MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường thanh khoản, nhiều tổ chức bán ra cổ phiếu

Có lẽ, bất lợi từ quy mô của một danh mục đầu tư lớn đã khiến nhiều tổ chức phải hành động dứt khoát khi thị trường tăng điểm, tăng tính thanh khoản.

Ngày 14/4, khi VN-Index đạt 347,07 điểm, đỉnh tạm thời của đợt phục hồi ngắn hạn vừa qua, cũng là lúc Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) - Chi nhánh TP. HCM "xuống tay" bán toàn bộ 126.000 cổ phiếu PPC đang nắm giữ, dù thời gian đăng ký bán kéo dài 1 năm kể từ ngày 13/4/2009.

Theo số liệu đã công bố, trong hai tháng qua, PVFC còn là tổ chức trong nước đã thực hiện bán ra mạnh nhất với một danh mục khá rộng: bán KHA, giảm tỷ lệ sở hữu từ 6,12% xuống 4,99%; bán DIC, giảm tỷ lệ sở hữu từ 9,69% xuống 8,21%; bán HBC, giảm tỷ lệ sở hữu từ 15,33% xuống 14,69%...

Đi đầu và năng động trong việc cơ cấu lại danh mục đầu tư khi thị trường tăng điểm và tăng tính thanh khoản có lẽ là khối CTCK.

CTCK Bảo Việt đã bán ra gần 2,6 triệu/11,8 triệu chứng chỉ quỹ VFMVF4; bán toàn bộ cổ phiếu FBT đang nắm giữ; bán 300.000 cổ phiếu MCV, giảm tỷ lệ sở hữu từ 8,71% xuống 4,35%.

Tương tự, CTCK SSI đã bán 360.000 cổ phiếu VST, giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,4% xuống 4,5%; CTCK Sacombank bán hơn 160.000 cổ phiếu HLA, giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,26% xuống 4,4%...

Trong ngày 10/4, Ngân hàng Sacombank bán ra hơn 2,5 triệu cổ phiếu LSS, giảm tỷ lệ sở hữu từ 9,22% xuống 0,7%.

Không chỉ các tổ chức đầu tư, ngân hàng, CTCK, mà đại diện sở hữu nhà nước tại một số công ty niêm yết cũng thực hiện thoái vốn khi thị trường tăng điểm.

Chẳng hạn, Tổng công ty Xây dựng và Phát triển Hạ tầng (Licogi) - đơn vị đại diện phần vốn nhà nước tại CTCP Licogi 16 (LCG) đã giảm tỷ lệ sở hữu LCG từ 11,65% xuống 5,03% trong tháng qua và tiếp tục đăng ký bán thêm 200.000 cổ phiếu LCG trong vài tháng tới, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 3,53%.

Đối với các nhà ĐTNN, hoạt động giao dịch của họ trong thời gian qua có vẻ lép vế so với các NĐT nội, nhưng vẫn gây được sự chú ý.

Tuần trước, một số tổ chức đầu tư nước ngoài đồng loạt công bố hoàn thành nhiều giao dịch: Rickluck International Limited công bố đã bán 859.000 cổ phiếu ITA vào cuối tháng 3, đầu tháng 4; Vietnam Investment Limited công bố đã giảm tỷ lệ sở hữu LCG từ 5,35% xuống 1,68%, giảm tỷ lệ sở hữu DTT từ 5,83% xuống 4,48%; VOF Invesment Limited - quỹ lớn nhất do VinaCapital quản lý, công bố đã giảm tỷ lệ sở hữu PNC từ 7,95% xuống 6,43%...

Có lẽ, bất lợi từ quy mô của một danh mục đầu tư lớn đã khiến nhiều tổ chức phải hành động dứt khoát khi thị trường tăng điểm, tăng tính thanh khoản. Nhưng hành động này còn xuất phát từ sự thiếu ổn định của TTCK Việt Nam.

