MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SCIC thoái vốn không ảnh hưởng đến cung hàng

Trong quý IV này, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) bán vốn nhà nước tại 144 CTCP.

Động thái này khiến một số NĐT lo ngại thị trường sẽ tăng cung một cách đáng kể, trong khi lực cầu chưa mấy mạnh mẽ.

Trao đổi với báo giới, ông Trần Văn Tá, Tổng giám đốc SCIC cho biết, phương thức bán cổ phần của những DN này hoàn toàn không tác động đến cung - cầu trên thị trường và tiến trình này nhằm mục đích tối đa hóa lợi ích vốn nhà nước.

SCIC đang triển khai kế hoạch bán vốn nhà nước tại 144 CTCP. Xin ông cho biết, tiến độ thực hiện kế hoạch này?

Hiện SCIC đang phối hợp chặt chẽ với một số CTCK đã được lựa chọn thông qua đấu thầu và các DN thuộc diện bán vốn nhà nước để đẩy nhanh tiến độ xác định giá khởi điểm, xây dựng bản cáo bạch và quy chế đấu giá.

Trên cơ sở đó, SCIC sẽ tổ chức bán đấu giá công khai tại DN hoặc qua TTCK tập trung. Tính đến hết tháng 10, SCIC đã bán thành công phần vốn nhà nước tại 14 DN, thu về hơn 23 tỷ đồng.

Đối với các DN còn lại, một số đã xác định xong giá khởi điểm, chuẩn bị đưa ra bán đấu giá công khai.

Mục tiêu của SCIC khi thực hiện việc này là nhằm tái cơ cấu danh mục vốn đầu tư của Nhà nước tại các DN theo hướng: tinh giản về số lượng, nâng cao về chất lượng, đảm bảo vị thế của kinh tế nhà nước tại những lĩnh vực, địa bàn quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với nền kinh tế.

Ưu tiên hàng đầu là bán vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần hoặc cổ phần chi phối.

Theo ông, việc thoái vốn của SCIC được đưa ra vào lúc TTCK đang yếu như hiện nay có phải là thời điểm thích hợp?

Với tư cách là một nhà đầu tư, đặc biệt là một tổ chức đầu tư của Chính phủ, SCIC luôn theo sát diễn biến của thị trường để lựa chọn thời điểm thích hợp nhằm tiến hành bán vốn nhà nước theo phương châm: bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, đồng thời góp phần duy trì sự ổn định và bền vững của TTCK.

Trong điều kiện hiện nay, khi thị trường đang có nhiều biến động phức tạp, SCIC chủ trương hạn chế bán cổ phiếu của các DN đang niêm yết.

Do đó, toàn bộ 144 DN mà SCIC chủ trương bán vốn trong đợt này đều là những DN chưa niêm yết, có quy mô vốn nhỏ và không thuộc những ngành kinh tế trọng yếu mà Nhà nước phải nắm giữ. Mặt khác, chúng tôi chủ động điều tiết thời điểm, khối lượng và giá chào bán một cách hợp lý.

Nói cách khác, việc bán vốn nhà nước của SCIC sẽ không có tác động đáng kể đến quan hệ cung - cầu trên TTCK.

Bên cạnh đó, vào thời điểm hiện nay, đối tượng người mua mà chúng tôi hướng tới chủ yếu là các đối tác, bạn hàng của DN và người lao động tại chính DN nhằm khuyến khích họ gắn bó với công ty, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.

SCIC đã có đề xuất với Chính phủ về việc điều chỉnh phương thức bán vốn, trong đó cho phép bán thỏa thuận. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Như đã nói ở trên, chủ trương của SCIC là đẩy nhanh tốc độ bán vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phẩn.

Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, nếu chỉ áp dụng một hình thức duy nhất là đấu giá công khai như quy định hiện hành thì sẽ không đảm bảo tiến độ và nhiều trường hợp không khả thi, nhất là trong bối cảnh TTCK đang gặp khó khăn như hiện nay.

Đối với SCIC, việc bán vốn nhà nước tại DN phải đáp ứng hai yêu cầu: đảm bảo hiệu quả kinh tế cho phần vốn nhà nước và DN có được nhà đầu tư phù hợp để đứng vững và phát triển.

Đề xuất đa dạng hóa các phương thức bán vốn nhà nước tại DN thuộc danh mục đầu tư của SCIC được Bộ Tài chính đệ trình Thủ tướng Chính phủ và đã được chấp thuận trên nguyên tắc.

Chúng tôi hy vọng, các cơ quan chức năng sẽ sớm hoàn tất hướng dẫn cụ thể để đưa chủ trương trên vào cuộc sống, góp phần tạo ra bước đột phá trong công tác thoái vốn nhà nước tại DN sau cổ phần hóa.

Sau khi thoái vốn thành công, phần tiền thu được sẽ được sử dụng như thế nào, thưa ông?

Với nhiệm vụ là nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ, số tiền thu về từ việc bán vốn nhà nước tại DN sẽ được SCIC sử dụng để tái đầu tư vào các DN mà Nhà nước cần nắm giữ cổ phần và đầu tư vào các dự án mới trong những ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Mới đây, SCIC đã chủ động làm việc với Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đồng thời đã có đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ xin phép đầu tư vào các dự án sản xuất điện do EVN làm chủ đầu tư dưới hình thức mua lại cổ phần của EVN tại các dự án điện đang triển khai và các dự án đã đi vào khai thác.

Mục đích của phương thức hợp tác đầu tư này là nhằm đảm bảo tỷ trọng chi phối của Nhà nước trong một số dự án điện trọng điểm và chia sẻ gánh nặng với EVN trong việc đảm bảo huy động đủ vốn cho các dự án cấp bách khác.

Ngoài ra, SCIC đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) trong việc đầu tư vào một số dự án trọng điểm như dự án xây dựng và khai thác Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hòa) và cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện).

Theo Anh Việt
ĐTCK

thanhtu

Trở lên trên