MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kẻ thắng, người thua sau hội nghị thượng đỉnh G20

03-04-2009 - 13:06 PM | Tài chính quốc tế

IMF, Mỹ, Pháp, Đức và nước ủng hộ thương mại tự do chiến thắng trong hội nghị G20. Thế nhưng cũng có không ít kẻ bại trận sau hội nghị.

Hội nghị thượng đỉnh G20 kết thúc với cam kết của Tống thống Obama về việc nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Ai là kẻ bại trận sau hội nghị này? Đó chính là những “cao bồi” trên thị trường tài chính.

 

Tổng thống Obama trả lời phỏng vấn báo giới sau khi Hội nghị thượng đỉnh G20 kết thúc : “Mọi chuyện đều ổn.”

 

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cảm thấy hài lòng và Thủ tướng Pháp cho biết ông chưa bao giờ tin rằng hội nghị thượng đỉnh G20 lại thành công đến thế.

 

Thông thường, nhà lãnh đạo các nền kinh tế lớn trên thế giới sau hội nghị thượng đỉnh không bao giờ tuyên bố rằng họ đã làm được cái họ muốn. Điều này nhiều khi đúng. Tại London lần này, không khí sau buổi họp hết sức bình an, dễ chịu bởi đó là cái kết có hậu cho nhiều tuần tranh cãi về những vấn đề từ kế hoạch cứu kinh tế cho đến việc thắt chặt điều tiết thị trường tài chính toàn cầu.

 

Sau cuộc họp, ít nhất mỗi người đều hài lòng vì đã làm được một điều gì đó. Vậy kẻ thắng, người thua tại hội nghị thượng đỉnh G20 là ai?

 

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) chiến thắng vang dội nhất

 

Nguồn tiền cho quỹ tăng từ 250 tỷ USD lên 750 tỷ USD. Trước khi khủng hoảng tài chính thế giới thật sự gây chấn động thế giới, không ai muốn vay tiền của quỹ này và uy tín của quỹ vì thế cũng đi xuống.

 

Tuy nhiên, trong khủng hoảng, IMF được coi như một “đấng cứu thế” của các nước lớn nhỏ, đặc biệt là những nước nào chịu ảnh hưởng chủ yếu từ bên ngoài. Latvia, Iceland, Hungary, và Ukraina và chuẩn bị có cả Mêhicô sẽ vay tiền của quỹ.

 

Có thêm tiền đồng nghĩa với sẽ phải chấp nhận một số thay đổi. IMF sẽ phải từ bỏ những điều kiện hết sức ngặt nghèo đi kèm các khoản vay trước đây. Thủ tướng Ấn Độ hết sức hài lòng về việc này : “Chúng tôi rất vui mừng khi điều kiện cho vay đã được nới lỏng.”

 

Trong vài năm tới, cấu trúc của IMF có thể sẽ thay đổi để tiếng nói của những nước như Trung Quốc hay Ấn Độ thêm trọng lượng.

 

Ai là người chiến thắng?

 

Mỹ

 

Mỹ đã không thể thuyết phục Đức và nhiều nước châu Âu khác tăng tiền cho các kế hoạch cứu kinh tế. Thế nhưng với số tiền khổng lồ được rót vào kinh tế thế giới thông qua số tiền 750 tỷ USD vào IMF, ngoài ra là 250 tỷ USD vào Ngân hàng Thế giới và một số ngân hàng phát triẻn khác, Mỹ hẳn cũng cảm thấy hài lòng.

 

Để đổi lại, Mỹ ủng hộ Đức và Pháp trong nỗ lực quản lý sát sao hơn các quỹ đầu cơ, đưa ra chính sách mạnh tay đối với hành vi trốn thuế và ủng hộ đối với hệ thống tài chính được điều tiết toàn cầu và tập trung – điều mà bao lâu nay các nước châu Âu mong muốn.

 

Pháp và Đức

 

Họ hết sức hài lòng bởi yêu cầu về thể chế của họ đã được đáp ứng, đặc biệt là yêu cầu về thuế. Tổng thống Pháp nhận xét : “Cuối cùng họ cũng nhận ra rằng mọi chuyện cần phải thay đổi.”

 

Những nước ủng hộ tự do thương mại

 

Trong nhóm này có Canada và Úc. Hai nước này và nhiều nước khác hết sức lo ngại về việc bảo hộ trên toàn cầu ngày một tăng cao, trong đó mới nhất có thể kể đến điều khoản “Buy American” trong kế hoạch 787 tỷ USD của Mỹ.

 

Họ hài lòng bởi G20 đã không chỉ đưa ra những cam kết về tự do thương mại – nhưng cam kết mà cuối cùng đã bị phá vỡ, nhà lãnh đạo các nền kinh tế lớn trên thế giới cam kết với Tổ chức thương mại thế giới (WTO) để kiểm soát những gì đang diễn ra trên thế giới và thông báo cụ thể về những hành vi nào là không thể chấp nhận được.

 

Thủ tướng Anh Gordon Brown

 

Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy ông không được lòng người dân Anh, việc kêu gọi nhà lãnh đạo trên thế giới và tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh G20 cũng khiến uy tín của ông có phần cải thiện. Tuy nhiên điều này nhiều khả năng sẽ vẫn là không đủ để ông có thể đắc cử.

 

Lãnh đạo các nền kinh tế thuộc G20 thừa nhận những thỏa thuận mới đạt được không thể ngay lập tức vực dậy nền kinh tế thế giới hay giải quyết những vấn đề ngày một nhiều của các ngân hàng. Để hồi phục, kinh tế thế giới phải mất cả một quá trình và họ dự kiến sẽ tiếp tục nhóm họp vào mùa thu năm nay để xem xét về tiến độ và kết quả thực hiện các biện pháp.

 

Có vẻ như không ai thua thiệt sau hội nghị thượng đỉnh G20, thực tế không đẹp đẽ như vậy.

 

Ai là kẻ thua cuộc?

 

Người đứng đầu ngân hàng, tổ chức tài chính

 

Những nhà tài phiệt tài chính và nhiều giám đốc điều hành khác, người đã ra đi để lại hàng loạt khoản thua lỗ cho ngân hàng hay công ty họ sẽ chịu nhiều ảnh hưởng nhất.

  

G20 sẽ thắt chặt quản lý các khoản lương thưởng của đội ngũ điều hành, lương thưởng của họ sẽ gắn liền với mức tăng trưởng dài hạn của công ty/ngân hàng/tổ chức đó. Chế độ luật mới sẽ được áp dụng đặc biệt chặt chẽ đối với các ngân hàng, ngăn tối đa rủi ro trong các hoạt động mà giám đốc điều hành mạo hiểm.

 
Nhà đầu tư tại các thị trường không chính thức sẽ phải chịu thiệt nhiều nhất. Theo chương trình cải tổ khung điều tiết mới, đòn bẩy sẽ được quản lý chặt chẽ hơn tại các công ty tài chính.
 
 

Ngọc Diệp

Theo CNN

ngocdiep

Trở lên trên