiệp và điều lệ Công ty, TAC phải tổ chức
ĐHCĐ bất thường để thông qua hai quyết định bổ nhiệm nói trên. Tại ĐHCĐ bất
thường, với 51% vốn điều lệ, tương đương 70,15% số phiếu tham dự, Vocarimex dễ
dàng thông qua hai quyết định bổ nhiệm.
Tỷ lệ phiếu tán thành là 75% và xấp xỉ 76%, chỉ cao hơn tỷ lệ phiếu mà Vocarimex nắm giữ một chút. Trong khi số phiếu không tán thành việc bầu 2 thành viên HĐQT và Tổng giám đốc có tỷ lệ lần lượt là hơn 16% số phiếu không tán thành và gần 8% số phiếu có ý kiến khác. Như vậy, đa số cổ đông bên ngoài đều không tán thành hoặc có ý kiến khác khi giơ lá phiếu biểu quyết, thể hiện sự không đồng thuận với ý chí của HĐQT.
Theo ông Khổng Văn Minh, đại diện cổ đông bên ngoài, 2 thành viên HĐQT mới sẽ không đảm bảo được tư cách độc lập với Vocarimex trong bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ, vì HĐQT hiện có 3 thành viên là người của Vocarimex chọn và bổ nhiệm. Việc 2 thành viên độc lập mới này phê duyệt các hợp đồng thu mua nguyên liệu của TAC từ Vocarimex sẽ chỉ là hình thức. Ông Minh cho rằng, ĐHCĐ cần có thời gian để các cổ đông nhỏ đề cử đại diện vào thành viên HĐQT, bảo vệ quyền lợi cho mình.
Ông Đoàn Tấn Nghiệp, Chủ tịch HĐQT TAC cho biết, nhóm cổ đông sở hữu 5% vốn có quyền cử đại diện vào HĐQT, nhưng đến thời điểm tổ chức ĐHCĐ bất thường, không còn cổ đông nào giữ trên 5% vốn.
Như vậy, nếu các cổ đông nhỏ của TAC không liên kết với nhau thì không thể đề cử đại diện vào HĐQT. Phản ứng trước tiên của cổ đông nhỏ là giơ lá phiếu không tán thành với quyết định của HĐQT, gồm toàn đại diện Vocarimex, cổ đông lớn ở TAC.
Theo Thu Hương
ĐTCK
CÙNG CHUYÊN MỤC
