Góc khuất của “làn sóng” chia cổ tức 2008
Để chi trả được mức cổ tức như đã công bố, sẽ có doanh nghiệp phải bán đi một số tài sản tài chính, thậm chí sử dụng cả nguồn vốn vay.
Chính sách cổ tức nào hợp lý?
Nếu công ty sản xuất kinh doanh có lãi thì phần lợi nhuận sau thuế được chia làm 2 phần: trả cổ tức và đầu tư hoặc mở rộng sản xuất. Câu hỏi đặt ra là mỗi phần chiếm tỷ lệ bao nhiêu, ưu tiên trả cổ tức cho cổ đông hay dành nhiều hơn cho cơ hội đầu tư?
Theo CTCK Kim Eng, chính sách cổ tức phụ thuộc vào một số yếu tố của công ty: lượng tiền mặt sẵn có; cơ hội tái đầu tư; cơ cấu cổ đông và mức vay nợ…
Trước khi quyết định trả cổ tức bằng tiền mặt, công ty niêm yết phải có đủ lượng tiền mặt từ hoạt động sản xuất - kinh doanh để chi trả cổ tức. Nếu không, việc trả cổ tức dù gửi đi thông điệp về triển vọng tích cực của công ty, đáp ứng sự mong mỏi của cổ đông, cuối cùng cũng phải đánh đổi bằng việc công ty phải vay mượn nhiều hơn và gánh chịu các chi phí tài chính cao hơn trong tương lai.
Theo thông lệ, công ty có thu nhập cao nhưng kém ổn định thường có tỷ lệ chi trả cổ tức thấp hơn công ty có thu nhập ổn định. Một công ty tăng trưởng cao nhưng có thể có tỷ lệ trả cổ tức thấp, vì công ty giữ lại phần lớn lợi nhuận để tái đầu tư vào các dự án tiềm năng.
Việc chi trả cổ tức cao bằng tiền mặt có thể là tín hiệu cho thấy, nhiều công ty không có các dự án đầu tư mở rộng. Một yếu tố quan trọng khác thúc đẩy doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt cao hiện nay là chính sách thuế đánh vào hoạt động kinh doanh chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1/1/2009.
Bộ phận phân tích của CTCK Vincom trong một báo cáo đánh giá về xu hướng trả cổ tức của các công ty niêm yết cũng nêu một số lo ngại. Trong điều kiện thị trường tài chính bất ổn như hiện nay, việc huy động vốn ngắn và trung hạn là không hề dễ. Việc các doanh nghiệp chạy đua trả cổ tức bằng tiền mặt ở mức cao có thể ảnh hưởng đến nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh trong thời gian tới.
Báo cáo tài chính quý III cho thấy, nhiều doanh nghiệp có chỉ số nợ/vốn chủ sở hữu trên 150%, nhưng vẫn tạm ứng cổ tức năm 2008 bằng tiền mặt với tỷ lệ cao. Các doanh nghiệp này khi cần vốn để tài trợ cho hoạt động của mình sẽ phải tìm đến nguồn vốn vay có chi phí cao hơn và do vậy sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận bền vững của doanh nghiệp.
Phân tích của CTCK Vincom chỉ ra, để chi trả được mức cổ tức như đã công bố, sẽ có doanh nghiệp phải bán đi một số tài sản tài chính, thậm chí sử dụng cả nguồn vốn vay trong lúc chưa thu hết được tiền phải thu từ khách hàng…
CTCP May Phú Thịnh - Nhà Bè (NPS) bất ngờ công bố tỷ lệ tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt năm 2008 lên tới 40% mệnh giá. Sau thông tin này, tính đến 25/11, NPS đã có phiên tăng trần thứ 8 liêp tiếp.
CTCP Khoáng sản Bình Định (BMC) hôm 28/11 lại chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức đợt 3 với tỷ lệ 10%, nâng mức tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt năm 2008 lên tới 30% ngay sau khi thanh toán cổ tức đợt 2 cho cổ đông vào ngày 19/11. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) sau khi tạm ứng cổ tức đợt 1 lên tới 25%, dự kiến trả cổ tức đợt 2/2008 thêm 15%. Cổ phiếu ngành cao su và thủy sản có mức chi trả cổ tức khá cao, dù tình hình sản xuất năm 2009 của 2 ngành đặt ra nhiều mối lo. CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) công bố trả cổ tức đợt 1/2008 lên tới 25% mệnh giá; CTCP XNK Cửu Long An Giang (ACL) qua 2 đợt chi trả, tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt đã lên tới 35%; ACL còn dự định trả tiếp 25% sau khi đã trả 35% cổ tức, CTCP XNK Bến Tre (ABT) sẽ trả cổ tức đợt 3 vào ngày 25/12 tới với tỷ lệ 10%, nâng mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt cả năm 2008 lên 40%. CTCP Containe Việt Nam (VSC) xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc trả cổ tức năm 2008 với tỷ lệ lên tới 50%. Trong tháng còn lại của năm 2008, dự báo làn sóng trả cổ tức bằng tiền mặt sớm với tỷ lệ cao sẽ còn tiếp tục lan rộng. |
Đầu tư Chứng khoán