MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam chi 8 tỷ USD cho kích cầu

Trước câu hỏi của nhà đầu tư nước ngoài về đối sách với đà suy giảm kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam sử dụng 8 tỷ USD cho gói kích cầu.

Chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Diễn đàn đầu tư Việt Nam toàn cầu tại Hong Kong và đối thoại với nhà đầu tư nước ngoài tại 6 điểm cầu, gồm Hà Nội, TP HCM, London, Geneva, Singapore và Tokyo.

Đây là dịp người đứng đầu Chính phủ trao đổi với giới đầu tư về tình hình kinh tế Việt Nam, cũng như giải đáp những câu hỏi về đối sách của Chính phủ trước tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu.

Trong số 8 tỷ USD để kích thích kinh tế, Việt Nam đã sử dụng khoảng 1 tỷ USD để bù 4% lãi suất ngân hàng, nhằm giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất; miễn, giảm, giãn thuế, đặc biệt là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Dự báo trong năm nay, chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam sẽ chỉ khoảng 6%. Hiện tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp đại chúng niêm yết và chưa niêm yết đều là 49%.

Tại diễn đàn, tốc độ tăng trưởng GDP hay việc phân bổ gói kích cầu như thế nào không thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư bằng phản ứng của Việt Nam trước các thách thức của suy thoái toàn cầu và cải cách kinh tế.

Một đại diện của cộng đồng doanh nghiệp tại TP HCM đặt vấn đề về những dấu hiệu căng thẳng về ngoại tệ trong thời gian gần đây tại các ngân hàng. "Thủ tướng có thể bình luận về tình trạng Việt Nam thiếu đôla và cho biết các biện pháp Chính phủ sẽ tiến hành để giải quyết ?", vị doanh nhân này nêu câu hỏi.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, cán cân thương mại của Việt Nam trong thời gian qua được duy trì khá tốt, với thặng dư 1,7 tỷ USD và hiện dự trữ ngoại hối ở mức an toàn.

Ông không nêu con số dự trữ ngoại hối, song cho biết: "Chúng tôi có khả năng cung cấp ngoại tệ để đảm bảo nhu cầu nhập khẩu trong 20 tuần. Với biên độ tỷ giá 5%, những biến động hiện vẫn an toàn, và khả năng thanh toán của Việt Nam hiện tốt hơn trước".

Sau câu trả lời của Thủ tướng, ông Lito Camacho, Phó chủ tịch Credit Suisse cho rằng, các nhà đầu tư đều có thể yên tâm, vì người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng từng làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Trong năm 2008, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 11 tỷ USD, dù tổng vốn đăng ký là 64 tỷ USD. Việt Nam xuất siêu 1,7 tỷ USD trong quý I năm nay, trong đó hoạt động tái xuất vàng và đá quý mang về 2,3 tỷ USD.

Nguồn vốn để giúp nền kinh duy trì đà tăng trưởng được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Đại diện Ngân hàng Credit Suisse tại London muốn biết Việt Nam sẽ huy động vốn từ những nguồn nào, trong bối cảnh suy thoái. Trong khi đó, đại diện JETRO cũng đặt câu hỏi về khả năng hiện đại hóa công nghệ, khi nguồn vốn FDI suy giảm.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam có kế hoạch huy động vốn đầu tư từ nước ngoài vào các lĩnh vực hạ hạ tầng, với tỷ lệ vốn trong nước và nước ngoài lần lượt chiếm 60% và 40% tổng vốn đầu tư xã hội.

"Theo kinh nghiệm của Việt Nam trong những năm qua, đây là tỷ lệ phù hợp", ông nhận định. Mặt khác, Chính phủ sẽ bảo lãnh cho các doanh nghiệp huy động vốn cho đầu tư cơ bản của doanh nghiệp từ thị trường nước ngoài, thông qua phát hành trái phiếu.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết thêm, Việt Nam cũng sẽ tận dụng nguồn vốn ODA từ các nhà tài trợ song phương và đa phương. Cùng với đó là các khoản vay IDRB của Ngân hàng Thế giới dành cho các nước có thu nhập trung bình và vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Theo Ngọc Châu
Vnexpress

thanhtu

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên