MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc: Chưa kịp giàu đã vội... già

02-05-2009 - 09:59 AM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc dường như không để ý đến một thách thức chưa từng có trên thế giới đang xảy ra trên đất nước này: một quốc gia bị già nua trước khi kịp trở thành một nước giàu.

Các chuyên gia lo ngại rằng Bắc Kinh chưa chuẩn bị đủ để đối phó với sự lão hoá tốc độ cao đang diễn ra trong nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này.

Theo dự báo của Liên hiệp quốc, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc sẽ đạt mức cao nhất vào năm 2015, nhưng sau đó sẽ giảm 23% vào năm 2050. Đến lúc đó, sẽ có 438 triệu người Trung Quốc trên 60 tuổi, tức chiếm 61% dân số, trong khi trong năm 2005, tỷ lệ này chỉ là 16%.

Chưa có tiền hưu đã toan về già

Một báo cáo gần đây của trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS), có trụ sở ở Washington, D.C, cho biết các nước phát triển ngày nay đều là những nước có nguồn phúc lợi dồi dào trước khi họ “già”.

Trong khi đó, Trung Quốc đã toan về già, dù vẫn là một nước nghèo, cần có thời gian tích luỹ của cải để bảo đảm chế độ hưu bổng được thực hiện một cách toàn diện.

Hiện nay, chỉ 31% lực lượng lao động Trung Quốc, chủ yếu trong khu vực nhà nước, đang nhận lương hưu của chính phủ. Trong khi đó, phần lớn lao động trong khu vực tư nhân và một số lượng lớn lao động nhập cư không có lương hưu. Thậm chí ở các vùng nông thôn, lương hưu hầu như không tồn tại.

CSIS cho biết sau 30 năm cải tổ ở Trung Quốc, mức tăng trưởng của lực lượng lao động đã giúp tăng 1,8% GDP hằng năm. Nhưng ngược lại, đến thập niên 2030, sự thu hẹp dân số trong độ tuổi lao động sẽ lấy đi 0,7% tăng trưởng GDP mỗi năm ở nước này.

Nhiều cuộc phản đối gần đây tại Trung Quốc một phần phát sinh từ việc chậm thanh toán lương hưu. CSIS cho rằng nếu Trung Quốc không có chính sách hữu hiệu, sự ổn định xã hội – một trong những yếu tố sống còn của một đất nước – cuối cùng sẽ bị suy yếu. Và đến lúc đó thì “không chỉ khủng hoảng lương hưu, mà một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội rộng lớn hơn sẽ đe doạ tương lai của Trung Quốc”.

Theo các nhà kinh tế học, sự “lão hoá” nhanh của lực lượng lao động còn đe doạ vai trò thống lĩnh của Trung Quốc trong sản xuất hàng hoá giá rẻ, vì sự già đi đó sẽ làm tăng chi phí lao động.

Thiếu cô dâu còn lâu mới kích cầu

Cùng với thử thách về chính sách hưu bổng, Trung Quốc còn phải đối mặt với vấn đề hóc búa khác về nhân khẩu học, đó là sự mất cân đối tỷ lệ giới tính kéo dài, khiến cho nam giới sẽ nhiều hơn hẳn so với phụ nữ trong những năm tới.

Một nghiên cứu mới công bố trên tập san Y học Anh Quốc (BMJ) cho thấy rằng trong lứa tuổi 20 tại Trung Quốc, nam nhiều hơn nữ đến 32,7 triệu người.

Ông Stuart Leckie, chủ tịch Stirling Finance, một công ty tư vấn hưu bổng của Hong Kong, nói: “Trong các xã hội có nam giới chiếm đa số thường xảy ra hai khả năng: hoặc là di cư hoặc là xung đột với nhau. Nhưng ở Trung Quốc thì mức chênh lệch nam – nữ quá lớn nên không thể giải quyết vấn đề bằng biện pháp di cư được. Vì thế, rõ ràng đây sẽ là một vấn đề xã hội thực sự tại nước này”.

Theo nghiên cứu của tổng công ty Vốn quốc tế Trung Quốc (CICC), các tỉnh có sự mất cân đối nam – nữ lớn thường có mức chi tiêu dùng thấp hơn, vì các bậc cha mẹ phải để dành tiền giúp con trai mua nhà sớm và trang trải chi phí cưới hỏi trong cuộc cạnh tranh để tìm vợ ở các vùng nông thôn hiếm con gái.

CSIS kết luận: “Với một chế độ hưu bổng chưa toàn diện, một nước Trung Quốc trẻ, có nền kinh tế nông thôn giữ vai trò chủ đạo và những gia đình đông đúc, vẫn còn có thể xoay xở được, nhưng một nước Trung Quốc già với những gia đình đang thu hẹp thì không thể trụ vững”.

Theo Trúc Thịnh
SGTT

thanhtu

Trở lên trên