MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lật lại những “cú sốc” tỷ giá

28-03-2009 - 15:02 PM | Tài chính - ngân hàng

Những cú sốc ấy thực ra đã âm ỉ hình thành trên thị trường từ lâu nhưng không được thể hiện đầy đủ trên giá niêm yết tại các ngân hàng.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giữa VND với USD tăng từ mức +/-3% lên mức +/-5%, có hiệu lực kể từ ngày 24/3/2009, đã có khá nhiều bài viết phân tích về những tác động tích cực của quyết định trên.

Những “bức xúc” trên thị trường về tỷ giá tạm thời được giải tỏa, nhưng với những gì đã diễn ra trong hơn một năm trở lại đây, có lẽ đã đến lúc để tìm một cơ chế điều hành tỷ giá theo một cách thức khác hơn.

Trong năm 2008 và đầu năm 2009, thị trường ngoại tệ chứng kiến nhiều cú sốc. Những cú sốc ấy thực ra đã âm ỉ hình thành trên thị trường từ lâu nhưng không được thể hiện đầy đủ trên giá niêm yết tại các ngân hàng.

Khi NHNN tăng mạnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng hoặc nới biên độ tỷ giá, giá niêm yết của các ngân hàng mới được cởi trói và phản ánh đúng giá thị trường. Qua đây, cũng có thể thấy các quyết định của NHNN luôn theo sau thị trường, hầu hết các phản ứng chỉ mang tính chất ứng phó ngắn hạn, điều này đang dẫn đến nhiều nguy cơ cho nền kinh tế.

Đầu tiên là nguy cơ mất niềm tin vào đồng nội tệ. Sẽ thật khó thuyết phục người dân và doanh nghiệp giữ VND khi NHNN tỏ ra không thực sự điều tiết được thị trường mà đơn giản chỉ là điều chỉnh chính sách theo thị trường và liên tục có những cú sốc.

Thứ hai, cách thức điều tiết tỷ giá hiện nay vô tình đang khuyến khích thị trường chợ đen phát triển. Điều này sẽ làm giảm hiệu lực của các chính sách tiền tệ. Sự tồn tại của thị trường chợ đen ở Việt Nam dường như là một điều hiển nhiên. Ít ai đặt câu hỏi vì sao thị trường chợ đen tồn tại.

Đứng trên góc độ xem xét tính không hợp lý của việc điều hành tỷ giá hiện nay, người viết cho rằng, chừng nào giá niêm yết tại các ngân hàng còn chưa phản ánh đúng cung - cầu, chừng nào người dân còn chưa tin tưởng vào đồng nội tệ thì chừng đó thị trường tự do còn đất để tồn tại.

Vì sao lại như vậy? Thời gian qua, các ngân hàng thực sự “khát” USD. Nhưng do bị hạn chế giá trần theo quy định của NHNN, các ngân hàng không thể mua USD với giá cao hơn. Người dân khi có USD thì không bán cho ngân hàng vì giá mua thấp, mà bán ở thị trường tự do.

Do kỳ vọng USD sẽ tăng nên dù không có nhu cầu thanh toán USD, không ít người vẫn mua USD để tích trữ. Người ta sẽ không thể thực hiện được điều này nếu mua USD ở ngân hàng, vì ngân hàng sẽ chỉ bán USD khi khách hàng chứng minh được mục sử dụng USD theo quy định của pháp luật.

Với những diễn biến hiện nay trên thị trường ngoại tệ, có vẻ những kỳ vọng của giới đầu cơ USD đang dần trở thành hiện thực. Vậy chẳng có lý do gì mà thị trường tự do lại không tiếp tục tồn tại và phát triển.

Thứ ba, với cơ chế điều hành hiện tại, NHNN một cách gián tiếp đang khuyến khích hoạt động lách luật. Thời gian qua, do phải bán cho khách hàng theo giá trần trong khi không mua được USD trong biên độ cho phép, các ngân hàng buộc phải có 2 lựa chọn: Chấp nhận lỗ hoặc bán cho khách hàng vượt trần bằng cách lách luật thông qua việc sử dụng các công cụ phái sinh.

Ngay sau khi NHNN tăng biên độ, tỷ giá mua niêm yết của đa số các ngân hàng là 17.600 VND/USD. Mức giá này cao hơn mức giá trần của ngày 23/3/2009 tới 111 VND/USD.

Tức là nếu ngày 23/3/2009, ngân hàng bán cho khách hàng 1 triệu USD với giá 17.489 VND/USD theo đúng quy định của NHNN thì chỉ qua một đêm dù có mua được 1 triệu USD để bù đắp thì ngân hàng cũng đã lỗ 111 triệu VND. Như vậy, phần thiệt thòi đang thuộc về những ngân hàng không lách luật. Điều này thực sự có công bằng?

Thứ tư, việc thay đổi tỷ giá liên ngân hàng, hay như mới đây là nới biên độ tỷ giá khiến người ta đặt câu hỏi liệu cách hành động như vậy có thực sự minh bạch và có thể dự đoán?

Đây là vấn đề rất quan trọng đối với các doanh nghiệp trong xây dựng phương án kinh doanh và đầu tư. Sẽ thật khó cho các doanh nghiệp để họ xoay xở khi chỉ cách đây vài ngày người ta vẫn nhận được những lời khẳng định từ NHNN là không phá giá đồng VND.

Nhưng với việc nới biên độ như hiện nay liệu có phải là phá giá? Cứ cho rằng, đó không phải là sự phá giá thì đó có phải là một cú sốc quá lớn khi ngày hôm trước tỷ giá còn đang là 17.489 VND/USD thì hôm sau họ phải mua với giá 17.825 VND/USD (lấy tỷ giá niêm yết của Vietcombank vào cuối ngày 24/3/2009 làm ví dụ).

Chính điều này đang làm cho môi trường kinh doanh của Việt Nam xấu đi xét ở một khía cạnh nào đó. Người ta thường lập luận rằng, khi VND giảm giá so với USD sẽ khuyến khích đầu tư nước ngoài.

Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng, chẳng có nhà đầu tư nước ngoài nào thu lợi nhuận bằng VND mà không đổi thành USD để chuyển về nước. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ được lợi bao nhiêu khi tỷ giá cứ liên tục có những cú sốc như hiện nay?

Qua những phân tích ở trên có thể thấy, việc điều hành tỷ giá của NHNN thời gian qua còn rất nhiều vấn đề phải bàn. Đành rằng, việc để VND giảm giá là khó tránh khỏi nhưng có lẽ cần phải thực hiện theo một cách khác, chứ không thể vẫn mãi cứ là tăng đột ngột tỷ giá liên ngân hàng hoặc nới biên độ.

Tại sao NHNN không tăng dần dần tỷ giá bình quân liên ngân hàng thay vì kìm giữ nó để rồi lại phải lựa chọn cách làm cũ? Có lẽ NHNN không muốn thể hiện một xu hướng đi lên rõ ràng của tỷ giá bình quân liên ngân hàng nhằm hạn chế tâm lý đầu cơ ngoại tệ. Nhưng thực tế cho thấy, cách làm đó có ngăn chặn được tâm lý này không hay chỉ tạo nên những cú sốc? Câu trả lời xin dành cho NHNN.

Theo Đặng Khánh Duy
ĐTCK

khanhhoa

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên