MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng lại thiếu đô la Mỹ

13-04-2009 - 16:51 PM | Tài chính - ngân hàng

Các L/C ngắn hạn thường từ 20 ngày đến 1 tháng, và hiện nay đã bắt đầu tới hạn nên nhu cầu đô la Mỹ đồng loạt tăng lên tại các ngân hàng.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới biên độ tỷ giá từ 3% lên 5% vào ngày 24-3, tình trạng căng thẳng về đô la Mỹ của các ngân hàng cũng chỉ được giải quyết trong vòng gần nửa tháng và hiện nay đã lại rơi vào trạng thái khan hiếm ngoại tệ này như trước.

Các ngân hàng cổ phần chỉ duy trì được giá mua đô la Mỹ thấp hơn giá bán từ 24-3 đến những ngày đầu tháng 4, sau đó tình trạng giá mua bằng giá bán đã được lặp lại, như trước khi biên độ tỷ giá được nới rộng.

Từ ngày 8-4, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam đã niêm yết giá mua và giá bán đô la Mỹ bằng nhau và ở mức giá trần cho phép bởi NHNN; giá niêm yết hôm 13-4 là 17.785 đồng, tức tăng hết biên độ +5% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng.

Các ngân hàng cho biết, thị trường mua bán đô la Mỹ liên ngân hàng gần như đóng băng khi chỉ có lệnh chào mua mà không có lệnh bán.

Giám đốc kinh doanh ngoại hối của một ngân hàng (không muốn nêu tên) cho biết trên thị trường liên ngân hàng sáng nay (13-4) có ngân hàng chào mua đô la Mỹ với giá 17.950 đồng, vượt mức giá trần quy định nhưng vẫn chẳng có lệnh bán nào đáp lại; trong khi NHNN hiện chỉ đáp ứng ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng thiết yếu như xăng dầu.

“Thị trường gần như đóng băng khi nguồn cung và cầu ngoại tệ quá chênh lệch”, vị giám đốc này nói.

Theo ông, khi biên độ tỷ giá được nới lỏng và thanh khoản ngoại tệ của các ngân hàng được cải thiện, các doanh nghiệp nhập khẩu nghĩ sẽ có thể mua ngoại tệ được dễ dàng hơn nên đã bắt đầu ký các hợp đồng nhập khẩu nguyên vật liệu lớn.

“Các L/C ngắn hạn thường từ 20 ngày đến 1 tháng, và hiện nay đã bắt đầu tới hạn nên nhu cầu đô la Mỹ đồng loạt tăng lên tại các ngân hàng dẫn tới tình trạng khan hiếm đô la hiện nay”, ông nói.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Tổng hợp NHNN chi nhánh TPHCM, trong buổi gặp doanh nghiệp tuần trước đã giải thích việc mất cân đối cung cầu ngoại tệ là do các doanh nghiệp xuất khẩu hiện chỉ thích gửi ngoại tệ vào ngân hàng để lấy lãi chứ không bán cho ngân hàng vì sợ sau này khó mua lại khi có nhu cầu.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lại không chịu vay ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu vì sợ rủi ro tỷ giá, dẫn tới các ngân hàng hiện đang dư thừa nguồn ngoại tệ huy động và khan hiếm nguồn ngoại tệ để bán lại cho các doanh nghiệp có nhu cầu.

Ông dẫn chứng trong ba tháng đầu năm, tổng huy động của các ngân hàng trên địa bàn TPHCM tăng 4,4% so với cuối năm 2008, trong khi đó tiền gửi ngoại tệ tăng đến 11,5% còn dư nợ bằng ngoại tệ chỉ tăng 0,79%.

Theo NHNN, dư nợ cho vay đến cuối quí 1 năm 2009 của các tổ chức tín dụng ước tăng 2,67% so với cuối năm 2008. Trong đó, cho vay bằng đồng Việt Nam ước tăng 3,9% trong khi dư nợ bằng ngoại tệ (chủ yếu là đô la Mỹ) ước giảm 2,24%.

Tuy nhiên, các ngân hàng không thể lấy nguồn ngoại tệ huy động để đem bán cho doanh nghiệp.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, tình trạng căng thẳng tương tự đã diễn ra và biện pháp của NHNN là sử dụng công cụ kết hối (ép buộc các doanh nghiệp xuất khẩu bán ngoại tệ cho ngân hàng), nhưng sau đó dần dần được dỡ bỏ vì đi ngược lại với các cam kết quốc tế. Gần đây, trên thị trường đã có xuất hiện tin đồn về việc biện pháp này sẽ được áp dụng lại.

Vị giám đốc kinh doanh ngoại hối của ngân hàng vừa nêu trên cũng cho biết, nếu tình trạng này tiếp diễn và không có công cụ nào để ngân hàng mua bán ngoại tệ hợp pháp theo đúng cung cầu thì có thể các ngân hàng sẽ yêu cầu khách hàng của mình chuyển sang mở các L/C nhập khẩu dưới một ngoại tệ khác mà không bị neo tỷ giá.

Sáng ngày 13-4, giá đô la Mỹ trên thị trường tự do là 17.900 đồng mua vào và 18.050 đồng bán ra. Những ngày cuối tuần trước, giá đô la cũng đã giao dịch quanh mức 18.000 đồng.

Theo T.Triều
TBKTSG

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên