MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ai bảo vệ nhà đầu tư, nếu CTCK phá sản?

Nếu CTCK phá sản thì ai sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi của NĐT khi tài sản (chứng khoán, tiền) của họ đang ký gửi tại CTCK?

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam mới đây đã đưa ra con số khiến không ít nhà đầu tư (NĐT) giật mình: trong tổng số 98 công ty chứng khoán (CTCK) được cấp phép hoạt động, khoảng 70 - 80% hoạt động cầm cự, phải cắt giảm nhân lực, thu hẹp địa bàn hoạt động.

Bấp bênh tài sản NĐT

Việc CTCK chần chừ chuyển tiền NĐT sang ngân hàng quản lý cho thấy mối lợi quá lớn từ việc "ghim" tiền của NĐT lại. Một ngân hàng được xem là đầu mối để các CTCK kết nối cho biết, đến nay mới có hơn chục CTCK chuyển tài khoản NĐT sang ngân hàng quản lý, nhưng việc kết nối chỉ mang tính đối phó.

Nếu Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) mạnh tay, họ sẽ làm triệt để, nếu không họ chỉ chuyển một phần, nhỏ giọt. Như vậy, bất chấp quy định của UBCK về hạn cuối cùng (ngày 1/10/2008) chuyển tiền sang ngân hàng quản lý, nhiều CTCK vẫn không thực hiện.

Về tiền thì như vậy, về chứng khoán thì sao? Bà Phương Hoàng Lan Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán (TTLK) cho biết, Việt Nam hiện áp dụng mô hình lưu ký hai cấp.

Theo mô hình này, NĐT mở tài khoản và lưu ký chứng khoán tại thành viên lưu ký (TVLK). Chứng khoán của NĐT sau đó được TVLK tái lưu ký tập trung tại TTLK trên tài khoản lưu ký tổng hợp của TVLK do TTLK mở cho từng TVLK.

Như vậy, TTLK không quản lý thông tin sở hữu chứng khoán chi tiết của từng NĐT, mà chỉ quản lý số dư tổng hợp khách hàng của TVLK. Do vậy, hiện nay chứng khoán của NĐT chỉ được lưu ký thông qua tài khoản tổng của CTCK mở tại TTLK, chứ không trực tiếp đến TTLK.

Rõ ràng, cả chứng khoán và tiền của NĐT đều chưa được quản lý một cách độc lập, minh bạch với tài sản của CTCK. Trong trường hợp rủi ro đến từ việc phá sản của CTCK, tài sản NĐT sẽ được đảm bảo ra sao?

Lỗ hổng

Theo Điều 71, Luật Chứng khoán, CTCK phải "mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán tại công ty hoặc trích lập quỹ bảo vệ NĐT để bồi thường thiệt hại cho NĐT do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên trong công ty".

Quyết định 27/2007/QĐ-BTC về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động CTCK quy định, khi chấm dứt hoạt động, CTCK phải có "phương án xử lý các hợp đồng đang còn hiệu lực, trong đó đảm bảo quyền lợi của NĐT".

Quy định thì như vậy, nhưng thực tế không có nhiều CTCK mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Điều này có nguyên nhân từ 2 phía. Đối với CTCK, phần lớn chưa nhận thức được đầy đủ về ý nghĩa cũng như không muốn tốn tiền mua bảo hiểm, nên không tham gia.

Phía công ty bảo hiểm cũng chưa mạnh dạn cung cấp dịch vụ này do ngại rủi ro và còn quá mới tại Việt Nam. Năm 2000, Bảo Việt đã có ý định cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các hoạt động trên TTCK Việt Nam.

Dự kiến, có 4 loại hình bảo hiểm được thực hiện, đó là bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm giám đốc và viên chức, bảo hiểm tổn thất về tài chính, bảo hiểm tội phạm máy tính và gian lận điện tử. Vì nhiều lý do, đến nay dịch vụ này vẫn chưa được Bảo Việt triển khai.

Vào đầu năm 2007, khi TTCK tăng trưởng nóng, Công ty Bảo hiểm Gras Savoye Willis Vietnam đã triển khai một số sản phẩm bảo hiểm chứng khoán. Doanh nghiệp này giới thiệu 3 nghiệp vụ bảo hiểm.

Thứ nhất là bảo hiểm tổng hợp bảo vệ hoạt động hàng ngày của CTCK như: mất chứng từ trong quá trình vận chuyển, bị mất cắp giấy tờ, tài sản, do bị phá hoại...

Thứ hai là bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm cho CTCK khi nhân viên của họ làm sai nghiệp vụ, đầu tư không đúng theo yêu cầu của khách hàng, giao dịch không đúng quy định, sử dụng tài khoản của khách hàng để trục lợi, tư vấn sai lệch…

Thứ ba là bảo hiểm dành cho cán bộ điều hành CTCK trước những quyết định đầu tư, quản lý của họ… Theo Gras Savoye Willis Vietnam, nhiều quỹ đầu tư hoạt động tại Việt Nam như VinaCapital, Dragon Capital, Mekong Capital, Indochina Capital… đều đã sử dụng loại hình bảo hiểm này, trong khi số lượng CTCK tham gia vẫn quá ít.

Hiện chỉ có 1 CTCK tham gia mua bảo hiểm của công ty bảo hiểm nói trên được 1 năm, nhưng tới đây CTCK này cũng chấm dứt do điều khoản bảo hiểm quá chặt chẽ. Có những lỗi xảy ra phổ biến thì không được bảo hiểm, trong khi tổn thất được bảo hiểm lại ít khi xảy ra.

Theo giám đốc CTCK này, việc mua bảo hiểm là tự nguyện, vì phần lớn CTCK khác không mua nhưng đến nay cũng không bị xử phạt gì.

Như vậy, mặc dù quy định trong luật đã rõ, CTCK phải mua bảo hiểm nghiệp vụ, nhưng việc không tuân thủ quy định này đang diễn ra phổ biến. Hiện cũng chưa có quy định cụ thể nào nếu CTCK phá sản (nhưng không mua bảo hiểm) làm thất thoát tài sản của NĐT thì sẽ xử lý ra sao?

Cơ quan nào đứng ra bảo vệ NĐT? Đây rõ ràng là một lỗ hổng pháp lý cần sớm khỏa lấp. Về phía NĐT cũng nên tìm đến CTCK tuân thủ pháp luật tốt, tài chính lành mạnh để mở tài khoản giao dịch nhằm tránh rủi ro cho mình.

Theo Đông Hải
ĐTCK

thanhtu

Trở lên trên