Khi thị trường đi xuống trong tháng 1 và tháng 2, tính thanh khoản giảm mạnh, giá trị giao dịch trên cả hai sàn nhiều phiên chỉ đạt 20 triệu USD, bằng 1/5 giá trị giao dịch trung bình khi thị trường tăng điểm trở lại như giai đoạn vừa qua. Thanh khoản của thị trường được cải thiện là cơ hội để các tổ chức thanh lý hoặc tái cơ cấu danh mục.

Hiện tại, một số tổ chức đầu tư nước ngoài tiếp tục đăng ký bán ra cổ phiếu với khối lượng khá lớn, kể cả các blue-chip như: VOF Investment Limited đăng ký bán 4 triệu cổ phiếu trong số hơn 10 triệu cổ phiếu HPG đang sở hữu; Grinling International Limited và Balestrand Limited - hai cổ đông ngoại của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG) đăng ký bán 6 triệu cổ phiếu VCG trong vòng 1 tháng, kể từ ngày 20/4. Bên cạnh đó, Ngân hàng Viecombank - cổ đông sáng lập của PV Drilling (PVD) đăng ký bán gần 1 triệu cổ phiếu PVD...

Nhìn lại năm ngoái, đoạn cuối chu kỳ tăng điểm của VN-Index vào tháng 8/2008 cũng đã chứng kiến các giao dịch tương tự. Đằng sau động thái giao dịch của các tổ chức đầu tư là gì?

Theo thông báo chung từ hầu hết các tổ chức, mục đích bán ra chỉ là để tái cơ cấu. Điều này có lý nếu nhìn vào danh mục bán ra của tổ chức. Những cổ phiếu nhỏ hay cổ phiếu các ngành vận tải biển, tài chính, nguyên liệu…, những ngành được nhận định sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì lợi nhuận trong năm 2009 bị bán ra mạnh nhất.

Động thái này càng rõ nét hơn với các quỹ đầu tư nước ngoài mà vừa công bố bán ra, vừa công bố mua vào các cổ phiếu khác nhau, như Kitmc Worldwide VietNam RSP Balance Fund bán 420.000 cổ phiếu RAL, giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,93% xuống 2,28%, nhưng mua hơn 300.000 cổ phiếu TDH, nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 6%.

Tuy nhiên, tái cơ cấu không phải là lý do duy nhất. Đằng sau động thái bán ra của nhiều tổ chức còn thấy thấp thoáng mục đích đầu cơ: CTCK Sacombank sau khi nhận chuyển nhượng 1 triệu cổ phiếu HLA từ Ngân hàng Sacombank ngày 3/4 đã bán ra một phần trong số đó chỉ sau 10 ngày nắm giữ; Deutsche Bank liên tục bán ra, mua vào cổ phiếu DHG khiến tỷ lệ sở hữu cổ phiếu này luôn xoay quanh mốc 5% (động thái giao dịch này lặp đi lặp lại trong sáu tháng qua)… Vòng quay tiền - cổ phiếu đang được không ít tổ chức đầu tư xoay vòng nhanh hơn!

Theo ông Louis Nguyễn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Saigon Asset Management (SAM), giá nhiều loại cổ phiếu đã tăng quá nhanh trong một thời gian ngắn.

Sự tăng giá này vượt dự tính của nhiều quỹ, trong đó có SAM, nên Quỹ đã ngừng mua vào. Trong mắt nhiều NĐT cá nhân, các loại cổ phiếu hàng đầu vẫn rẻ khi giá chỉ bằng 1/3 đến 1/2 so với cách đây 1 năm, nhưng khả năng sinh lời của cổ phiếu trong tương lai mới là thước đo mức độ đắt rẻ của cổ phiếu. Trong bức tranh nhiều gam màu sáng tối lẫn lộn như hiện nay, sự thủ thế của nhiều quỹ đầu tư là cần thiết.

Theo Giang Thanh
ĐTCK

thanhtu

Trở lên trên